Chuyên gia cảnh báo: Chất hóa dẻo có lẫn trong bụi bẩn và không khí, người dân nên hạn chế sử dụng các chế phẩm từ nhựa
Chất hóa dẻo tác động xấu đến hệ sinh sản, hệ nội tiết và liên quan đến các vấn đề về tim mạch.
Tại buổi họp báo với ký giả, giáo sư Tô Đại Thành, bệnh viện National Taiwan University Hospital cho biết, chất hóa dẻo tác động xấu đến hệ sinh sản, hệ nội tiết và liên quan đến các vấn đề về tim mạch.
Giáo sư Tô Đại Thành (giữa)
Chất hóa dẻo có ở khắp mọi nơi, có lẫn trong bụi bẩn và không khí. Ngoài ra, chất hóa dẻo được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày, chẳng hạn thảm lót sàn, giấy dán tường, các thiết bị y tế như túi truyền dịch, ống thông tim…
Giáo sư Tô Đại Thành chỉ ra, trong đời sống hàng ngày, người dân tiếp xúc nhiều nhất là hóa chất DEHP (2-ethylhexyl phthalate), được sử dụng chủ yếu làm nhựa PVC (polyvinyl clorua). Nghiên cứu phát hiện thanh thiếu niên khoảng 21 tuổi đều có chất MEHP, một chất chuyển hóa của DEHP. MEHP không chỉ gây rối loạn chức năng tế bào trong bệnh xơ cứng động mạch giai đoạn đầu, mà còn suy giảm nội tiết tố nam và cản trở hoạt động của hormone insulin.
Chất hóa dẻo sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa từ 2 – 3 ngày. Nghiên cứu phát hiện, trong cơ thể các bệnh nhân nhập viện có nồng độ chất hóa dẻo khá cao, nhưng khi xuất viện sẽ hồi phục về mức ổn định. Trong môi trường độc hại, tiếp xúc với chất hóa dẻo trong thời gian dài, bất kể hàm lượng cao hoặc thấp đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mọi người.
Vào năm 2018, tại Đài Bắc, giáo sư Tô Đại Thành đã tiến hành nghiên cứu bụi trong không khí. Kết quả phát hiện, bên trong và ngoài căn phòng, ngay cả trên tán lá của nhành cây bên ngoài căn phòng đều có nồng độ cao chất hóa dẻo DEHP. Điều này có liên quan đến không khí, bụi bẩn và môi trường xung quanh. Chỉ cần tiến hành quét dọn, lau chùi, xử lý phế phẩm có chất hóa dẻo thì nồng độ chất hóa dẻo từ môi trường xung quanh sẽ giảm xuống.
Từ năm 2017 – 2018, khi tiến hành nghiên cứu nơi cư ngụ, môi trường sống, hàng hóa được sử dụng trong 56 hộ gia đình tại Đài Bắc, phát hiện trong mỗi hộ gia đình đều có nồng độ cao chất hóa dẻo DEHP.
Video đang HOT
Giáo sư Tô Đại Thành cho biết, chất hóa dẻo DEHP thường thấy trong bệnh viện bao gồm túi truyền dịch nước muối sinh lý, ống thông tim… Trước đây, bệnh viện sử dụng bình truyền dịch thủy tinh hoặc túi truyền dịch ít hàm lượng hóa chất dẻo, nhưng do giá thành cao và khâu xử lý phức tạp nên đã chuyển sang thay thế vật liệu dùng 1 lần có chứa hàm lượng hóa chất dẻo cao.
Giáo sư Tô Đại Thành khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng các chế phẩm từ nhựa dẻo, chẳng hạn đồ chơi bằng nhựa của trẻ con, thảm lót sàn, giấy dán tường, màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng, các chế phẩm nhựa sử dùng 1 lần.
Theo Cna.com/Helino
Hiểm họa thực phẩm bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật
Việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dẫn tới tồn dư thuốc trong nông sản, trong môi trường đất, nước, không khí rất lớn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người.
Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc BVTV với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đáng lưu ý, chỉ trong tháng 4-2019 nước ta nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt gần 82 triệu USD, số liệu từ Tổng cục Hải Quan.
Mới đây, tòa án Mỹ phán quyết chất glyphosate thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có liên quan đến ung thư. Trong khi đó hóa chất này cũng như nhiều thuốc bảo vệ thực vật độc hại khác vẫn đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Hay vào cuối năm 2018, một kết quả xét nghiệm từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, có 31/67 người dân thuộc bốn huyện ngoại thành Hà Nội đang có thuốc BVTV tồn dư trong máu và một người ở mức rủi ro. Đặc biệt, nhiều người trong nhóm này là nhân viên, cán bộ, ở các xã, thị trấn không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp. Thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang lo sợ.
Sử dụng thuốc BVTV sai cách gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Internet
Có thể thấy với một lượng rất lớn thuốc BVTV được sử dụng tràn lan như hiện nay, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng.
Tác hại của thuốc BVTV với con người
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho hay tất cả loại hóa chất BVTV đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình.
Theo đó, thông thường có 3 con đường chính để thuốc BVTV đi vào cơ thể. Thứ nhất, ăn các loại thực phẩm, rau quả nhiễm độc từ các loại thuốc bảo vệ thực vật khi chúng đang có tồn dư thuốc, chưa đủ thời gian cách ly. Thứ hai, qua đường hô hấp khi chúng ta hít phải thuốc, có thể đi qua chỗ người ta đang phun thuốc, gió thoảng qua. Thứ ba là qua việc tiếp xúc trực tiếp, tức sử dụng các loại thuốc mà không đeo găng tay, đồ bảo hộ.
"Tuy nhiên tình trạng nhiễm độc hóa chất BVTV, cũng như mức độ độc hại sẽ tùy theo loại hóa chất và liều lượng dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn", PGS.TS Thịnh lưu ý.
Các chuyên gia y tế cho hay, khi ngộ độc thuốc ở dạng cấp tính, người bệnh sẽ có những triệu chứng dễ thấy như nôn mửa, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi... Nặng hơn chất độc sẽ chuyển hóa qua gan, gây nên rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể, ở phụ nữ dễ gặp tai biến sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, ung thư...
Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai cũng chỉ ra các dấu hiệu về ngộ độc thuốc BVTV biểu hiện ở tiêu hóa như buồn nôn, đi ngoài dữ dội. Hay các biểu hiện về thần kinh như lơ mơ, hôn mê, co giật, liệt cơ, thậm chí là tụt huyết áp, suy hô hấp, và đây là nguyên nhân trực tiếp gây chết trong ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật...
Ngoài ra người dân còn có thể bị các vấn đề về tiết niệu, và hội chứng cường cholinergicgặp trong ngộ độc cấp hóa chất BVTV phospho hữu cơ, carbamat. Với hội chứng này, người dân hoặc trẻ sẽ nôn mửa, kêu khó thở tức ngực, da tái lạnh, vã mồ hôi, run toàn thân hoặc co giật...
Làm gì để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm, ngộ độc thuốc BVTV?
Để hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm, ngộ độc thuốc BVTV, người sản xuất nông nghiệp lưu ý chỉ sử dụng các loại hóa chất BVTV trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật.
Khi sử dụng các thuốc BVTV cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh an toàn lao động: đeo găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc.
Khi thu hoạch rau củ quả phải chờ hết thời gian cách ly (là thời gian hóa chất BVTV còn không đáng kể trên rau quả, trung bình từ 2-25 ngày trở lên).
Các loại chai lọ bao bì đựng thuốc BVTV cần có đầy đủ nhãn hiệu, không đựng thuốc bảo vệ thực vật trong các vỏ chai lọ nước giải khát, để tránh nhầm lẫn uống phải.
Người tiêu dùng cần rửa sạch và gọt bỏ vỏ rau củ quả khi sử dụng. Ảnh: Internet
Người tiêu dùng cần rửa sạch và gọt bỏ vỏ rau củ quả khi sử dụng. Chọn mua thực phẩm an toàn để sử dụng. Khi có biểu hiện ngộ độc hóa chất BVTV, hoặc có các triệu chứng nghi ngờ, nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời.
Các loại rau củ có nguy cơ nhiễm nhiều và nhiễm ít thuốc BVTV
- Nguy cơ nhiễm nhiều thuốc BVTV nhất: Các loại họ đậu đỗ, dưa chuột, cà pháo, rau họ cải, súp lơ...
- Nguy cơ nhiễm ít thuốc BVTV: Cà rốt, củ cải, bí xanh, bầu, mướp, măng tây, cà chua...
(Th.S Nguyễn Xuân Điệp, Bộ môn Rau và gia vị, Viện Nghiên cứu rau quả- Theo Vnexpress)
NGUYÊN HÀ
Theo PLO
10 nghề nghiệp đẩy bạn gần hơn tới nguy cơ ung thư phổi Các chất ô nhiễm như hóa chất, vi trùng, khói thuốc lá, bụi bẩn từ môi trường làm việc có thể có tác động tiêu cực đến phổi và sức khỏe. Nhân viên vệ sinh: Dung dịch vệ sinh làm sạch nhà cửa có chứa nhiều hóa chất có thể kích hoạt hen suyễn. Ngay cả chất tẩy rửa hữu cơ cũng giải...