Cho trẻ ăn dặm
Những bữa ăn đầu đời định hướng cảm nhận ẩm thực, thói quen ăn uống cho trẻ. BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), đã tư vấn cách cho trẻ ăn trong giai đoạn này.
Ảnh: Shutterstock
Ăn dặm từ tháng thứ mấy ?
Trẻ cần được ăn dặm khi từ 4-6 tháng. Nếu bú sữa mẹ hoàn toàn mà trẻ lên cân tốt thì nên cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi để tận dụng nguồn sữa mẹ. Trước 4 tháng tuổi, cơ thể trẻ chưa có đầy đủ men amylase để tiêu hóa chất bột. Do vậy nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm dễ làm trẻ bị đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy… Ngược lại, nếu cho trẻ ăn dặm quá trễ, sữa mẹ không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ phát triển trong giai đoạn này, dẫn đến trẻ bị đứng cân, tăng trưởng chậm. Sau 7 tháng, trẻ có xu hướng sợ cái mới nên sẽ khó tập ăn hơn.
Ăn những gì ?
Tập cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Không nên dùng nước rau, nước thịt để pha bột. Nêm bột cho trẻ bằng nước mắm, nhạt hơn khẩu vị của người lớn. Không dùng bột nêm. Từ 6 tháng tuổi, cho trẻ ăn cháo hoặc bột đặc. Trong mỗi chén cháo đặc phải có đủ 4 nhóm thức ăn: bột đường, đạm, dầu mỡ và chất xơ. Trong đó, nhóm bột đường có bột, cơm, cháo, mì; nhóm đạm có thịt, cá, gà, tôm, cua, hải sản; nhóm chất xơ (đậu phụ, các loại hạt đậu hoặc sữa có đậu nành), vitamin và khoáng chất (trái cây, rau củ hoặc nước ép).
Có nên hầm xương nấu cháo?
Video đang HOT
Nước hầm xương rất ít đạm, ít canxi. Không những vậy, bữa ăn nhiều nước hầm xương còn làm cho trẻ đầy bụng, khó tiêu. Cần cho trẻ ăn cả xác thịt để cung cấp đầy đủ dưỡng chất, giúp trẻ tăng trưởng tốt.
Bao nhiêu bí đỏ, cà rốt, khoai tây thì vừa?
Khoai tây, bí đỏ, cà rốt nếu ăn nhiều liên tục sẽ gây mất cân đối các thành phần dinh dưỡng cung cấp, không tốt cho sự tăng trưởng của trẻ. Đồng thời, cà rốt, bí đỏ rất giàu beta carotene, trẻ ăn nhiều có thể dẫn đến vàng da do dư beta carotene. Có thể cho trẻ ăn loại thực phẩm này 2-3 lần mỗi tuần, các bữa ăn khác cho trẻ ăn rau xanh.
Chọn dầu gì ?
Chén cháo, bột của trẻ không thể thiếu dầu. Dầu mè, dầu nành, dầu hướng dương, dầu cá… giàu omega 3; dầu ô liu, dầu cọ, dầu bắp… giàu omega 6. Omega 3 và omega 6 là những a xít béo thiết yếu, cơ thể không tổng hợp ra được, rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là sự phát triển của não bộ. Có thể sử dụng xen kẽ hoặc phối hợp các loại dầu ăn để cung cấp đa dạng dưỡng chất cho trẻ, tạo mùi vị dễ chịu.
Có cần đổi bữa cho trẻ ?
Điều này rất cần thiết. Đổi bữa giúp trẻ ngon miệng hơn; đồng thời nguồn thực phẩm đa dạng sẽ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển. Nên dùng những thức ăn của gia đình để chế biến thức ăn cho trẻ. Người lớn trong gia đình ăn gì, trẻ ăn đó. Như vậy thuận tiện cho mẹ và trẻ cũng được đổi món. Không nên nấu một nồi cháo ăn cả ngày, trẻ sẽ thấy ngán. Bên cạnh đó, hâm đi hâm lại cháo sẽ mất nhiều vitamin và cũng không còn thơm ngon.
Bánh kẹo, quà vặt
Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, quà vặt với năng lượng rỗng (chủ yếu chỉ có đường/béo mà không có đạm, vitamin, khoáng chất), đặc biệt là trước giờ ăn. Những thức ăn này gây ra cảm giác no khiến trẻ chán ăn bữa chính. Hơn nữa, bánh kẹo không đủ chất dinh dưỡng như bữa ăn của trẻ, vậy nên nếu kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Khi nào bắt đầu cho trẻ ăn cơm ?
Khi trẻ 2 tuổi, có đủ 8 chiếc răng hàm, sẽ bắt đầu cho trẻ ăn cơm mềm. Cho trẻ ăn sớm sẽ không tiêu hóa được thức ăn, không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Cho ăn trễ, 2-3 tuổi vẫn ăn cháo, trẻ không có đủ dưỡng chất để phát triển, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sau này lười ăn cơm và thức ăn. Lúc trẻ có 4 răng tiền hàm (tổng cộng 16 răng sữa, khoảng 18 – 20 tháng tuổi) thì cũng có thể cho bé ăn cơm nát, tán hơi nhuyễn.
Theo VNE
Mẹ sai lầm, con suy dinh dưỡng
BS Hoàng Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Hầu hết các trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng (đến khám tại bệnh viện) có nguyên nhân chính là do sai lầm và sự thiếu hiểu biết của mẹ trong cách cho con bú, trong cách chế biến cũng như lượng thực phẩm chưa phù hợp với độ tuổi của trẻ (khi trẻ đã ăn dặm).
Cho trẻ bú đúng cách
Rất nhiều bà mẹ do không biết cho con bú đúng cách nên sữa không tiết ra đầy đủ và bé không được hưởng trọn lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ. Sai lầm trong cách cho con bú mẹ gồm cả việc trẻ không được ngậm bắt bú đúng và tư thế bế sai. Ngậm bắt bú đúng là khi miệng trẻ ngậm toàn bộ phần núm đến quầng thâm của vú mẹ, mũi bé đối diện với mặt mẹ, cằm chặn vào vú mẹ, có thể thấy quầng vú của mẹ phía trên nhiều hơn phía dưới. Khi đó, miệng trẻ sẽ ép được vào vùng xoang sữa, giúp sữa tiết ra nhiều và đầy đủ. Tư thế bế đúng là khi toàn bộ cơ thể bé được nâng đỡ, đầu và lưng bé thẳng hàng, bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Mỗi một bữa bú của bé thường kéo dài khoảng 15-20 phút. Vì vậy, chỉ khi được bế đúng, trẻ mới cảm thấy thoải mái và bú được nhiều.
BS Thanh Thủy cũng khuyến cáo, các bà mẹ nên cho trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển sang bên kia để trẻ có thể nhận đầy đủ chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Không được cho bé đang bú nửa chừng rồi chuyển ngay sang bên vú còn lại. Lượng sữa tiết ra ban đầu thường trong, chứa lượng đường nhiều để thỏa mãn cơn khát của bé, càng về sau sữa càng đục, chứa nhiều chất béo. Thế nên, nếu chỉ cho bú sữa đầu, trẻ sẽ kém lên cân. Nên cho trẻ bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm, khoảng 8-12 lần/ngày. Trong thời gian cho bé bú mẹ, bốn-sáu tháng đầu, tránh cho bé ăn thức ăn khác trước khi bú hay cho uống nước, nước trái cây, ngậm núm vú giả. Nên cho trẻ bú mẹ đến hết năm thứ hai hoặc hơn.
Cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất
Khi cho trẻ ăn bổ sung (từ tháng thứ tư đến tháng thứ sáu) cần chuyển dần từ ngọt sang mặn, lỏng sang đặc để trẻ quen dần. Cần cung cấp đủ năng lượng cho trẻ bằng cách bổ sung dầu ăn vào khẩu phần cho đến suốt hai năm đầu đời. Cụ thể, bổ sung khoảng hai muỗng canh dầu ăn (dầu tinh luyện) cho 200ml thức ăn (bột, cháo). Mỗi lần chỉ nên tập cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới để loại trừ khả năng trẻ có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào đó. Không nên nêm nếm nhiều gia vị trong thức ăn của trẻ, đặc biệt là bột ngọt và cũng không nên nêm mặn.
BS Thanh Thủy nhấn mạnh, nhiều mẹ thường cho trẻ ăn quá thừa đạm, tinh bột nhưng lại thiếu rau xanh và chất béo. Điều đó khiến trẻ vừa khó tiêu hóa, sinh ra biếng ăn, đồng thời thiếu những vi chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Phải bảo đảm trẻ được ăn đầy đủ bốn nhóm: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Số lượng khuyến cáo cho trẻ cụ thể như sau. Trẻ sáu-tám tháng: thức ăn là bột đặc hoặc thức ăn nghiền, hai bữa/ngày, mỗi bữa 2/3 chén cộng thêm bú mẹ. Trẻ 9-11 tháng: thức ăn băm nhỏ hoặc có thể gắp, ba bữa chính, một bữa phụ và bú mẹ, mỗi bữa 3/4 chén. Trẻ 12-24 tháng: thức ăn gia đình, ba bữa chính, hai bữa phụ và bú mẹ, mỗi bữa một chén.
Khi cho con ăn, các bà mẹ thường mở ti vi có chương trình quảng cáo, ca nhạc để trẻ xem. Thói quen này khiến trẻ ăn một cách thụ động, không có cảm nhận về món ăn, không có giao tiếp với cha mẹ. Cách tốt hơn là nên tiếp xúc, nói chuyện, cười và khích lệ để trẻ ăn và cảm nhận món ăn một cách chủ động. Nên cho trẻ cùng ngồi trong bữa ăn gia đình để kích thích trẻ thử những món ăn mới, đồng thời giúp trẻ tự xúc ăn để trẻ có cảm giác tự lập.
Nếu bị suy dinh dưỡng trong 5 năm đầu đời, trẻ không chỉ lùn, chậm phát triển chiều cao mà còn chậm phát triển trí não hơn trẻ thông thường. Nếu rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cụ thể: 12 tháng nhưng chỉ nặng 7,7kg, 24 tháng nặng 9kg) thì còn có thể điều chỉnh, phục hồi được. Nhưng nếu bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi (cụ thể: 12 tháng nhưng chỉ cao 68,6cm, 24 tháng: cao 80cm), trẻ sẽ không có khả năng hồi phục. Do vậy, ngay khi thấy trẻ kém tăng cân và chiều cao, cần đưa trẻ đi khám sớm để được tư vấn chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, tránh tuyệt đối để trẻ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi.
Theo PNO
Thực phẩm giúp người gầy tăng cân khỏe mạnh Để tăng cân, người gầy cần ăn uống, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng đa dạng: từ chất đạm, các vitamin và các chất khoáng. Tuy vậy, để tăng cân, khả năng hấp thu thức ăn cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Trong thức ăn dành cho người gầy rất giàu dinh dưỡng, đối với những cơ địa không hấp...