Chuyên gia tư vấn cho thí sinh những lưu ý trước ngày thi tốt nghiệp THPT
Các chuyên gia đã có những chia sẻ để chăm sóc sức khỏe, tâm lý cho thí sinh trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2020 và cách “thoát” ra khỏi tâm trạng không tốt khi gặp bài chưa làm bao giờ.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thuỷ và Tiến sĩ Lê Bá Trần Phương.
Hãy coi kỳ thi là một sự kiện chứ không phải cuộc đua
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy – Giảng viên Khoa Công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam – Chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng: “Việc học dồn ép trước thi luôn vắt kiệt sức của các sĩ tử cả về thể chất lẫn tinh thần và trong nhiều trường hợp là nguyên nhân của những chứng bệnh như đau đầu, căng thẳng, mất ngủ, giảm trí nhớ, khó tập trung. Để cơ thể luôn khỏe mạnh thì việc ăn uống sao cho đúng cách luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Các thí sinh cũng tránh lạm dụng các đồ uống có chất kích thích thần kinh như chè, cà phê, ca cao vì những đồ uống này chỉ giúp tỉnh táo nhất thời và sau đó sẽ làm cơ thể mệt mỏi. Cung cấp đủ năng lượng và đảm bảo dinh dưỡng giúp não bộ minh mẫn trong mùa thi”.
TS Lê Thị Thanh Thủy cũng cho biết thêm, đối với thí sinh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp chúng ta thoải mái không cảm thấy mệt mỏi. Theo nhiều nghiên cứu, não của con người luôn ở 2 trạng thái là hưng phấn và ức chế. Nếu hưng phấn quá lâu cũng gây mệt mỏi nên cần giữ được cân bằng trong tâm lý.
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn có suy nghĩ cho con uống nhiều loại thuốc bổ, vitamin để tăng cường sức khỏe, tăng khả năng ghi nhớ giúp con luyện thi tốt hơn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nếu các em có một chế độ ăn hợp lý và đầy đủ chất thì không cần bổ sung thêm thuốc bổ.
Trên thực tế, nhiều thí sinh luôn cảm thấy hồi hộp trước ngày thi ảnh hưởng đến cả giấc ngủ và chế độ ăn uống. Theo chuyên gia tư vấn Lê Thị Thanh Thủy, các bạn trẻ đã ôn luyện cả một quá trình dài, đến ngày thi là ngày cần được thư giãn, thoải mái nhất để sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Hãy coi đó là một sự kiện trong cuộc sống chứ không phải cuộc chạy đua. Bạn chỉ cần cố gắng hết sức để không phải nuối tiếc khi nhìn lại.
Đồng thời, để tránh được những lo lắng không đáng có như quên giấy tờ, quên đồ dùng,..thí sinh hãy chuẩn bị thật tốt, kiểm tra lại nhiều lần, nếu cẩn thận có thể lập danh sách những thứ cần mang vào phòng thi và nên đến sớm để tránh những trường hợp hốt hoảng vì sợ muộn giờ.
Làm gì khi gặp bài chưa làm bao giờ?
Tiến sĩ Lê Bá Trần Phương – Trưởng khoa Khoa học cơ bản trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – Chuyên gia tư vấn ôn thi khuyên các sĩ tử trước ngày thi:
“Trước ngày thi 1 ngày, các bạn hãy thả lỏng cơ thể và không nên học dồn, học khuya hay cố nhồi nhét kiến thức vào đầu, bởi nó ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của mỗi người, làm như vậy cũng không mang lại hiệu quả gì nhiều.
Điều quan trọng nhất là các bạn giữ được tâm trạng tốt, vận động nhẹ và chỉ cần hệ thống lại kiến thức một cách khái quát trước khi lên giường ngủ”.
TS, Lê Bá Trần Phương cũng cho biết, năm nay thí sinh cần chủ động trong các công tác phòng chống dịch. Các em có nhiều thuận lợi hơn so với thế hệ trước đó là đã được biết đến đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT ban hành.
Về cơ bản, đề thi thật không khác gì nhiều so với đề thi minh họa, thậm chí những câu hỏi khó cũng được giới hạn ở phần nào, nên đây là một thuận lợi cho thí sinh.
Đặc biệt, các sĩ tử cần tránh tiếp xúc với thông tin ngoài lề chưa được kiểm chứng trước ngày thi như lộ đề Văn, đề Toán, hay đề thi sẽ ra vào bài này,…
Đây là những thông tin gây nhiễu trên mạng xã hội, chưa được kiểm chứng rõ ràng, vì vậy đừng tự khiến mình hoang mang, bật dậy học đến sáng tập trung vào đề đó để hôm sau đi thi lại là một đề hoàn toàn khác.
TS Lê Bá Trần Phương khuyên các thí sinh, giữ vững trạng thái khi ở trong phòng thi: “Nhiều thí sinh có tâm lý đọc đề xong thường cuống vì có những bài em chưa làm bao giờ. Lúc này, cần giữ bình tĩnh, dừng bút, hít thở đều hoặc vận động nhẹ tại chỗ mà vẫn không ảnh hưởng đến quy chế thi, sau đó hãy làm bài.
Đặc biệt, khi ở trong phòng thi, giám thị cũng là con người và họ làm nhiệm vụ giữ an toàn nghiêm túc phòng thi nên họ không làm gì khiến bạn phải sợ hãi cả, đừng nhìn thấy giám thị là hoảng hốt” – TS Phương cho hay.
Chuyên gia tư vấn sức khỏe mùa thi cũng nhấn mạnh, thí sinh nên thư giãn trước thi một hai ngày trước thi, nghe nhạc, giải trí nhẹ nhàng, đi lại cho khuây khỏa. Cố gắng ngủ sâu và ngon giấc. Loại bỏ những lo lắng và tác động ngoại lai không cần thiết.
Ngày cuối cùng trước thi, các thí sinh có thể ôn lại một số vấn đề còn chưa chắc chắn và nên đi ngủ sớm, không thức khuya tối hôm trước thi. Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, đầu óc sảng khoái và minh mẫn.
Cũng tránh căng thẳng quá mức nếu bài thi trước làm không tốt. Nên bỏ qua, không suy nghĩ, không kiểm tra ngay kết quả bài vừa thi để tập trung vào bài thi sau.
Khi cảm thấy quá mệt và buồn ngủ, đấy là tín hiệu báo bộ não cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya rồi. Không nên ép bộ não hoạt động quá mức, ngày hôm sau sẽ hoạt động không hiệu quả.
Trước ngày thi tốt nghiệp THPT, 'đói ngủ', quên ăn nguy hiểm như thế nào?
Đói ngủ, ngủ không đủ giấc, quên ăn, ăn không đủ chất có nguy hiểm? Thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT cần lưu ý gì về việc chăm sóc não bộ thời gian này?
Nhiều thí sinh lo lắng, "đói" ngủ, stress trước kỳ thi tốt nghiệp THPT - ẢNH MINH HỌA: NGỌC THẮNG
Bài viết dưới đây chia sẻ những lời khuyên của tiến sĩ, bác sĩ (TS, BS) Nguyễn Thanh Danh; Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Dinh dưỡng TP.HCM, về việc chăm sóc sức khỏe thế nào cho thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Cảnh giác chức năng não bị suy yếu
Ngày thi tốt nghiệp THPT 2020 sắp đến, các thí sinh khó tránh khỏi lo lắng, tập trung trí óc để học tập, ôn luyện bài vở cho việc thi cử, nhiều em quên ăn quên ngủ, thức đến tận khuya để học bài và còn tranh thủ lên mạng. Do quá nhiều áp lực nên các em rất dễ bị stress, mệt mỏi, biếng ăn, hấp thu kém nên thiếu năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe, gây suy yếu hoạt động trí não và suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến năng suất học tập.
Khi não bị suy yếu, các em có thể cảm thấy các biểu hiện như: mau mệt hơn trước, khó tiếp thu bài vở, lâu nhớ nhưng mau quên, sức chịu đựng kém, dễ bị kích thích, hay nóng tính, khó làm chủ được cảm xúc: dễ nổi nóng, khó cảm thông. Mất dần hứng thú với học tập, ý chí và nghị lực không mạnh mẽ, lòng ham hiểu biết bị suy giảm. Tri giác và cảm giác bị trì trệ, cầm ly, chén hay bị rớt. Hay bị rối loạn giấc ngủ, chiêm bao, sáng mệt mỏi không muốn dậy.
Thí sinh TP.HCM ăn sáng, ôn bài trước giờ vào tham gia một kỳ thi - ẢNH THÚY HẰNG
Ăn gì tốt cho não?
Hiện nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy có ít nhất 6 loại chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu cấu trúc và thực hiện tốt nhất các chức năng của não như sau: Glucose, acid béo thiết yếu, phospholipid, acid amin, vitamin, khoáng chất và oxygen. Ngoài ra còn một số chất có liên đới khác như nước, chất xơ và cả các chất có hoạt tính sinh học chống lại sự thoái hóa tế bào và các neuron thần kinh như beta-caroten, lycopen, gamma oryzanol, anthocyanin...
Thứ nhất, Glucose là nguồn năng lượng chính của não. Để giữ cân bằng và ổn định glucose máu cho tế bào não, các em nên dùng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như tinh bột của khoai củ, ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt, các loại đậu, rau và trái cây. Nên hạn chế sử dụng các carbohydrate có trọng lượng phân tử thấp như đường mía tẩy trắng, đường sữa (lactose). Người lao động trí óc không nên để đói mà cần ăn nhiều bữa ăn trong ngày (4-6 bữa) và chú ý ăn sáng đầy đủ.
Thứ 2, là các chất béo thiết yếu: nguyên liệu cấu tạo màng tế bào não. Ngoài các chất béo thiết yếu, não còn cần cả chất béo bão hòa và cholesterol. Các chất béo thiết yếu cần cung cấp cho não như omega-3 và omega-6. Vì vậy, để giúp cho não hoạt động tốt, nên có ít nhất 3 bữa cá biển trong tuần. Nếu không có cá hoặc không ăn được cá thì nên thay thế bằng các loại đậu hoặc các hạt có nhiều dầu. Phospholipid là người bạn tốt của trí nhớ, có nhiều trong lòng đỏ trứng, trong các phủ tạng động vật.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Danh
Thứ 3, chất đạm hay acid amin, nguyên liệu cấu tạo đồng thời là sứ giả của não là chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chức năng tư duy, nhớ, lưu trữ và tái hiện thông tin của não.
Các acid amin cần thiết cho các hoạt động của não hay được nhắc đến là tryptophan, lysin, methionin, phenylalanin, taurine, có trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu. Trong bữa ăn hằng ngày nên dùng kết hợp hoặc đan xen giữa đạm động với đạm thực vật như: Đậu phộng, hạt điều, mè, các loại hạt, tảo spirulina, rong biển và nấm.
Thứ 4, Vitamin và khoáng chất, giúp chuyển hóa các chất. Các em cần ăn nhiều rau củ quả (300 g rau mỗi ngày) để có đủ vitamin và khoáng chất, chất xơ, các hoạt chất có hoạt tính sinh học bảo vệ và chống lại sự thoái hóa tế bào và các neuron thần kinh như beta-caroten, lycopen, gamma oryzanol, anthocyanin có nhiều trong các loại rau quả. Nên chọn các thực phẩm tươi tốt, tránh các thực phẩm qua nhiều khâu chế biến, thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo.
Tiếp theo là Oxygen, một chất dinh dưỡng quan trọng không thể thiếu. Khi não thiếu oxy, thường có các biểu hiện sau: Mệt mỏi, hoa mắt, suy nhược, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, hay ngất xỉu. Vì thế, các em nên làm việc trong môi trường thông thoáng, đủ ánh sáng, luyện tập hít thở sâu để trao đổi oxy của phổi được thông suốt. Lưu ý điều trị bệnh thiếu máu, nhất là thiếu máu thiếu máu thiếu sắt để hồng cầu có đủ hemoglobin vận chuyển oxy cung cấp cho não.
Một số chất đáng lưu ý khác cần cho hoạt động của não, trong đó có nước, các em cần uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Thí sinh không cần đeo khẩu trang khi ngồi làm bài thi tốt nghiệp THPT
"Đói ngủ" có nguy hiểm cho não?
Để đạt được sự minh mẫn, thông thái, não không chỉ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà não luôn cần được chăm sóc bởi các phương pháp quan trọng khác.
Dù học thi tốt nghiệp THPT cũng không nên đói ngủ, cần ngủ thỏa mãn theo nhu cầu cơ thể, nên ngủ sớm trước 10 giờ đêm, tránh ngủ muộn kéo dài sẽ dễ làm suy nhược não, suy giảm năng suất lao động trí óc.
Trái cây đa sắc giúp cho sức khỏe trí não - SHUTTERSTOCK
Đêm cần ngủ từ 7-8 tiếng, ngủ trưa 30 phút - 2 tiếng, nếu không ngủ được cũng nên nhắm mắt nằm yên 15-20 phút cũng rất có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, để duy trì sự nhạy bén của trí não, các em có thể ngồi thiền, tập yoga giúp thư giãn não, tập trung tinh thần, minh mẫn, phòng ngừa bệnh tật và phòng chống stress hiệu quả.
Ngoài ra, cần tăng cường vận động. Các em đừng quên luyện tập như đi bộ, chạy bộ, bơi lội..., giúp tăng cường tăng sinh lực, thải trừ các chất ứ đọng, duy trì sự nhạy bén của các phản xạ thần kinh và quá trình tư duy của não. Khi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT chỉ nên tập nhẹ nhàng, vừa sức.
Bên cạnh đó, dù ôn thi tốt nghiệp THPT, các em cần biết tôn trọng nhịp sinh học, các việc dù đơn giản như ăn, ngủ, vận động, làm việc, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí luôn cần được sắp xếp thỏa đáng theo giờ giấc nhất định để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thức khuya ôn thi đạt hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ Thức khuya học tập không có nhiều hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ. Đây là thời điểm "nước rút" của các sĩ tử lớp 12 chuẩn bị bước vào các kỳ thi lớn nhỏ, trong đó quan trọng nhất là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông dự kiến diễn ra vào hai ngày 9,10/8/2020. Nhiều...