Chuyện khó tin ở đại học tư – Kỳ 5: Gạt bỏ giảng viên, chỉ quan tâm nhà đầu tư
Những chuyện xảy ra ở các trường ĐH tư mà Báo Thanh Niên nêu ra trong các số báo vừa qua là hậu quả của nhiều vướng mắc về quy chế, chính sách. Trong đó đặc biệt là quy trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục.
Hội nghị cán bộ công nhân viên chức Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) năm 2011 khi nội bộ trường đã xáo trộn do quá trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục – Ảnh: Minh Luân
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cho phép chuyển đổi 19 trường ĐH dân lập sang loại hình tư thục. Đến năm 2013, chỉ mới có các trường: Thăng Long, Hồng Bàng, Công nghệ TP.HCM, Hoa Sen và Hùng Vương (TP.HCM) hoàn tất việc chuyển đổi.
Những tranh chấp, lộn xộn liên tục xảy ra tại Trường ĐH Hùng Vương, sự thận trọng của các trường trong chuyển đổi, cùng với việc nhà nước tiếp tục sửa quy định, Bộ GD-ĐT sửa thông tư hướng dẫn… đã cho thấy quá trình chuyển đổi loại hình có những vướng mắc thực sự. Nếu né tránh những vấn đề này, hoặc chỉ giải quyết một cách phiến diện, có thể nảy sinh tình trạng bất ổn mang tính hệ thống và lâu dài.
Những khó khăn ấy không tồn tại đối với các trường ĐH tư thục thành lập mới mà chỉ phát sinh ở các trường ĐH dân lập chuyển loại hình sang tư thục. Gốc rễ của vấn đề ở chỗ: trường ĐH dân lập, sau một thời gian hoạt động, đã có tài sản và tài sản đã có chủ nhân. Vậy trước và sau khi chuyển đổi thì ai là chủ và tài sản được xử lý như thế nào? Trả lời câu hỏi này không đơn giản.
Cắt bớt chủ sở hữu
Trước khi chuyển đổi, tài sản của trường dân lập là tài sản chung của tập thể. Quy chế trường ĐH dân lập năm 2000 đã xác định chủ sở hữu của trường dân lập: “Tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường”.
Trong khi đó, thực tế quá trình chuyển đổi tại một số trường cho thấy đã có sự lợi dụng để cắt bỏ thành phần chủ sở hữu trường, tức gạt bỏ “giảng viên, cán bộ và nhân viên”, chỉ để lại “người góp vốn đầu tư”.
Video đang HOT
Hồ sơ chuyển đổi theo quy định của Thông tư 20 năm 2010 hướng dẫn chuyển đổi từ dân lập sang tư thục gồm có nghị quyết của hội đồng quản trị (HĐQT) trường ĐH dân lập về việc công nhận danh sách tổ chức, cá nhân góp vốn, xác định vốn điều lệ, giá trị mỗi cổ phần, số lượng cổ phần; danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và danh sách các cổ đông phổ thông. Như vậy, ở đây thiếu vắng thành phần giảng viên, cán bộ và nhân viên trường. Chưa kể thành phần này được liệt vào danh sách cổ đông phổ thông (không có quyền biểu quyết).
Dự thảo thông tư hướng dẫn chuyển đổi năm 2013 lại là một cách làm khác dẫn đến gạt bỏ “giảng viên, cán bộ và nhân viên” ra khỏi thành phần chủ sở hữu nhà trường. Theo dự thảo này, HĐQT trường dân lập có quyền “quyết nghị số lượng thành viên của mỗi thành phần trong HĐQT nhiệm kỳ đầu tiên của trường tư thục”. Trong khi số lượng thành viên đại diện cho giảng viên, tổ chức Đảng, đoàn thể, UBND tỉnh/thành phố là cố định 4 đại diện, thì số lượng thành viên đại diện cho những người góp vốn có thể được tăng lên để chiếm đa số. Cơ chế bầu thành viên đại diện cho những người góp vốn cũng là bầu theo cổ phần, người có nhiều tiền hơn sẽ nắm quyền quyết định. Vậy việc đại diện của giảng viên, tổ chức Đảng, đoàn thể, UBND… có mặt trong thành phần chủ sở hữu nhà trường cũng chỉ mang tính hình thức.
Cách làm này thực chất là cuộc chia lại tài sản, quyền sở hữu tập thể bị chuyển vào tay một nhóm cá nhân.
Mập mờ về tài sản không chia
Thông tư 20 năm 2010 quy định tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động theo quy chế dân lập là sở hữu tập thể, không chia cho cá nhân và được giao cho HĐQT của trường tư thục quản lý. Trong khi đó, Quyết định 61 năm 2009 về quy chế và hoạt động các trường tư thục lại quy định HĐQT của trường tư thục là tổ chức do những người có vốn góp bầu ra… Trong khi đó, theo Quy chế trường ĐH dân lập ban hành năm 2000, số lượng thành viên HĐQT tối thiểu là 7 người, trong đó có đại diện các thành phần sau: ban lãnh đạo của tổ chức xin thành lập trường; các nhà đầu tư về tài chính, tài sản để xây dựng trường; giảng viên, cán bộ và nhân viên cơ hữu của trường; hiệu trưởng; cấp ủy Đảng cơ sở của trường. Nếu thực hiện theo Quyết định 61, có một bộ phận thành viên của trường dân lập khi chuyển đổi sẽ bị tước mất quyền đối với phần tài sản mà pháp luật đã thừa nhận là họ có quyền sở hữu.
Theo Dự thảo thông tư hướng dẫn chuyển đổi năm 2013, tiền và tài sản do biếu, tặng hoặc cấp phát và tài sản được hình thành từ kết quả hoạt động của trường dân lập là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Giá trị tài sản này được chuyển thành vốn sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục. Tuy nhiên, tổ chức nào trong trường quản lý nguồn vốn này vẫn chưa được làm rõ. Hiện nay, nhà đầu tư đề nghị HĐQT quản lý, trong khi người lao động mong muốn mình quản lý. Tổ chức nào quản lý mà vẫn hài hòa lợi ích của các bên là chuyện mà chính sách cần giải quyết rõ ràng.
Như vậy, có thể hình dung vướng mắc chủ yếu của các trường trong chuyển đổi là từ nguồn lực đang có: khối tài sản chung không chia của trường ĐH dân lập và quyền làm chủ của tập thể. Nếu không giải quyết rốt ráo và công bằng vấn đề này có thể xảy ra tình trạng: khi trường được chuyển sang tư thục thì 3/4 số chủ nhân của nó bị loại ra, 1/4 số còn lại sẽ thâu tóm nhà trường. Khi trường tư thục hoàn thiện cơ cấu, cán bộ giảng viên, nhân viên sẽ thành những người làm thuê trong chính ngôi nhà họ đã từng chung sức xây dựng nên.
Theo TNO
Chuyện khó tin ở đại học tư - kỳ 4: Trường không có hiệu trưởng
Theo quy chế về trường đại học tư thục, chủ tịch Hội đồng quản trị được quyền quản trường và được kiêm nhiệm cả chức vụ hiệu trưởng. Vì thế, không ít trường ĐH tư đã không cần tới vai trò của hiệu trưởng, nhiều trường không có cả vị trí này.
Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) và Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) hiện nay đều không có hiệu trưởng - Ảnh: Hoàng Long - Ngọc Thắng
Thay hiệu trưởng như thay áo
Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) đã hơn 3 năm nay hoạt động trong tình trạng không có hiệu trưởng.
Tính từ khi thành lập năm 2007 đến 2011, có 4 hiệu trưởng (là những người được UBND tỉnh Hà Nam chính thức công nhận) đã chia tay với trường. Người làm lâu nhất được khoảng 2 năm, có người chỉ được vài tuần. Ngoài ra, vài hiệu trưởng chưa chính thức khác cũng "đến rồi đi".
Hiệu trưởng đầu tiên của trường là GS-TSKH Nguyễn Văn Thái. Ông Thái được mời về làm hiệu trưởng khi trường bắt đầu có đề án thành lập. Cùng với ông Thái còn có một đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu khoảng 60 người do kỹ sư Nguyễn Xuân Mừng (người viết đề án thành lập trường) mời về làm việc. Chính nhờ có lực lượng cán bộ này mà Trường ĐH Hà Hoa Tiên mới được phép ra đời. Tuy nhiên, ngay sau khi có quyết định thành lập, ông Đặng Lê Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với hầu hết những người này. Ông Hoa đã mời một người nguyên là lãnh đạo ĐH Thái Nguyên về làm hiệu trưởng mới. Tuy nhiên, chỉ được vài tuần sau khi có quyết định công nhận hiệu trưởng của chính quyền Hà Nam thì hiệu trưởng thứ hai này đã nhanh chóng rút lui.
Đời hiệu trưởng thứ ba là một nhà giáo từng công tác tại Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên. Ông này về làm hiệu trưởng lâu nhất được khoảng 2 năm nhưng cũng phải cáo từ vì chẳng có quyền hành gì. Mọi việc của trường đều do ông Hoa dùng quyền chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định và áp đặt.
Hiệu trưởng thứ tư là ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên cán bộ của Viện ĐH Mở Hà Nội. Ông Vĩnh về làm việc được một thời gian không lâu thì cũng ra đi.
Không ai "dám" làm
Ông Văn Bá Thanh, nguyên Phó hiệu trưởng trường này, kể lại: "Do không tuyển sinh được và làm ăn thua lỗ nên ông Hoa toàn chửi mắng lãnh đạo nhà trường. Vì thế, trong các cuộc họp nhà trường, ông Hoa và thầy Vĩnh đã có những cuộc xung đột nảy lửa". Từ năm 2011, sau khi ông Vĩnh không làm hiệu trưởng cũng có vài người khác về tìm hiểu trường nhưng không ai muốn đảm nhiệm chức vụ này. Từ đó đến nay, Trường ĐH Hà Hoa Tiên không có hiệu trưởng.
Những người từng làm hiệu trưởng trường này khi trò chuyện với chúng tôi đều cho biết lý do nghỉ việc là không hợp với ông Hoa. Một trong những cựu hiệu trưởng cho biết ông Hoa là chủ đầu tư nhưng không có chuyên môn về giáo dục, lại dùng quyền chủ tịch Hội đồng quản trị để điều hành nhà trường.
Hơn 3 năm nay, trường không có hiệu trưởng và hiện cũng không có trưởng phòng đào tạo. Hiện nay trường có "thuê" một người làm phó hiệu trưởng nhưng không được giới thiệu là lãnh đạo nhà trường. Trên trang web của trường, phần lãnh đạo nhà trường chỉ có ông Hoa và một hiệu phó là con gái của ông này.
Không đủ tiêu chuẩn cũng bổ nhiệm
Hiện có rất nhiều trường tư rơi vào cảnh... không hiệu trưởng. Chẳng hạn, Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương) từ tháng 1.2013 đến tháng 2.2014 không có hiệu trưởng. Từ tháng 9.2013 đến nay Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng không có vị trí này.
Hơn một năm nay, Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) không có hiệu trưởng và trưởng phòng đào tạo. Như Báo Thanh Niên từng phản ảnh, trường này có nhiều tiêu cực trong tuyển sinh. Điển hình là việc cho sinh viên có giấy báo nhập học giả vào học trong suốt nhiều năm liền. Năm 2012, khi để xảy ra sai phạm, ông Nguyễn Văn Thường lúc đó làm hiệu trưởng nhà trường đã phải nghỉ việc. Từ đó đến nay, chủ tịch Hội đồng quản trị không tìm hiệu trưởng mới mà chỉ bổ nhiệm ông Đỗ Doãn Hải, một phó hiệu trưởng điều hành nhà trường. Tuy nhiên, phó hiệu trưởng này cũng không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, độ tuổi của phó hiệu trưởng khi được bổ nhiệm không quá 70 nhưng hiện ông Hải đã hơn 80.
Không ít trường tư cũng sử dụng lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn. Theo quy định tại điều 20 luật Giáo dục đại học, hiệu trưởng phải là cán bộ quản lý cấp phòng, khoa của trường đại học ít nhất 5 năm. Điều lệ trường đại học cũng nêu rõ hiệu trưởng phải là người có ít nhất 5 năm tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục đại học. Tuy nhiên, có những trường khi bổ nhiệm hiệu trưởng đã bỏ qua tiêu chí này mà chỉ chú ý đến học vị tiến sĩ. Chẳng hạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Trưng Vương (Vĩnh Phúc) hiện nay chỉ có học vị tiến sĩ mà chưa từng tham gia làm quản lý cấp phòng ở một trường đại học nào.
Theo TNO
Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 3: Hai lần kiện hiệu trưởng ra tòa Mâu thuẫn của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn không thể giải quyết được và kéo dài quá lâu một phần cũng vì sự không rõ ràng của quy định hiện hành. Trong giai đoạn nội bộ lủng củng, cơ sở học tập của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn xuống cấp, có nơi như một kho xưởng, trần...