Chưa tập huấn xong, giáo viên đã phải dạy chương trình lớp 1 mới
Nhiều giáo viên vẫn giữ thói quen dạy bám theo sách giáo khoa, không nghiên cứu kỹ chương trình giáo dục phổ thông mới. Những điểm khác biệt căn bản giữa chương trình cũ và mới chưa được hiểu đúng và thực hiện.
Giáo viên thảo luận trong đợt tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Lâm Đồng vào năm 2019 – Ảnh: VĨNH HÀ
Đây là một trong những điểm yếu khiến việc dạy học lớp 1 rơi vào tình trạng lúng túng, giáo viên và học sinh bị áp lực, quá tải.
Mới thực hiện 1 trong 4 modul
Khi nói về yêu cầu tập huấn giáo viên để triển khai chương trình giáo dục 2018 ở lớp 1 năm học 2020-2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết việc bồi dưỡng cán bộ, giáo viên sẽ tập trung vào 4 modul, gồm hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 (modul 1); phương pháp dạy học và giáo dục (modul 2); kiểm tra đánh giá học sinh (modul 3); xây dựng kế hoạch dạy học giáo dục (modul 4).
Tính tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT mới chỉ thực hiện được modul đầu tiên trong số 4 modul tập huấn được cho là cần thiết để triển khai chương trình mới. Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các modul tập huấn tiếp theo sẽ phải thực hiện trong học kỳ 1 năm học 2020-2021. Nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa tổ chức tiếp được.
Theo đúng “kịch bản”, việc tập huấn chương trình GDPT mới trước hết sẽ thực hiện đối với các cán bộ, giảng viên do các trường sư phạm điều động. Những người này sẽ là thành phần cốt cán tham gia tổ chức các đợt tập huấn tại các địa phương, bao gồm tập huấn cho cán bộ quản lý (hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục), tập huấn cho các tổ trưởng chuyên môn và tập huấn cho giáo viên, trong đó ưu tiên tập huấn cho 100% giáo viên sẽ phụ trách dạy học lớp 1 năm học này.
Thông tin trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học ở bậc tiểu học vào tháng 9-2020, các sở GD-ĐT cho biết đã triển khai tập huấn cho 100% giáo viên dạy lớp 1 về chương trình giáo dục 2018. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ ngay tại Hà Nội, một số hiệu trưởng vẫn nhầm lẫn giữa chương trình và sách giáo khoa, lẫn lộn giữa tập huấn chương trình và tập huấn sách giáo khoa.
Video đang HOT
“Chúng tôi chỉ biết có đợt tập huấn sách giáo khoa do đại diện đơn vị có sách được chọn tổ chức và hiện nay giáo viên đang dạy học dựa vào sách giáo khoa, chứ không có chương trình trong tay” – một hiệu trưởng cho biết.
“Chương trình” là yếu tố quan trọng và khác biệt hẳn so với chương trình trước. Nhưng nhiều giáo viên tiểu học dạy lớp 1 năm nay lại không nắm được chương trình, không hiểu “dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học” là gì. Cái họ bám vào để dạy vẫn chỉ là sách giáo khoa.
Chúng tôi có ba buổi tập huấn nhưng tập trung ở hội trường rất đông, chủ yếu nghe tác giả trình bày về đặc điểm của sách mà trường đã chọn. Không có cơ hội để tương tác, cho giáo viên hỏi và nghe giải đáp thắc mắc.
Một giáo viên ở quận Thanh Xuân (Hà Nội)
Nguyên nhân khách quan
Trở ngại lớn mang tính khách quan khiến việc tập huấn bị chậm lại là dịch COVID-19. Sau khi các trường chọn sách giáo khoa lớp 1 xong thì dịch COVID-19 bùng phát mạnh suốt từ tháng 3 đến tháng 5-2020. Giáo viên các trường tiểu học mới chỉ tiếp cận sách do NXB gửi đến (bản cứng hoặc bản điện tử). Thời gian để các NXB tổ chức tập huấn cho các nhà trường có quá ít và vẫn trong tình huống phải phòng ngừa dịch bệnh.
Theo ông Thái Văn Tài – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), tháng 10-2020 bộ mới triển khai tập huấn modul thứ 2 là phương pháp dạy học. Khi nhiều giáo viên, phụ huynh đồng loạt kêu khó, kêu khổ vì các trường phải thực hiện chương trình lớp 1 theo các sách giáo khoa biên soạn các bài dài, khó, tiến độ quá nhanh, Bộ GD-ĐT cho rằng các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, tùy theo điều kiện thực tế, đối tượng học sinh để thực hiện linh hoạt chương trình.
Tại điều lệ trường tiểu học và trong nhiệm vụ năm học 2020-2021 ở bậc tiểu học đều đặt ra quy định các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Nhưng modul tập huấn về “xây dựng kế hoạch giáo dục” (modul thứ 4) lại chưa được thực hiện.
Trách nhiệm chưa tròn của các nhà xuất bản
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Văn Tài – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT – cho biết trách nhiệm bồi dưỡng cách sử dụng sách giáo khoa mà nhà trường và địa phương lựa chọn sử dụng là do các sở GD-ĐT phối hợp với các NXB có sách được lựa chọn lên kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên.
Đội ngũ tham gia bồi dưỡng sách giáo khoa là các nhà khoa học, các tác giả viết sách thực hiện, giúp giáo viên hiểu được ý tưởng của tác giả khi khai thác các ngữ liệu trong sách và các học liệu kèm theo để xây dựng kế hoạch dạy học của mình đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình đối với mỗi môn học.
Nhưng trên thực tế sự đồng hành cùng với các trường và giáo viên vẫn chỉ là lời hứa chưa được các NXB làm trọn vẹn. Trước những khó khăn, lúng túng của giáo viên dạy lớp 1 năm nay, một số phòng GD-ĐT phải chủ động xây dựng các chuyên đề tập huấn. Các cơ sở giáo dục phải đứng ra mời tác giả đến trao đổi, chứ không phải tác giả được bố trí tập huấn theo cam kết của các NXB.
Nhiều câu hỏi đối với chương trình lớp 1 mới
Dư luận nhiều ngày qua xôn xao xung quanh chương trình lớp 1 mới, trong đó nhiều ý kiến cho rằng chương trình nặng khiến giáo viên và học sinh rất vất vả, thậm chí không ít học sinh đã phải học thêm mới theo kịp chương trình.
Học sinh lớp 1 tại Đà Nẵng - Ảnh: Đ.C.
Dư luận như vậy nhưng Bộ GD-ĐT vẫn nói rằng chưa thể nói được nặng hay nhẹ qua một số bài học, mà phải chờ hết một năm học rồi mới đánh giá.
Trong khi đó, hàng loạt câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ, chẳng hạn: Ở đâu, vùng nào, địa phương nào, trường nào mà thầy cô, học sinh thấy chương trình nặng? Giáo viên dạy chương trình đó là ai?
Việc tập huấn thực hiện chương trình mới như thế nào?
Tại sao có giáo viên không cảm thấy khó khăn trong việc dạy chương trình mới? Họ là ai? Giả sử chương trình được thiết kế tốt nhưng thực hiện chương trình có tốt hay không?...
Thông tin báo chí cho thấy các nhà thiết kế chương trình có mang đi thử nghiệm, nhưng sau các tiết dạy thử nghiệm thì không hiểu do chuyên môn hạn chế hay do thời gian gấp rút mà không làm các bài kiểm tra thực nghiệm mức độ tiếp thu bài dạy của giáo viên.
Vì thế, dư luận nói chương trình nặng mà bộ lại không có chứng minh bằng các chứng cứ thực nghiệm là các bài kiểm tra lớp thực nghiệm chương trình. Giá mà làm bài bản thì dư luận sẽ hiểu rõ hơn tính chuyên nghiệp của các nhà thiết kế và thử nghiệm chương trình.
Trước mắt, rất cần bộ cử chuyên gia môn học tìm hiểu thực tế dạy chương trình mới, luôn và ngay, không nên để chậm trễ, tránh dư luận hoang mang.
Mặt khác, phụ huynh cũng phải rất bình tĩnh, tránh bức xúc thái quá ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Quá trình nhận thức có quy luật của nó, mà đôi khi sự vội vã sẽ tạo ra ảnh hưởng không tốt.
Cuối cùng, rất mong bộ sớm có băng ghi hình ở nơi nào đó có giáo viên dạy mẫu chương trình mới lớp 1 hiệu quả để phổ biến cho các giáo viên khác học hỏi và cùng chia sẻ kinh nghiệm. Làm được như vậy là cách nhanh nhất để giúp chương trình mới thành công không chỉ ở lớp 1 mà còn các lớp sau này.
Không tạo áp lực cho học sinh
Bà Lê Thị Bích Thuận - giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - cho biết ưu tiên là đảm bảo cho học sinh lớp 1 tâm lý nhẹ nhàng. Các cháu chuyển từ mầm non sang lớp 1 nên sẽ khó khăn, lại đúng thời điểm TP đang chống dịch nên sẽ chậm trễ hơn các địa phương khác. Vì thế, những tuần đầu tiên sẽ cố gắng để cho trẻ làm quen.
"Việc dạy chương trình cũng không thể làm nhanh, vội vàng được, mà phải theo dõi lực học của các em để có sự điều chỉnh, quan tâm hơn. Giáo viên phối hợp với phụ huynh để luôn cố gắng không tạo áp lực cho học sinh, để các em có tâm lý thoải mái nhất" - bà Thuận nói.
ĐOÀN CƯỜNG
Giáo viên lớp 1 được tập huấn chưa sâu? Theo ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), việc tập huấn giáo viên vẫn nặng về lý thuyết. Mặc dù hướng dẫn 'dạy phát triển năng lực' nhưng người hướng dẫn vẫn chủ yếu hướng dẫn về kiến thức. Một tiết học môn tiếng Việt của học sinh lớp 1/1 Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình,...