Chính phủ Thái Lan vẫn nhất quyết tiếp tục bầu cử
Chính phủ Thái Lan ngày 28/1 tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành cuộc bầu cử gây tranh cãi vào ngày 2/2 tới, bất chấp việc bị phe đối lập tẩy chay và người biểu tình liên tục vây hãm các điểm bỏ phiếu.
Bà Yingluck Shinawatra gặp gỡ báo giới bên ngoài một căn cứ quân sự hôm 28/1
Quyết định trên được đưa ra sau khi chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra bàn thảo với Ủy ban bầu cử Thái Lan. Trước đó Ủy ban này đã đề xuất hoãn bầu cử 120 ngày, nhưng sau buổi đàm phán cơ quan này đã đồng ý với chính phủ về việc tiếp tục tiến hành bầu cử như lịch trình, phó phát ngôn chính phủ Chalitrat Chantarubeksa khẳng định với bao giới.
Những ngày qua các vụ bạo lực trên đường phố Thái Lan đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ nổ lựu đạn, tấn công bằng súng và xô xát.
Trong vụ việc mới nhất diễn ra ngày hôm nay, súng đã nổ gần căn cứ quân sự tại Bangkok, nơi bà Yingluck đang tham dự các cuộc họp, giữa lúc hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài. Các cơ quan cấp cứu cho biết ít nhất 2 người đã bị thương mặc dù tình hình của họ vẫn chưa rõ ràng.
Video đang HOT
3 tháng gần đây, thủ đô của Thái Lan đã liên tục bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình lớn, yêu cầu chính phủ dân cử của bà Yingluck từ chức, để dọn đường cho một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử giám sát những cải cách cần thiết để giám sát việc giảm bớt sự ảnh hưởng của gia đình bà.
Đảng dân chủ đối lập chính tại Thái Lan hiện vẫn cương quyết tẩy chay cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật tới, và tuyên bố cần thực hiện các cải cách để đảm bảo việc bỏ phiếu là thực sự dân chủ, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của chính phủ mới.
Cuộc gặp của bà Yingluck diễn ra sau khi tòa án Hiến pháp hồi thứ Sáu tuần trước ra phán quyết khẳng định việc hoãn bầu cử là hợp pháp do các cuộc xung đột dân sự.
Chính phủ Thái Lan thì khẳng định rằng theo quy định của hiến pháp, bầu cử phải được tiến hành trong vòng 60 ngày sau khi quốc hội bị giải tán, vốn diễn ra hồi đầu tháng 12 vừa qua.
Vương quốc này đã bị chia rẽ sâu sắc từ thời anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, bị lật đổ bởi các tướng lĩnh trung thành với hoàng gia cách đây hơn 7 năm.
Các nhà phê bình cáo buộc vị chính trị gia xuất thân tỷ phú đã thao túng chính phủ của em gái từ Dubai, nơi ông Thaksin đang sống lưu vong để tránh bị điều tra tham nhũng.
Theo Dantri
Thái Lan: Một lãnh đạo biểu tình chống chính phủ bị bắn chết
Một lãnh đạo các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Thái Lan đã bị bắn chết vào ngày hôm nay 26/1 và nhiều người khác bị thương khi những người biểu tình ngăn chặn hoạt động bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử vào đầu tháng 2 tới.
Người biểu tình phong tỏa các địa điểm bầu cử, nhằm thực hiện kế hoạch phá hoại cuộc bầu cử 2/2 tới.
"Ông Suthin Tharathin đã bị bắn chết khi đang phát biểu từ sau một chiếc xe tải", phát ngôn viên biểu tình Akanat Promphan cho hay. "Chính phủ đã không hề đảm bảo an toàn và an ninh cho bất kỳ ai vào ngày hôm nay, bất chấp lệnh khẩn cấp", ông cho biết, ám chỉ đến sắc lệnh của chính phủ Thái Lan cho phép cảnh sát có thêm quyền kiểm soát các cuộc biểu tình.
Trung tâm cấp cứu Erawan tại thủ đô Bankok xác nhận một người đàn ông đã bị thiệt mạng và 9 người khác bị thương trong vụ bắn súng ở ngoại ô thành phố. Tuy nhiên, Erawan không cho biết thêm thông tin chi tiết.
Hàng trăm người sớm nay đã vây các điểm biểu bỏ phiếu sớm ở Bangkok và buộc hầu hết các điểm này phải đóng cửa, nhằm gây cản trở trước cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối tuần tới. Ngày càng nhiều người nghi ngờ khả năng cuộc bỏ phiếu diễn ra đúng kế hoạch.
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã kêu gọi bầu cử vào ngày 2/2 tới nhằm tìm cách làm lắng dịu các cuộc biểu tình đường phố kéo dài nhiều tháng qua. Những người biểu tình muốn lật đổ chính phủ của bà phản đối kịch liệt cuộc bầu cử này, do nhiều khả năng đảng của bà Yingluck lại giành phần thắng. Họ muốn thành lập một "hội đồng nhân dân" không cần bầu cử để giám sát những cải cách trong nước.
Ông Suthin là người thứ 10 thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kéo dài gần 3 tháng qua ở Thái Lan, cuộc biểu tình đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư cũng lo lắng cho nền kinh tế nước này. Ngoài ra, hàng trăm người khác bị thương.
Các bên ở vương quốc đầy chia rẽ này đều đổ lỗi cho nhau cho tình trạng bạo lực trên.
Kể từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006, Thái Lan liên tục trải qua các cuộc biểu tình trên đường phố. Cuộc biểu tình đẫm máu nhất diễn ra vào năm 2010, khi hàng chục người biểu tình "áo đỏ" ủng hộ ông Thaksin bị giết hại trong cuộc truy quét của quân đội.
Theo Dantri
Chính phủ Thái Lan không hoãn bầu cử bất chấp biểu tình đẫm máu Bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ của phe đối lập hòng phá hoại bầu cử, chính phủ Thái Lan ngày 26/12 tuyên bố sẽ không rời ngày bỏ phiếu, giữa lúc nhiều cảnh sát và người biểu tình chết và bị thương do đụng độ. Theo hãng tin AFP, đợt bùng phát các cuộc xung đột dân sự mới càng làm...