Chương trình giáo dục phổ thông mới: Tìm phương pháp thích ứng với học trực tuyến
Năm học 2021 – 2022 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6, cũng là thời gian các nhà trường phải thích ứng với hình thức dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Giáo viên Trường THCS Nam Trung Yên dạy trực tuyến. Ảnh: TG
Ứng dụng phương pháp mới
Giờ học trực tuyến môn Giáo dục công dân của học sinh lớp 6A1 Trường THCS Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) của cô Nguyễn Thị Hồng Bích với chủ đề “Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ” diễn ra sôi nổi trên phần mềm Teams với các hoạt động được thiết kế hợp lý, sáng tạo, hấp dẫn.
Sau phần luyện tập củng cố kiến thức bằng “Sơ đồ tư duy”, cô Bích tổ chức hoạt động “Chia sẻ yêu thương”. Đây là khi cả lớp cùng lắng lại cảm xúc, lan tỏa yêu thương với những video, bức ảnh về truyền thống của gia đình do học sinh chia sẻ. Kết thúc tiết học là trò chơi “Đuổi hình bắt chữ” với các câu hỏi trắc nghiệm mang tính giáo dục cao.
Cũng tại lớp học này, trong giờ học Địa lý với chủ đề “Hệ thống kinh, vĩ tuyến, tọa độ địa lý”, cô Nguyễn Thị Ánh đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ vào bài học giúp học sinh hiểu bài tốt hơn. Với tâm thế tích cực, hào hứng, học sinh đã say sưa tham gia các hoạt động tương tác cùng cô giáo. Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đến việc hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh đã giúp giờ học sôi nổi, hấp dẫn hơn, cho dù được tổ chức trong lớp học trực tuyến.
Còn tại giờ học môn Ngữ văn với chủ đề “Nỗi lòng tuổi thơ”, cô Nguyễn Thanh Thủy đã sử dụng bản đồ tư duy giúp các em hình dung bài học dễ dàng, tổ chức nhiều trò chơi hấp dẫn để tạo hứng thú cho học sinh. Ngoài ra, cô đã lưu lại video bài giảng để học sinh có thể xem lại; hướng dẫn trò cách ghi chép khi học online một cách nhanh, hiệu quả.
Cô Thủy chia sẻ: “Dạy văn trong trường phổ thông là thử thách lớn với giáo viên hiện nay. Dạy như thế nào cho hay, hiệu quả cao, tạo sự hứng thú, say mê cho học sinh quả thực là vấn đề lớn. Đặc biệt, trong giờ học trực tuyến, làm thế nào để những bài giảng cuốn hút học sinh trong khi điều kiện giao tiếp hạn chế đòi hỏi nỗ lực lớn của giáo viên”.
Video đang HOT
Học sinh đã quen với việc nhìn bảng và tương tác trực tiếp với giáo viên ở trên lớp nên việc trình bày của giáo viên trên màn hình khi dạy online phải hết sức khoa học, dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích. Do đó, giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp, đưa vào tiết dạy những ứng dụng công nghệ để giúp học sinh không bị nhàm chán.
Em Nguyễn Đức Anh – học sinh lớp 6A1 Trường THCS Nam Trung Yên cho biết: “Tham gia lớp học trực tuyến, em và các bạn trong lớp đều chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung liên quan đến bài học, thực hiện các nhiệm vụ cô giao. Em thực sự hứng thú khi được đọc, tìm hiểu thêm sách báo để mở rộng kiến thức của mình”.
Một giờ học trực tuyến tại Trường THCS Nam Trung Yên. Ảnh: TG
Đa dạng hóa phần mềm ứng dụng
Trong khi học trực tuyến đối với học sinh các khối lớp lớn trở nên quen thuộc thì với khối lớp 1, 2 lại đòi hỏi các thầy cô giáo phải có sự kiên trì, có những giải pháp, nghiệp vụ phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Tại tiết học môn Toán của học sinh lớp 2E, Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), niềm say mê trước những giờ học trực tuyến đầy thú vị đã khiến con số khô cứng được “mềm hóa”.
Cô Lê Thị Hồng Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 2E, Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: Chương trình mới được thiết kế trên cơ sở hoạt động học lý thuyết gắn liền với thực hành, luyện tập. Mỗi bài học được tổ chức thành chuỗi các hoạt động học tập của học sinh. Đây là thuận lợi lớn giúp giáo viên dễ dàng triển khai hoạt động giáo dục. Bởi vậy, giáo viên chủ động sắp xếp bài học theo tiến trình hướng đến việc tìm tòi, khám phá, phát hiện, thực hành, vận dụng phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh.
Còn tại giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1C, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội), học sinh chăm chú nghe cô giáo giảng, hào hứng tham gia lớp học trực tuyến. Những hoạt động dạy học được tổ chức linh hoạt, phù hợp với lứa tuổi. Phụ huynh cũng theo dõi chăm chú và chia sẻ niềm vui với các con khi tham gia vào hoạt động của lớp học.
Theo cô giáo chủ nhiệm lớp 1C Nguyễn Thị Hồng Thảo, đối với khối lớp 1, giáo viên đã có kinh nghiệm sau thời gian dạy trực tuyến ở năm học trước nhưng với học sinh lại rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt trong phương pháp giảng dạy của thầy cô, cùng sự đồng hành của cha mẹ, học sinh đã làm quen với việc học tập, việc triển khai dạy học theo chương trình mới cơ bản diễn ra thuận lợi.
Cô Mai Tố Quyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết: Học trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là với HS lớp 1, lớp 2 nhưng chúng tôi đã đồng hành cùng các thầy cô để tháo gỡ vướng mắc.
Trong quá trình triển khai dạy học, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyên môn giúp các thầy cô nghiên cứu chương trình giảng dạy. Nhà trường đã áp dụng nhiều phần mềm để các con tương tác, giúp việc dạy học đa dạng hơn. Nhà trường cũng xây dựng thời khóa biểu phù hợp với lứa tuổi, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giúp các con dần thích ứng với trực tuyến.
Chị Nguyễn Tuyết Nhung, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết: “Tuy là tiết học trực tuyến nhưng các con đều vui vẻ, hào hứng, được tham gia các hoạt động giống như học trực tiếp. Việc lồng ghép nội dung môn học bằng ứng dụng công nghệ đã mang lại hiệu quả tích cực, giảm áp lực cho học sinh”.
Học trực tuyến: Cần biết vận dụng sức mạnh của môi trường số
Các chuyên gia cho rằng, khi học trực tuyến, ngoài SGK, giáo viên và học sinh có thể tham khảo thêm nhiều học liệu đa dạng trên internet qua những kênh chính thống, giúp phong phú, sinh động các bài học.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, để giúp học sinh thích ứng với việc học từ xa, nhiều giáo viên đã hướng dẫn học sinh tìm đến các nguồn học liệu trực tuyến từ Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các đơn vị uy tín cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến.
Bảo Minh, học sinh lớp 9 trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngoài giờ học trực tuyến trên lớp, em và các bạn trong lớp thường dành thời gian để ôn luyện các bộ đề từ nhiều nguồn học liệu khác nhau. Đó có thể là các bài tập tự luận môn Văn, Toán hay bài thi trắc nghiệm để học sinh tự làm ở nhà.
"Trong thời gian học trực tuyến, việc tương tác với thầy cô để trao đổi bài tập bị hạn chế hơn nhiều so với học trực tiếp, từ đó yêu cầu mỗi học sinh cần chủ động hơn nữa trong việc học. Là năm học cuối cấp, chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, em rất lo lắng nên thường chủ động tìm thêm các nguồn học liệu khác để tham khảo, trong đó có các bộ đề thi của các năm để luyện tập. Một số kênh, ngoài đề thi có cung cấp cả đáp án để học sinh có thể đối chiếu, học hiệu quả hơn", Minh cho biết.
Ảnh minh họa.
Cô Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) cho hay, khi chuyển từ dạy và học trực tiếp sang dạy và học trực tuyến, cần xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, thay đổi phương thức giảng dạy, trong đó cũng cần đa dạng hơn những ngữ liệu bài học, tạo sự phong phú, sinh động, tăng thêm hứng thú với học sinh.
Cô Hiền cho rằng, việc học trực tuyến đặt ra không ít thách thức với học sinh và giáo viên khi đã quen với các phương pháp dạy và học truyền thống, song nếu biết tận dụng các tài nguyên số có sẵn trên internet, có thể tạo ra những bài học thú vị hơn, thu hút học sinh tốt hơn khi học trực tuyến. Hiện nay trên internet có rất nhiều các trang cung cấp học liệu khác nhau, tuy nhiên giáo viên và học sinh cần biết cách chọn lọc để có những tài liệu chất lượng, phù hợp với chương trình học.
Qua 2 năm liên tiếp giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường THCS Nam Trung Yên và các giáo viên đã chủ động giúp học sinh tìm hiểu và làm quen nhiều kho học liệu điện tử. Bản thân nhà trường cũng có nguồn học liệu riêng, được xây dựng từ việc tham khảo, chắt lọc từ nguồn học liệu trên các website uy tín và cả trên mạng xã hội. Thông qua nguồn học liệu này, học sinh dễ dàng tự nghiên cứu, rèn kĩ năng tự học để thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh.
Mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã bổ sung thêm hàng nghìn bài giảng trên truyền hình và bài giảng điện tử tương tác cho học sinh sử dụng trên Hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng công bố nguồn bài giảng số phục vụ việc dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 và lớp 2, giúp phụ huynh hướng dẫn con rèn nét chữ một cách có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức giáo dục uy tín cũng cung cấp các bài giảng, tài liệu học để hỗ trợ học sinh.
Từ kinh nghiệm trong công tác dạy học trực tuyến cho học sinh phổ thông trong nhiều năm qua, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: "Để hoạt động giảng dạy của thầy cô được hiệu quả, nội dung bài học nên được xây dựng với thời lượng nhỏ, tùy chỉnh cách thức sao cho phù hợp với từng độ tuổi khác nhau, giúp học sinh nâng cao hiệu quả tiếp thu.
Với học sinh tiểu học, nội dung kiến thức được thể hiện dưới dạng hoạt họa, với thời lượng rất ngắn chỉ vài phút để học sinh nắm được nội dung kiến thức một cách nhanh nhất. Ở bậc THCS thì nội dung tập trung vào kiến thức nền tảng, xây dựng bám sát khung chương trình giáo dục phổ thông, đi từ kiến thức cơ bản vào vấn đề thực tế để giúp học sinh dễ dàng vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Theo ông Linh kiến thức học tập nên được truyền tải không chỉ dưới dạng text, hay video thu hình bài giảng sẵn của các thầy cô, mà còn được hoạt hình hóa, sơ đồ hóa, hay thậm chí một số nội dung còn được phim hóa sao cho gần gũi, tiếp cận với học sinh một cách tốt nhất./.
Hà Nội có nhiều sáng kiến, tiên phong, đổi mới trong dạy học Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trong chuyến kiểm tra công tác dạy học tại Hà Nội vào chiều 24/9. Chiều 24/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo các Vụ bậc học đã kiểm tra thực tế việc thực hiện nhiệm vụ năm học...