Chuyên gia cảnh báo người lớn đừng hôn môi trẻ vì có thể lây bệnh
Câu chuyện người mẹ trẻ chia sẻ con bị viêm màng não do thói quen được người lớn… hôn khiến nhiều người giật mình, bởi đây là điều khá phổ biến ở Việt Nam.
Truyền bệnh vì… hôn?
Trên mạng xã hội, người mẹ trẻ chia sẻ câu chuyện con gái nhỏ, từ một cô bé xinh như thiên thần, khỏe mạnh, ngoan ngoãn… đến khi gần một tuổi, trên miệng con đầu tiên xuất hiện các nốt phỏng nước.
Lúc đầu, bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng nhưng không dừng lại ở đó, biểu hiện bệnh của trẻ ngày càng nặng, nghi ngờ viêm màng não phải chọc tủy xét nghiệm.
Chuyên gia cảnh báo không nên tiếp xúc quá gần, hôn môi trẻ. Đặc biệt khi có bệnh lý hô hấp, virus càng tuyệt đối không hôn.
“Con sốt, môi con nứt chảy máu, con không ăn được, người con suy yếu, con gầy rộp! … Ơn trời sáng nay đã có kết luận, loại trừ khả năng những bệnh khác như kawasaki, con đang điều trị Viêm màng não tích cực”, người mẹ trẻ cho biết.
Chị cũng mong người lớn hãy ý thức hơn trong việc tiếp xúc, gần gũi, hôn hít trẻ.
Chưa thể khẳng định về ca bệnh, tuy nhiên PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, về thói quen hôn hít trẻ của người Việt, ông đã cảnh báo rất nhiều lần.
“Việc hôn trẻ không chỉ là nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, tay chân miệng… mà có thể lây viêm màng não. Bệnh viêm não, viêm màng não do virus Herpes gây ra. Virus này sẽ xâm nhập cơ thể trẻ qua đường niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ, sau đó sẽ lên não, gây viêm não”, PGS Dũng cảnh báo.
Ở trẻ sơ sinh, viêm não có thể lây từ mẹ sang con qua quá trình chuyển dạ và sinh đẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm virus từ môi và vùng quanh miệng của người có hành vi hôn trẻ.
“Đặc biệt ở trẻ em, trẻ sơ sinh đang có sức đề kháng kém, khi hôn trẻ rất dễ khiến trẻ lây các bệnh truyền nhiễm qua nụ hôn, như vi rút cúm, quai bị, tay chân miệng…”, PGS Dũng nói.
Cùng quan điểm này, BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, xét về mặt lý thuyết những bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, lây truyền qua nước bọt hoặc tiếp xúc trực tiếp đều có thể lây qua nụ hôn.
Video đang HOT
Nhiều loại bệnh có thể truyền qua nụ hôn
Có rất nhiều loại vi khuẩn và virus có thể lây qua đường hô hấp như vi khuẩn lao, não mô cầu, … hoặc virus như cúm, sởi, quai bị…Thông thường chúng hay lây qua những giọt nhỏ phát sinh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Xét về lý thuyết khi hôn nhau thì cũng có thể gây lây lan những bệnh này dù trên thực tế ít phổ biến
Các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như virus Herpes: Khi hôn, tiếp xúc cũng có thể gây các vết loét, mụn nước dạng herpes trên da, thường ở vùng da vùng bán niêm mạc hoặc virus có thể xâm nhập, tồn tại dạng “ngủ” âm thầm trong người, đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động gây chốc mép, zona thậm chí viêm não do herpes.
Virus cytomegalo (CMV) cũng thuộc nhóm Herpes: Nó lây lan qua dịch cơ thể như nước bọt, nước tiểu hoặc máu. Khi một người bị nhiễm CMV, nó sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời. Nhiễm CMV thường không gây bệnh nghiêm trọng, tuy nếu bào thai bị nhiễm CMV có thể có những rối loạn phát triển nghiêm trọng. Ngoài ra ở những người có sức đề kháng kém chúng có thể gây tổn thương phổi, gan, hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
Các bệnh lây truyền qua nước bọt: Nhiều virus đường ruột có thể lây truyền qua nước bọt. Có thể kể như Virus gây bệnh tay chân miệng, enterovirus, virus gây bại liệt, tiêu chảy…
Người ta cũng cho rằng vi khuẩn gây viêm loét dạ dày H.. Pylory cũng có thể lây qua nước bọt nên những hành vi như mớm thức ăn cho trẻ nhỏ có thể khiến vi khuẩn này lây lan.
Tuy vậy, trên thực tế có rất ít trường hợp lây bệnh được xác định chắc chắn đường lây truyền qua nụ hôn, nên có thể coi đây là con đường lấy truyền khá thứ yếu đối với những bệnh lý kể trên.
“Nhưng khi đang mắc bệnh hô hấp, cúm, tay chân miệng… thì ngay cả tiếp xúc trẻ cũng không nên, chứ đừng nói đến chuyện hôn trẻ”, BS Cấp nói.
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên cả nể để người lớn khi đến thăm, bế là cọ mũi, hôn môi trẻ. Hãy mạnh dạn chia sẻ mong muốn không muốn cho trẻ tiếp xúc gần. Thay vì hôn miệng, hôn má có thể hôn lên tóc, lên tay trẻ.
Ngay cả người lớn khi đi ngoài đường về, sau khi chế biến đồ ăn, dọn vệ sinh, giặt tã… cũng cần rửa tay thật sạch trước khi bế trẻ để phòng nguy cơ lây bệnh cho trẻ.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Dấu hiệu viêm màng não ít ai ngờ mà bố mẹ phải lưu ý để cứu con
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm màng não có thể gây tử vong hay để lại những di chứng nặng nề cho trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ hoàn toàn có thể ngăn ngừa nguy cơ này nếu chú ý tới các dấu hiệu dưới đây.
1. Sốt đột ngột
Một trong những triệu chứng của viêm màng não là một cơn sốt xuất hiện đột ngột. Hãy chú ý nếu con bạn bắt đầu run rẩy và nói rằng luôn cảm thấy lạnh. Nhiệt độ cơ thể bé sẽ tăng lên rất nhanh và khó giảm. Tuy nhiên, thực tế là triệu chứng này cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nên cha mẹ cần chú ý thêm các yếu tố khác.
2. Đau đầu dữ dội
Mặc dù sốt và nhức đầu có thể liên quan với đau nửa đầu nhưng nếu đau đầu dữ dội kéo dài kèm theo sốt cao, hãy nghĩ đến nguy cơ viêm màng não. Ở trẻ sơ sinh, thóp phồng lên sẽ là một dấu hiệu quan trọng cha mẹ đặc biệt phải cẩn thận.
3. Nhìn mờ
Trẻ bị ảnh hưởng bởi viêm màng não sẽ không thể tập trung thị lực, đó là lý do tại sao bé nhìn mọi thứ không được rõ ràng.
4. Đau bụng, buồn nôn và nôn
Một người mắc bệnh viêm màng não sẽ mất cảm giác thèm ăn. Điều này xảy ra một phần do hiện tượng buồn nôn và nôn liên tục sau những cơn đau bụng.
5. Sợ ánh sáng
Một dấu hiệu khác của viêm màng não là chứng sợ ánh sáng vì nó làm những cơn buồn nôn cùng với nhức đầu càng dữ dội hơn.
6. Cứng gáy
Một đứa trẻ mắc viêm màng não có thể dễ dàng nhận ra ở tư thế nằm. Theo đó, bé sẽ nằm nghiêng về một phía, cổ không cúi xuống được. Việc cố gắng thay đổi tư thế thường rất khó khăn.
7. Không thể duỗi thẳng chân
Đặt trẻ nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Khi đó, hãy thử nâng đầu trẻ lên, nếu trẻ đau gáy và hai chân co lại, khi đó bạn hãy nghĩ đến dấu hiệu Brudzinski - một trong những triệu chứng của viêm màng não.
Ngoài ra, ở trẻ viêm màng não, dấu hiệu Kernig cũng xuất hiện. Theo đó, khi trẻ nằm ngửa, đặt cẳng chân vuông góc với đùi, đùi vuông góc với thân mình, bạn hãy thử nâng từ từ cẳng chân lên thẳng trục với đùi. Trường hợp tổn thương màng não, các cơ sau đùi và cẳng chân co cứng, không nâng cẳng chân lên được hoặc nâng lên được rất ít, hay trẻ sẽ kêu đau. Đó là dấu hiệu Kerrnig dương tính, được tính bằng góc tạo bởi cẳng chân và đùi.
8. Phát ban, nổi mề đay
Trẻ bị viêm màng não cũng dễ bị phát ban, nổi mề đay. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể liên quan đến một số bệnh khác. Để nhận biết chính xác trẻ có bị viêm màng não hay không, hãy thử làm theo cách sau:
Lấy một cốc thủy tinh, đặt lên phần da bị nổi ban, ấn mạnh tay cho đến khi nó chuyển sang màu nhạt. Nếu các đốm ban nổi lên mờ nhạt chứng tỏ trẻ không phải bị viêm màng não. Ngược lại, nếu nốt ban hiện rõ qua lớp thủy tinh nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.
Theo Danviet
Căng thẳng phẫu thuật "chỗ kín" cho cụ ông 104 tuổi Cụ ông 104 tuổi bị u xơ tuyến tiền liệt lớn gây bí đái. Không chỉ thế, cụ còn mắc nhiều bệnh lý khác như tim mạch, suy thận, rối loạn đông máu, vì thế, bệnh nhân có thể đối mặt với chảy máu, nhiễm trùng (do lớn tuổi) và hội chứng nội soi. Vì thế, các bác sĩ rất căng thẳng với...