Hơn 1/3 số trường trên cả nước thiếu phòng học
Đó là con số được ngành Giáo dục và đào tạo đưa ra tại chương trình “Kết nối nguồn lực – xây dựng trường học an toàn , thân thiện giai đoạn 2021-2025″ được tổ chức tại Hà Nội tối 22/1.
Từ thực trạng trên, chương trình đặt ra mục tiêu huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tại các địa phương trên cả nước theo lộ trình.
Giai đoạn 2015-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành và ký kết các văn bản hợp tác với nhiều cơ quan tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ GD&ĐT. Riêng năm 2015, giáo dục mầm non , giáo dục phổ thông , giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cả nước đã thu hút được gần 18 nghìn dự án trong nước.
Số dự án này đã tạo ra gần 1,8 triệu chỗ học, gần 200 nghìn chỗ làm việc (trong đó khoảng 112,6 nghìn chỗ làm việc cho giáo viên và giảng viên) cung cấp cho thị trường lao động hơn 93,1 nghìn người/năm đã qua đào tạo trình độ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh tặng hoa cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục đào tạo.
Sự đồng hành của các tổ chức này với ngành Giáo dục không chỉ giúp giải quyết vấn đề tài chính từ ngân sách nhà nước dành cho nhu cầu phát triển giáo dục mà còn mở rộng các chủ thể tham gia vào giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Tuy nhiên, thống kê từ các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện nay các trường vẫn đứng trước khó khăn lớn là thiếu phòng học bộ môn và trang thiết bị, ảnh hưởng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Cả nước hiện có khoảng 584.732 phòng học, khoảng 270.695 nhà vệ sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non , phổ thông công lập. Trong đó, tỷ lệ phòng học thiếu kiên cố và tỷ lệ nhà vệ sinh không đạt chuẩn lần lượt chiếm 24,6% và 30,6%. 33,6% số trường trên cả nước thiếu phòng học . Tỷ lệ thiết bị tại các cơ sở giáo dục chỉ đáp ứng được khoảng 56,5% nhu cầu dạy học.
Môi trường học đường tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, phổ biến tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, miền núi, biên giới, hải đảo.
Theo thống kê, nhiều học sinh tại các vùng miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn về việc tổ chức bữa ăn trưa tại trường, chế độ dinh dưỡng, điều kiện sân chơi, bãi tập luyện thể thao để thực hiện chương trình giáo dục thể chất. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học, thể vóc thấp bé quá trình tiếp thu kiến thức, rèn luyện phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ gặp nhiều khó khăn.
Điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh miền núi, dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, cùng ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai dịch bệnh, Bộ GD&ĐT xác định, huy động, kết nối nguồn nhân lực để xây dựng trường học an toàn , thân thiện là giải pháp quan trọng, đồng thời, là trách nhiệm của ngành Giáo dục và toàn xã hội .
Kế hoạch số 29 về việc “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn , thân thiện giai đoạn 2021-2025″ được Bộ GDĐT ban hành ngày 11/01/2021 để thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.
Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2021, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tối thiểu tại 10 tỉnh. Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tối thiểu tại 30 tỉnh, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tạo dựng mô hình và nhân rộng, phát triển, lan tỏa cộng đồng giai đoạn 2025-2030.
Bộ GD&ĐT mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm để ngày càng có nhiều hơn những trường học an toàn , thân thiện được xây dựng trên cả nước.
Bộ GD&ĐT kết nối nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Kế hoạch số 29/KH-BGD&ĐT, kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng hát với các em HS Trường TH C, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh: Thế Đại.
T háo gỡ khó khăn về trường lớp học
Một trong những mục đích của Kế hoạch này là nhằm hưởng ứng Chương trình "Điều ước cho em" của Bộ GD&ĐT; kết nối nguồn lực xã hội, giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp theo tiêu chí quy định, bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới hải đảo, địa bàn có nhiều khu công nghiệp.
Triển khai áp dụng số hóa để quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh, học liệu, phần mềm hỗ trợ việc dạy và học; hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được học hòa nhập.
Gặp mặt, tri ân và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho sự nghiệp GD&ĐT giai đoạn 2015 - 2020.
Bộ GD&ĐT giữ vai trò kết nối nguồn lực xã hội, tạo dựng mô hình, tổng hợp thông tin, kết quả; ghi nhận đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT trong việc hỗ trợ các địa phương và cơ sở giáo dục xây dựng trường học an toàn, thân thiện theo mục đích đặt ra trong Kế hoạch.
Đồng thời, xây dựng các văn bản ký kết, giao ước kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện; tại mỗi địa phương cần rõ về đầu việc, hạng mục, tiêu chí và nhiệm vụ theo giai đoạn và từng năm.
Thành lập Ban điều phối để cập nhật thông tin, theo dõi, kết nối, đôn đốc việc triển khai các văn bản ký kết; đề xuất hình thức ghi nhận những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp nguồn lực cho sự nghiệp GD&ĐT; tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả việc kết nối nguồn lực xã hội khi kết thúc giai đoạn và triển khai kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao học bổng cho HS. Ảnh: Thế Đại.
2 nội dung nguồn lực huy động
Kế hoạch đưa ra 2 nội dung huy động nguồn lực, gồm: cơ sở vật chất; tài liệu, học liệu, nguồn lực hỗ trợ nhà trường; và bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho giáo viên, nhân viên.
Cụ thể, hỗ trợ địa phương và cơ sở giáo dục xây dựng, sửa chữa trường lớp; đầu tư phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học; hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh hợp chuẩn và đáp ứng nhu cầu, bảo đảm chất lượng trường lớp, đội ngũ, cơ sở vật chất..., đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục;
Khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tiễn để kết nối nguồn lực nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương về trường lớp học, bảo đảm sĩ số học sinh và môi trường học tập an toàn, thân thiện, hỗ trợ xây dựng khu ký túc xá, khu ở nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số; đầu tư điện, đường, phương tiện đi lại để thuận tiện cho việc đưa đón trẻ em, học sinh tới trường.
Cung cấp học liệu, phần mềm ứng dụng số hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa dùng chung và bản đồ số hóa về sức khỏe học đường, thiết bị vệ sinh trường học; tư vấn tâm lý học đường cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở;
Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá, phần mềm quản lý với các chỉ số phù hợp nhằm xây dựng trường học an toàn, thân thiện; xây dựng kỹ năng ứng xử văn hóa, giáo dục đạo đức, thể chất, lối sống, kỹ năng sống, phòng, chống ma túy, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước và phòng, chống bạo lực học đường cho trẻ em, học sinh;
Biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức, kỹ năng về giáo dục thể chất, dinh dưỡng học đường cho trẻ em, học sinh và những người trực tiếp chăm sóc trẻ/cha mẹ trẻ em, học sinh.
Hỗ trợ nguồn lực để cải thiện bữa ăn học đường; cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em và học sinh ở tập thể bán trú, nội trú.
Tổ chức khảo sát thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục; tập huấn cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin về kỹ năng xây dựng bản đồ "trường học an toàn, thân thiện" và bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho nhân viên y tế trường học.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao học bổng "Điều ước cho em" tới học sinh 2 trường THPT DTNT Nghệ An.
10 tỉnh được hỗ trợ trong năm 2021
Theo kế hoạch, năm 2021 lựa chọn 10 tỉnh được hỗ trợ nguồn lực, gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Giai đoạn 2021 - 2025, lựa chọn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Nam, Tuyên Quang, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai.
Mỗi địa phương chọn 1 huyện, mỗi huyện chọn 20 trường, mỗi trường chọn 1 giáo viên, 1 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và 10 trẻ em, học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt khó để tặng quà theo mức quy định trước khi khảo sát hoặc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực (trong đó có 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường THCS).
Dự kiến ngày 22/1/2021 sẽ tổ chức gặp mặt triển khai Kế hoạch tại Hà Nội.
Kế hoạch của Bộ Giáo dục "sưởi ấm trái tim" những học sinh, giáo viên thiệt thòi Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT minh chứng cho sự quan tâm, chăm sóc của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với giáo viên, học sinh, địa phương còn khó khăn. Ngày 11/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra văn bản Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT về Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho...