Chè Thái Lan ngọt mát trên phố Kim Mã
Quán chè Thái trên phố Kim Mã có sự kết hợp tinh tế giữa cách nấu của người Thái và người Việt sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Nằm cạnh những quán ăn Nhật Bản và Hàn Quốc bắt mắt trên phố Kim Mã (Hà Nội), quán chè Thái Lan nổi tiếng vẫn luôn thu hút đông khách hàng. Chưa nói đến vị ngon của món ăn, tuổi đời của quán ngót nghét chạm mốc 30 năm cũng khiến nhiều người phải trầm trồ. Chứng kiến biết bao đổi thay của Thủ đô nhưng quán chè Thái Lan trên phố Kim Mã vẫn giữ được nét quyến rũ riêng.
Quán có diện tích khoảng gần 20m2 nhưng đó cũng là niềm mơ ước của nhiều quán bình dân giữa Thủ đô “tấc đất tấc vàng”. Vào những ngày hè nóng nực, quán thu hút rất đông khách hàng từ những cô cậu tuổi teen, dân công sở cho đến những cụ ông, cụ bà lớn tuổi.
Khách hàng chia sẻ, họ yêu thích quán chè này từ khi còn là những cô cậu học sinh cấp 2. Các loại chè có thay đổi nhưng vị thơm, độ ngon, sự sạch sẽ đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm vẫn nguyên vẹn như ngày nào.
Chủ quán là một cụ bà ngoài 60 tuổi với giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười hiền từ luôn thường trực để chào đón các vị khách thân thiết. Theo lời của chủ quán chè, bà sinh ra và từng sống ở Udonthani (Thái Lan). Trở về nước cách đây mấy chục năm, năm 1984 quán chè bắt đầu được mở ra. Ban đầu quán có nhiều loại chè khác nhau nhưng vì công việc bận rộn nên bây giờ chủ quán chỉ còn bán chè Thái, kem xôi được nhiều khách hàng ưa thích.
Món chè Thái có thêm vị đậu xanh ngọt lành
Nói đến chè Thái Lan ở Hà Nội không phải là hiếm nhưng quán chè Thái trên phố Kim Mã mang dáng dấp, hương vị đặc trưng hơn cả. Chủ quán hiểu rất rõ về ẩm thực Thái Lan thêm nữa các dụng cụ đựng chè đều là đồ bạc – hình ảnh tiêu biểu của xứ sở chùa Vàng. Tuy nhiên, các thực khách vẫn có thể cảm nhận được chút hương vị Việt trong từng cốc chè Thái.
Trong mỗi cốc chè này đều có sự hòa quyện giữa các nguyên liệu và hương vị, từ hạt trân châu, đỗ xanh, “con sò”, cho đến nước cốt dừa thơm mát. Một chút vị Việt lẫn trong vị Thái, hấp dẫn đến vô cùng.
Chủ quán bận rộn suốt ngày vì khách đặt hàng
Những âu bạc được dùng để các con sò, rất tinh xảo và đẹp mắt
Theo lời của chủ quán chè, nước cốt dừa của quán cũng có cách làm riêng. Nếu như trong cách làm của người Thái, nước cốt dừa được chiết xuất từ dừa tươi và cho vào chè thì ở quán chè Thái-Việt này, chủ quán sẽ có thêm công đoạn đun nóng nước cốt dừa tươi để đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, tất cả các “con sò xanh” ( sợi chè Thái) đều được chủ quán tự làm chứ không mua sẵn như nhiều nơi khác. Bởi thực tế hiện nay có nhiều điểm bán chè chỉ mua sẵn hàng đóng gói sau đó về luộc lên rồi chế biến thành chè. Còn ở quán chè Thái Lan trên phố Kim Mã, các nguyên liệu được chuẩn bị công phu. Cho nên khi ăn vào vị thơm của “con sò” hòa quyện cùng nốt cốt dừa nguyên chất tan trong miệng thơm ngọt, mát.
Sợi chè Thái được chủ quán gọi là “con sò xanh”
Ngoài ra, kem xôi cũng là món nổi tiếng của quán chè này. Màu xanh của xôi, quyện cùng vị thơm của kem và chút dừa khô sẽ là ấn tượng khó quên với bất kỳ ai thưởng thức. Dừa khô ở đây được chọn loại dừa non, cách làm khéo léo đến mức mà thành phẩm không bị cháy quá, vị thơm dịu khiến ai ăn rồi cũng muốn ăn thêm lần nữa.
Kem xôi đậm đà vị kem, vị xôi màu xanh lá dứa
Dừa khô làm từ dừa tươi non, đảo đều tay rất bùi
Quán chè đông khách vào cuối giờ chiều, đặc biệt là mùa hè. Giá mỗi cốc chè chỉ khoảng 15.000 đồng. Đây là điểm hẹn của khách tuổi teen và dân công sở xung quanh.
Video đang HOT
Chị Thu Hà (Nhân viên ngân hàng) cho biết: “Tôi và ông xã vẫn thường qua đây ăn chè. Biết quán chè này từ thời còn yêu nhau cách đây 8 năm, đến nay vẫn là khách quen của quán. Con tôi cũng được bố mẹ dẫn đến đây vào dịp cuối tuần. Giá cả phải chăng, không gian rộng rãi”.
Theo Eva
4 món chè ngon mát cho ngày nắng
Thỉnh thoảng chị em hãy nấu những món chè thơm ngon, bổ mát này để cả nhà thưởng thức trong những ngày nóng nhé!
Chè sen long nhãn
Nguyên liệu:
- Nhãn tươi: 400gr
- Hạt sen: 200gr
- Nước, đường: vừa miệng ăn
Thực hiện:
- Nhãn bóc vỏ, bỏ hạt.
- Hạt sen rửa sạch, bỏ tâm và lớp áo lụa nếu cần, sau đó cho vào nồi cùng với lượng nước vừa ăn ninh đến khi chín.
- Khi hạt sen chín, vớt ra để lồng vào với chỗ cùi nhãn đã bóc
- Phần còn lại tiếp tục để trên bếp, nêm nếm lại lượng đường vừa miệng ăn và đun sôi cho đường tan hết.
Cho chỗ hạt sen lồng nhãn vào nồi, đun đến khi sôi lại thì tắt bếp.
Chè dưa xanh
Nguyên liệu:
- 1/2 trái dưa xanh
- 150 ml sữa tươi không đường
- 70 gr bột báng loại nhỏ
- Nước đường
Thực hiện:
- Nước đường: 50 gr đường, 100 ml nước, 1 xíu xiu muối nấu sôi với lửa nhỏ. Khi đường tan nấu thêm 5 phút nữa là tắt bếp cho nước đường ra chén.
- Bột báng ngâm trong nước lạnh 20 phút.
- Nấu 1 nồi nước sôi, cho bột báng vào luộc.
- Khi thấy bột báng chín trong thì đổ bột báng ra rổ có lỗ nhỏ. Sau đó chần bột báng qua nước lạnh cho bột báng trong và ra hết chất bột.
- Dùng muỗng tròn múc dưa xanh ra tô.
- Cho 3 muỗng canh bột báng ra chén/ li cho 2 muỗng canh nước đường cho dưa xanh lên và chan sữa tươi vào
Bạn muốn ngọt thì cho thêm nước đường nhé. Nói chung nhiều ít là tùy khẩu vị của bạn.
Chè đậu đỏ thạch dừa
Chè đậu đỏ thạch dừa này sẽ là món tráng miệng tuyệt vời sau những bữa ăn ngày hè.
Nguyên liệu:
- Dừa tươi lấy nước: 1 quả
- Đậu đỏ: 150gr
- Bột thạch: 20gr
- Nước cốt dừa
- Đường: vừa miệng ăn
Thực hiện:
- Đậu đỏ rửa sạch, ngâm qua đêm để hạt đậu nở.
- Thêm lượng nước vừa đủ ninh đậu đến khi đậu chín nhừ, khi đậu nhừ vớt riêng đậu ra 1 bát, nước ninh đậu để riêng.
- Đổ nước dừa ra nồi, thêm chút nước cốt dừa đóng lon (nếu thích), cho 10gr bột thạch vào nồi khuấy đều cho bột thạch tan, bắc lên bếp đun sôi, khi chín bỏ ra đổ ra âu đựng rồi cho tủ lạnh cho đông.
- Làm tương tự với phần nước ninh đậu.
- Sau khi lớp thạch dừa đã se mặt, đổ phần thạch nước đậu lên trên mặt, để tủ lạnh cho khối thạch kết dính.
Làm nước cốt dừa chan chè: lấy 100ml nước cốt dừa lon, thêm 50ml nước, khuấy đều, đun sôi trên bếp, nêm đường vừa miệng ăn. Thêm chút bột năng để nước cốt sánh.
Khi ăn múc đậu đỏ, thêm thạch và chan nước cốt dừa lên trên, ăn mát sẽ ngon hơn.
Chè bánh lọt
Sợi bánh lọt mềm mềm, dai dai hòa quyện cùng nước cốt dừa béo béo, mát lạnh và thơm nhẹ của lá dứa thật là hoàn hảo. Đây là món chè đặc trưng của người miền Nam và là món ăn vặt hấp dẫn của giới trẻ Sài thành.
Nguyên liệu:
- 80 gr bột gạo
- 40 gr bột sắn dây
- 15 gr bột năng
- 300 ml nước lá dứa
- 250 ml nước lạnh
Phần nước cốt dừa
- 400 ml nước cốt dừa
- 2 lá dứa
- 100ml nước lạnh
- 1/5 muỗng cà phê muối
- 200 gr đường
Thực hiện:
- Cho nước cốt dừa, nước lạnh, muối, lá dứa và đường bắt lên nếp nấu với lửa nhỏ, khi nước cốt dừa hơi sôi, đường tan là tắt bếp.
- Cho 3 loại bột vào nồi, cùng với nước lạnh và nước lá dứa hòa tan bột. Sau đó bắc lên bếp khuấy đều với lửa nhỏ.
- Bạn phải khuấy đều cho đến khi bột quyện lại thành 1 khối dẻo dẻo là tắt bếp.
- Chuẩn bị 1 âu nước đá lạnh.
- Cho bột vào khuôn ép bánh lọt hay cái rổ có lỗ to. Ép bánh lọt xuống âu nước đá, bạn cứ thế làm hết phần bột còn lại.
- Khi ép hết bạnh lọt vào âu nước đá, bạn để 5 phút.
- Sau đó vớt bánh lọt ra cho vào nồi nước cốt dừa trộn đều là xong.
Cho bánh lọt - nước dừa vào ly/ chén, cho thêm vài viên đá nhỏ. Bây giờ bạn và gia đình đã có thể cùng thưởng thức món chè bánh lọt hấp dẫn của người miền Nam rồi.
Theo Eva
Chè Hà Thành thanh mát nhớ mãi không quên Chè Hà thành thì đã nổi tiếng quá rồi nhỉ... Không giống như phương Nam quanh năm hai mùa mưa nắng, xứ Bắc có 4 mùa rõ rệt. Do tính chất thời tiết như vậy, ngày đông Hà Nội mướt bao nhiêu thì nắng hè gay gắt bấy nhiêu. Trong cái oi bức của ngày hè, người Hà thành có thú vui thưởng...