Cô giáo người Cơ Tu tri ân bản làng
10 năm tuổi nghề, cô giáo Trần Thị Bích Thu, GV Trường Mầm non Hòa Bắc ( huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có đến 9 năm “cắm bản” ở thôn Tà Lang. Cô được chọn là đại sứ Chương trình “Điều ước cho em”.
Cô giáo Trần Thị Bích Thu có nhiều sáng kiến trong việc đưa văn hóa của đồng bào Cơ Tu vào lớp học.
Yêu nghề mới được làm nghề
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 45km, thôn Tà Lang tập trung chủ yếu là người đồng bào Cơ Tu sinh sống. Đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, trắc trở. Cô Trần Thị Bích Thu (33 tuổi) kể: “25 năm trước, thôn mình không có một người nào học lên cao. Thầy cô giáo đều là GV người Kinh lên “cắm bản”. Phải yêu nghề lắm mới có thể trụ lại được ở vùng đất còn quá nhiều khó khăn, cách biệt này”.
Ngay từ bé, mỗi ngày đến trường, với cô bé Thu, đều là mỗi ngày háo hức, say mê với những chân trời kiến thức mới lạ. “ Sao các thầy cô giáo giỏi thế, sao giáo viên người Kinh họ làm được mà người dân tộc Cơ Tu mình không làm được, câu hỏi đó cứ trăn trở mãi trong tôi dù khi đó tôi còn bé xíu. Tôi ao ước ấp ủ trong lòng rằng mình sẽ được như các thầy cô để về dạy lại chính con em người đồng bào mình” – cô Thu chia sẻ.
Cô giáo Trần Thị Bích Thu (GV Trường Mầm non Hòa Bắc, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)
Tốt nghiệp THPT, hoàn cảnh gia đình còn quá nhiều khó khăn, Thu gác lại những ước mơ nghề nghiệp để lo kinh tế cho gia đình. Thế nhưng, ý chí mạnh mẽ, bản tính kiên cường, ước mơ sôi sục đã thúc đẩy cô gái Cơ Tu giàu nghị lực về phố thi và học Trung cấp sư phạm (ĐH sư phạm – ĐH Đà Nẵng).
Để có tiền trang trải cuộc sống, học tập, cô nữ sinh người Cơ Tu phải sắp xếp thời gian để vừa học vừa làm thêm nhiều công việc khác nhau. Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non, được tuyển dụng vào ngành năm 2010, cô giáo Trần Thị Bích Thu có một năm đầu tập sự tại điểm trường thôn Phò Nam rồi sau đó được phân công đứng điểm tại thôn Tà Lang cho đến nay.
Phụ trách lớp mẫu giáo 5-6 tuổi, cô Thu chia sẻ: “100% trẻ tại lớp là người dân tộc Cơ Tu, khi đi học trẻ phải học tiếng Việt và văn hóa của người Kinh nên tâm lý của trẻ sẽ bị căng thẳng, sợ sệt khi phải đối diện với văn hóa và ngôn ngữ mới. Tôi rất khó khăn trong việc tiếp cận cũng như chăm sóc trẻ”.
Để mỗi ngày đến trường của trẻ đều là những ngày vui
Video đang HOT
Bản thân là người đồng bào Cơ Tu tôi luôn suy nghĩ tìm tòi, mình sẽ làm gì đó để trẻ có cảm giác an toàn cân bằng thoải mái khi đến lớp. Và việc đầu tiên tôi nghĩ đó là “Đưa văn hóa của người Cơ tu vào trong trường học”.
Mô hình “nhà Rông thu nhỏ mang đậm bản sắc văn hóa đã được cô Thu đề xuất với ban giám hiệu đưa vào nhà trường. Trong nhà Rông trang trí hội tụ tất cả dụng cụ, hình ảnh, trang phục của người đồng bào Cơ Tu để cho trẻ khám phá, trải nghiệm, cho trẻ chơi, mang lại hiệu quả rất cao trên trẻ, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho trẻ Cơ Tu.
Trẻ rất thích thú, vui vẻ tham gia khám phá và điều này tạo cho trẻ suy nghĩ “Dù đi học phải học tiếng Việt và văn hóa người Kinh, nhưng văn hóa Cơ tu cũng luôn đồng hành cùng trẻ mọi lúc mọi nơi”.
Cô giáo Thu tổ chức nhiều hoạt động dạy học để giúp trẻ là HS con em đồng bào Cơ Tu tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt, có vốn từ phong phú để học tốt ở bậc Tiểu học
Cô Thu đã áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp để trẻ Cơ Tu mạnh dạn tự tin sử dụng Tiếng Việt để giao tiếp. Trước hết, cô Thu xác định mức độ biết tiếng Việt của từng trẻ để chia nhóm và xây dựng kế hoạch phù hợp với từng trẻ.
Cô Thu cũng phiên dịch tất cả chủ đề từ tiếng Cơ Tu sang tiếng Việt; để trẻ tham gia các sự kiện, lễ hội tại địa phương, tại trường nhằm tạo sự mạnh dạn, tự tin cho trẻ. “Mọi hoạt động phải lấy trẻ làm trung tâm, luôn phát huy khả năng của từng trẻ; đồng thời dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi. Chỉ khi biết tiếng Việt thì trẻ mới có thể hiểu và học được” – cô Thu chia sẻ.
Đặc biệt, cô Thu đã đề xuất với nhà trường tổ chức thành công lễ hội “Phiên chợ vùng cao” tại khu vực Giàn Bí cho trẻ là đồng bào Cơ Tu và trẻ các khu vực khác về tham gia. Trẻ tham gia lễ hội được giao lưu thể hiện những điệu nhảy tân tung da dá, nhảy sạp, hát những bài hát người Cơ Tu. Buôn bán trao đổi những mặt hàng như cơm lam, bánh sừng trâu, cá liên ốc đá…. với tất cả các bạn là người dân tộc Cơ Tu và các bạn là dân tộc Kinh, giao lưu với cha mẹ trẻ cùng tất cả các cô giáo trong nhà trường.
Qua đây phát triển được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là kỹ năng nói tiếng Việt của trẻ rất nhiều. Trẻ mạnh dạn, tự tin thể hiện trao đổi trong “Phiên chợ vùng cao”. Cô Thu cũng tranh thủ dạy những từ cơ bản của tiếng Cơ Tu cho đồng nghiệp để xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với trẻ trong việc chăm sóc giáo dục.
Cô Trần Thị Bích Thu luôn tâm niệm rằng: Chỉ cần có trái tim biết yêu thương, có niềm đam mê vô hạn, có mong muốn được cống hiến cho ngành giáo dục thì không có gì là không thể làm được.
“Tôi may mắn được Ban giám hiệu và đồng nghiệp ủng hộ để có hiện thực hóa các ý tưởng trong giảng dạy. Những việc làm, những sáng kiến của tôi chỉ là góp chút công sức của bản thân để giúp cho con em đồng bào mình, rút ngắn khoảng cách giữa HS đồng bằng và HS vùng đồng bào để các em bớt đi những thiệt thòi. Với tôi, đó không chỉ là tấm lòng của một cô giáo dành cho học sinh yêu thương của mình, mà đây chính là sự trả ơn đối với vùng đất, với đồng bào nơi mình đã sinh ra và lớn lên” – cô Thu tâm sự.
Giá trị thiết thực từ "Điều ước cho em" với học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An
Sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa của Chương trình "Điều ước cho em" đã góp phần giúp học sinh dân tộc thiểu số khó khăn tại Nghệ An có điều kiện thuận lợi hơn trong học tập.
Giờ học môn Tin của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An
Các nhà trường cũng tích cực kết nối, kêu gọi các nguồn hỗ trợ, để ngày càng nhiều thêm "ước mơ của em" thành hiện thực.
Món quà ý nghĩa cho học sinh DTTS
Đầu năm 2021, Chương trình "Điều ước cho em" qua sự kết nối của Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung bộ đã trao 200 chăn ấm, 4 bộ máy tính, 40 suất học bổng cho HS 2 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Đây là 2 ngôi trường có vai trò tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Vì vậy, hầu hết học sinh của trường đều đến từ xã bản khó khăn, xa xôi, đời sống kinh tế vất vả.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho hay: Với học sinh dân tộc nội trú, vượt núi xuống trường đi học đã là nỗ lực lớn. Vì vậy, mỗi món quà, học bổng đến với học sinh của trường, là nguồn động lực để các em phấn đấu, vươn lên trong học tập đạt được mơ ước của mình.
Quà tặng từ Chương trình "Điều ước cho em" gồm 2 máy tính được bổ sung vào phòng Tin học của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An.
Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An là một trong 5 đơn vị được chọn thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao (đối với bậc THPT). Tuy nhiên, do đã xây dựng từ lâu nên cơ sở vật chất của trường chưa đồng bộ. Đặc biệt thiếu nhiều máy vi tính đáp ứng nhu cầu học môn Tin học theo chuẩn của trường trọng điểm.
Hiệu trưởng nhà trường cho hay, 2 bộ máy tính được trao tặng từ Chương trình Điều ước cho em được bổ sung vào phòng Tin học và sử dụng tốt. Nhà trường cũng tiếp tục kêu gọi, kết nối nguồn lực xã hội hóa để có thêm thiết bị cho phòng vi tính và thư viện thông tin. Bởi với hơn 500 học sinh, nhu cầu sử dụng máy móc thiết bị kết nối Internet để tìm kiếm tài liệu, học trực tuyến của các em rất lớn. Trong khi phần lớn học sinh của trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có máy tính cá nhân.
Cô Tùng Linh - GV Tin học - Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Trường có 2 phòng máy, đều hoạt động tối đa. Trong đó, ngoài giờ học chính khóa, các buổi chiều và tối, máy tính được ưu tiên cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tin và học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp. Dù khó khăn, nhưng kỳ thi HS giỏi tỉnh vừa qua, đội tuyển Tin học của trường đều đạt giải, trong có có 1 giải Ba.
Em Vi Thị Thân (HS lớp 11) đến từ huyện miền núi Tương Dương. Nhà nghèo nên bố mẹ không có tiền mua máy vi tính cho em. Vì vậy, các kỹ năng tin học cơ bản Thân đều học ở trên lớp với sự hướng dẫn của cô giáo. Phòng vi tính chỉ có 25 máy, một vài bạn sẽ phải sử dụng chung. Những lúc như vậy, em và bạn sẽ thay nhau thao tác, hướng dẫn cho nhau những chỗ chưa biết.
Niềm vui mới ở xã tái định cư
Sau gần 2 tháng thi công, thầy Nguyễn Xuân Tý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) phấn khởi thông báo, cổng trường mới đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Cổng trường cùng hệ thống tường bao mới kiên cố, chắc chắn, cao đẹp góp phần tạo khuôn viên trường đẹp hơn. Đây không chỉ là niềm vui của nhà trường, mà của đông đảo phụ huynh vùng tái định cư.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao quà Chương trình "Điều ước cho em" cho trường học vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An).
Trước đó, qua nhiều năm sử dụng, cổng Trường Tiểu học Kim Lâm xuống cấp, gây nguy hiểm cho học sinh lẫn phụ huynh khi đưa đón con em. Nhưng do chưa đủ kinh phí, việc vận động xã hội hóa gặp khó khăn do phụ huynh đều là bà con dân tộc thiểu số, nhà trường chưa dám triển khai xây dựng cổng mới.
Thực hiện Chương trình "Điều ước cho em", qua sự kết nối của Báo Giáo dục và Thời đại, Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ Trường Tiểu học Kim Lâm 30 triệu đồng để xây dựng cổng trường. Thầy Nguyễn Xuân Tý chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ đó, nhà trường mới mạnh dạn xây cổng mới. Số tiền còn thiếu, nhà trường trích từ nguồn chi thường xuyên và sẽ xin thêm các nguồn khác như: kinh phí địa phương, tài trợ giáo dục... Cổng trường mới kiên cố hoàn thiện, ước mơ của thầy trò, phụ huynh cũng đã thành hiện thực. Quan trọng nhất chính là đảm bảo an toàn, an ninh trường học.
Ngoài số tiền hỗ trợ xây dựng cổng trường, Chương trình "Điều ước cho em" cũng tặng cho trường 30 bộ bàn ghế mới. Số bàn ghế này thay thế cho bàn ghế cũ đã hư hỏng, bổ sung vào các phòng học mới cho học sinh sử dụng.
Từ sự hỗ trợ của Chương trình "Điều ước cho em" cổng Trường Tiểu học Kim Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An) được xây dựng, bảo đảm an toàn, an ninh trường học.
Cũng là xã tái định cư thủy điện Bản Vẽ, các trường học tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Đặc biệt là sau hơn 15 năm sử dụng, cơ sở vật chất được Ban Quản lý Thủy điện Bản Vẽ xây dựng đã xuống cấp. Các nhà trường phải thường xuyên tu sửa, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học.
Chương trình "Điều ước cho em" cũng trao món quà thiết thực, ý nghĩa cho Trường Tiểu học Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương) gồm 1 ti vi 55 inch, 8 bảng chống lóa. Số thiết bị này được đưa đến tận nơi lắp đặt cho thầy - trò sử dụng, phục vụ dạy học theo Chương trình GD phổ thông mới.
Thầy Đậu Đình Đức - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Tiến trao đổi: Dạy học chương trình SGK mới có cả kênh hình lẫn kênh chữ. Vì vậy, bảng chống lóa thiết kế kiểu mới, có chỗ đặt tivi ở giữa và kéo bảng ra - vào là phù hợp cho trẻ tiểu học. Sau khi vận động các nguồn xã hội hóa, trường vẫn thiếu 8 bảng, và đã được Chương trình "Điều ước cho em" trao tặng. Món quà đến kịp thời đã hỗ trợ tốt cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.
Thầy Đức cũng chia sẻ thêm: Có một ngôi trường tiểu học bán trú với cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại là mơ ước của thầy trò 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn. Dù chưa thể thực hiện được ngay, nhưng sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, ngành Giáo dục đã giúp thầy trò 2 nhà trường có đủ điều kiện cần thiết để dạy học Chương trình GDPT 2018. Trong thời gian tới, chúng tôi mong Chương trình "Điều ước cho em" tiếp tục lan tỏa. Để học sinh những ngôi trường khó khăn như Hương Tiến, Kim Lâm có thêm nhiều sự hỗ trợ. Nhiều ước mơ được lắng nghe, thực hiện.
"Điều ước cho em" lan tỏa yêu thương Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình "Điều ước cho em" đã nhận được sự đồng hành của các nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao quà cho HS Trường Mầm non Cẩm thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn...