Chuyện khó tin ở đại học tư – kỳ 4: Trường không có hiệu trưởng
Theo quy chế về trường đại học tư thục, chủ tịch Hội đồng quản trị được quyền quản trường và được kiêm nhiệm cả chức vụ hiệu trưởng. Vì thế, không ít trường ĐH tư đã không cần tới vai trò của hiệu trưởng, nhiều trường không có cả vị trí này.
Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) và Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) hiện nay đều không có hiệu trưởng – Ảnh: Hoàng Long – Ngọc Thắng
Thay hiệu trưởng như thay áo
Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) đã hơn 3 năm nay hoạt động trong tình trạng không có hiệu trưởng.
Tính từ khi thành lập năm 2007 đến 2011, có 4 hiệu trưởng (là những người được UBND tỉnh Hà Nam chính thức công nhận) đã chia tay với trường. Người làm lâu nhất được khoảng 2 năm, có người chỉ được vài tuần. Ngoài ra, vài hiệu trưởng chưa chính thức khác cũng “đến rồi đi”.
Hiệu trưởng đầu tiên của trường là GS-TSKH Nguyễn Văn Thái. Ông Thái được mời về làm hiệu trưởng khi trường bắt đầu có đề án thành lập. Cùng với ông Thái còn có một đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu khoảng 60 người do kỹ sư Nguyễn Xuân Mừng (người viết đề án thành lập trường) mời về làm việc. Chính nhờ có lực lượng cán bộ này mà Trường ĐH Hà Hoa Tiên mới được phép ra đời. Tuy nhiên, ngay sau khi có quyết định thành lập, ông Đặng Lê Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với hầu hết những người này. Ông Hoa đã mời một người nguyên là lãnh đạo ĐH Thái Nguyên về làm hiệu trưởng mới. Tuy nhiên, chỉ được vài tuần sau khi có quyết định công nhận hiệu trưởng của chính quyền Hà Nam thì hiệu trưởng thứ hai này đã nhanh chóng rút lui.
Đời hiệu trưởng thứ ba là một nhà giáo từng công tác tại Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên. Ông này về làm hiệu trưởng lâu nhất được khoảng 2 năm nhưng cũng phải cáo từ vì chẳng có quyền hành gì. Mọi việc của trường đều do ông Hoa dùng quyền chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định và áp đặt.
Hiệu trưởng thứ tư là ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên cán bộ của Viện ĐH Mở Hà Nội. Ông Vĩnh về làm việc được một thời gian không lâu thì cũng ra đi.
Video đang HOT
Không ai “dám” làm
Ông Văn Bá Thanh, nguyên Phó hiệu trưởng trường này, kể lại: “Do không tuyển sinh được và làm ăn thua lỗ nên ông Hoa toàn chửi mắng lãnh đạo nhà trường. Vì thế, trong các cuộc họp nhà trường, ông Hoa và thầy Vĩnh đã có những cuộc xung đột nảy lửa”. Từ năm 2011, sau khi ông Vĩnh không làm hiệu trưởng cũng có vài người khác về tìm hiểu trường nhưng không ai muốn đảm nhiệm chức vụ này. Từ đó đến nay, Trường ĐH Hà Hoa Tiên không có hiệu trưởng.
Những người từng làm hiệu trưởng trường này khi trò chuyện với chúng tôi đều cho biết lý do nghỉ việc là không hợp với ông Hoa. Một trong những cựu hiệu trưởng cho biết ông Hoa là chủ đầu tư nhưng không có chuyên môn về giáo dục, lại dùng quyền chủ tịch Hội đồng quản trị để điều hành nhà trường.
Hơn 3 năm nay, trường không có hiệu trưởng và hiện cũng không có trưởng phòng đào tạo. Hiện nay trường có “thuê” một người làm phó hiệu trưởng nhưng không được giới thiệu là lãnh đạo nhà trường. Trên trang web của trường, phần lãnh đạo nhà trường chỉ có ông Hoa và một hiệu phó là con gái của ông này.
Không đủ tiêu chuẩn cũng bổ nhiệm
Hiện có rất nhiều trường tư rơi vào cảnh… không hiệu trưởng. Chẳng hạn, Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương) từ tháng 1.2013 đến tháng 2.2014 không có hiệu trưởng. Từ tháng 9.2013 đến nay Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng không có vị trí này.
Hơn một năm nay, Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) không có hiệu trưởng và trưởng phòng đào tạo. Như Báo Thanh Niên từng phản ảnh, trường này có nhiều tiêu cực trong tuyển sinh. Điển hình là việc cho sinh viên có giấy báo nhập học giả vào học trong suốt nhiều năm liền. Năm 2012, khi để xảy ra sai phạm, ông Nguyễn Văn Thường lúc đó làm hiệu trưởng nhà trường đã phải nghỉ việc. Từ đó đến nay, chủ tịch Hội đồng quản trị không tìm hiệu trưởng mới mà chỉ bổ nhiệm ông Đỗ Doãn Hải, một phó hiệu trưởng điều hành nhà trường. Tuy nhiên, phó hiệu trưởng này cũng không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, độ tuổi của phó hiệu trưởng khi được bổ nhiệm không quá 70 nhưng hiện ông Hải đã hơn 80.
Không ít trường tư cũng sử dụng lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn. Theo quy định tại điều 20 luật Giáo dục đại học, hiệu trưởng phải là cán bộ quản lý cấp phòng, khoa của trường đại học ít nhất 5 năm. Điều lệ trường đại học cũng nêu rõ hiệu trưởng phải là người có ít nhất 5 năm tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục đại học. Tuy nhiên, có những trường khi bổ nhiệm hiệu trưởng đã bỏ qua tiêu chí này mà chỉ chú ý đến học vị tiến sĩ. Chẳng hạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Trưng Vương (Vĩnh Phúc) hiện nay chỉ có học vị tiến sĩ mà chưa từng tham gia làm quản lý cấp phòng ở một trường đại học nào.
Theo TNO
Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 2: Thầy cô đấu nhau, sinh viên lãnh đủ
Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) là một ví dụ điển hình vì những sai lầm về chính sách đã đẩy một trường mà những nhà sáng lập theo đuổi con đường bất vụ lợi, những năm đầu phát triển ổn định trở nên bất ổn, vô hướng như hiện nay.
Náo loạn bên ngoài cổng một cơ sở của Trường ĐH Hùng Vương ngày 28.12.2013
Cảnh sát phải đến can thiệp
Sinh viên bật khóc vì hoảng hốt trước sự việc diễn ra tại trường - Ảnh: Đăng Nguyên
Định giá sai để chiếm quyền
Thành lập từ năm 1995, sau nhiều năm phát triển ổn định, đến năm 2004, do mâu thuẫn và không có điều kiện phát triển nên Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Hùng Vương lúc bấy giờ mời ông Đặng Thành Tâm bảo trợ và xây dựng trường.
Lực lượng bảo vệ được thuê đến dọn đồ hành xử như giang hồ khi dùng búa, kìm phá cổng, leo rào vào trong sân trường. Nhiều sinh viên bật khóc vì quá hoảng sợ
Năm 2009, khi có Quy chế 61 về trường ĐH tư thục, coi trường ĐH như công ty cổ phần, thì người có hơn 51% số vốn góp sẽ nhiều quyền lực. Năm 2010, ông Lương Ngọc Toản, Chủ tịch HĐQT lâm thời nhà trường ra quyết định công nhận số vốn của các cổ đông phía ông Đặng Thành Tâm là 20 tỉ đồng, số vốn góp của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM là 17 tỉ đồng. Theo quyết định này, nhà đầu tư được giữ đến 54% vốn góp còn Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM chỉ có 46%. Theo quy định, nhà đầu tư có quyền quyết định mọi hoạt động của nhà trường.
Cán bộ, công nhân viên trường cũng như nhiều cổ đông phản ứng quyết liệt vì cho rằng cách định giá trường như vậy là quá thấp. Lý do là dựa vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán (ngày 31.12.2009), vốn tập thể của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM phải gần 21 tỉ đồng, chưa kể giá trị tài sản vô hình như thương hiệu, chất xám... Kết luận của Thanh tra TP.HCM (ngày 14.2.2012) sau đó cũng chứng thực điều ấy khi cho biết tổng số tiền đầu tư của nhà đầu tư được xác định như vậy không chính xác. Theo kết luận trên, tỷ lệ vốn góp chính xác phải là: Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM nắm giữ 73,3%, các nhà đầu tư phía ông Đặng Thành Tâm nắm giữ 26,7%.
Từ việc xác định sai, HĐQT khóa 4 đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cán bộ trường. Mâu thuẫn lại càng lên cao khi UBND TP.HCM ra quyết định công nhận HĐQT khóa 4. Sau đó, Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra trong HĐQT có một số cá nhân không đủ điều kiện, có một số điểm không đúng với quy định, đề nghị kiểm tra và xử lý... Tuy nhiên, UBND TP.HCM không thay đổi ý kiến. Một bên dựa vào quyết định của UBND TP.HCM, một bên "bất phục" và dựa vào kết luận của thanh tra khiến cho việc đấu đá giữa hai phe phái trong trường trở nên gay gắt.
Những hành động phi giáo dục
Theo đề nghị của ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT, ngày 4.3.2012 UBND TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Lý (ông Lý đã kiện quyết định này ra tòa và đã bị bác đơn). Ngày 6.3, khi đoàn công tác xuống trường để triển khai quyết định đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của một số cán bộ, nhân viên dẫn đến căng thẳng, xô xát.
Tiếp đó là hàng loạt chuyện kỳ lạ. UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi con dấu nhưng 3 lần thu hồi thì cả 3 lần bất thành. Sau đó, một số thành viên HĐQT họp, bầu bà Tạ Thị Kiều An - phó hiệu trưởng lên làm hiệu trưởng tạm quyền thay ông Lê Văn Lý. Phía bên còn lại cũng không chịu thua. Ông Ngô Gia Lương là một thành viên HĐQT khác, triệu tập đại hội cổ đông bất thường ngày 26.6.2013, bầu ông Nguyễn Đăng Dờn làm hiệu trưởng tạm quyền. Như vậy, đến lúc đó, trường có đến 2 hiệu trưởng! Sau đó, UBND TP.HCM đã ra quyết định không công nhận đại hội nói trên, chỉ công nhận bà An là hiệu trưởng tạm quyền.
Chuyện không thu hồi được con dấu dẫn đến việc sinh viên năm cuối phải chờ gần 2 năm vẫn không được thi tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT phải tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên trường này ở 4 trường ĐH khác.
Vào ngày 28.12.2013, lấy lý do trả cơ sở, bà Tạ Thị Kiều An thuê người đến trường chuyển đồ đạc qua cơ sở khác. Không đồng ý vì cho rằng cơ sở khác chưa đủ điều kiện hoạt động, một số cán bộ và sinh viên đóng cổng trường, không hợp tác. Có mặt tại đây, chúng tôi thật sự hoảng hốt trước khung cảnh náo loạn của môi trường giáo dục. Lực lượng bảo vệ được thuê đến dọn đồ hành xử như giang hồ khi dùng búa, kìm phá cổng, leo rào vào trong sân trường. Nhiều sinh viên bật khóc vì quá hoảng sợ.
Theo thông báo mới nhất trên website trường, sinh viên đã được công nhận tốt nghiệp sẽ có giấy chứng nhận. Tuy nhiên, thông tin nhận bằng tốt nghiệp như thế nào vẫn chưa được công bố chính thức. Trong khi đó, trường này đã bị tạm dừng tuyển sinh 2 năm liên tiếp, mà theo quy định của Bộ GD-ĐT, nếu bị dừng tuyển sinh liên tục 3 năm, Bộ sẽ ra quyết định đóng cửa trường.
Cho dù hiện nay các cấp lãnh đạo đang tìm cách giải quyết thật êm thấm vụ việc tại trường nhưng đây vẫn là một trong những chuyện khó tin và kỳ lạ trong lịch sử phát triển trường ĐH VN.
Theo TNO
Chuyện khó tin ở trường đại học tư Do những sai lầm về chính sách, quy định mà nhiều trường đại học tư hoạt động như những công ty kinh doanh giáo dục. Những câu chuyện trong loạt bài sau đây có thể là khó tin nhưng nó đã và đang xảy ra ở nhiều trường khiến xã hội mất niềm tin vào các trường tư. Minh họa: DAD Nhà đầu...