Chung tay xây dựng trường học an toàn, thân thiện
Thiếu trường, thiếu lớp học đang là một trong những nguyên nhân gây ra nguy cơ mất an toàn cho học sinh, nhất là học sinh vùng còn khó khăn; nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; biên giới, hải đảo.
Để khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh.
Kết nối các nguồn lực
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy: Hiện có 33,6% số trường học trên cả nước đang thiếu phòng học. Cả nước có khoảng 584.732 phòng học các cấp mầm non, phổ thông, trong đó tỷ lệ phòng học thiếu kiên cố là 24,6%. Tỷ lệ thiết bị tại các cơ sở giáo dục mới chỉ đáp ứng khoảng 56,5% nhu cầu dạy học. Năm học 2019-2020, cả nước có khoảng 270.695 nhà/phòng vệ sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; tỷ lệ nhà/phòng vệ sinh không đạt chuẩn chiếm 30,6%.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao tặng xe đạp từ chương trình “Điều ước cho em” cho học sinh tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THU MINH.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, thực trạng nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước hiện vẫn còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất là do ngân sách nhà nước có hạn, cùng với ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh.
Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 58% tổng số hộ nghèo cả nước, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em, học sinh nghèo vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, sách vở, đồ dùng học tập…
Nhằm giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp theo tiêu chí quy định, bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh, ngày 11-1-2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 29 về việc “Kết nối nguồn nhân lực xã hội-Xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025″.
Đây là kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT giai đoạn 2019-2025.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: “Mục đích của kế hoạch là kết nối nguồn lực xã hội hướng tới xây dựng trường học an toàn, thân thiện, giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp, cơ sở vật chất theo tiêu chí quy định, tập trung vào một số nội dung, như: Triển khai áp dụng số hóa để quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh…”
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao áo ấm từ chương trình “Điều ước cho em” cho học sinh tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: THU MINH.
Video đang HOT
Hơn cả những món quà
Kế hoạch số 29 của Bộ GD&ĐT cũng là một hợp phần quan trọng trong tổng thể Chương trình “Điều ước cho em” đang được Bộ GD&ĐT triển khai trên phạm vi cả nước. Thời gian qua, chương trình đã đến với học sinh, giáo viên nhiều trường học và địa bàn khó khăn.
Được chính thức khởi động tại tỉnh Bắc Kạn từ những ngày cuối năm 2020, đến nay chương trình “Điều ước cho em” đã đến với 3 tỉnh khó khăn nhất thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Chỉ trong vòng một tháng kể từ ngày khởi động, hàng trăm chiếc áo ấm, hàng trăm đôi ủng, nhiều chiếc xe đạp, nhiều phần học bổng, phòng máy tính, những bếp ăn, sân trường, cổng trường được đầu tư sửa chữa và nhiều phần quà ý nghĩa được trao tặng, gửi đến học sinh, giáo viên, trường học tại các địa phương trên.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chương trình “Điều ước cho em” là chương trình ý nghĩa, đặc biệt đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chương trình nhằm kết nối giữa các nhà trường, cá nhân có điều kiện tốt hơn với những trường, điểm trường và những nơi thầy cô, học sinh còn nhiều khó khăn.
Thông qua chương trình, chia sẻ, hỗ trợ cho các trường, điểm trường, học sinh vùng khó khăn. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tin tưởng, chương trình sẽ tạo ra mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay để cùng phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Là một trong số trường được trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng từ Chương trình “Điều ước cho em”, bà Triệu Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cùng các thầy cô của nhà trường không giấu nổi niềm vui, sự xúc động: “Những phần quà ý nghĩa từ chương trình chắc chắn sẽ giúp cho điều kiện dạy, học của cô và trò nhà trường được tốt hơn”.
Em Đinh Thảo Tiên-một trong số học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn được nhận quà từ chương trình chia sẻ: “Khoác chiếc áo ấm được tặng em rất vui và cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của mọi người”.
Chương trình “Điều ước cho em” và Kế hoạch số 29 của Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu mỗi năm có ít nhất 10 tỉnh được hỗ trợ để cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất, trường học thiết yếu phục vụ việc dạy và học.
Rõ ràng, xây dựng trường học an toàn, thân thiện sẽ là một hành trình dài và chỉ có thể lan tỏa khi có sự đồng hành, góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Do đó, việc huy động, kết nối nguồn lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện là giải pháp lớn và là trách nhiệm không chỉ của ngành GD&ĐT mà còn của toàn xã hội.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết: “Chúng tôi xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì vậy, Viettel sẽ tiếp tục đồng hành lâu dài cùng ngành GD&ĐT. Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội của chúng tôi với thế hệ tương lai”.
Bộ GD&ĐT kết nối nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Kế hoạch số 29/KH-BGD&ĐT, kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng hát với các em HS Trường TH C, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh: Thế Đại.
T háo gỡ khó khăn về trường lớp học
Một trong những mục đích của Kế hoạch này là nhằm hưởng ứng Chương trình "Điều ước cho em" của Bộ GD&ĐT; kết nối nguồn lực xã hội, giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp theo tiêu chí quy định, bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới hải đảo, địa bàn có nhiều khu công nghiệp.
Triển khai áp dụng số hóa để quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh, học liệu, phần mềm hỗ trợ việc dạy và học; hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được học hòa nhập.
Gặp mặt, tri ân và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho sự nghiệp GD&ĐT giai đoạn 2015 - 2020.
Bộ GD&ĐT giữ vai trò kết nối nguồn lực xã hội, tạo dựng mô hình, tổng hợp thông tin, kết quả; ghi nhận đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT trong việc hỗ trợ các địa phương và cơ sở giáo dục xây dựng trường học an toàn, thân thiện theo mục đích đặt ra trong Kế hoạch.
Đồng thời, xây dựng các văn bản ký kết, giao ước kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện; tại mỗi địa phương cần rõ về đầu việc, hạng mục, tiêu chí và nhiệm vụ theo giai đoạn và từng năm.
Thành lập Ban điều phối để cập nhật thông tin, theo dõi, kết nối, đôn đốc việc triển khai các văn bản ký kết; đề xuất hình thức ghi nhận những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp nguồn lực cho sự nghiệp GD&ĐT; tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả việc kết nối nguồn lực xã hội khi kết thúc giai đoạn và triển khai kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao học bổng cho HS. Ảnh: Thế Đại.
2 nội dung nguồn lực huy động
Kế hoạch đưa ra 2 nội dung huy động nguồn lực, gồm: cơ sở vật chất; tài liệu, học liệu, nguồn lực hỗ trợ nhà trường; và bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho giáo viên, nhân viên.
Cụ thể, hỗ trợ địa phương và cơ sở giáo dục xây dựng, sửa chữa trường lớp; đầu tư phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học; hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh hợp chuẩn và đáp ứng nhu cầu, bảo đảm chất lượng trường lớp, đội ngũ, cơ sở vật chất..., đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục;
Khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tiễn để kết nối nguồn lực nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương về trường lớp học, bảo đảm sĩ số học sinh và môi trường học tập an toàn, thân thiện, hỗ trợ xây dựng khu ký túc xá, khu ở nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số; đầu tư điện, đường, phương tiện đi lại để thuận tiện cho việc đưa đón trẻ em, học sinh tới trường.
Cung cấp học liệu, phần mềm ứng dụng số hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa dùng chung và bản đồ số hóa về sức khỏe học đường, thiết bị vệ sinh trường học; tư vấn tâm lý học đường cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở;
Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá, phần mềm quản lý với các chỉ số phù hợp nhằm xây dựng trường học an toàn, thân thiện; xây dựng kỹ năng ứng xử văn hóa, giáo dục đạo đức, thể chất, lối sống, kỹ năng sống, phòng, chống ma túy, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước và phòng, chống bạo lực học đường cho trẻ em, học sinh;
Biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức, kỹ năng về giáo dục thể chất, dinh dưỡng học đường cho trẻ em, học sinh và những người trực tiếp chăm sóc trẻ/cha mẹ trẻ em, học sinh.
Hỗ trợ nguồn lực để cải thiện bữa ăn học đường; cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em và học sinh ở tập thể bán trú, nội trú.
Tổ chức khảo sát thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục; tập huấn cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin về kỹ năng xây dựng bản đồ "trường học an toàn, thân thiện" và bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho nhân viên y tế trường học.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao học bổng "Điều ước cho em" tới học sinh 2 trường THPT DTNT Nghệ An.
10 tỉnh được hỗ trợ trong năm 2021
Theo kế hoạch, năm 2021 lựa chọn 10 tỉnh được hỗ trợ nguồn lực, gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Giai đoạn 2021 - 2025, lựa chọn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Nam, Tuyên Quang, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai.
Mỗi địa phương chọn 1 huyện, mỗi huyện chọn 20 trường, mỗi trường chọn 1 giáo viên, 1 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và 10 trẻ em, học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt khó để tặng quà theo mức quy định trước khi khảo sát hoặc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực (trong đó có 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường THCS).
Dự kiến ngày 22/1/2021 sẽ tổ chức gặp mặt triển khai Kế hoạch tại Hà Nội.
Năm học mới với nhiều nhiệm vụ và giải pháp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành giáo dục. Ảnh minh họa Theo đó, năm học 2020-2021, toàn ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Mục tiêu...