Cô giáo Nghệ An nỗ lực gắn kết sự đoàn kết trong nhà trường
Cô Thu được công đoàn ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An và đặc biệt là Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh điển hình tiên tiến là hoàn toàn xứng đáng.
Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 – 2025, tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động giai đoạn 2015 – 2020″ tại Hà Nội.
Cô Nguyễn Thị Thu nhận bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam ở Hội nghị điển hình tiên tiến (Ảnh nhân vật cung cấp)
Những giáo viên được tuyên dương, khen thưởng là những giáo viên xuất sắc, tiêu biểu, là những tấm gương điển hình tiên tiến đại diện cho hơn 7.000 cán bộ công đoàn cơ sở và cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành.
Một trong những tấm gương xuất sắc ấy là cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2, tỉnh Nghệ An.
Bề dày thành tích
Không nhận mình xứng đáng được vinh danh, cô Nguyễn Thị Thu liên tục cho biết mình may mắn nhận được phần thưởng cao quý này vì đồng nghiệp của cô cũng có nhiều người đạt thành tích xuất sắc.
Cô Nguyễn Thị Thu nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh
Vào nghề từ năm 2005, cô giáo Nguyễn Thị Thu luôn nỗ lực phấn đấu hết mình trong chuyên môn và các hoạt động phong trào của trường, của ngành.
Cô đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. Cô là điển hình trong phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” khi có 3 sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, 1 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh và đạt giải Nhì cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh và dạy học tích hợp cho giáo viên năm học 2016 – 2017″.
Đã nhiều lần vinh dự nhận giấy khen của công đoàn ngành, bằng khen của Liên đoàn tỉnh Nghệ An, bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc.
Là giáo viên phụ trách đội tuyển học sinh giỏi văn của trường, trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh của cô luôn đạt giải cao. Để có những thành tích ấy là cả một quá trình tìm nguồn, động viên, khuyến khích học sinh đam mê văn học.
Không chỉ có thế, cô còn gieo vào lòng các em tình yêu nghề dạy học để nhiều học sinh khá giỏi đến với nghề giáo bằng chính niềm đam mê đã được đánh thức.
Nỗ lực gắn kết sự đoàn kết trong nhà trường
Video đang HOT
Với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn trường phụ trách nữ công, cô giáo Nguyễn Thị Thu đã luôn nỗ lực tạo sự gắn kết của các công đoàn viên trong nhà trường.
Cô Thu cho biết: “Ngoài giờ dạy trên lớp, công đoàn đã đưa một số hoạt động mới để tăng cường sự đoàn kết trong nhà trường.
Kết hợp cùng với chuyên môn, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành, tổ chức các hoạt động cho chị em toàn trường cùng tham gia, ngoài giờ dạy để các thầy cô giải trí, có cơ hội thân thiện với nhau.
Thường xuyên chia sẻ các hoàn cảnh khó khăn của các đồng nghiệp để chung tay, hỗ trợ kịp thời chị em gặp khó khăn trong cuộc sống, cố gắng động viên thăm hỏi nhau bất kể lúc nào.
Như việc có thầy cô trong trường đi bệnh viện thì công đoàn kêu gọi ủng hộ trong toàn trường. Tổ chức gặp mặt dâu rể vào dịp cuối năm bằng nguồn kinh phí cá nhân có thành tích, có giấy khen, bằng khen tự nguyện đóng góp.
Ngoài giờ dạy, giáo viên được công đoàn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao
Ngoài ra, tạo sân chơi giải trí và tăng sức khỏe cho các công đoàn viên như sân bóng đá, bóng chuyền, tập nhảy, tập yoga, tham gia tiết mục văn nghệ cho sinh động tạo tâm thế vui vẻ cho giáo viên để thực sự mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Cô giáo Thu hoàn toàn xứng đáng được vinh danh tại Hội nghị điển hình tiên tiến
Nói về cô giáo Nguyễn Thị Thu, ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An cho biết: “Cô Thu là một giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn giỏi, trong công việc rất tâm huyết, nhiệt tình, dạy học trò bằng tình yêu thương.
Cô luôn được phụ huynh học sinh, đồng nghiệp quý mến và đánh giá cao. Bên hoạt động dạy và học, hoạt động đoàn thể, từ thiện, hoạt động xã hội cũng là người tích cực, người khởi xướng.
Thường xuyên vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không chỉ trong trường nơi cô giảng dạy mà còn giúp đỡ học sinh các vùng khó khăn trong tỉnh”.
Ông Hải khẳng định: “Cô Thu được công đoàn ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An và đặc biệt là Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh điển hình tiên tiến là hoàn toàn xứng đáng”.
Thủ khoa giáo viên dạy giỏi tỉnh Nghệ An: 'Học trò là động lực để cố gắng'
Yêu nghề, nhiệt huyết và tràn đầy tình yêu với học trò là những ấn tượng về cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên dạy Địa lý - Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh).
Nữ giáo viên sinh năm 1990 này cũng là giáo viên trẻ nhất trong danh sách 14 giáo viên đạt thủ khoa tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh bậc THCS năm 2020.
Không ngại nếu gặp tình huống "khác biệt".
Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh bậc THCS đã kết thúc hơn 3 tuần nhưng cho đến thời điểm này cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn cảm thấy bất ngờ với kết quả mà mình đạt được. Danh hiệu cùng với "kỳ tích" trẻ nhất của cuộc thi cũng là động lực để chị cố gắng và mong muốn truyền sự tự tin đến những đồng nghiệp trẻ.
Kể lại kỳ thi vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền nhớ nhất là phần thi thực hành bởi chị bốc thăm vào một trong những bài giảng khó nhất của chương trình Địa lý lớp 6 - bài "nguyên nhân và biểu hiện hiện tượng ngày và đêm dài ngắn theo mùa".
Với một giáo viên có khá nhiều năm đứng trên bục giảng, phần kiến thức của bài thi không làm khó chị, nhưng điều chị lo lắng nhất chính là đối tượng học trò bởi phải "hiểu học sinh, nắm bắt được năng lực học sinh thì mới thiết kế được bài giảng phù hợp".
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, nguyên là học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên). Sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại Trường Đại học Vinh chị được Thành phố Vinh xét tuyển vào công tác tại Trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: MH
Thời điểm bốc thăm đề đến khi kỳ thi chính thức diễn ra, chị chỉ có 2 đêm và 1 ngày để chuẩn bị. Trong khi đó, chị được phân công giảng dạy một lớp 6 ở Trường THCS Diễn Hồng (Diễn Châu) - ngôi trường mà chưa bao giờ chị đứng lớp.
"Khi nhận được bài giảng, tiết học buổi chiều chỉ còn khoảng 30 phút. Lúc này, từ thị trấn Diễn Châu tôi vội vàng ra Diễn Hồng để làm quen với học sinh. May mắn cho tôi dù chỉ mới lần đầu tiếp xúc, các em đã rất hợp tác. Một số phương pháp học như "thảo luận nhóm, làm bài tập tập thể" cũng được các em hưởng ứng bởi các em đã được làm quen trước đó", cô Hiền tâm sự.
Nhận được "tín hiệu" tích cực từ học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền dành 1 ngày để chuẩn bị giáo án và giảng thử cho những đồng nghiệp của mình. Nhưng vốn bản tính hay lo, đêm trước kỳ thi chị gần như thức trắng. Thậm chí, dù chỉ còn vài tiếng để vào hội thi chị vẫn quyết định đổi lại thiết kế bài giảng vì tin rằng phương án mới sẽ phù hợp với học sinh của trường.
Trước đó, dù chỉ mới làm quen với học sinh trong một thời gian rất ngắn ngủi nhưng chị đã kịp nhớ sơ đồ lớp, nhớ tên và thậm chí "biệt danh" của một số học sinh đặc biệt trong lớp. Vì thế, bước vào tiết dạy chị và lớp "bắt nhịp" rất nhanh và thực hiện đúng với giáo án đã soạn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền và các học sinh của Trường THCS Diễn Hồng tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2020. Ảnh: PV
Sự cố chỉ xảy ra khi trong một tình huống yêu cầu học sinh lên chữa bài, các em đã không hoàn thành bài tập của mình. Hay ở phần sử dụng giáo án điện tử, bài giảng được tích hợp sẵn theo phân phối chương trình không phù hợp với thiết bị điện tử của nhà trường. Tuy nhiên, những tình huống phát sinh này, sau đó lại chính là yếu tố để chị ghi điểm bởi cách xử lý linh hoạt và nhanh nhạy nhưng vẫn đảm bảo yếu tố sư phạm.
Ở bài giảng này, chị cũng đã sử dụng phiếu bài tập để giúp học sinh làm bài một cách thành thạo, hứng thú, khắc phục được hạn chế về một bài giảng dài, nhiều kiến thức và khó nhớ. Bài giảng ngay sau đó được ban giám khảo đánh giá là có tính sáng tạo, không theo khuôn mẫu, kiến thức đưa ra rõ ràng và tổ chức được nhiều hoạt động giữa giáo viên và thường xuyên.
Mục tiêu chính của giáo viên là hướng đến học trò
Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THCS năm 2020 cũng là hội thi đầu tiên được triển khai theo hình thức mới. Ngoài phần thi thực hành, bài báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cũng được đánh giá cao bởi vấn đề chị đưa ra "dạy học phân hóa để nâng cao chất lượng dạy học" vốn là một vấn đề quen thuộc, được chị áp dụng hàng ngày. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm để chị tổ chức những tiết dạy thành công và được rất nhiều học sinh yêu mến.
Là một giáo viên trẻ nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền đã có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: MH
Trở về sau cuộc thi, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền lại trở về hình ảnh quen thuộc của một giáo viên dạy Địa lý ở Trường THCS Hà Huy Tập. Ngôi trường đông học sinh nhất tỉnh với hơn 2.000 học sinh và là một trong những ngôi trường được đánh giá cao về chất lượng dạy học. 8 năm gắn bó với ngôi trường này, dù rất áp lực về chuyên môn nhưng chị bảo học hỏi được rất nhiều từ những đồng nghiệp đi trước. Quan trọng hơn, tại đây chị được tin tưởng và được ủng hộ, dù rằng so với rất nhiều giáo viên khác chị ít tuổi hơn, còn ít kinh nghiệm và chưa có nhiều cọ xát với học trò.
8 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền từ một sinh viên mới tốt nghiệp Trường Đại học Vinh cũng đã có nhiều cơ hội để trưởng thành. Chị nhớ, ngày mới được nhận vào trường, chị phải mất gần 1 năm đầu tiên để dự giờ, thao giảng và tự rút kinh nghiệm. Sau này, khi đã chính thức được đứng lớp, chị phải đối diện với nhiều áp lực.
Trường chúng tôi rất đông học sinh và trong một lớp có nhiều đối tượng, nhiều năng lực khác nhau. Vì thế, để tổ chức một tiết dạy hiệu quả và thú vị thì rất khó khăn bởi dạy dễ quá thì những học sinh khá giỏi sẽ chủ quan. Nhưng nếu dạy khó quá thì những học sinh yếu hơn sẽ chán nản, bỏ bê môn học...
Tham dự các kỳ thi cũng là cách để chị chia sẻ khó khăn với học trò và có cơ hội để được cọ xát nâng cao nghiệp vụ. Ảnh: PV
Cũng bởi những trăn trở này nên dù chưa được làm chủ nhiệm, dạy môn Địa lý vốn được xem là "môn phụ" nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền chưa bao giờ dễ dãi với mình. Một kỷ niệm chị còn nhớ mãi đó là tiết học đầu tiên chị lên lớp và chị đi muộn 5 phút.
Tuy nhiên lý do cho sự chậm trễ này rất dễ được thông cảm vì "cô giáo mải đi tìm một dụng cụ để hỗ trợ cho bài giảng". Sau này, học sinh của chị hào hứng với môn Địa lý bởi mỗi một bài giảng đều được chị đầu tư, làm mới và truyền thụ một cách dễ hiểu, dễ nhớ.
Mặc dù đi dạy chưa lâu nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cũng là người có duyên trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Để làm được điều này, từ khi mới bắt đầu được phân lớp chị đã xây dựng được những bộ câu hỏi để phân hóa được học sinh. Quá trình chọn các em vào đội tuyển, chị lấy tiêu chí "đam mê" lên đầu và cố gắng truyền niềm đam mê, yêu thích của mình đến với học trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền và đội tuyển học sinh giỏi Địa lý của Trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: MH
Trong quá trình giảng dạy, có thời điểm học sinh phải học liên tục kéo dài trong nhiều tháng nên để tạo động lực cho học sinh chị thay đổi cách dạy, cách học và cách chấm bài thường xuyên và thậm chí để học sinh tự chữa, tự chấm bài cho nhau. Qua đó, các em tự biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình và cũng có thể tự học hỏi các bạn.
Là giáo viên nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cũng là bạn, là chị và là người thân được học sinh tin tưởng và yêu quý.Thế nên, quyết định tham dự các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cũng là cách để chị được đồng hành với học trò và chia sẻ với những vất vả của các em trong quá trình tham dự các kỳ thi. Niềm vui lớn nhất đó là khi chị đạt giải Nhất tại Kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và sau này là giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thì học trò của chị cũng gặt hái được nhiều thành công khi đã có em đạt giải Nhì, giải Ba của tỉnh và nay có 2 em đang học ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã vào được đội tuyển quốc gia của trường...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành khen thưởng cho những giáo viên đạt điểm cao nhất tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh (cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, áo vàng, đứng thứ 6 từ phải qua). Ảnh: MH
Với rất nhiều những thành công, ở tuổi 30 cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền dường như cũng đã đi đến "đích" của mình. Tuy nhiên, sau những thành công, cô giáo sinh năm 9X tự biết đó chỉ là "thành quả của một thời điểm" còn mục tiêu lâu dài mà chị hướng tới chính là học sinh, là để tạo ra những tiết học hào hứng.
Người giáo viên trẻ này cũng tự nhủ "không bao giờ hài lòng với bản thân mà phải tiếp tục trau dồi, mở rộng, nâng cao năng lực chuyên môn". Và, đó cũng là cách để chị tôn trọng chính mình, tôn trọng ngôi trường đã nâng đỡ chị và tôn trọng học trò, tôn trọng với nghiệp lái đò mà chị yêu mến và nguyện đi theo đến hết cuộc đời...
Giáo dục mầm non Tân Kỳ với mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện Giáo dục mầm non của huyện Tân Kỳ thực sự được nâng cao chất lượng toàn diện sau 5 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016 - 2020". Ấn tượng những ngôi trường Đến Trường Mầm non xã Tân An vào một ngày trung tuần tháng 6, trong thời tiết nắng nóng...