Chọn ngữ liệu phù hợp cho đề kiểm tra Ngữ văn
Giáo viên chia sẻ cách lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phù hợp cho đề kiểm tra Ngữ văn đáp ứng yêu cầu mới.
Cô Trần Thị Thảo, Trường THCS Ban Mai – Hà Đông (Hà Nội) và học trò trong giờ Ngữ văn.
Giảm học tủ, dạy tủ
Nhận định có những thay đổi tích cực khi thực hiện ra đề kiểm tra Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, thầy Trần Minh Tâm, giáo viên Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) cho biết: Đổi mới cách ra đề giúp tăng cường tính tự học và rèn kỹ năng đọc cho học sinh. Một số rất ít đọc sách thì với hướng thay đổi đánh giá này, các em chịu khó đọc nhiều hơn. Cùng với việc tránh được tình trạng học tủ, học vẹt, học đối phó, đây cũng là cách giúp học sinh nâng cao năng lực nhận biết và hiểu đúng về đặc trưng của từng thể loại để áp dụng vào những dạng văn bản tương tự.
“Việc kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cũng sẽ giúp giảm bớt tình trạng dạy tủ của giáo viên và áp lực học thêm, học tủ, học vẹt, học đối phó của học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh cần rèn thêm về kỹ năng viết, vì các em chỉ nhận dạng đúng thì chưa đủ, mà phải biết diễn đạt cho hiệu quả. Một số học sinh vì lý do khách quan và chủ quan mà không đọc thêm văn bản khác, không rèn kỹ năng viết thì hoang mang khi phải phân tích, đánh giá một văn bản mới hoàn toàn.” – thầy Trần Minh Tâm cho hay.
Sau một thời gian triển khai việc lấy ngữ liệu đọc – hiểu ngoài sách giáo khoa với môn Ngữ văn 9, cô Vũ Thị Tuyết Mai, giáo viên dạy Ngữ Văn, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) nhận thấy học sinh hứng thú hơn khi tiếp cận các đề đọc hiểu, tích cực thảo luận để tìm câu trả lời. Các em thể hiện quan điểm cá nhân nhiều hơn; tuy nhiên đôi khi suy nghĩ có thể chưa đúng với tinh thần hoặc nội dung đoạn trích dẫn.
Video đang HOT
“Những thay đổi này theo tôi là tích cực vì sẽ kích thích học sinh khám phá cái mới, không theo lối mòn. Rèn cho học sinh thói quen chủ động suy nghĩ trước một vấn đề mới, không thụ động vào bài giảng của thầy cô.” – cô Vũ Thị Tuyết Mai nhận định.
Cũng có đánh giá tích cực, cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Ban Mai – Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Học sinh được áp dụng các tri thức đọc hiểu về thể loại để khám phá ngữ liệu mới cùng đề tài hoặc thể loại. Các em cũng được phát huy tư duy sáng tạo (có những kiến giải riêng từ góc nhìn cá nhân). Đề kiểm tra ngoài chương trình hạn chế việc học tủ, học vẹt, vì vậy, học sinh học với tâm thế chủ động và sẵn sàng đón nhận tất cả các ngữ liệu xuất hiện trong bài thi.
Tuy nhiên, khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, giáo viên cần đọc nhiều, có kiến văn rộng, cập nhật thông tin phong phú. Việc thẩm định ngữ liệu cũng là một khó khăn do yêu cầu về thể loại, phù hợp tâm lý lứa tuổi; kho tư liệu tham khảo chưa nhiều, nguồn chưa phong phú.
Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai, Hà Nội.
Để chọn ngữ liệu phù hợp
Khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, theo cô Vũ Thị Tuyết Mai, khó khăn nhất là tìm ngữ liệu phù hợp để vừa có thể tích hợp các kiến thức liên quan về tiếng Việt, tập làm văn vừa rèn cho học sinh kĩ năng trình bày quan điểm cá nhân về một vấn đề nào đó.
Từ khó khăn này, kinh nghiệm được cô Tuyết Mai chia sẻ là: Không lấy các ngữ liệu quá trừu tượng. Ngữ liệu cần ngắn gọn và xác định được các câu hỏi liên quan; đề cập đến các vấn đề giáo dục lối sống, tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bạn bè, mái trường, yêu chuộng hòa bình… Tránh những ngữ liệu có thể hiểu theo ý trái chiều hoặc liên quan đến vấn đề chính trị. “Theo tôi, khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho học sinh làm phần đọc – hiểu trong đề kiểm tra là phù hợp.” – cô Tuyết Mai cho biết
Còn theo thầy Trần Minh Tâm, việc tìm ngữ liệu bên ngoài phải dựa trên năng lực chung của các học sinh. Sẽ có sự chênh lệch năng lực trong một lớp, vì thế, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải đánh giá được năng lực của học sinh để từ đó, chọn những ngữ liệu cho phù hợp.
Khi chọn được ngữ liệu phù hợp thì việc đặt câu hỏi cũng là vấn đề giáo viên cần phải quan tâm. Câu hỏi được đặt ra vừa phải đáp ứng theo yêu cầu ma trận đề kiểm tra đồng thời phải có tính phân hóa nhưng không đánh đố, làm khó học sinh.
“Để giảm bớt áp lực trong học tập với cách đánh giá của chương trình mới, trước khi kiểm tra, bản thân tôi có ôn tập cho học sinh. Bên cạnh đó, tôi gợi ý và định hướng một số nguồn, một số ngữ liệu bên ngoài để các em có hướng tìm hiểu, tự học phù hợp. Từ đó, giúp các em cảm thấy đỡ hoang mang, đạt hiệu quả trong kiểm tra. Khi có kết quả tốt thì học sinh sẽ cảm thấy yên tâm với chương trình và hứng thú trong môn học.” – thầy Trần Minh Tâm chia sẻ kinh nghiệm.
Kỹ năng sử dụng ngữ liệu mới
Năm học 2022 - 2023, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá với môn Ngữ văn là điểm nhấn đáng chú ý.
Ảnh minh họa Internet.
Theo đó, một trong những nội dung được quan tâm là "tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết".
Trên thực tế, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề không mới. Năm 2014, chia sẻ về đề thi THPT, đại học và cao đẳng với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi đó đã được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhắc đến. Ông cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá đầu tiên phải hướng tới năng lực người học, trong đó có năng lực chung và yêu cầu riêng cho từng lĩnh vực, môn học. Chương trình yêu cầu học sinh phải đạt được năng lực, kỹ năng cảm thụ và phân tích.
Như vậy, không có nghĩa là học tác phẩm nào thì thi tác phẩm đó, mà thông qua quá trình học, học sinh có được năng lực đọc, hiểu, cảm thụ văn học, chứ không phải kiểm tra nhớ được tác phẩm đó tới đâu. Nhiều năm nay, phần Đọc hiểu trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Học tác phẩm nào thi tác phẩm đó có thể dẫn đến học tủ, học vẹt, văn mẫu. Hiện tượng có thể đoán trúng đề môn Ngữ văn trong các Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay nhiều bài thi văn viết giống nhau... cũng là hệ quả của việc này. Bởi vậy, yêu cầu sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong đề kiểm tra được thầy cô đánh giá là cần làm, phải làm, dù khó tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, cả ở phía giáo viên và học sinh.
Để làm được điều này đòi hỏi thầy cô phải đọc nhiều, có kiến thức văn rộng, cập nhật thông tin phong phú và có kỹ năng lựa chọn ngữ liệu khoa học, phù hợp. Với học sinh, điều quan trọng nhất là học chủ động; nắm vững kiến thức ngôn ngữ, văn học, kỹ năng làm bài; rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, tạo lập văn bản phù hợp với mục đích giao tiếp; tích cực đọc sách và tăng cường trải nghiệm, tích lũy vốn sống...
Hiện nay, về kiểm tra đánh giá với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 3175 và các văn bản hướng dẫn cùng với tập huấn cho đội ngũ. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với giáo viên, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý thêm: Thầy cô cần linh hoạt, sáng tạo trong việc ra đề kiểm tra - đánh giá, tránh khuôn mẫu, nhàm chán; cần đa dạng hóa cách thức kiểm tra - đánh giá, vận dụng có hiệu quả các hình thức trắc nghiệm và tự luận. Cùng với đó, chú ý yêu cầu học sinh vận dụng trong bối cảnh mới, ngữ liệu mới; với những văn bản đã học vẫn có thể kiểm tra bằng cách nêu câu hỏi và yêu cầu sáng tạo...
Với việc sử dụng ngữ liệu mới trong kiểm tra, đánh giá, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khẳng định là cần thiết, tuy nhiên việc lựa chọn ngữ liệu mới là không đơn giản. Vì vậy, khi chọn ngữ liệu mới ra đề, giáo viên cần thận trọng.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đưa ra 3 lưu ý, đó là: Cần bảo đảm tính tư tưởng, giáo dục, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; phục vụ trực tiếp cho yêu cầu phát triển năng lực đọc hiểu; Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại được học trong chương trình của mỗi lớp; Phù hợp với thời lượng, kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học.
Lý do văn mẫu vẫn song hành cùng Chương trình giáo dục phổ thông mới Cho đến nay, văn mẫu đã là vấn đề được bàn tới nhiều nhất trong cải cách giáo dục. Nhiều cách khắc phục nhưng văn mẫu vẫn tồn tại. Sách văn mẫu vẫn được bán tràn lan ở các nhà sách và chào bán trên mạng xã hội. Khi bước vào năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành...