Chuyện những cô giáo gieo chữ vùng cao
Đón nhận bó hoa rừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trần Văn Thọ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng và các thầy, cô giáo nhà trường nở nụ cười tươi hạnh phúc.
Bó hoa đầy tình cảm mà các học trò dành tặng thật trân quý, nhưng điều làm cô Thúy và các thầy, cô trong nhà trường vui mừng hơn tất thảy, đó là sự đoàn kết, chung tay. Đã có những thời điểm rất khó khăn khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nhưng bằng tình yêu thương, sự kiên trì, bám xã, bản của các thầy cô để động viên mà các gia đình đã đồng ý cho con em đến trường đầy đủ, học tập tốt…
Chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trần Văn Thọ vào một ngày nắng ít ỏi tháng 11. Cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về ngôi trường vùng cao với nhiều các em học sinh dân tộc khác nhau. Trường hiện có 805 em học sinh, một điểm trung tâm và 4 điểm trường lẻ. Điểm trường xa nhất cách trung hơn 12km.
Tại điểm trường chính, hiện có 341 em học sinh ở các điểm bản về đây học bán trú. Chiều chủ nhật, các em sẽ đi bộ 3, 4 tiếng đồng hồ từ nhà tới trường và sau buổi sáng thứ 6 hằng tuần, các em sẽ lại leo bộ, vượt núi rừng trở về với gia đình. Tuần nào cũng vậy.
Cô giáo vùng cao kiên trì tới từng nhà vận động các em học sinh đến lớp học.
Hôm chúng tôi có mặt ở đây trao quà, gặng hỏi thế nào gặp hai bạn học sinh lớp 2 nhà gần như xa nhất là Thào Thị Phương và Sùng Thị Chu. Khi nghe Phương và Chu kể về quãng đường dài 15 và 17km từ nhà tới trường, các em phải di chuyển từ khi mặt trời đứng đỉnh đầu, trong cái nắng chang chang mới kịp, bởi quãng đường mòn toàn đá, lại toàn phải lội suối, băng rừng khiến ai cũng chạnh lòng…
Theo cô Thúy, ở huyện vùng sâu, vùng xa Mường Nhé của tỉnh Điện Biên, mỗi giáo viên nói riêng và cả huyện nói chung, ngoài công tác chuyên môn, các thầy, cô còn phải làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp.
Video đang HOT
Như ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trần Văn Thọ, tuy là trường trung tâm, gần huyện nhưng tỉ lệ hộ nghèo cao. Từ việc dân trí, nhận thức chưa cao khiến việc vận động học sinh ra lớp rất khó khăn. Mọi năm, thời điểm trước khi khai giảng năm học mới, các thầy, cô đều phải di chuyển tới các hộ gia đình ở các xã, bản cả tuần đề vận động.
Năm nay, các thầy cô “có thêm” thời gian để cuốc bộ lội suối băng rừng, ở lại xã, bản lâu hơn, bởi khi đại dịch COVID-19 “gõ cửa”, các em ở nhà lâu không muốn đến trường, cộng với hoàn cảnh khó khăn, mải nương rẫy nên gần như bố mẹ không quan tâm tới việc học của con em mình.
“Dưới cái nắng của mùa hè oi bức người ai cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn còn hơn gặp hôm mưa, bởi đường trơn trượt đi bộ từ đầu bản tới cuối bản thực sự là một thử thách không nhỏ. Tới nhà các em thì thương lắm, toàn nhà bức vách bằng tre, mái lợp bằng bạt, trong nhà thì đơn sơ, tuềnh toàng, các em nhỏ không đủ quần áo để mặc, bữa ăn chỉ vỏn vẹn một xoong cơm, bát cánh, đĩa rau. Đôi khi, có những nhà, bọn mình phải đi đến ba, bốn lần vận động, gia đình mới cho con đến trường…” – cô giáo Cao Thị Nguyệt chia sẻ về những kỷ niệm khi tới vận động các em đến trường.
Có lẽ quãng đường trèo qua những quả đồi, lội qua những con suối khá dài, hơn 10km mới có thể tới được nhà các em học sinh nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với một tương lai rất dài đang chờ các em phía trước. Vì lẽ đó, nên để đảm bảo sĩ số 98-100%, bất chấp khó khăn về khoảng cách và địa lý, các thầy, cô giáo luôn rất kiên trì.
“Từ ngày 27/4 trở lại học, sau mỗi buổi sáng lên lớp, các thầy, cô giáo lại nhanh chóng đến các xã, bản để vận động học sinh đến trường. Bằng tình yêu thương, sự kiên trì, cùng sự giúp đỡ từ các già làng, trưởng bản, các lớp học đông dần. Mỗi lớp học không ghế trống, lúc đó, chỉ đứng ngắm các em học sinh miệt mài với con chữ qua cửa sổ thôi cũng đã thấy hạnh phúc lắm rồi…” – cô giáo Đồng Thị Thúy chia sẻ trong ánh mắt long lanh.
Năm 1999, khi tuổi mới hơn đôi mươi, lúc đó vừa đặt chân lên địa bàn công tác, mọi thứ cô Thúy nhìn thấy về cơ sở vật chỉ vỏn vẹn những mái nhà tranh, vách đất, khó khăn vô cùng. Hơn 20 năm nhìn lại, giọt nước mắt cô lại ứa ra vì những em nhỏ sinh ra vốn chỉ biết ngô, khoai sắn thì nay đã biết đọc, biết viết… Dần người dân nghèo nơi đây đã hiểu, chỉ có học mới đem lại một tương lai tốt đẹp.
Theo cô Thúy, giờ tuy cơ sở vật chất mỗi năm đều nhận được nhiều sự quan tâm của các ban, ngành nhưng các phòng chức năng còn thiếu nhiều, chưa đủ điều kiện đáp ứng tốt nhất, vẫn còn lớp học nhà bằng mái tôn. Vào những ngày hè, thời tiết nắng nóng, cộng với thi thoảng ở đây hay lốc và gió cuốn, nơi ngủ nghỉ, nhà bán trú của các em luôn khiến thầy, cô lo lắng…
Cơn mưa rừng vùng cao Mường Nhé cuối chiều bỗng rơi nặng hạt như trút, nỗi lo lắng lại càng hiện rõ lên khuôn mặt các thầy, cô khi con đường đi bỗng chốc nhão nhoét, trơn trượt. Trong khu nhà ăn học sinh, tiếng vỗ tay, tiếng hát vẫn lanh lảnh hòa trong tiếng cười hồn nhiên của các em học sinh, dường như chúng át đi những muộn phiền mà các thầy, cô nhà trường đang trăn trở, bỗng tạo một nguồn động lực lớn lao để các thầy, cô thêm vững tin cho chặng đường đầy gian nan, thắp sáng sự học nơi vùng cao…
Người gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, người con gái Vân Kiều Nguyễn Thị Yến sớm ấp ủ hoài bão lớn lên sẽ làm cô giáo dạy chữ cho con em dân tộc mình.
Với suy nghĩ đó, khi học hết bậc phổ thông, Yến quyết tâm theo học tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 2015, Yến tốt nghiệp ra trường rồi về giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú và Tiểu học xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ước mơ của người con gái Vân Kiều đã sớm trở thành hiện thực.
Cô giáo Yến cùng học trò thư giãn sau giờ học. Ảnh: Đức Trí
Mỗi khi nghĩ lại câu chuyện hơn 5 năm gieo chữ cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, trong lòng cô giáo Nguyễn Thị Yến lại trào dâng những cảm xúc khó tả... Chia sẻ với chúng tôi, Yến nói: "Ngày mình trở về đây dạy học cho các em nhỏ Vân Kiều, gia đình ai cũng vui mừng và hạnh phúc, mình cũng rất vui vì đã quyết định đến với trẻ em đồng bào nơi đây trong những ngày gian khó nhất".
Sau những trận lũ lịch sử hơn một tháng qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thì bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được xem là địa bàn ngập sâu và sạt lở nặng nề nhất. Nhưng nhờ có BĐBP và chính quyền địa phương tổ chức di dời toàn bộ 34 hộ dân, trong đó có điểm trường do cô Yến phụ trách, giờ đây, lớp học tại bản Sắt chỉ mới được dựng nhà tạm để cho các em lên lớp trong những ngày mưa bão.
Con đường đến điểm trường tại bản Sắt những ngày này vẫn còn đọng hàng tấc bùn bởi sự tàn phá của bão lũ. Cô Yến phải dậy thật sớm, mất nhiều giờ đi bộ quãng đường dài 8km, qua nhiều ghềnh thác, hiểm trở mới đến địa điểm dạy học. Ngày Yến lên đây, bà con dân bản Sắt còn nhiều bỡ ngỡ, những lúc như vậy, Yến vừa là người đứng lớp, vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ, vừa là người dịch chữ.
Đồng bào Vân Kiều ở đây sống biệt lập trong vùng trũng heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, cách xa trung tâm xã hàng chục km đường rừng, trình độ dân trí thấp, nên để đem cái chữ đến với trẻ em nghèo quả là điều không đơn giản.
Mỗi lần cùng BĐBP đến nhà vận động con em đi học là họ lại nói: "Ở nhà rồi vào rừng hái bắp chuối, bắt con hươu, con nai còn có cái mà ăn, chứ đi học chữ thì lấy cái chi mà ăn?". Những lần như vậy, Yến phải kiên trì cùng cán bộ Biên phòng cắm bản phân tích, giải thích để họ hiểu được sự quan trọng của việc học cái chữ, cho đến khi cái đầu người Vân Kiều gật gù ra vẻ hiểu rồi thì cô mới đứng dậy ra về.
Trung tá Trần Văn Sành, cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình được phân công cắm chốt tại bản Sắt tâm sự: "Với đồng bào nơi đây thì chúng tôi phải phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức và không phải một ngày, hai ngày là được mà phải kiên trì từ ngày này sang ngày khác và cuối cùng chúng tôi cũng thành công".
Lớp học ở bản Sắt có 15 học sinh độ tuổi từ 6 đến 8 tuổi. Những buổi dạy học trên lớp, thấy em nào học còn yếu, chưa thông thạo cái chữ thì tối đến cô giáo Yến lại tình nguyện ở lại, đến nhà luyện thêm cho các em. "Học ở nhà không có bảng, cô trò phải trải chiếu ngồi tạm ở nền nhà để học. Dưới ánh đèn thắp sáng từ ngọn đèn dầu, nghe thấy tiếng học sinh đọc chữ lòng tôi dâng lên niềm hạnh phúc nghẹn ngào, nó xóa tan mọi mệt mỏi, nhọc nhằn trong tôi" - Cô giáo Yến tâm sự.
Những thiếu thốn, khổ cực về vật chất, cô Yến đều có thể chịu đựng được, nhưng mỗi lần đứng lớp, nhìn thấy các em học sinh lấm lem bùn đất, người thâm tím vì lạnh giá làm Yến không cam lòng. Những lúc như vậy, cô chỉ biết đốt một đống lửa thật to để sưởi ấm những đôi chân tím tái vì lạnh, xua đi cơn lạnh giá khi gió mùa đông bắc thổi thốc từng hồi.
Cứ như vậy, ròng rã hàng tháng qua, cùng ăn, cùng ở, cùng gieo mầm chữ cho những học sinh ở bản Sắt mùa mưa lũ, đã có lúc, cô giáo Yến cũng thấy chạnh lòng vì hoàn cảnh gia đình mình quá khó khăn. Yến lấy chồng và đã có hai con trai, cháu bé đang học mẫu giáo, chồng Yến cũng là người Vân Kiều và là giáo viên dạy học ngay tại xã Trường Sơn.
Cô giáo Yến dạy học cho các em nhỏ ở bản Sắt, xã Trường Sơn. Ảnh: Đức Trí
Khi cơn bão 13 đổ bộ, gia đình Yến phải mượn 1 phòng của nhà trường để ở tạm ít ngày, chờ cơn bão đi qua. Dù cuộc sống còn vất vả, khó khăn, nhưng Yến luôn tự nghĩ, tình yêu mình dành cho các em học sinh nơi đây quá đỗi lớn lao, nó luôn giữ chặt trái tim cô với lũ học trò lấm lem nơi mảnh đất này, đến mức không thể rời xa.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Dân tộc bán trú và Tiểu học xã Trường Sơn cho biết: "Cô giáo Yến là giáo viên trẻ nhưng rất năng động và tâm huyết với nghề, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến các bản làng xa xôi, gian khó để dạy học. Sau trận lũ lịch sử vừa qua, chính cô Yến là một trong những người đầu tiên kêu gọi các nhà hảo tâm cứu trợ khó khăn cho người dân bản Sắt". Còn ông Hồ Song, ở bản Sắt, xã Trường Sơn không giấu được xúc động nói: "Cô Yến rất tốt bụng, lại tận tình dạy dỗ học sinh không kể ngày đêm nên bà con dân bản thương cô Yến lắm".
Nhìn lại các thế hệ học sinh của đồng bào Vân Kiều ngày càng trưởng thành, nhiều học sinh đạt thành tích cao trong học tập, là học sinh giỏi, trong lòng cô giáo Yến lại dâng lên niềm hạnh phúc vô bờ. Cô bảo, đó chính là món quà quý giá nhất cho những năm tháng đáng nhớ trong cuộc đời dạy học của mình nơi vùng cao biên giới.
Bên dòng sông Rinh Câu chuyện của những người thầy dạy chữ bên dòng sông Rinh cũng đẹp và tử tế như bao thầy cô đang ngày đêm âm thầm hy sinh tuổi xuân của mình để "cõng" chữ lên non. Ảnh minh họa Hà thân, Mình vừa chia tay một người bạn trẻ. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hoa đã xung phong lên...