Chuyện “gieo chữ” bên sườn núi Pu Si Lung
Bên sườn núi Pu Si Lung, các thầy, cô giáo điểm trường tiểu học Khoang Thèn vẫn hàng ngày miệt mài bám bản, bám lớp, “gieo” từng con chữ cho con em đồng bào địa phương.
Giờ tập đọc của lớp 2, điểm trường tiểu học Khoang Thèn, xã biên giới Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), tiếng đánh vần của học sinh ê a vang vọng núi rừng. Lớp học chưa đầy 10 học sinh, ai cũng chăm chú nhìn lên bảng, với bài giảng về nét đẹp của quê hương, đất nước.
Ngừng tay phấn, cô giáo Cao Thị Thanh Hương tâm sự, để có được tỷ lệ chuyên cần như hôm nay, các thầy cô giáo đã phải nỗ lực rất nhiều, vì mùa này các cháu thường theo cha mẹ đi nương, đi rừng. Người dân trên địa bàn phần lớn là hộ nghèo, thuộc dân tộc đặc biệt khó khăn, nên hầu hết bà con cũng không quan tâm tới việc học chữ của con em mình.
Phần lớn các điểm trường bản tại xã biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là các nhà học tạm
Quê cô Hương tại huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây (cũ), cô lên miền biên viễn Pa Vệ Sủ công tác, mặc cho gia đình, người thân ngăn cản. Những tưởng chỉ công tác một vài năm rồi xin chuyển vùng, nhưng mỗi lần dự định chuyển, nhìn các em học sinh, sống mũi cô lại thấy cay cay. Quyết định đó cũng vụt đi vài lần và khi lập gia đình, cô đã quyết định ở lại.
“Ở đây, địa bàn xa xôi, hầu hết học sinh là dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nhiều em hoàn cảnh rất vất vả. Các em thường bỏ đi nương nhiều, nên khi đi vận động học sinh thì giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thấy các cô giáo nói, hôm nay sắp đến 20/11 rồi thì các em cũng đi hái hoa dại về tặng cho các cô giáo ở bản. Cảm thấy rất là vui vì các em cũng đã biết ngày đó là ngày tri ân các thầy, cô giáo”, cô giáo Hương tâm sự.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy, cô giáo nơi đây vẫn đang nỗ lực từng ngày để bám bản, bám lớp, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương
Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ được sáp nhập cách đây 2 năm trên cơ sở của 2 trường tiểu học. Hiện, nhà trường có 33 lớp, gần 400 học sinh. Do thiếu thốn cơ sở vật chất, địa bàn rộng, nên hiện nhà trường vẫn duy trì việc dạy và học tại 14 điểm bản. Ngoài vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, dạy chữ, hàng ngày, các điểm trường phải thực hiện chế độ nuôi ăn bán trú và dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Video đang HOT
Thầy giáo Vũ Văn Viện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ cho biết, toàn trường hiện có 64 cán bộ, giáo viên. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng dịp này, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam như phát động thi đua điểm 10, tổ chức văn nghệ… Không có quà, hoa như miền xuôi, nhưng lời ca, tiếng hát của học sinh và sự cổ vũ, động viên của phụ huynh đến xem cũng là niềm động viên lớn để các thầy, cô giáo tiếp tục bám trường, bám lớp.
“Cũng có nhiều kỷ niệm với học sinh và đồng bào, tổ chức văn nghệ thì cũng được các cháu đến cổ vũ các thầy, các cô trong ngày này. Rồi bà con nhân dân đến cổ vũ phong trào, cùng tham gia các tiết mục văn nghệ mà nhà trường xây dựng lên. Giáo viên cũng chỉ mong các em đến trường, đến lớp đầy đủ, duy trì tỷ lệ chuyên cần để làm sao đảm bảo được chỉ tiêu, chất lượng giáo dục, như thế chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ”, thầy Viện nói.
Ngày nhà giáo Việt Nam, món quà các em tặng cô là những cành hoa dại hái ven rừng
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Pa Vệ Sủ hiện có gần 300 học sinh, ở 8 lớp học, trong đó có gần 200 học sinh thuộc diện ăn ở bán trú. Nhờ sự tận tâm, tận lực của mỗi thầy cô trong trong truyền dạy con chữ và kiến thức khác, nên ngoài duy trì được sỹ số, chất lượng giáo dục trong nhà trường cũng không ngừng được nâng lên, có em đã đạt tới danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.
“Mấy năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh ra lớp được đảm bảo hơn. Năm học trước, nhà trường còn có học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đây là điều rất đáng mừng. Ngày hiến chương các nhà giáo mấy năm gần đây thì cũng đã có học sinh mang hoa rừng đến tặng các thầy cô. Việc làm này cũng đã phần nào động viên các thầy, cô giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn này”, thầy giáo Phan Thanh Hội, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Vệ Sủ cho hay.
Khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo đang được đền đáp khi các thế hệ học sinh người La Hủ đang lớn lên, với hy vọng mang kiến thức, kỹ năng sống đã được trang bị về xây dựng bản làng, quê hương.
Ở nơi heo hút mây núi giữa đại ngàn Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sự nỗ lực của các thầy, cô giáo đang từng ngày được đền đáp khi thế hệ học sinh dân tộc La Hủ lớn lên và có thay đổi nhận thức nhờ kiến thức được trang bị dưới mái trường. Để rồi đây, chính các em sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng bản làng, quê hương mình ngày thêm giàu mạnh./.
Giáo viên dân tộc thiểu số vượt khó gieo chữ trên quê hương
Phạm Văn Nam và Đinh Thị Hồng Linh là hai giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020.
Họ đã vượt qua nhiều khó khăn để bám trường bám lớp và truyền dạy kiến thức, kỹ năng cho học trò trên quê hương.
Dạy chữ con em đồng bào
Cô giáo Đinh Thị Hồng Linh (SN 1993, dân tộc Hrê) đã gần 7 năm gắn bó với trường mẫu giáo An Dũng dạy dỗ những mầm non của quê hương An Dũng - xã nghèo của huyện An Lão, Bình Định. Người dân ở đây phần lớn là người dân tộc thiểu số Hrê.
Để có hạnh phúc được gieo những con chữ đầu tiên cho người đồng bào mình, cô đã không ngừng nỗ lực vượt qua những năm tháng khó khăn khi sinh ra trong gia đình nghèo 8 anh chị em; năm tháng sinh viên CĐ Sư phạm Trung ương vừa học vừa làm thêm ở Hà Nội.
"Ngành học Mầm non tưởng chừng dễ nhưng dần tôi nhận ra khó vô cùng. Ngành học đòi hỏi những cô giáo mầm non tương lai phải quý trẻ, yêu nghề, kiên nhẫn, biết kiềm chế, có tinh thần trách nhiệm cao và hết sức bao dung. Nghĩ đến những đứa trẻ trong làng nhem nhuốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương... tôi lại cố gắng vươn lên", cô Linh kể.
Cô giáo Hồng Linh hạnh phúc khi dạy những nét chữ, câu hát cho con em đồng bào dân tộc mình
Đó cũng là động lực để cô Linh vượt qua khó khăn để gắn bó với nghề khi đi dạy. Cô kể, địa hình quanh co, người dân sống dọc hai bên bờ sông và dưới chân núi. Giao thông đi lại không thuận tiện, có sông nhưng không có cầu. Đến mùa mưa, học sinh ở bên kia sông phải nghỉ học vì không có cầu qua lại. Có những hôm, cha mẹ các em đi làm xa không về kịp để đón con, cô phải cõng từng em qua sông để trở về nhà.
Bên cạnh việc tổ chức truyền dạy kiến thức, kỹ năng trên lớp, cô Linh hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi như: "Bé năng động cùng Aerobic cấp huyện", "Bé yêu tiếng Việt cấp huyện"... và nhiều em đạt giải cao. Ngoài công tác chuyên môn, cô Linh còn làm Bí thư Chi Đoàn trường và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động phong trào, giúp đỡ học sinh và người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn.
Gieo chữ ở "Sapa của xứ Thanh"
Thầy giáo Phạm Văn Nam (SN 1981, dân tộc Mường) đã bắt đầu những ngày đầu tiên của nghề gieo chữ ở trường THCS Lũng Cao (sau là trường phổ thông Cao Sơn) huyện Bá Thước, Thanh Hóa.
Trường cách trung tâm thị trấn hơn 20km với con đường mịt mù bụi ngày khô và lầy lội những ngày mưa; nằm trên độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển mà như nhiều người thường gọi "Sa Pa của xứ Thanh". Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái với nhiều khó khăn về giao thông, khí hậu, điện thắp sáng chưa có.
Thầy Nam chia sẻ: "Một ngày thu của năm 2006, tôi cùng hai đồng nghiệp men theo đường món với những đoạn dốc thẳng đứng để lên với Cao Sơn. Trước mắt chúng tôi là hai phòng học tranh tre nứa lá mà sự tưởng tượng dù có lãng mạn đến đâu tôi cũng không nghĩ ra, gọi là phòng học nhưng thực ra là những thanh tre ghép lại đặt trên nền đất ẩm ướt".
Trong ngày đầu tiên lên lớp, cảm xúc của thầy Nam không phải là sự háo hức mà là rưng rưng khi thấy học sinh quần áo rách, đôi chân trần trong giá lạnh của vùng cao dù đang ở mùa thu. "Ánh mắt trong veo của học sinh khi ấy có lẽ là động lực lớn nhất để tôi gắn bó với vùng đất này, cuộc sống có phần hoang sơ và con người chân thật, mến khách đến kỳ lạ", thầy Nam kể.
Thầy Nam chia sẻ, có những lúc chạnh lòng, nhất là khi chiều buông, học sinh ra về, đồng nghiệp ở gần nhà trở về với gia đình khiến trào dâng cảm giác thèm tiếng nói trẻ con, bữa cơm gia đình, sự náo nhiệt phố thị thay cho sự tĩnh lặng nao lòng giữa núi rừng. Nhưng không vì thế mà thầy bỏ cuộc.
Sau 5 năm công tác, thầy chuyển về trường THCS Hạ Trung - một ngôi trường khác ở vùng khó huyện Bá Thước.
"Ánh mắt trong veo của học sinh khi ấy có lẽ là động lực lớn nhất để tôi gắn bó với vùng đất này, cuộc sống có phần hoang sơ và con người chân thật, mến khách đến kỳ lạ".
Thầy giáo Phạm Văn Nam nói.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức, nhằm vinh danh các các giáo viên là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Từ ngày 16 - 17/11, các thầy cô giáo tuyên dương trong chương trình tham gia các hoạt động: Gặp mặt Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; gặp lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc..
Đổi mới chương trình, "quả bóng trách nhiệm" được đẩy về cho các thầy cô giáo? Thử đặt vấn đề, nếu không xảy ra sự cố sách Cánh Diều thì liệu có ai cho phép các thầy cô giáo được tự do lựa chọn ngữ liệu khác như thế không? LTS: Xung quanh câu chuyện về chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ tiếp tục gửi đến...