Chấn chỉnh giáo dục bằng biện pháp tài chính
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến cộng đồng.
Đây là một động thái tích cực nhằm chấn chỉnh thực trạng giáo dục đang nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc xã hội. Tuy nhiên, biện pháp tài chính không thể nào đắc dụng đối với việc dạy và học hiện nay.
Ảnh minh họa
Dự thảo Nghị định đã nêu một khung giá đáng giật mình: xúc phạm nhân phẩm có thể bị phạt 10-20 triệu đồng, còn xâm phạm thân thể có thể bị phạt 20-30 triệu đồng. Nếu đem đồng tiền ra đo lường thì nhân phẩm được xem nhẹ hơn thân thể chăng? Đối với môi trường giáo dục, thì nhân phẩm còn quan trọng hơn thân thể. Một vết roi hiện hữu dù gây đau đớn cũng không thể để lại di chứng khủng khiếp bằng một lời nói tổn hại danh dự của giáo viên lẫn học sinh. Với những trường hợp đã xảy ra trên thực tế như phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ gối trước mặt đồng nghiệp, hoặc giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau, mà lại xử phạt hành chính ư? Muốn học đường không bạo lực, phải có những cách giải quyết cứng rắn và hợp lý hơn, chứ đừng áp dựng tư duy kinh tế!
Liên quan đến quyền lợi của người học, Nghị định cho biết sẽ xử phạt 8-15 triệu đồng đối với hành vi sửa chữa học bạ, sổ điểm, phiếu điểm, làm sai lệch kết quả học tập… thì khác gì chỉ đường mở lối cho sự gian dối. Trong giáo dục, không thể chấp nhận bất kỳ yếu tố mờ ám nào. Nếu bị phạt tiền có thể thay đổi điểm số, thì sẽ có người dùng tiền để mua bán điểm số. Khi phát hiện dấu hiệu đánh tráo kết quả học tập hoặc thi cử thì phải chuyển giao cho cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự.
Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục trình bày những điều khoản giống như xây dựng một mô hình dạy và học kiểu phẫu thuật thẩm mỹ không xâm lấn. Không dao kéo trong phẫu thuật thẩm mỹ thì đơn giản, nhưng không ngược ngạo lấp liếm trong giáo dục lại cực kỳ phức tạp. Có hai câu chuyện mà biện pháp khống chế tài chính không thể nào ngăn chặn triệt để là lạm thu và dạy thêm. Nếu chỉ phạt 15-20 triệu đồng cho hành vi tổ chức thu các khoản sai quy định thì vô số lãnh đạo các trường học sẽ sẵn sàng nộp phạt. Bởi lẽ, mức phạt ấy quá thấp so với những khoản thu mà nhiều đơn vị giáo dục có thể “sáng tác” để người đi học phải “tự nguyện” đóng góp. Mặc khác, nhà trường chỉ cần thông qua hội phụ huynh thì hoàn toàn hợp thức hoá được các loại “sổ vàng”!
Video đang HOT
Dạy thêm cũng như lạm thu, vẫn sẽ là tệ nạn kéo dài, nếu không có chính sách cải cách tiền lương cho giáo viên! Năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về quản lý dạy thêm, khiến ở nhiều địa phương có hiện tượng mai phục để vây bắt quả giáo viên phạm phát quả tang vì mở lớp dạy thêm tại nhà. Bi kịch dở khóc dở cười ấy đến hôm nay được nhấn mạnh “cắt giảm nội dung chương trình ở buổi chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêm, hoặc dạy trước chương trình nội dung chính khoá” với mức phạt 5-6 triệu đồng. Hãy nhìn xem, với thu nhập tương đối tốt, giáo viên các trường quốc tế có cần dạy thêm đâu!
LÊ THIẾU NHƠN
Theo nongnghiep
Chuẩn mực đạo đức bị quy thành tiền: Có nên áp dụng?
Trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, tất cả các lỗi chửi, đánh học sinh, ép học thêm... đều bị quy thành tiền.
Sự việc nữ giáo viên mầm non tại TP HCM có hành vi đánh trẻ bị xử lý tháng 4/2018. Ảnh cắt từ clip.
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, bắt đầu được lấy ý kiến từ ngày 28/9. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, nếu được thông qua sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể bị phạt 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm phải xin lỗi công khai.
Tương tự, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể người học 20-30 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy 1-6 tháng.
Điều 8 về vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, các tổ chức bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất.
Đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm bị phạt từ 2 triệu đến 4 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Rất nhiều nội dung trong dự thảo Nghị định này đang khiến cư dân mạng tranh cãi gay gắt. Ý kiến của một giáo viên cho biết: "Bản thân tôi thấy không có chính sách giúp cho giáo viên có cuộc sống thoải mái hơn mà cứ nghĩ ra luật để làm khổ giáo viên. Trong nghị định này không thấy nhà giáo chúng tôi được bảo vệ! Vậy làm thầy chi nữa!
Vai trò và phẩm giá người thầy ở đâu? Tôn sư trọng đạo ở đâu? Tôi thấy học sinh bây giờ giống như là con ông trời, đụng vô là giáo viên chết trước! Vậy chắc chúng tôi phải làm người câm để không la học trò khi các em quậy phá! Và là người điếc để không nghe học trò xúc phạm mình!".
Một người khác đặt ra câu hỏi: "Học sinh cúp tiết, vắng học, ngủ trong lớp, không học bài và làm bài tập ở nhà bị phạt như thế nào, phạt bao nhiêu tiền? Đạo đức con người mà dùng tiền phạt là tôi thấy không hợp lý, đạo đức mà làm như hàng hóa trao đổi bằng tiền".
Tuy nhiên cũng có khá nhiều ý kiến ủng hộ Nghị định này, cho rằng nên có từ lâu rồi mới phải, và tất cả đều phải đưa vào luật để quy định thì mới có thể giúp cho nề nếp giáo dục đi vào khuôn phép.
Việc quy tất cả các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức trong giáo dục để phạt tiền, có hợp lý hay không? Đây có lẽ là một cuộc tranh luận sẽ kéo dài, khó phân thắng bại, bởi theo quan điểm xưa, người thầy là cha mẹ, thay mặt cha mẹ để giáo dục, uốn nắn đứa trẻ, vì vậy họ có đánh mắng quở trách thì cũng như cha mẹ la mắng con cái của mình.
Thế nhưng ngày nay, quan điểm đó không còn phù hợp nữa, trẻ em được xác định là đối tượng cần bảo vệ, vì vậy bất cứ hành vi nào xúc phạm thân thể hay làm tổn hại tâm lý của các em, đều bị coi là vi phạm Luật Bảo vệ trẻ em.
Người thầy trong thời điểm hiện nay, có lẽ buộc phải chấp nhận thay đổi quan điểm giáo dục của mình, không thể coi việc đánh mắng, quở trách là động lực để khiến học trò tiến bộ. Họ buộc phải tìm những cách khác, đối thoại nhiều hơn với các em thay vì đứng ở vai trò "bề trên".
Phạt tiền với các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức trong môi trường giáo dục, nên hay không nên, việc này cần phải được lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia giáo dục, các bậc cha mẹ phụ huynh... trước khi ban hành Nghị định. Làm sao để tìm ra được cách phù hợp nhất để bảo vệ môi trường giáo dục mới là điều quan trọng.
Theo Tiền phong
Một câu nói phạt 5-7 tháng lương: Ai dám đi dạy? Dự thảo quy định về người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học có thể bị phạt 10 - 30 triệu đồng và phải xin lỗi công khai vấp phải phản ứng trong cộng đồng giáo viên. TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng quy định phạt trong môi trường giáo dục như vậy là quá nặng. Bé 3...