[Chế biến]-Bún giả cầy
Bát móng giò được ninh nhừ, thịt mềm thơm thơm mùi riềng mẻ đặc trưng ăn cùng với bún là hợp nhất.
Nguyên liệu:
- 500g móng giò
- 1 nhánh riềng
- 1 cây sả
- Mẻ (nấu cơm hơi nát, rảy ít nước ấm quanh hạt cơm, dùng tay bóp đều, cho vào hũ kín để khoảng một tuần là có mẻ dùng), mắm tôm, nước mắm, muối, hạt nêm và tỏi
- Hành lá, rửa sạch, thái nhỏ
- Rau răm, rau thơm rửa sạch
- Bún.
Cách làm:
- Móng giò rửa sạch với nước muối pha loãng, nướng xém bì, chặt khúc vừa ăn. Bạn có thể thêm thịt ba chỉ.
- Riềng, sả băm nhuyễn.
- Trộn móng giò, riềng, sả, một thìa canh mắm tôm, hai thìa canh mẻ, một thìa canh nước mắm, nửa thìa hạt nêm, chút xíu muối. Ướp khoảng từ 3 đến 4 tiếng.
Video đang HOT
- Đun nóng dầu ăn, phi tỏi thơm đổ, đổ móng giò vào đảo đều.
- Đến khi miếng thịt săn lại, đổ nước xâm xấp với mặt thịt. Đun sôi, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.
- Không nên đun giò quá nát, ăn thử miếng bì giòn, thịt đủ mềm là bạn tắt bếp. Rắc hành lá, rau răm, rau thơm thái nhỏ vào.
- Múc ra bát, dùng kèm với bún.
Băm nhỏ sả.
Băm nhuyễn riềng.
Nướng xém bì móng giò.
Trộn móng giò với mẻ, gia vị.
Đun mềm móng giò.
Cún Khang
Theo ngôi sao
Giả cầy của người Bắc
Miền Bắc khi mùa đông bắt đầu, cái lạnh run rẩy đến gõ cửa từng nhà, và xộc vào mọi ngõ ngách của từng làng quê, phố xá thì đó cũng là lúc những món ăn làm ấm lòng người, phá tan rét mướt trở nên phổ biến. Dịp gần Tết, xoa tay trong giá lạnh và cùng mẹ nấu món giả cầy, rồi đợi đến khi được thưởng thức, bạn sẽ thấy thật ấm áp biết bao.
Món giả cầy khác với thịt cầy nấu dựa mận. Vì là giả cầy, nên thịt để nấu món này là thịt lợn, thường thì lấy phần chân giò, nguyên chân để có cả xương cả thịt, vừa có thể làm đồ nhắm, vừa có thể ăn cơm được.
Làm món giả cầy khá công phu, nhưng hợp với tiết trời đông lạnh, phải thao tác nhiều. Trước hết là lựa chân giò, thường là chân giò trước, có nhiều thịt và nạc hơn chân sau. Sau khi đã làm sạch lông và móng giò, phải đem đi nướng trên bếp lửa to cho vàng phần da, bì bên ngoài. Ở nông thôn sẽ nướng bằng rơm, rạ, vừa quạt vừa hơ trên đống lửa cháy lớn, lửa càng lớn da lợn càng vàng. Những giọt mỡ cháy xèo xèo trong lửa nóng, nghe vui tai và mùi thơm thịt cũng bắt đầu phảng phất, lan xa trong không gian, kích thích dịch vị...
Sau khi nướng xong, rửa lại chân giò bằng nước lạnh cho sạch phần da có dính tro rơm rồi lau khô bằng khăn. Chân giò nướng xong nhưng không chín toàn bộ, chỉ se lại bề mặt dưới da, có màu vàng và mùi thơm hấp dẫn, sau đó được chặt ra thành từng miếng vuông nhỏ vừa phải, vừa đủ ăn nhưng cũng vừa đủ để chín nhừ mà không bị nát. Phụ liệu của món giả cầy gồm có riềng giã nhỏ, cơm mẻ thật ngấu có mùi thơm, chua dịu, một chút sả, hành khô, và đôi khi có thêm một chút mắm tôm. Thịt chân giò ướp thật kĩ với gia vị, súp và phụ liệu cho ngấm rồi mới đưa vào hầm, cho tới khi sền sệt nước, thịt mềm, màu vàng, tỏa hương thơm nồng ấm, vị mẻ quyện với riềng thơm đặc trưng và hấp dẫn, nhất là khi trời đang mưa lạnh.
Anh: nguoivienxu.vietnamnet.vn
Giả cầy là món ăn mùa lạnh, thường ăn với cơm hoặc bún. Tuy nhiên, khi có nhiều thời gian vào các mùa khác trong năm, người Bắc vẫn có hứng thú nấu món này để đãi khách và làm ăn trong gia đình như một món ăn phổ thông, ngon miệng mà không ngán.
Theo PNO
[Chế biến]- Canh măng hầm móng giò đón Tết Ngoài hành muối, bánh chưng xanh, thì canh măng cũng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc. Nguyên liệu: 200gr măng lưỡi lợn 1 chân giò heo (chân trước sẽ đỡ béo hơn) Nấm hương (tùy thích), hành, tiêu, gia vị. Cách làm: Măng ngâm nước khoảng 2 ngày, hoặc luộc đi luộc lại...