Chuyện khó tin ở đại học tư – Kỳ 8 : Kẽ hở từ luật định
Bức tranh không sáng sủa của hệ thống trường ĐH, CĐ tư phần lớn do sự rối rắm, phức tạp, khó hiểu của các quy định. Để giải quyết, phải đi từ gốc và cần trả lời công tâm những câu hỏi từ thực tế.
Những lộn xộn của Trường ĐH Hùng Vương trong thời gian qua bắt nguồn từ những sai lầm trong chính sách – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trường ĐH hay doanh nghiệp?
Luật Giáo dục ĐH đã quy định rõ mục tiêu của giáo dục ĐH khác với doanh nghiệp từ cốt lõi. Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ tháng 1.2013 nhất quán một tinh thần: giáo dục ĐH là vì lợi ích của cộng đồng và xã hội.
Luật Doanh nghiệp xác định chức năng của doanh nghiệp là kinh doanh và nhằm mục đích sinh lợi. Như vậy, trường ĐH khó có thể tổ chức theo mô hình doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo mục tiêu của giáo dục ĐH. Thế nhưng các văn bản định hướng cho hoạt động của trường ĐH tư thục lại được xây dựng theo cơ chế của một doanh nghiệp cổ phần, ở đó người càng có nhiều tiền càng có tiếng nói quyết định.
GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH quản lý và kinh doanh Hà Nội cho rằng: “Theo mô hình công ty thì ai bỏ vốn nhiều người ấy phải nắm quyền chi phối. Trường ĐH cần vốn thật, nhưng năng lực trí tuệ mới là quyết định. Một công ty có thể chấm dứt hoạt động bất cứ lúc nào theo quyết định của các chủ sở hữu, một trường ĐH thì không thể như vậy. Trường bỗng nhiên ngừng hoạt động có nghĩa là phá tung các cam kết xã hội với hàng vạn người, hậu quả rất phức tạp…”.
Xét về mục tiêu, trường ĐH nhằm đào tạo con người, nghiên cứu khoa học; doanh nghiệp nhằm mục tiêu sinh lợi. Sự khác biệt cốt lõi và đã được luật hóa này không chỉ chi phối đến hoạt động đào tạo của trường ĐH mà còn đến những tài sản mà trường ĐH tích lũy và sở hữu.
Có phải tất cả trường dân lập đều chuyển qua tư thục?
Điều 48 luật Giáo dục năm 2005 vẫn công nhận sự tồn tại của 3 loại hình trường ĐH: công lập, dân lập và tư thục. Quyết định 122/2006 của Thủ tướng Chính phủ ghi rằng: “Cho phép các trường ĐH dân lập chuyển sang loại hình trường ĐH tư thục”.
Như vậy cả luật Giáo dục và Quyết định của Chính phủ đều không có điều nào bắt buộc các trường ĐH dân lập phải chuyển hết thành tư thục. Nếu trường đủ điều kiện, có mong muốn, tự đánh giá việc chuyển là cần thiết và đảm bảo sự phát triển ổn định của trường thì “cho phép” chuyển. Trong hồ sơ chuyển, mục đầu tiên là tờ trình của hội đồng quản trị về việc chuyển đổi loại hình, cho thấy việc chuyển đổi phải xuất phát từ nguyện vọng và điều kiện của từng trường. Thế nhưng, thực tế việc này lại diễn ra ồ ạt với lý do “bắt buộc phải chuyển” khiến nhiều trường lâm vào tình trạng lộn xộn, bát nháo mà Trường ĐH Hùng Vương là điển hình.
Video đang HOT
Có phải xuất phát từ việc cho rằng chỉ còn một số ít (19) trường ĐH dân lập, mà các trường này cũng đang đều phải chuyển đổi sang loại hình tư thục, nên luật Giáo dục ĐH có hiệu lực năm 2013 xác định chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục ĐH: công lập và tư thục?
Hiện tại các trường đang kẹt giữa hai bộ luật lớn này, và các cơ quan quản lý chắc chắn cũng đang kẹt trong những khó khăn càng ngày càng chồng chất khi hướng dẫn chuyển đổi loại hình.
Tài sản chung được dùng vào mục đích gì?
Đây là tài sản sau một số năm trường hoạt động đã lớn hơn nhiều so với tài sản ban đầu, thuộc sở hữu tập thể của trường. Vì thế, tài sản này chỉ thực sự có giá trị khi được dùng để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu đào tạo.
Nếu tài sản này phải chuyển thành quỹ, đưa về hội đồng quản trị quản lý, mà hội đồng quản trị trường tư thục (theo cách hướng dẫn của các dự thảo thông tư 2013) lại gồm đa số là những nhà đầu tư, thì thực chất là đưa về phía những người có tiền quản lý. Như vậy là tước bỏ hẳn vai trò làm chủ của cán bộ, giảng viên, nhân viên. Khi ấy, tài sản này có phục vụ mục tiêu đào tạo hay không là do quyết định của chỉ các nhà đầu tư mà thôi.
Trong khi đó Quyết định 63/2011/QĐ-TTg năm 2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế trường ĐH tư thục ban hành theo Quyết định 61/2009/QĐ-TTg đề cập đến chuyện xử lý khối tài sản chung này theo hướng trở thành vốn điều lệ của trường ĐH tư thục, được chia cổ tức hằng năm, có đại diện, đáp ứng được 2 mục tiêu: bảo toàn vốn và phát triển trường. Nhưng năm 2013 lại ra đời một dự thảo khác hoàn toàn với Quy định 63, gây hoang mang cho các trường.
Theo TNO
Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 7: Vì lợi nhuận nhưng nói không
Sự thiếu minh bạch, không rõ ràng trong các quy định khiến nhiều trường ĐH tư dù thực sự hoạt động vì lợi nhuận nhưng lại cho rằng không vì lợi nhuận khiến hệ thống trường ĐH này phát triển lộn xộn như hiện nay.
Sinh viên Trường ĐH Thăng Long, một trong số ít trường công khai tuyên bố theo đường hướng không vì lợi nhuận - Ảnh: Ngọc Thắng
Khuyến khích một đằng, quy định một nẻo
Mấy chữ hoạt động "không vì lợi nhuận" bị một số người e ngại, cho là sẽ đánh mất động lực cũng như sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, khi nhìn nhận lợi nhuận như động lực cơ bản để đầu tư vào giáo dục, là có phần không đánh giá đúng nhà đầu tư
Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao ban hành ngày 18.4.2005 khẳng định nhà nước chủ trương phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với 2 loại hình: dân lập và tư nhân. Mỗi cơ sở ngoài công lập đều có thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận hoặc theo cơ chế lợi nhuận. Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để bảo đảm lợi ích hợp lý của các nhà đầu tư, phần để tham gia thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, trợ giúp người nghèo, lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển. Theo cơ chế lợi nhuận, lãi có thể được chia cho các cá nhân và cơ sở phải chịu thuế. Nghị quyết này cũng nêu rõ nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận.
Tuy nhiên sau đó Nghị định hướng dẫn thi hành luật Giáo dục năm 2005 lại chỉ công nhận một loại hình trường ngoài công lập là tư thục. Đồng thời các văn bản định hướng cho hoạt động của các trường ĐH tư thục lại chỉ có một loại hình là vì lợi nhuận.
Cụ thể, quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục ban hành tại Quyết định số 14/2005 ngày 17.1.2005 của Thủ tướng Chính phủ và quy chế thay thế ban hành tại Quyết định số 61/2009 ngày 17.4.2009, được sửa đổi bổ sung tại Quyết định 63/2011 ngày 10.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cả hai quy chế này đều quy định các trường ĐH tư thục được xây dựng theo cơ chế cổ phần, cổ đông và có chia lợi nhuận cho những người góp vốn. Thành phần của Hội đồng quản trị trường ĐH tư thục được quy định chỉ có các cổ đông, không nhắc đến các thành phần đại diện cho cộng đồng xã hội, các tổ chức chính trị trong nhà trường, đội ngũ giáo chức và sinh viên.
Luật Giáo dục ĐH ban hành năm 2012 có bổ sung một số đại diện khác vào thành phần Hội đồng quản trị nhưng vẫn không quy định rõ tỷ lệ giữa các thành phần này. Đồng thời, luật cũng đã quy định ĐH tư có 2 hướng phát triển là lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Nghị định 141 của chính phủ ban hành năm 2013 hướng dẫn thi hành luật Giáo dục ĐH cũng đã đưa ra những tiêu chí cho 2 loại hình trường này. Tuy nhiên, tiêu chí về mô hình trường ĐH tư không vì lợi nhuận lại không đầy đủ và chưa đúng bản chất.
Nghị định 141 quy định: Trường ĐH không vì lợi nhuận là trường mà tổ chức cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức hoặc lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ. Nếu theo đúng tiêu chí này thì các trường vẫn có thể hoạt động vì lợi nhuận do thực hiện điều hành nhà trường theo kiểu "gia đình trị" và dùng quyền của cổ đông lớn can thiệp rất sâu vào hoạt động của nhà trường. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy khi trường ĐH tư không vì lợi nhuận thì không có khái niệm về cổ đông và không coi trường như một công ty cổ phần. Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm ĐH tư thục thể hiện ở các quy chế về tổ chức hoạt động đều chỉ coi trường tư như công ty cổ phần. Điều này chỉ phù hợp với loại hình trường hoạt động "vì lợi nhuận". Vì vậy, dù có quy định tiêu chí cho những trường không vì lợi nhuận như Nghị định 141 mới ban hành thì những trường này cũng không thể phát triển đúng hướng được.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ký Quyết định số 122/2006 ngày 29.5.2006 chuyển toàn bộ 19 trường ĐH dân lập - mô hình mang nhiều yếu tố không vì lợi nhuận - qua loại hình ĐH tư thục. Với quyết định này trong khu vực giáo dục ĐH, các yếu tố "không vì lợi nhuận" đã dần được thay thế bằng các yếu tố "vì lợi nhuận".
Khó chấp nhận vì lợi nhuận
Với truyền thống văn hóa, xã hội Việt Nam, ngay cả khi giáo dục phát triển trong nền kinh tế thị trường, tâm lý người dân cũng khó chấp nhận tiêu chí trường ĐH hoạt động vì lợi nhuận.
Vì vậy, sức hấp dẫn đầu tiên của tiêu chí "không vì lợi nhuận" sẽ là thiện cảm của xã hội. Điều này sẽ dẫn tới chỗ tuyển sinh thuận lợi hơn cán bộ, giảng viên trong trường làm việc với tinh thần, ý thức tự hào hơn, có thể sản phẩm của hoạt động đào tạo cũng dễ được chấp nhận hơn. Những khả năng này có thể khó đo lường nhưng thực sự là có.
Cộng với những ưu đãi về chính sách của nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để trường ĐH tư phát triển, tiến tới bình đẳng với trường ĐH công lập thì mô hình trường ĐH tư hoạt động không vì lợi nhuận thực sự hấp dẫn. Những chính sách rất cụ thể sẽ giúp trường có điều kiện phát triển, dần tiến tới một trường ĐH của cộng đồng, vì lợi ích của xã hội.
Mặt khác, bức tranh xô lệch và lộn xộn khó hiểu của một số trường ĐH ngoài công lập trong thời gian qua đã cho thấy nếu việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục thực hiện với động cơ vụ lợi, trường sẽ bị xâu xé trong những mâu thuẫn triền miên.
Mấy chữ hoạt động "không vì lợi nhuận" bị một số người e ngại, cho là sẽ đánh mất động lực cũng như sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, khi nhìn nhận lợi nhuận như động lực cơ bản để đầu tư vào giáo dục, là có phần không đánh giá đúng nhà đầu tư (như trong số báo ngày 2.4 chúng tôi đã phản ảnh).
Lợi nhuận không phải là động lực duy nhất và cũng không phải là động lực được xếp thứ tự ưu tiên cao nhất. Hoài bão, sự nghiệp, mong muốn đóng góp thiết thực, xây dựng một trường ĐH để đời... cũng là những động lực đáng kể, có thể mạnh hơn cả động lực vì lợi nhuận.
Xét từ góc độ luật Giáo dục ĐH hay xét từ thực tế phát triển, đều có thể thấy mô hình trường ĐH tư hoạt động không vì lợi nhuận có tính hấp dẫn và gần như là hướng phát triển tất yếu đối với những trường ĐH có mong muốn phát triển bền vững, chất lượng.
Chính sách ưu đãi mô hình không vì lợi nhuận
Miễn thuế và giảm thuế theo quy định. Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất miễn hoặc giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước theo quy định. Hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên. Miễn hoặc giảm kinh phí chia sẻ sử dụng, khai thác tài nguyên chung của giáo dục ĐH do nhà nước đầu tư, các công trình kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, phúc lợi xã hội ở trung ương và địa phương để phục vụ nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở cạnh tranh như các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Được tham gia đấu thầu các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng đối với các lĩnh vực đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học như các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Ưu tiên giao kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với những lĩnh vực mà trường có thế mạnh.
(Theo Nghị định 141 hướng dẫn thi hành luật Giáo dục ĐH)
Bị phạt 6 tỉ đồng vì lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận
Theo tiến sĩ Lê Tuệ, người sáng lập và nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, mâu thuẫn ở trường này chủ yếu do quan điểm về lợi nhuận mà ra.
Trong quá trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục, một số lãnh đạo của trường quyết định đi theo mô hình không vì lợi nhuận. Trái lại, ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch HĐQT ủng hộ hoạt động vì lợi nhuận. Những ngày gần đây, trường lâm vào một tình huống khó khăn do quan điểm khác nhau này. Đề án hoạt động trường gửi lên Bộ GD-ĐT và được Bộ phê duyệt là không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đường hướng hoạt động của trường là vì lợi nhuận. Nghĩa là, từ đó đến nay, trường dùng danh nghĩa hoạt động phi lợi nhuận để được ưu đãi, không phải đóng thuế trong khi vẫn hoạt động vì lợi nhuận. Vừa qua, Thanh tra thuế phát hiện ra điều này đã quyết định phạt trường này 6 tỉ đồng và truy thu thuế đến 12 tỉ đồng.
Theo TNO
Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 6: Sự bất đồng thường trực Những vướng mắc của chính sách khiến các nhà quản lý giáo dục lo ngại nhiều nhà đầu tư lợi dụng biến trường học thành nơi kinh doanh. Ngược lại, những nhà đầu tư lại cho rằng chính sách vẫn chưa bảo vệ được đồng vốn họ bỏ ra. Nhà đầu tư và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ tư trong một buổi...