Chả da xứ Huế
Trong ẩm thực của người Huế, chả da không chỉ là món ngon, hấp dẫn mà người ta còn dùng nó làm phụ gia, chế biến các thức ăn khác như gỏi, phở, bún, cháo… tạo nên nhiều hương vị riêng và lạ.
Mỗi khi mua chả ngoài chợ về, các bà nội trợ thường rửa sơ qua nước sôi cho sạch, trước khi chế biến món ưa thích. Bóc hết các lớp lá, chả da có màu hồng tươi gần giống nem, cắn vào thấy giòn giòn, ngòn ngọt thấm ngay từ đầu lưỡi. Chả da dễ làm nên khi nhà có giỗ kỵ, phụ nữ Huế thường tự tay làm chả.
Chả da còn làm phụ gia để chế biến trong nhiều món ăn khác.
Nguyên liệu gồm: 500g thịt heo, 500g da heo hoặc lỗ tai heo, trộn vào 1 muỗng súp tiêu xay mịn, 3 muỗng càphê muối bột và 1 muỗng cà phê bột ngọt. Đem thịt heo xay hai lần hoặc bằm cho thật mịn rồi cho vào tủ lạnh. Lấy da heo hoặc lỗ tai heo để tươi sống xắt thành sợi mỏng. Xắt xong, lấy thịt heo ra và cho da heo, hoặc lỗ tai heo cùng với tiêu, muối, bột ngọt vào trộn thật đều. Dùng cối, chày quết tay, đến khi thấy thịt và da, lỗ tai heo dính vào nhau thành một khối mịn là được. Sau cùng, đem gói bằng nhiều lớp lá chuối, khoảng năm lớp là đủ. Kế tiếp, nấu nước cho sôi trào mới bỏ đòn chả vào, đậy nắp kín, giữ lửa vừa để chả chín đều mà nước trong nồi không bị vơi. Khoảng 15 phút sau, dùng đũa đảo đòn chả rồi luộc thêm 15 phút nữa là chả đã chín. Vớt chả bỏ vào thau nước đá ngâm khoảng 10 phút, cất vào tủ lạnh.
Mùi thơm của thịt quyện với hạt tiêu khi nướng hay chiên trên bếp hương thơm nức mũi. Trong những món chế biến từ chả da, cầu kỳ nhất là món gỏi, món khai vị đầu tiên trên bàn tiệc. Để chế biến món gỏi này có chả da, thịt ba chỉ, mực nướng (xé nhỏ) dưa leo, đu đủ (thái sợi), rau răm, rau húng, đậu phộng, chanh, ớt, đường, nước mắm tất cả trộn đều. Nộm ăn ngon miệng hơn với bánh tráng, bánh phồng tôm kèm theo. Bình thường chả da ăn kèm với một số loại rau thơm, rau răm, chấm muối tiêu, chanh, tỏi. Hoặc xắt lát mỏng bỏ lên mặt các tô bún chả, bún cá, phở gà….
Với người Huế, chả da là đặc sản thân quen trong bữa ăn hàng ngày của họ. Những buổi chiều đi qua các phố ăn uống bình dân ở đường Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Đào Duy Từ… sẽ thấy món chả da và bia ướp lạnh được các đệ tử “lưu linh” rất ái mộ.
Theo SGTT
Đến Đà Nẵng ăn mít trộn và ốc hút
Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, mỗi chiều sau khi tắm biển xong, rủ bạn bè thưởng thức một đĩa mít trộn hay ốc hút thì còn gì bằng.
Ôc hút cay xè với ớt, xả, hành, dầu
Đã nghe "danh tiếng" mấy món ăn này, nên khi được mời, tôi khó có thể từ chối. Thật vậy, mấy món "ăn chơi" dân dã này không biết từ bao giờ đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân Đà Nẵng, và bây giờ đang được biết đến như một nét ẩm thực vô cùng độc đáo ở đây. Ngồi bên bạn bè, trò chuyện rôm rả, thưởng thức mấy món ăn quê, mới nhận ra đôi khi hạnh phúc thật giản đơn.
Cây mít mọc ở nhiều nơi ở Đà Nẵng, trái có vị rất đậm và thơm, món mít trộn cũng vì thế mà càng thêm đậm đà.
Người Đà Nẵng cũng như người dân sống trên dải đất miền Trung vốn mộc mạc, chất phác, vì thế các món ăn cũng đơn giản, không cầu kỳ trong chế biến. Tuy vậy, vị tinh tế và đậm đà thì không chê vào đâu được. Món mít trộn là như vậy.
Mít trộn với tương ớt và bánh tráng
Với món mít trộn, nguyên liệu cơ bản là giống nhau, cũng từ trái mít non luộc chín vừa tới rồi xắt sợi hoặc xé tơi để trộn gỏi, nhưng các hàng quán "nhà giàu" thì trộn với thịt ba rọi hoặc tôm thẻ, nhìn món ăn sang trọng hơn. Nhưng có lẽ đúng món mít trộn chân chất xứ này thì phải là trộn với da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Tất cả trộn đều với nhau, tạo nên mùi thơm quyến rũ, màu sắc cũng thật bắt mắt.
Ăn mít trộn thì không thể thiếu bánh tráng mè nướng giòn rụm. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm... tất cả tạo nên một vị ngon không cưỡng được.
Đà Nẵng cũng là xứ nổi tiếng với món ốc xào xả ớt, mà người dân địa phương gọi dân dã là ốc út. Ốc miền Trung con nào con nấy nhỏ mà chắc thịt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng... nhiều vô số kể ở khắp nơi. Đem về ngâm thật sạch, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà khó quên. Có lẽ là do sự đậm đà vốn có trong cách thức chế biến món ăn của người Đà Nẵng đã tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn này.
Món ốc hút đã trở thành quen thuộc với mọi người, nhất là các bạn trẻ và du khách phương xa. Rảnh rỗi, bạn bè rủ nhau đi "hút ốc", ngồi bên quán vỉa hè hút ốc bằng tay, miệng và tay dính màu ớt đỏ cay xè, ăn xong lâu rồi vẫn hít hà vị cay. Vậy mà vẫn thích. Sự đậm đà của sả, ớt và gia vị thấm vào từng con ốc tạo nên cái "sự ghiền" cho người ăn.
Đà Nẵng là một thành phố lớn ở miền Trung. Bên cạnh sự giàu có của hải sản và sự phong phú trong ẩm thực nơi đây, sự hấp dẫn của Đà Nẵng đôi khi đến từ những nét rất nhỏ, rất riêng và rất đặc biệt. Những món ăn chơi dân dã này chính là một trong những nét riêng đặc biệt đó. Bởi tôi đã vài lần nghe bạn bè rủ rê: Ghé Đà Nẵng chơi không? Tắm biển thỏa thích rồi làm đĩa mít trộn hay đĩa ốc hút cay xè cho đỡ nhớ.
Theo tuổi trẻ
Đến Huế thưởng thức đặc sản cơm hến Một món ăn "trứ danh" không-thể-không-ăn khi đến Huế. Nhắc đến ẩm thực Huế ngoài bánh lọc, các loại chè đủ màu sắc, bánh bèo... còn có hến - được ăn kèm với cơm, bún, mì tạo ra những món ăn dân dã nhưng rất bắt miệng. Từ bao giờ, cơm hến đã đi vào lòng người dân cố đô cũng như thực...