Cô giáo bị ung thư vẫn tiếp tục hành trình “trồng người”
Cô Hằng gần như suy sụp khi biết tin mình mắc căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng chính tình thương với học trò nghèo đã giúp cô có đủ nghị lực chống lại bệnh tật, làm thiện nguyện, nâng bước trẻ đến trường.
Mặc dù mắc bệnh ung thư, nhưng cô Hằng vẫn luôn hết lòng vì trò nghèo.
Mong điều tốt đẹp nhất cho học trò
Cô Nguyễn Thuý Hằng (SN 1985, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) lớn lên ở huyện biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ nhỏ, cô luôn mong muốn trở thành một giáo viên để tiếp thêm sức mạnh cho học trò nghèo trên đường tìm con chữ. Sau khi tốt nghiệp ra trường, năm 2008 cô Hằng về làm giáo viên phụ trách Chi đội tại Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha).
Ngày mới về trường, cô Hằng chứng kiến học sinh của mình đến lớp với những bộ quần áo không lành lặn. Thương cho hoàn cảnh của học trò tuy nghèo nhưng vẫn nỗ lực đến lớp. Với mong muốn tiếp thêm sức mạnh để các em đến trường, cô Hằng đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa. Không những vậy, cô cũng tự tìm tòi, học hỏi để xây dựng những câu lạc bộ phát triển năng khiếu cho học sinh huyện biên giới Ia Grai.
“Khi đến trường, mình thấy các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ngay cả bộ quần áo mặc trên người cũng không được tươm tất. Hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống của các em vô cùng túng thiếu, bữa no còn lo chưa đủ. Do đó, khi về trường mình mong muốn làm điều gì đó để hỗ trợ cho các em học sinh”, cô Hằng tâm sự.
Nghĩ là làm, cô Hằng xây dựng quỹ “Vì bạn nghèo”, kêu gọi kinh phí từ cán bộ, giáo viên trong trường để hỗ trợ cho học trò. Từ ngày quỹ được thành lập, 37 em học sinh đã được hỗ trợ quần áo, sách vở để đến trường. Không những vậy, mỗi tháng quỹ sẽ chọn ra hai học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ 200.000 đồng. Với những em học sinh khó khăn, có ý định nghỉ học, cô Hằng đến tận nhà khuyên nhủ các em cố gắng đến trường. Nếu có gì khó khăn, cô sẽ kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ.
Video đang HOT
Nhận thấy học trò miền biên giới nhút nhát, ít tâm sự với thầy cô, bạn bè nên cô Hằng nghĩ đến việc xây dựng hòm thư “Điều em muốn nói”. Thông qua hòm thư, các em học sinh có thể tự do góp ý, chia sẻ những việc làm tốt, xấu đã biết và chứng kiến. Từ đó, những việc làm sau trái bị lên án, góp phần nâng cao công tác giáo dục học sinh trong nhà trường.
“Nhiều em học sinh gia đình khó khăn nên không có cơ hội được bộc lộ năng khiếu hay sở thích của mình. Do đó, mình đã tổ chức một số câu lạc bộ, như âm nhạc, cờ vua, mỹ thuật… để các em có cơ hội tham gia. Từ đó, học sinh phát hiện năng khiếu của mình để có thời gian trau dồi, phát huy năng lực. Thông qua đó, mình hy vọng các em sẽ cố gắng nỗ lực để học tập, hoàn thành ước mơ. Mình luôn hy vọng và mong rằng những điều tốt đẹp sẽ đến với các em học sinh”, cô Hằng chia sẻ.
Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để học sinh biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.
Căn bệnh quái ác không cản được đam mê trồng người
Khoảng thời gian êm đềm cứ thế trôi qua, nhưng một ngày của năm 2018, cô Hằng bỗng thấy cơ thể mình mệt mỏi, đau đớn bất thường. Khi đến bệnh viện khám, cô suy sụp khi hay tin mình bị ung thư bàng quang. Những ngày đầu biết bệnh, cô Hằng chỉ biết khóc và sống thu mình, chịu đựng những cơn đau quằn quại đang hành hạ cơ thể. Kể từ đó, những lần hoá trị ngày một nhiều hơn. Mỗi lần như thế, cơ thể cô trở nên tiều tụy, nằm vật vã sau những cơn đau.
“Từ ngày tôi phát hiện mình bị ung thư bàng quang, người thân, bạn bè luôn ở bên cạnh động viên tôi cố gắng. Không những vậy, các em học sinh cũng thường xuyên viết thư tay động viên, khích lệ tôi cố gắng chiến thắng bệnh tật. Những điều đó đã giúp tôi cố gắng chống trọi, vượt qua những lần hoá trị. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đã giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống này thật đáng quý. Do đó, tôi nghĩ, bản thân mình phải cố gắng vượt qua bệnh tật để tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường”, cô Hằng tâm sự.
Sau gần một năm chiến đấu với căn bệnh quái ác, cô Hằng trở lại hành trình trồng người của mình. Cô tiếp tục thực hiện những dự định còn dang dở để tiếp thêm sức mạnh cho học trò đến lớp. Ngoài thời gian trên trường, cô Hằng kết nối với nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân để vận động quyên góp quần áo, sách vở cho các em học sinh khó khăn. Nhờ vậy, những em học sinh nghèo đều có đủ đầy quần áo, sách vở khi đến lớp.
“Mình chỉ mong ước bản thân có thật nhiều sức khoẻ để có thể đồng hành, hỗ trợ học trò nghèo vững bước đến trường. Ung thư không phải là dấu chấm hết mà nó là động lực giúp cho mình sống tốt hơn, sẻ chia nhiều hơn”, cô Hằng bộc bạch.
Cô Hoàng Thị Bích Lân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, từ ngày về trường nhận công tác, cô Nguyễn Thuý Hằng luôn là một giáo viên có năng lực, nhiệt tình và sáng tạo trong công việc.
Theo cô Lân, mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng cô Hằng vẫn hết lòng vì học trò. Theo đó, để tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường, cô Hằng thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ cho các em trong và ngoài trường. Nhờ vậy, trong nhiều năm liên đội đã nhận được Bằng khen, cờ thi đua của Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn.
Cô giáo miệt mài chăm lo cho học trò nghèo Jrai vùng khó
Nhiều năm làm công tác giảng dạy ở xã đặc biệt khó khăn Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cô giáo Phan Thị Khánh, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã khắc phục khó khăn, sáng tạo trong giảng dạy và chăm lo đời sống cho học trò nghèo Jrai.
Mặc dù, lớp ghép 4-5 ở điểm trường Nga Yố, xã Ia Bă, huyện Ia Grai chỉ học buổi sáng, nhưng tuần 2 buổi chiều, cô giáo Phan Thị Khánh vẫn lên lớp để phụ đạo cho 13 học trò của mình. Học sinh trong lớp đều là người Jrai, điều kiện gia đình rất khó khăn. Hiện tại cũng đang là mùa thu hoạch cà phê, nhưng tuyệt nhiên không em nào nghỉ học theo gia đình lên rẫy như trước kia, mà luôn có mặt đúng giờ, đầy đủ.
Học trò dân tộc thiểu số ở Gia Lai, nhất là ở các địa bàn xa xôi, thường nhút nhát, hạn chế về năng lực tiếng Việt. Nhưng ở điểm trường Nga Yố, các em đều nói tiếng Việt rất tốt và tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Cô Khánh tâm sự, để dạy học có hiệu quả, giáo viên vùng khó không chỉ kỳ công, chăm chú về chuyên môn, mà còn phải thật sự trở thành người thân của học sinh và gia đình các em.
"Mình tuyên truyền cho họ về ích lợi của việc đi học đều, để sau này con em lớn lên không có nghề này thì có nghề khác, làm nông thì rất vất vả. Từ đó, họ hiểu ra, họ cho con em mình đi học đều. Với học sinh dân tộc thiểu số, hàng ngày cô giáo phải trò chuyện để tạo sự thân thiết, gần gũi giữa cô và trò để học sinh tập trung bài, nghe lời cô hơn", cô giáo Phan Thị Khánh chia sẻ.
Lớp ghép 4-5, điểm trường Nga Yố, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai
Cùng với chú trọng chuyên môn, tận tình rèn cặp học sinh, cô giáo Phan Thị Khánh cũng yêu thương, chăm lo đời sống các em. Đầu năm học và đầu mùa đông, cô Khánh lại vận động khắp trong xã, ngoài huyện để có quần áo ấm, sách vở, bút thước cho học sinh. Những phần quà nhỏ, khi là bộ sách giáo khoa, lúc là chiếc áo trắng mới, hay chiếc xe đạp để học sinh Nga Yố đến trường đỡ vất vả, đều mang theo tấm lòng của cô giáo yêu thương.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũng rất cảm động khi nhắc đến tấm lòng của giáo viên trong trường dành cho học sinh: "Thứ 7 cô vẫn xuống trường, hỏi thăm thì cô nói, gần thi rồi, có em đọc chưa trôi chảy, cô xuống kèm. Tôi thấy rất cảm động".
5 năm cố gắng, gắn bó với vùng đặc biệt khó khăn, cô giáo Phan Thị Khánh không chỉ nâng bước nhiều học sinh dân tộc Jarai lên các lớp trên mà còn dần giúp người dân nơi đây hình thành ý thức coi trọng việc học của con em mình.
Cô giáo Phan Thị Khánh.
Anh Rơ Mah Hêm, phụ huynh học sinh ở làng Nga Yố cho biết: "Cô luôn nhắc phụ huynh nhắc nhở con em học hành cho tốt. Gia đình tôi gắng cho con học đủ, học đều, tới nơi tới chốn".
Những nỗ lực của cô giáo Phan Thị Khánh đã được ghi nhận bằng các danh hiệu thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh, được các cha mẹ học sinh nhận làn người thân của gia đình. Những đóng góp thầm lặng và nỗ lực ấy cũng đang góp phần làm đẹp thêm hình ảnh cô giáo như mẹ hiền, đóng góp vào thắng lợi Trung của ngành Giáo dục Đào tạo tỉnh Gia Lai trong nâng cao chất lượng dạy học vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương ./.
Dấu ấn với trường vùng khó từ Chương trình Điều ước cho em Sau Chương trình Điều ước cho em, học trò nghèo đã có xe đi học, giáo viên có thêm điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Nhiều trường học vùng hạn, mặn có máy lọc nước ngọt... Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao xe đạp cho HS nghèo Trường TH Đa Lộc A, huyện Châu Thành (Trà Vinh)....