Clip TP.HCM ngay lúc này: Toàn bộ học sinh đồng loạt đi học trở lại sau gần 10 tháng, không khí vui hơn mùng 1 Tết
Sáng nay, lần đầu tiên sau gần 10 tháng ở nhà, trẻ mầm non và học sinh tiểu học mới được đến trường học trực tiếp.
Sáng nay 14/2, các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP.HCM đón học sinh tới trường học tập trực tiếp sau gần 10 tháng ở nhà. Được biết, từ tuần trước, cơ sở giáo dục sẵn sàng các công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh trở lại lớp học.
Nhà trường cũng đã tổ chức họp phụ huynh để triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong trường học.
Như vậy, chính thức từ hôm nay, toàn bộ học sinh các khối lớp từ mầm non đến THPT tại TP.HCM đều đã được đến trường học trực tiếp.
Học sinh mầm non, tiểu học trở lại trường sau gần 10 tháng nghỉ vì dịch: Không khí rôm rả!
Ghi nhận tại trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, ngay từ sáng sớm, không khí trước cổng trường đã rộn ràng hơn bao giờ hết. Suốt nhiều tháng vắng bóng học trò nên thầy cô đã có mặt từ sớm để đón các em ngay từ cổng ra vào. Dù Tết Nguyên đán đã qua song vì là ngày đầu tiên học sinh tựu trường dịp năm mới nên nhà trường đã chuẩn bị hẳn một đội lân để chào đón các em.
Tiếng trống từ đội lân, màn hóa trang trong trang phục mascot của các thầy cô cùng không khí vui tươi của các học sinh ngày đầu đến trường đã khiến cho buổi sáng thứ hai tại TP.HCM tràn ngập màu sắc của lễ hội.
Chị Phan Thị Minh Thư, ngụ tại Gò Vấp, có con học lớp 1 chia sẻ: “Học lớp 1 nửa năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên con được tới trường nên hồi hộp lắm. Trông từ 4, 5h sáng dậy để chuẩn bị quần áo, cặp vở, ăn uống cho con. Các bé đi học vậy mình cũng rất mừng vì học trò phải biết đến cảm giác trường lớp, bạn bè chứ, nhất là lớp 1 nữa!”
Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được nhà trường chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Các em đều được sát khuẩn ngay trước cổng ra vào, tự giác đeo khẩu trang.
Chị Bùi Thị Hải Yến cho hay: “Đi học khi cả thành phố vùng xanh cũng rất đáng mừng nhưng trên tinh thần mình phải đảm bảo an toàn cho con, luôn dặn con đeo khẩu trang, trước đó mình được cô giáo phổ biến các quy chuẩn an toàn trước khi đưa con đến lớp nên cũng rất yên tâm!”
Dự kiến trong sáng nay, có khoảng 600.000 học sinh Tiểu học tại 510 trường được đi học trực tiếp trở lại. Có khoảng 200.000 học sinh trên 3 tuổi cũng đến trường sáng nay. Bên cạnh đó, thành phố cũng đón trở lại các em học sinh lớp 6.
Ngoài TP.HCM, cũng có rất nhiều địa phương khác trên khắp cả nước trong ngày hôm nay đã đón các em học sinh Tiểu học, Mầm non đi học trở lại như: Hưng Yên, Cao Bằng, Đồng Nai, An Giang, Long An…
Từ ngày 14/2, toàn bộ học sinh khối phổ thông, trẻ em 3-6 tuổi của TP.HCM đến trường bình thường. Dự kiến, đầu tháng ba, TP.HCM mở rộng việc đến trường cho các độ tuổi còn lại của bậc mầm non.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Các trường cần tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Kiên Giang: Triển khai kế hoạch phụ đạo kiến thức khi học sinh đi học trở lại
Ngay sau khi học sinh trở lại trường, ngành giáo dục Kiên Giang có kế hoạch phụ đạo cho những trường hợp chưa đạt yêu cầu, để tạo sự đồng đều về kiến thức cho các em học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang Trần Quang Bảo cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh. Sau một học kỳ triển khai dạy học trực tuyến, chất lượng học tập ước đạt 70% yêu cầu; do vậy, ngay sau khi học sinh trở lại trường, ngành giáo dục có kế hoạch phụ đạo cho những trường hợp chưa đạt yêu cầu, để tạo sự đồng đều về kiến thức cho các em học sinh.
Các em Trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp (Ảnh tư liệu).
Theo ông Trần Quang Bảo, sau một học kỳ triển khai dạy học trực tuyến thích ứng với tình hình phòng, chống dịch COVID-19, chất lượng dạy và học là không đồng đều giữa nhiều địa bàn trong tỉnh. Ngành giáo dục và đào tạo Kiên Giang đã có kế hoạch dạy phụ đạo, dạy bù, tranh thủ thời gian học sinh tới trường trực tiếp, để hệ thống hóa kiến thức cho các em chưa tiếp thu tốt, tạo sự đồng đều với các em đã tiếp thu tốt. Qua đó, giúp giữ vững chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh, đảm bảo cuối năm học hoàn thành chương trình học tập một cách hiệu quả; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giữ tỉ lệ như năm học vừa qua đã đạt được.
Từ ngày 7/2/2022, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh khối 7 đến khối 12 (hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên) được đến trường học trực tiếp tại các địa phương có dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị nhiều kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 có thể xảy ra khi học sinh đến trường.
Trong quá trình học trực tiếp, khi có học sinh mắc COVID-19, cơ sở giáo dục sẽ phối hợp với ngành y tế địa phương để xử lý các tình huống: Trường hợp ca mắc có các triệu chứng bệnh biểu hiện ra bên ngoài sẽ được đưa đến cơ sở y tế điều trị; trường hợp không có triệu chứng sẽ cách ly ở nhà theo quy định. Học sinh mắc COVID-19 khỏi bệnh sẽ được hỗ trợ, phụ đạo để các em có lượng kiến thức đầy đủ, theo kịp các em học bình thường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang Trần Quang Bảo cho biết, trước khi học sinh đến trường ít nhất hai ngày, các cơ sở giáo dục phải thực hiện tiêu độc, khử trùng theo quy định. Khi học sinh vào học, nhà trường bố trí có đủ nước và xà phòng để các em rửa tay; có thiết bị đo thân nhiệt và có sổ ghi chép theo dõi sức khỏe cập nhật hàng ngày.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục không tổ chức chào cờ đầu tuần tập trung ở sân trường, chỉ chào cờ tại mỗi lớp; đeo khẩu trang từ nhà đến trường và ngược lại, kể cả trong lớp học. Nơi nào có học sinh bán trú, nội trú, nếu đảm bảo được công tác phòng, chống dịch trong việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nội trú thì cho phép thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo giao Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc tổ chức ăn bán trú, nội trú cho học sinh.
Phụ huynh Hà Nội đồng tình cho con đến trường sau Tết Thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ đề xuất cho toàn bộ học sinh khối 7-12 của Hà Nội trở lại trường sau Tết được nhiều phụ huynh phấn khởi đón nhận. Chị Nguyễn Thu Trang (quận Ba Đình) cho rằng thời điểm sau Tết là phù hợp để các em học sinh đã tiêm phòng đi học lại. "Tôi nghĩ Hà Nội...