Cô giáo Miên- Người mẹ thứ hai của học trò vùng cao
Không ngại khó, ngại khổ, bám lớp, bám trường, luôn tâm huyết với nghề, cô giáo Tô Thị Miên ( Quảng Ninh) được các học trò yêu quý như người mẹ thứ 2.
Đều đặn các ngày trong tuần, cô giáo Tô Thị Miên phải vượt hơn 40 cây số đến điểm trường Bản Buông, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hà Lâu (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) dạy học.
Điểm trường Bản Buông được biết đến là điểm trường khó khăn, xa điểm trường chính nhất ở xã Hà Lâu.
Trên cung đường đó, đoạn từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ dài hơn chục cây số rất khó đi, đường nhỏ, dốc cao, uốn lượn và phải vượt qua nhiều con suối.
Vì thế, hàng ngày, cô giáo Tô Thị Miên phải đi từ 5 giờ sáng mới kịp thời gian dạy học.
Cô giáo Tô Thị Miên hướng dẫn học sinh lớp 1 viết chữ (Ảnh: CTV)
Những hôm phải trực nội trú tại điểm trường chính, hơn 9 giờ tối cô Miên mới từ trường đi xe máy về nhà.
Video đang HOT
Thời tiết khô ráo thì khá thuận lợi. Nhưng vào ngày mưa, đường trơn trượt, dễ sạt lở, con đường từ trường về nhà là cả một hành trình đầy khó khăn, vất vả với cô giáo Miên và các đồng nghiệp.
Cô giáo Miên tâm sự: “Điều mà tôi vẫn trăn trở là làm sao để những học sinh nghèo không phải bỏ học, làm sao để chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng lên.
Vì thế, năm học 2020-2021, năm đầu tiên thay sách giáo khoa lớp 1, tôi đã chủ động nghiên cứu giảng dạy trên phần mềm của bộ sách Cách Diều.
Đồng thời đề xuất Ban giám hiệu nhà trường lắp wifi để phục vụ giảng dạy cho học sinh theo chương trình mới”.
Theo cô giáo Miên, mỗi khi soạn giáo án, cô luôn trăn trở, đầu tư tâm huyết xây dựng bài giảng, lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em qua mỗi tiết học.
Cô Miên cũng luôn quan tâm, sâu sát từng học sinh để nắm bắt tâm lý, tính cách, sở thích của mỗi em, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, hài hòa.
Đến nay, cô giáo Tô Thị Miên đã có tới 22 năm được phân công giảng dạy lớp 1.
Trong gần 4 năm công tác tại xã Hà Lâu, cô Miên luôn có nhiều cách làm hiệu quả để thu hút học sinh lên lớp đạt 100%, kết quả học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt, đảm bảo phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.
Nhận xét về cô giáo Miên, bà Nguyễn Thị Kim Xuyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hà Lâu chia sẻ: “Cô Miên có bề dày kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.
Trước khi lên Hà Lâu, cô đã từng công tác tại nhiều điểm trường vùng cao, vùng khó khác của huyện.
Cô giáo Miên không ngại khó, ngại khổ và rất tâm huyết, yêu nghề và được các học trò quý mến.
Trong quá trình giảng dạy tại trường, thấy học sinh vùng cao thiếu thốn, cô thường xuyên tặng đồ dùng, sách vở cho các em.
Những tối trực tại trường, cô như người mẹ thứ hai của học sinh, chỉ bảo lời ăn, tiếng nói, rèn chữ, luyện đọc, thậm chí tắm rửa, gội đầu, giặt giũ cho những học sinh mới chập chững vào lớp 1″.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, cô giáo Tô Thị Miên là một trong số 30 nhà giáo tiêu biểu được đề xuất khen thưởng tại Lễ tri ân các nhà giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) tới đây tại Hà Nội do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Hạnh phúc khi được trao gửi tri thức
Đó là tâm niệm của cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Giáo viên trường THPT Chương Mỹ A, một trong những gương nhà giáo tiêu biểu được xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội Thủ đô tâm huyết, sáng tạo năm 2020.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy.
Trong 22 năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Thủy luôn khắc ghi câu nói của Jacques Barzun: "Với nghề dạy học, không thể nhìn thấy kết quả của một ngày làm việc. Kết quả ấy vô hình và có lẽ vẫn còn đến 20 năm sau". Chính vì thế, cô đã không ngừng học hỏi, tìm tòi phương pháp, kĩ thuật dạy học để khơi nguồn cảm hứng và phát hiện, bồi dưỡng tài năng cho học sinh.
Trong công tác giảng dạy, với vai trò là một tổ phó chuyên môn, cô Thủy đã tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn thông qua các chuyên đề dạy học để đồng nghiệp cùng trao đổi, nhằm nâng cao chuyên môn và tạo hứng thú cho HS trong giờ học Văn.
Trong năm học vừa qua, ở vị trí Nhóm trưởng bộ môn Ngữ văn, cô đã xây dựng các chuyên đề như: "Con người Việt Nam trong thơ ca và âm nhạc giai đoạn 1945 - 1975", "Tìm về mạch nguồn dân tộc qua các tác phẩm văn học dân gian"... Các chuyên đề của bộ môn Ngữ văn đã tạo được nhiều hứng khởi cho đồng nghiệp cũng như HS toàn trường. Đặc biệt, HS từ chỗ "sợ", ngại học môn Văn, nhưng qua các chuyên đề đã có sự chuyển biến rõ rệt, hứng thú, tích cực hơn khi tham gia các hoạt động học.
Kết quả của sự sáng tạo không chỉ thể hiện ở điểm số của HS mà còn thể hiện ở các năng lực các em có được sau khi học môn Ngữ văn. Vì thế, trong các giờ dạy, cô Thủy cũng luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học nhằm rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực và phẩm chất cho học trò. Sự đổi mới ấy được cô thể hiện trong những sáng kiến kinh nghiệm như: "Hướng dẫn học sinh lớp 12 chủ động tiếp cận tác phẩm truyện ngắn từ đặc trưng thể loại" (năm 2018 - 2019, sáng kiến đã được Hội đồng khoa học ngành Giáo dục xếp loại B );"Rèn luyện kĩ năng thuyết trình cho học sinh qua bài "Trình bày một vấn đề" trong chương trình Ngữ văn 10" (2019 - 2020, sáng kiến được Hội đồng khoa học ngành Giáo dục xếp loại loại B).
Trong công tác giáo dục HS, với vai trò là GV chủ nhiệm lớp, cô đặc biệt chú ý rèn nếp học và kỹ năng sống cho học trò. Để làm tốt công tác này, cô Thủy đã tích cực tìm đọc, nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi học sinh, tham gia các khóa tập huấn về công tác chủ nhiệm để xây dựng các biện pháp giáo dục phù hợp.
Điều thuận lợi đó là trường THPT Chương Mỹ A xếp thời khóa biểu mỗi tuần có 2 tiết hoạt động ngoại khóa, tuần 1 và 2 hằng tháng sẽ dành cho Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, còn tuần 3 và 4 các GV chủ nhiệm sẽ cho tự sinh hoạt. Vì thế, cô giáo đã lên kế hoạch chủ nhiệm và xây dựng các chủ đề sinh hoạt lớp ngay từ đầu năm học.
Cụ thể như, tháng 9, cô hướng dẫn học trò thực hiện chủ đề "An toàn giao thông"; tháng 10, chủ đề "Yêu thương", tháng 11, chủ đề "Âm nhạc" - hát mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; v.v... Việc thực hiện chủ đề giúp HS không những được thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng mà còn gắn kết các em; giúp các em có sự chuyển biến lớn trong nhận thức về trách nhiệm của bản thân với chính mình, với bố mẹ, với trường lớp. Kết quả, HS có tiến bộ rõ rệt về ý thức, thái độ, hành vi. Đặc biệt, là sự phản hồi rất tích cực từ phía cha mẹ học sinh khi thấy con biết quan tâm tới mọi người, thấy con tiến bộ, trưởng thành lên từng ngày. Đó là niềm hạnh phúc không gì sánh được đối với người thầy.
Cô Thủy tâm sự: Hạnh phúc nào bằng khi được trao gửi tri thức và góp phần định hình nhân cách, tâm hồn cho thế hệ tương lai - đó cũng chính là sứ mệnh của người thầy. Sự cao quý của nghề dạy học đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời.
Cô giáo dân tộc Bố Y 'gieo chữ' trên vùng đất khát Cô giáo Lồ Thị Lan (SN 1990, dân tộc Bố Y) đã gần chục năm bám bản bám trường gieo chữ trên vùng cao còn nhiều gian khó mà "khát" chữ và "khát" nước luôn thường trực vây quanh. Cô Lan là một trong những giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm...