‘Chêm’ ngoại ngữ vào tiếng Việt: Xu hướng đáng quan ngại
‘Chêm’ ngoại ngữ vào tiếng Việt không chỉ là thiếu văn hóa mà còn là biểu hiện tâm lý thiếu tự tin, không xác định được mình là ai.
GS Trần Ngọc Thêm – nhà văn hóa học Việt Nam nhìn nhận, tình trạng “chêm” ngoại ngữ khi giao tiếp bằng tiếng Việt đang ngày càng diễn ra phổ biến, nhất là trên các diễn đàn, mạng xã hội, và ngay cả trên các kênh truyền hình quốc gia. Tình trạng “chêm” chữ không chỉ xảy ra với người trẻ mà ngay cả với người lớn tuổi, người nổi tiếng, thậm chí cả ở một số người được cho là có trình độ, học thức cao trong xã hội.
Nhiều chuyên gia lên án hiện tượng một số người “chêm” ngoại ngữ vào tiếng Việt. Ảnh minh họa
Vị GS cho hay, hiện tượng “chêm” chữ không phải bây giờ mới thấy, tình trạng này cũng từng xảy ra từ nhiều năm trước, ngay ở những năm đầu thế kỷ 20, người Việt cũng đã rất sính dùng tiếng Pháp. Thực tế trên đã bị phê phán, lên án rất nhiều.
Ở tác phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng được xem là một trong số các tác phẩm mang tính châm biếm, phê phán rất mạnh hiện tượng “chêm” tiếng Pháp khi giao tiếp với người Việt.
“Những từ “moa”, “toa”… không giúp thói rởm đời, sính ngoại của một số nhân vật sang hơn, mà ngược lại, càng khiến những nhân vật này trở nên lố lăng, phản cảm khi đứng trước người dân mình, khi sống trên quê hương, dân tộc mình.
Bây giờ lại tới tiếng Anh, việc này càng cho thấy ở một số người Việt có trạng thái tâm lý cực đoan như: khi thì kiêu căng thái quá, không coi ai ra gì, chỉ mình mới là tất cả. Thế nhưng lại có khi tự coi mình không ra gì và thiên hạ mới là tất cả, nước ngoài mới là tất cả. Điều này đang được thể hiện rõ hơn từ trong cách sống, xu hướng ăn mặc cho tới lời nói, ngôn từ”, vị chuyên gia lo lắng.
Video đang HOT
Theo vị chuyên gia, những biểu hiện trên ngoài việc cho thấy một trình độ văn hóa thấp kém, thiếu hiểu biết của một số người thì còn cho thấy một biểu hiện tâm lý hỗn loạn, thiếu tự tin, không xác định được mình là ai. Chính vì không xác định được mình là ai nên mới có tình huống chạy loanh quanh giữa nhiều thái cực khác nhau, khi thì nửa tây, lúc lại nửa ta, mà không biết đâu mới giá trị cốt lõi một con người cần hướng tới.
Nhấn mạnh quan điểm không ủng hộ việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt, vị chuyên gia nói thẳng, trong hoàn cảnh nào việc sử dụng chen lẫn tiếng Anh vào tiếng Việt khi giao tiếp với người Việt là không nên.
“Tiếng Việt Việt Nam đủ phong phú để có thể diễn đạt mọi sắc thái cho các từ tiếng Anh, vì điều này, không cần thiết phải sử dụng một từ tiếng Anh nào để thay thế”, vị chuyên gia nói rõ.
Mặt khác, theo vị GS, việc sử dụng tiếng Việt cũng là một hình thức tự trau dồi, tự làm mới, làm phong phú hơn vốn từ, vốn tiếng mẹ đẻ của mỗi người Việt. Bất kỳ ai sinh ra cũng có quê hương, có cội nguồn, nếu cứ rời quê hương là quên luôn cội nguồn, quên tiếng nói mẹ đẻ thì rất không ổn.
Với những trường hợp “chêm” ngoại để phô trương khả năng nói tiếng nước ngoài, để thể hiện bản thân càng cần phải lên án mạnh mẽ. Việc này là do ý thức, nhận thức của người nói còn hạn chế, chưa hiểu rõ được những giá trị của tiếng nói dân tộc nên mới sử dụng các loại ngôn ngữ pha trộn một cách tùy tiện, thiếu văn hóa.
Việc “chêm” ngoại ngữ khi nói tiếng Việt không giúp những người này sang hơn, giỏi hơn mà càng thể hiện sự tự ti, thấp kém, đáng bị phê phán.
“Đồng ý, trong bối cảnh hội nhập, biết nhiều ngoại ngữ, giao tiếp ngoại ngữ tốt là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, dân tộc nào trên thế giới cũng có truyền thống, văn hóa riêng và họ hội nhập nhưng vẫn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống thiêng liêng mang bản sắc riêng của dân tộc mình.
Trong đó, tiếng nói và chữ viết là một bộ phận trọng yếu của bản sắc văn hóa, là một trong những yếu tố đầu tiên để phân biệt giữa quốc gia này với quốc gia khác. Vì điều này, quốc gia nào cũng luôn có ý thức phải bảo vệ, giữ gìn, và phát huy những giá trị cốt lõi đó.
Thế nhưng, lại có một bộ phận giới trẻ Việt Nam đang vì chạy theo xu hướng sống ảo, sính ngoại mà học đòi, nói theo thiếu văn hóa”, vị chuyên gia thẳng thắn.
GS Trần Ngọc Thêm cho biết, bản tính của nhiều người Việt là sống theo phong trào, làm theo phong trào, vì điều này ông lo ngại nếu không có giải pháp kịp thời thì xu hướng “chêm” chữ cũng trở thành phong trào, khi đó rất khó thay đổi.
Trước những lo ngại trên, vị chuyên gia kiến nghị phải có sự vào cuộc đồng bộ từ các bộ ban ngành, thậm chí có thể ban hành cả một bộ quy định nghiêm ngặt trong việc sử dụng từ ngữ, cũng như các chuẩn mực trong phát ngôn, giao tiếp.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức hơn trong sử dụng từ ngữ, giao tiếp không chỉ nhằm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà còn tránh cho một xu hướng pha, lai biến chất.
Vì sao không nên lạm dụng chêm ngoại ngữ vào tiếng Việt?
Trong thời đại toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu quốc tế, khó tránh khỏi sự xâm nhập của ngoại ngữ vào tiếng Việt. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc chêm ngoại ngữ vào tiếng mẹ đẻ khi giao tiếp.
"Chuyển mã" khi giao tiếp có ở khắp nơi
Ngôn ngữ là vỏ của tư duy, nên đặc tính tư duy của mỗi dân tộc thể hiện thành những đặc điểm ngôn ngữ của mình. Tư duy của người Việt thiên về tình cảm, nên nguồn gốc từ vựng tiếng Việt đều rất cụ thể, nhưng kho từ biểu thị thái độ, tình cảm cũng rất phong phú. Trái lại, tiếng Anh có tính chất khái quát - trừu tượng, ngắn gọn và bao hàm nhiều tầng nghĩa.
Một ví dụ về hiện tượng "chuyển mã": wanderlust là một từ tiếng Đức nhưng thường bị nhầm là tiếng Anh, được người dân toàn thế giới sử dụng với nghĩa "khao khát du lịch".
Trong thời đại toàn cầu hóa, việc sử dụng tiếng Anh, tiếng Hán - Việt hoặc các từ mượn trong ngôn ngữ nước ngoài là cần thiết và đã trở nên thông dụng. Không khó để bắt gặp các thương hiệu hàng hóa, tên quán ăn, quán cà phê... bằng tiếng nước ngoài, hoặc phiên âm tiếng Việt của một từ ngoại ngữ.
Do xã hội đã quen với các từ đa âm của nước ngoài, xu hướng dùng nguyên dạng ngoại ngữ với những từ không có trong tiếng Việt (thay vì dịch, chuyển sang dạng âm Hán - Việt hoặc phiên âm chúng như trước kia) đã được khẳng định. Nói chung, việc tạo nên các thuật ngữ mới, cũng như việc mượn các từ tiếng nước ngoài cần thiết và hợp lý như trên đã cho thấy một sự phát triển, một hình thái mới của ngôn ngữ tất cả các nước.
Không nên lạm dụng
Hiện nay, việc đan xen ngoại ngữ vào tiếng Việt không dừng lại ở giới hạn của sự cần thiết và hợp lý, mà nhiều khi bị lạm dụng. Trong giao tiếp hàng ngày và trên mạng xã hội, những từ tiếng Anh đơn giản, hoàn toàn có từ tiếng Việt tương ứng, được sử dụng rất nhiều.
Mới đây, việc nữ ca sĩ Chi Pu và Mỹ Anh sử dụng xen lẫn tiếng Anh một cách thái quá vào đoạn hội thoại, giao tiếp cùng người hâm mộ đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích, giễu nhại sự "sính ngoại". Rõ ràng việc sử dụng tiếng Anh một cách bất hợp lý và không cần thiết như vậy là phản cảm và hạ thấp giá trị tiếng Việt.
Giống như với tiếng lóng và ngôn ngữ mạng, chỉ nên dùng xen pha ngoại ngữ khi nói vui, giải trí một cách thân mật, hoặc có thể dùng trong trường hợp cần nhấn mạnh điều gì đó, nhưng phải dùng trong văn cảnh phù hợp. Việc cố tình "chêm" tiếng nước ngoài vào câu nói của mình khi đang trò chuyện cùng người Việt thể hiện sự tự ti, khiếm khuyết của mỗi cá nhân về ngôn ngữ mẹ đẻ, và trên hết là sự tự ti về dân tộc. Mỗi người nên có ý thức hạn chế việc lạm dụng này để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Chị Nguyễn Hoàng Thảo - Giảng viên ĐH Hà Nội - dịch giả tiếng Anh, tiếng Nhật khẳng định: "Mình luôn nói với các bạn sinh viên của mình là càng học lên cao, càng nên trau dồi vốn tiếng mẹ đẻ của mình. Yêu nước trước tiên đến từ yêu tiếng nói, chữ viết của nguồn cội mình."
Văn hóa là gốc để định hình cho vị thế, niềm tự hào kiêu hãnh của mỗi dân tộc, mà nguồn gốc của văn hóa lại là ngôn ngữ. Học giả Phạm Quỳnh đã nói: "Tiếng ta còn thì nước ta còn." Hy vọng tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân mới của nước nhà sẽ nâng cao ý thức gìn giữ những nét đẹp của tiếng Việt.
Chia sẻ của bà mẹ ở Hà Nội có con là quán quân cuộc thi tiếng Anh: "Tôi gặp nhiều trẻ bị rối loạn ngôn ngữ vì bố mẹ dạy con biết tiếng Anh trước tiếng Việt" Tôi đã gặp một số cháu rối loạn ngôn ngữ vì bố mẹ cho con học tiếng Anh trước tiếng Việt. Việc dạy trẻ tiếp xúc với tiếng Anh từ sơ sinh, trước tiếng Việt không thể là phương pháp có thể áp dụng cho tất cả trẻ Việt sống tại Việt Nam. * Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân...