Chủ tịch Tập muốn Trung- Mỹ có “quan hệ nước lớn kiểu mới”
Bất chấp những căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 17/5 khẳng định quan hệ Trung – Mỹ vẫn ổn định. Ông Tập cũng nhấn mạnh “muốn nâng quan hệ Trung – Mỹ lên theo hướng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)
“Theo ý kiến của tôi, quan hệ Trung – Mỹ vẫn đang ổn định”, báo chí Mỹ dẫn lời Chủ tịch Tập nói với Ngoại trưởng Kerry tại buổi hội đàm ở Đại lễ đường Nhân dân tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 17/5.
“Tôi mong muốn tiếp tục mối quan hệ này với Tổng thống Mỹ Barack Obama và đưa quan hệ Mỹ-Trung lên một tầm cao tạo ra một hình mẫu mới về quan hệ giữa các nước lớn”, ông Tập phát biểu trước khi Ngoại trưởng Mỹ kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh.
Chủ tịch Tập hôm nay cung nhấn mạnh rằng Bắc Kinh muốn đứng ngang hàng trong quan hệ Mỹ – Trung.
Trong chuyến thăm của ông Obama đến Trung Quốc hồi năm 2014, Chủ tịch Tập từng nhiều lần nhấn mạnh với Tổng thống Mỹ rằng ông mong muốn một “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới”, trong đó, Mỹ – Trung không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” này cũng bao gồm việc tôn trọng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hai bên cũng như con đường phát triển và hệ thống chính trị”.
BBC cho hay mục tiêu ban đầu của chuyến công du của Ngoại trưởng Kerry đến Trung Quốc lần này là nhằm chuẩn bị cho Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ – Trung diễn ra vào tháng tới và chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Washington trong tháng 9. Sau khi rời Trung Quốc, ông Kerry sẽ tiếp tục đến Hàn Quốc.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây lại là chủ đề bao trùm trong chương trình nghị sự lần này.
Ngoại trưởng Kerry ngày 16/5 cho biết Mỹ rất lo ngại về quy mô cũng như tốc độ của hoạt động cải tạo đảo mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh luật pháp quốc tế không cho phép hay công nhận việc “tạo ra” chủ quyền bằng cách xây dựng trên những rạn san hô.
“Qua tiếp xúc với Ngoại trưởng Vương Nghị, tôi hối thúc Trung Quốc hành động để cùng tất cả các nước giảm căng thẳng và tăng triển vọng tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề trên Biển Đông”, ông Kerry tuyên bố.
Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 16/5 tuyên bố nước này có quyền cải tạo các bãi đá và sẽ kiên định trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Gần đây, trong bối cảnh lo ngại gia tăng trước những căng thẳng leo thang tại vùng Biển Đông có vị trí chiến lược, Washington đã tuyên bố sẽ đưa tàu và máy bay quân sự đến khu vực này để đảm bảo quyền tự do hàng hải tại đây. Phía Trung Quốc kịch liệt phản đối kế hoạch này.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Kerry hôm nay, sau khi khẳng định quan hệ Mỹ- Trung vẫn ổn định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận nhấn mạnh rằng: “Mỹ, Trung cần giải quyết các mâu thuẫn sao cho không làm tổn hại đến quan hệ song phương”.
Thoa Phạm
Theo Dantri/ BBC
Mỹ - Trung tranh cãi nảy lửa về vấn đề Biển Đông
Trong chuyến thăm đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Kerry bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tiến trình cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố nước này có quyền cải tạo các bãi đá và sẽ kiên định trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: EPA)
Sau cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 16/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không có bất kỳ một dấu hiệu thỏa hiệp nào, dù người đồng cấp Mỹ Kerry hối thúc Bắc Kinh phải hành động làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.
"Việc xây dựng trên quần đảo Nam Sa và cải tạo các bãi đá hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc", ông Vương nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ngày 16/5, nhắc đến "Nam Sa" - cái tên mà Bắc Kinh ngang nhiên dùng để gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
"Tôi muốn tái khẳng định rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc "vững như bàn thạch"", Ngoại trưởng Vương bổ sung. "Đây là yêu cầu của người dân đối với chính phủ và cũng là quyền hợp pháp của chúng tôi".
Bình luận của ông Vương được đưa ra trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Kerry, người đang trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Bắc Kinh nhằm thể hiện quan ngại sâu sắc của Washington trước "giấc mộng Trung Hoa" trên Biển Đông.
Theo AP, Trung Quốc ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền với khoảng 90% diện tích Biển Đông. Hiện nước này đang và đang đẩy mạnh yêu sách này thông qua tăng tốc cải tạo đảo ở 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988.
Những bức ảnh vệ tinh mới nhất còn cho thấy dường như Trung Quốc đang xây đường băng tại quần đảo này. Đường băng này đủ dài để đón các máy bay chiến đấu và máy bay do thám của Trung Quốc, tạo một căn cứ quân sự trên Biển Đông cho Bắc Kinh. Mỹ cũng từng chỉ trích rằng Trung Quốc đang âm mưu xây một "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" trên Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc cùng lúc bày tỏ quan ngại trước thông tin về việc Mỹ lên phương án điều tàu và máy bay quân sự trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa để bảo vệ an toàn tự do hàng hải tại đây. Bắc Kinh gọi đây là một kế hoạch "nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền" với các đảo nhân tạo nước này đang xây dựng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ rất lo ngại về quy mô cũng như tốc độ của hoạt động cải tạo mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh luật pháp quốc tế không cho phép hay công nhận việc "tạo ra" chủ quyền bằng cách xây dựng trên những rạn san hô.
"Qua tiếp xúc với Ngoại trưởng Vương Nghị, tôi hối thúc Trung Quốc hành động để cùng tất cả các nước giảm căng thẳng và tăng triển vọng tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề trên Biển Đông", ông Kerry tuyên bố.
Ngoại trưởng Kerry cho rằng Biển Đông cần các hoạt động "ngoại giao thông minh" để có thể thống nhất bộ quy tắc ứng xử giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, thay vì chỉ có thêm "những tiền đồn và các đường băng quân sự" tại đây. Trong bình luận này, Ngoại trưởng Mỹ rõ ràng đã nhắc đến đường băng và các công trình quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Biển Đông là một trong những vấn đề gây tranh cãi mới nhất trong quan hệ của hai siêu cường kinh tế Mỹ- Trung, bên cạnh các vấn đề liên quan đến giao thương, nhân quyền cho đến vấn đề an ninh mạng. Ngoài ra, hai nước này hợp tác trên nhiều vấn đề như Triều Tiên và Iran.
Theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sáng 16/5 đã đến Bắc Kinh, kêu gọi Trung Quốc dừng những động thái mang tính hiếu chiến trên Biển Đông.
Theo dự kiến, bên cạnh cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị, ông Kerry sẽ còn có một loạt cuộc gặp với các lãnh đạo Trung Quốc, gồm có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Uỷ viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, và sĩ quan quân sự hàng đầu nước này.
BBC dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay dù mục tiêu ban đầu của chuyến đi là nhằm chuẩn bị cho Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ - Trung diễn ra vào tháng tới và chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Washington trong tháng 9, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là chủ đề bao trùm trong chương trình nghị sự lần này.
Thoa Phạm
Theo Dantri/ AP, BBC
Ai đắc lợi trong cuộc khủng hoảng Ukraine? Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đã đẩy mối quan hệ Mỹ - Nga xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời thách thức trật tự an ninh ở châu Âu, đặc biệt là tại hầu hết các quốc gia Đông Âu. Khi thúc đẩy áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva và hỗ trợ Kiev,...