Chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục vùng mưa lũ
Trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua, có cơ sở giáo dục phải cho học sinh nghỉ đến 24 ngày.
Sách vở và đồ dùng học tập được chuẩn bị hỗ trợ học sinh vùng lũ.
Việc bố trí học bù, điều chỉnh lại kế hoạch giáo dục đang được địa phương linh động thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, nhưng không gây quá tải cho học sinh.
Vận dụng kinh nghiệm từ đợt Covid-19
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT có 2 tuần dự phòng cho trường hợp bất thường xảy ra, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Tuy nhiên, với cơ sở giáo dục nghỉ tới 24 ngày, các trường này kể cả sử dụng hết thời gian dự phòng cũng không đủ.
“Căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ, nhà trường điều chỉnh kế hoạch giáo dục, sao cho đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình. Nếu nghỉ dài, các trường dựa vào hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD&ĐT, giảm bớt thời gian học tập để thực hiện chương trình; vận dụng kinh nghiệm như khi chúng ta nghỉ học phòng chống Covid-19″ – PGS Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, trong các văn bản trước đây của Bộ GD&ĐT (công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH (hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 – 2018)), gần đây là Thông tư 32 32/2020/TT-BGDĐT (ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học), quy định rõ ràng việc thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Một số bài học phù hợp có thể thực hiện ở cả trong và ngoài lớp học, trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Bởi vậy, các địa phương có thể chủ động trong việc này.
“Một số sở GD&ĐT, như Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế đã ban hành văn bản điều chỉnh kế hoạch giáo dục; trong đó có điều chỉnh việc thực hiện kiểm tra giữa, cuối kỳ. Ban đầu, kế hoạch kiểm tra giữa kỳ của địa phương này là đầu tuần 15, nay thay đổi là tuần 13; đồng thời điều chỉnh một số phần nội dung từ học kỳ I sang học kỳ II, nhằm bảo đảm khi học sinh quay trở lại trường, việc bù đắp kiến thức không gây quá tải cho các em.” – PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Video đang HOT
Trường học gấp rút chỉnh trang để đón học sinh sau lũ.
Bảo đảm chất lượng nhưng không gây quá tải
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết: Sở GD&ĐT xây dựng xong điều chỉnh kế hoạch giáo dục trên địa bàn; trong đó điều chỉnh tất cả hoạt động giáo dục trong nhà trường để còn dự phòng trường hợp học sinh sẽ phải nghỉ tiếp vì dịch Covid-19; kế hoạch thi học sinh giỏi, lịch kiểm tra thi học kỳ cũng được điều chỉnh.
“Học sinh Thừa Thiên Huế sẽ học bù 2 tuần trong học kỳ I và 2 tuần trong học kỳ II. Quan điểm là sở GD&ĐT có kế hoạch hướng dẫn điều chỉnh chung, tránh dạy bù quá nhiều gây áp lực học cho học sinh; hướng dẫn thời gian dạy học bù có cận trên và cận dưới; không bù quá thời gian quy định.
Cùng với việc bố trí thời gian học bù, sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường tăng cường thực hiện tích hợp chủ đề liên môn theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để hoàn thành chương trình học 35 tuần. Ngày 3/11, sở GD&ĐT tổ chức họp trực tuyến với các trưởng phòng GD&ĐT và thủ trưởng đơn vị trực thuộc để cùng đóng góp ý kiến điều chỉnh kế hoạch thời gian giáo dục toàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn cụ thể, cũng như thực hiện được đúng và chất lượng” – ông Nguyễn Tân cho hay.
Tổng số thời gian học sinh Trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình không thể đến trường vì mưa lũ là khoảng chục ngày. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Hà Văn Quý, sau lũ lụt, giáo viên và học sinh đều chịu ảnh hưởng rất lớn; nếu học bù chỉ để kịp đúng chương trình thì khó hiệu quả và nguy cơ học sinh nghỉ học là khá nhiều. “Nhà trường quyết định lịch học bù phù hợp nhất sau khi tổ chức hội ý GV cốt cán. Cơ bản dự kiến theo hướng phân thời khóa biểu đủ 5 tiết/buổi, hạn chế tăng buổi, có thể tăng 2 buổi/tuần. May mắn, trường chỉ học một ca buổi sáng nên thời gian học bù không thiếu.” – Thầy Hà Văn Quý cho biết.
Thầy Quý đồng thời thông tin: Nhà trường đã nhận được công văn của Sở GD&ĐT Quảng Bình hướng dẫn tổ chức dạy học khi học sinh đi học trở lại. Theo đó, để việc dạy học bảo đảm chất lượng và tiến độ, sở GD&ĐT yêu cầu các trường chủ động triển khai công văn của sở về khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Tùy theo tiến độ thực hiện chương trình của mỗi đơn vị để chủ động tổ chức dạy bù nhằm kết thúc học kỳ I theo khung thời gian năm học được quy định tại Quyết định số 2752/QĐ-UBND của UBND tỉnh; không sử dụng ngày Chủ nhật để bố trí dạy bù.
Sở GD&ĐT gợi ý có thể thực hiện theo các hướng: Sắp xếp thời khóa biểu để tất cả buổi học trong tuần đều bố trí học 5 tiết. Gộp tiết sinh hoạt lớp vào tiết chào cờ để sử dụng tiết sinh hoạt lớp thành tiết dạy học chính khóa. Ở những đơn vị có đủ điều kiện, có thể bố trí dạy bù trái buổi, nhưng không gây quá tải với giáo viên và học sinh.
Các trường được yêu cầu chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy học, nhất là ở trường còn có nhiều học sinh không có sách giáo khoa. Lưu ý bố trí chỗ ngồi, tạo điều kiện để học sinh có thể sử dụng chung sách giáo khoa trong mỗi tiết học; sử dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp trong điều kiện học sinh thiếu sách giáo khoa.
Thầy cô đồng hành bên trò sau thiên tai
Học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra. Nhà trường, cộng đồng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong trợ giúp tâm lý, giúp các em phục hồi hiệu quả nhất.
Bảo vệ môi trường sống chính là giải pháp lâu dài cho thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: Thế Đại
Không để HS nào bị bỏ rơi
Sau mưa lũ, thầy trò Trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Cô Nguyễn Thị Phương Nam, Bí thư Đoàn Trường THPT Quảng Ninh cho biết: Bên cạnh những thiệt hại của trường vì ngập nước, điều trăn trở, băn khoăn nhất là nhiều HS vốn gia đình đã nghèo, nay càng khó khăn bội phần sau lũ dữ.
"Nhà trường chủ trương, lũ rút đến đâu, giáo viên tới nhà HS đến đó. Đặc biệt, HS khó khăn đều được thầy cô đến từng nhà, chia sẻ, động viên để các em yên tâm trở lại trường học. HS của trường, gia đình đều thiệt hại do lũ, nhưng trong đó có những hoàn cảnh rất đáng thương. Có em bố là thương binh, mất sớm, mẹ đã ngoài 60 tuổi già yếu; sau cơn lũ gia đình hầu như không còn lại gì nguyên vẹn. Hoặc trường hợp hai anh em sinh đôi, đều là HS của trường, gia đình thuộc hộ nghèo, bố tâm thần bỏ đi nhiều năm, chị cũng bị bệnh tâm thần, tài sản gia đình em đều trôi theo dòng nước" - cô Nam chia sẻ.
Bên cạnh quan tâm khó khăn về vật chất, hàn gắn tổn thương tinh thần, giúp HS nhanh chóng ổn định tâm lý khi quay trở lại trường học được thầy cô Trường THPT Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Giáo viên chủ nhiệm bám sát tình hình lớp, kịp thời chia sẻ khó khăn, để các em thấy mình luôn có sự đồng hành của nhà trường, thầy cô, bè bạn. Các thầy cô tổ tư vấn tâm lý, dù chỉ là kiêm nhiệm nhưng luôn sẵn sàng chủ động hỗ trợ, hoặc lắng nghe tâm tư HS.
Thầy Hà Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh, trên trang cá nhân đã chia sẻ lời dặn dò với tấm lòng thấu hiểu, thẫm đẫm yêu thương tới học trò khi các em quay trở lại trường học. Thầy gửi gắm HS đến trường không nhất thiết phải mặc đồng phục, miễn là quần áo đủ khô, đủ ấm; không nhất thiết phải đi dép quai hậu, miễn đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân; không có cặp sách, có thể bỏ tất cả vào bao ni lông cột chặt
HS có thể đi trễ một chút cũng không sao, miễn là an toàn; nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, cũng đừng quá lo lắng vì thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái... Khi đi học, khoan hãy học bài cũ để có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi... Thầy hiệu trưởng cũng mong học trò trân quý những đồ dùng mình nhận được từ các nhà hảo tâm, bởi đó không chỉ là sự cho nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái từ mọi miền cả nước... dành cho mình.
Giáo viên và các lực lượng chức năng dọn dẹp trường lớp sau trận lũ lịch sử vừa qua tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Cần giải pháp lâu dài
Từ thực tế của một trường trực tiếp chịu ảnh hưởng của thiên tai, ông Vương Kim Thành, Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Quảng Bình, cho biết: Việc hỗ trợ tâm lý cho SV là vô cùng quan trọng, bởi với những thiệt hại sau lũ lụt, khó khăn của gia đình có thể khiến nhiều em chán nản, muốn nghỉ học kiếm việc làm để có tiền giúp cha mẹ.
Hội đồng trường/Ban giám hiệu thành lập 1 ban tư vấn tâm lý cho SV. Ban này phải nắm rõ từng SV do các khoa gửi đến; trao đổi qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp để nắm tâm tư nguyện vọng SV, từ đó biết từng em đang gặp khó khăn gì, cần nhà trường hỗ trợ ra sao... có thể can thiệp hoặc có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Việc chống chọi với mưa bão, lũ lụt khốc liệt gây tác động lớn đến tâm lý trẻ em, như lo sợ, hoảng loạn,... cộng thêm sự mệt mỏi về thể chất làm tăng thêm khó khăn cho quá trình phục hồi sau này. Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, TS Lê Thanh Hà, Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cho rằng: Nhà trường, cộng đồng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong trợ giúp tâm lý, giúp HS, SV nhanh chóng phục hồi sau thiên tai.
Trường cần có sự phối hợp vào cuộc của nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và các nhà tâm lý để có phương án phục hồi tâm lý hiệu quả. Có thể kết hợp giữa phục hồi theo nhóm và cá nhân. Trường hợp HS chịu tác động mạnh từ hậu quả của thiên tai, như mất mát về người, trải qua biến cố nguy hiểm đến thân thể và tính mạng, cần phối hợp với cơ quan y tế, tiến hành chuyển tuyến để có hỗ trợ tốt hơn từ các nhà chuyên môn về chăm sóc tâm lý, chăm sóc y tế.
Trường hợp nhẹ hơn, có thể tiến hành phục hồi theo nhóm, nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng địa phương; hoặc cũng có thể để các em tham gia vào quá trình tái phục hồi theo khả năng, như hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, lớp học.
Xuất phát từ tình huống thiên tai lũ lụt bất thường của miền Trung, theo TS Lê Thanh Hà, nhà trường và các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa rủi ro thiên tai.
Theo đó, tăng cường tuyên truyền phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; giáo dục kỹ năng ứng phó thiên tai cho giáo viên, HS; tăng khả năng dự báo kết hợp chỉ dẫn kịp thời; thành lập ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thiên tai trong cơ sở trường học và phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để bảo đảm thông tin kịp thời. Nhà trường cũng nên chuẩn bị các kịch bản trước, trong và sau khi thiên tai bất thường xảy ra để chủ động trong ứng phó.
"Giải pháp quan trọng, mang tính ổn định lâu dài là phải có nhà chuyên môn làm công tác tư vấn tâm lý trường học. Đội ngũ này có thể tham gia hiệu quả, kịp thời trong mọi tình huống thiên tai xảy ra như: Tư vấn phòng ngừa rủi ro thiên tai, hỗ trợ tâm lý trong quá trình thiên tai và phục hồi tổn thương tâm lý sau thiên tai. Hơn lúc nào hết, ngành Giáo dục cần một nhà chuyên môn làm tâm lý học trường học trong hệ thống nhà trường. Đây vừa là đòi hỏi tất yếu của cơ sở giáo dục, vừa là mong mỏi của phụ huynh và HS trong hỗ trợ tâm lý không chỉ trong ứng phó thiên tai mà trong mọi hoạt động giáo dục khác của nhà trường." - TS Lê Thanh Hà nêu quan điểm.
Thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta! - Thầy Hà Văn Quý
Xúc động bức thư gửi trò vùng lũ ngày trở lại trường của "thầy giáo làng" Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt... Đó là những dòng chia sẻ của thầy giáo Hà Văn Quý - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Quảng Ninh (Quảng Bình) gửi các em học sinh sau trận lũ...