Câu chuyện buồn đằng sau nhóm trông trẻ mầm non tự phát ở Hà Nội
Sau gần 7 tháng đóng cửa vì dịch bệnh, học sinh mầm non vẫn chưa biết khi nào mới có thể quay trở lại trường, bố mẹ đi làm, nhiều nhà phải gửi con cho các cô giáo mầm non trông giúp tại các nhóm trông trẻ tự phát
Đã quen dần với cuộc sống bình thường mới, hàng ngày bố mẹ vẫn đến công ty làm việc nhưng vì trường học chưa mở cửa nên các con tuổi học mầm non bơ vơ không có người trông.
Vậy là các nhóm trẻ mầm non tự phát ra đời vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh mà các giáo viên nhất là giáo viên trường tư nhiều tháng không lương có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Chị Nguyễn Thúy Liễu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trăn trở: “Nhà có một bé 5 tuổi và một bé 2 tuổi, vợ chồng đi làm, tôi chấp nhận gửi con ở một nhóm lớp tự phát ngay trong khu chung cư mà tôi đang sống”.
Chị Liễu cho biết phí trông giữ hai bé như con nhà chị là 300 nghìn/ngày như vậy một tháng gia đình chị cũng mất gần 7 triệu cho chi phí trông con.
Ảnh minh họa
Trong khi nếu trường học mở cửa, con đi học tại trường thì con số này chỉ khoảng gần 3 triệu vì hai con của chị đều học trường công lập.
Chị Liễu cũng không phải là trường hợp cá biệt khi phải tìm những nhóm trẻ tự phát trong thời gian này để gửi con. Bởi lẽ, nhiều gia đình không nhờ được ông bà ở quê lên trông cháu mà không để con ở nhà một mình được nên dù biết không an toàn trong công tác phòng dịch nhưng cũng đành “nhắm mắt” gửi con.
Chia sẻ về những khó khăn mùa dịch, chị Hà Thanh Lan – giáo viên tại trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Xuân nói rằng trông trẻ tại nhà trong mùa dịch là một câu chuyện buồn.
“Là giáo viên của cơ sở mầm non tư thục nên suốt 7 tháng nay tôi không nhận được một đồng hỗ trợ nào từ phía nhà trường. Điều này cũng khó tránh vì cơ sở tôi làm việc quy mô nhỏ, nhà trường không có nguồn thu trong khi chủ trường vẫn phải gánh mấy chục triệu tiền thuê nhà một tháng trong suốt thời gian nghỉ dịch.
Khi các phụ huynh đi làm mà không tìm được chỗ gửi con đã gọi điện nhờ hàng ngày đưa con sang nhà tôi để tôi trông giúp.
Tôi nhận lời vì mình vừa có thêm thu nhập, lại có thể giúp được phụ huynh”, chị Lan nói.
Những nhóm trông trẻ nho nhỏ như của chị Lan khá phổ biến tại Hà Nội trong thời điểm này, khi trẻ mầm non chưa đi học trở lại.
Trên các trang mạng xã hội, các nhóm tìm kiếm người đến nhà giữ trẻ hoặc chỗ nhận giữ trẻ đang là nhu cầu rất lớn. Nhiều nơi nhận giữ nhóm trẻ cũng chọn cách đăng tải lên nhóm của các khu chung cư để tìm người có nhu cầu gửi trẻ.
Tại Hà Nội hiện nay cũng có những phụ huynh có điều kiện kinh tế sẽ mời cô về nhà chăm 2 con mình, nhưng chi phí khá cao và ít người làm thế.
Video đang HOT
Còn giữ trẻ theo nhóm tầm 6-7 cháu/lớp thì chi phí sẽ nhẹ hơn, phí trông trẻ thường được tính theo ngày, dao động từ 150-200 nghìn/ngày, gửi ngày nào tính tiền ngày đó.
Đó cũng là cách nhiều giáo viên trường tư thục hiện nay làm để có thêm thu nhập mỗi tháng.
Thế nhưng, mới đây, chị Lan và một số giáo viên khác tại quận Thanh Xuân đã phải xin với chủ trường cho nghỉ việc.
Cực chẳng đã giáo viên phải xin nghỉ việc giữa mùa dịch (ảnh: Hoàng Anh)
“Xin nghỉ việc tại cơ sở mà tôi đã làm việc hơn 3 năm nay thực lòng tôi cũng rất buồn. Thế nhưng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân đã ra công văn yêu cầu các chủ cơ sở và các giáo viên ký cam kết không nhận trông trẻ tại nhà, hoặc tổ chức nhóm trẻ tự phát.
Vậy thì tôi đành xin nghỉ việc để không ảnh hưởng đến nhà trường. Bởi lẽ, giờ đây không có hỗ trợ từ nhà trường, tôi cũng không biết làm gì để duy trì cuộc sống. Thực tế nhận trẻ trông tại nhà nhưng tôi cũng chỉ nhận 4 cháu”, chị Lan tâm sự.
Trước đó, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý nhóm trẻ mẫu giáo độc lập trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân yêu cầu các giáo viên, nhân viên ký cam kết với chủ nhóm lớp, ký cam kết với UBND phường tuyệt đối không tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường, nhóm lớp tư thục, nhà riêng của giáo viên, nhân viên trong thời gian thành phố yêu cầu học sinh nghỉ học tại nhà để phòng chống dịch bệnh và đơn vị này sẽ xử lý nghiêm với chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập không chấp hành các quy định của cơ quan quản lý về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Có thiếu chỗ học cho trẻ mầm non?
Dịch bệnh kéo dài, nhiều trường mầm non tư thục không "chống chọi" được buộc phải đóng cửa trong khi số lượng học sinh mầm non ở TP.HCM lại không giảm.
Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở TP.HCM giải thể vì dịch COVID-19 kéo dài nên giáo viên mầm non tư thục mất việc, thất nghiệp - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Câu chuyện này đặt ra vấn đề là chỗ học cho trẻ mầm non có thiếu không sau đại dịch?
Phụ huynh lo lắng
TP.HCM trải qua mùa dịch thứ 4. Chị Hồ Thị Hồng (quận Tân Phú, có con học lớp lá) phải ở nhà giữ con khi cuộc sống dần trở lại. Khi nào mở cửa trường thì đăng ký cho con học ở đâu là câu chuyện chị Hồng trăn trở.
"Tôi ở nhà gần năm tháng nay. Công ty may đã hoạt động lại nhưng ông xã đi làm, còn tôi xin ở nhà vì vướng con nhỏ không có nơi gửi. Vì dân ở tỉnh nên tôi đăng ký con học trường mầm non tư và trường đã giải thể.
Giờ tôi chưa biết con mình gửi ở đâu. Tìm trường chắc không khó nhưng tìm chỗ học sao cho phù hợp với kinh tế gia đình là điều tôi lo lắng. Vừa học xa nhà, vừa vào trường có mức phí đắt đỏ, rồi phải tranh nhau chỗ học thì rất lo" - chị Hồng nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thi (tỉnh Quảng Ngãi) lâu nay sống ở quận Tân Bình, TP.HCM nhưng thời gian qua đưa con lớp mầm về quê tránh dịch. Chị đang tính trở lại TP.HCM để làm ăn và cho con học tập. Trường con chị học chưa thông báo ngưng hoạt động chính thức nhưng cũng không chắc sẽ hoạt động lại.
"Tôi sẽ xin cho con trường tư khác. Nhưng chỗ gửi mới khiến tôi e dè: không biết có phù hợp, cha mẹ và cô giáo tương tác có vui vẻ như trường cũ, bao nhiêu bé/lớp hay sĩ số đông...? Nói chung trường lớp quen thuộc sẽ đỡ lo hơn là bắt đầu ở trường mới mà phụ huynh chưa biết" - chị Thi nói.
151 cơ sở ngưng hoạt động
Trong báo cáo về tình hình chuẩn bị năm học mới 2021 - 2022 của Sở GD-ĐT TP.HCM, có 151 cơ sở giáo dục mầm non (124 nhóm trẻ, 27 trường) giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học.
Bà N.T.T. - chủ hệ thống gồm ba cơ sở Trường mầm non VT (quận Tân Bình, TP.HCM) - kể bà cầm cự đến "run người" để ráng giữ lại hệ thống trường lớp mà lâu nay gia đình gầy dựng. Mong muốn của bà T. cũng như bao cơ sở mầm non tư thục khác là sớm có kế hoạch mở cửa để trường lớp lên kế hoạch chuẩn bị hoạt động lại.
"TP.HCM có dự kiến tháng 1-2022 sẽ mở cửa trường nhưng không hề nhắc đến kế hoạch cho bậc mầm non. Rất nhiều trường đã phá sản, bán hết cơ sở vật chất, trả mặt bằng vì không thể cầm cự. Có trường ráng gồng để giữ lại nhưng đang đuối dần. Chẳng hạn như tôi, bán vàng và mượn sổ đỏ ở quê đi vay để giữ trường.
Giáo viên đã tiêm hai mũi nhưng thất nghiệp. Phụ huynh đã đi làm có nhu cầu gửi con nhưng trường không thể giải quyết. Tôi rất mong sớm có chính sách để giải sớm bài toán trở lại trường trong mùa dịch này cho bậc học mầm non" - bà N.T.T. tâm sự.
Tính đến nhiều giải pháp
Bà Nguyễn Thị Kim Uyên, phó Phòng GD-ĐT quận 10, TP.HCM, chia sẻ hiện ở quận chỉ có một trường mầm non ngoài công lập giải thể. "Trường ngoài công lập này có 60 em. Nếu giải thể thì chúng tôi sẽ nhận hết về trường mầm non công.
May mắn trước dịch là quận đã xây hoàn thành ba trường mầm non phường 7, phường 6 và phường 10. Các trường này tăng 16 phòng học cho năm học 2021 - 2022. Nên câu chuyện giải thể có đảm bảo chỗ học trên địa bàn quận, không có gì nan giải" - bà Uyên thông tin.
Trong khi đó, bà Kiều Mỹ Chi - phó Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức (TP.HCM) - xác nhận mùa dịch này có thêm sáu đơn vị (4 trường, 2 nhóm trẻ) ở khu vực 1 (quận 2 cũ) ngưng hoạt động.
"TP Thủ Đức đảm bảo chỗ học cho học sinh ở trường giải thể. Tổng sáu đơn vị này có khoảng 300 - 400 học sinh vì trường, nhóm lớp ở đây quy mô nhỏ. Hơn nữa, năm học trước có hai trường: Trường mầm non An Khánh và Trường mầm non Rạch Chiếc (quận Thủ Đức cũ) được xây mới xong, nâng tổng số phòng học lên thêm 30 phòng.
Vì thế, toàn TP Thủ Đức có 50.000 học sinh mầm non năm học 2021 - 2022, vẫn đảm bảo chỗ học cho các em" - bà Chi nói.
Bà Lương Thị Hồng Điệp - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM - cho hay nhiều trường mầm non tư thục giải thể vì dịch bệnh COVID-19 là câu chuyện các quận, huyện và sở đều nắm được và cũng chia sẻ tinh thần với các trường về điều này. Bà Điệp nói: "Giải thể, đóng cửa sẽ dẫn đến giảm phòng học.
Giáo viên mầm non tư về quê rất nhiều, phụ huynh cũng đưa con nhỏ về quê không ít. Tôi đang cho các phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức thống kê lại số liệu để xác định chính xác mới nhất có bao nhiêu cơ sở giải thể, giáo viên, cán bộ quản lý mất việc hay về quê. Theo thống kê mới nhất, trong số cơ sở giáo dục đã giải thể, có 594 người mất việc ở các cơ sở mầm non tư".
Về giải pháp, bà Điệp nói thêm: "Chúng tôi chờ các quận, huyện, TP Thủ Đức báo cáo cụ thể trong tuần sau. Sau đó sẽ có đề xuất luân chuyển giáo viên từ các trường bị giải thể, giáo viên mất việc vào những trường tư khác "trụ" lại để nhận khi có nhu cầu. Hay sẽ đề xuất nhận hợp đồng lại giáo viên về hưu, phối hợp với trường sư phạm nhận giáo sinh thực tập sớm hơn...".
Xây dựng chính sách hỗ trợ trường mầm non tư thục
Theo ông Nguyễn Bá Minh - vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), hiện Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ và các địa phương để lấy ý kiến doanh nghiệp cơ sở mầm non tư thục, xây dựng chính sách hỗ trợ các cơ sở mầm non và giáo viên mầm non bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Ông Minh cũng cho biết không riêng Hà Nội, TP.HCM mà nhiều địa phương đều rơi vào tình trạng các cơ sở mầm non tư thục lao đao vì không còn nguồn kinh phí chi trả cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và các chi phí khác. Điều đó đồng nghĩa với việc các cơ sở không thể giữ chân được giáo viên. Hiện có những cơ sở đã phải tính toán việc giải thể.
VĨNH HÀ
Hà Nội: Lo thiếu giáo viên mầm non sau đại dịch
Học sinh mầm non ở Hà Nội đến trường trước đợt dịch thứ tư - Ảnh: H.V.
Làm nhân viên bán bảo hiểm, bán hàng online, bán rau, thịt ngoài chợ, giúp việc gia đình, trông trẻ tại nhà... là những công việc mà nhiều giáo viên mầm non ở Hà Nội đã làm để mưu sinh khi dịch COVID-19 khiến các trường mầm non phải đóng cửa liên tục hơn sáu tháng qua và có thể còn kéo dài.
Bà Liên Hương, một chủ cơ sở mầm non tư thục ở khu vực Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết ba tháng đầu khi đóng cửa vẫn cố duy trì một mức tiền hỗ trợ giáo viên để giữ chân các cô giáo.
Nhưng trường đóng cửa hơn nửa năm, trong khi tiền mặt bằng, bảo vệ và nhiều chi phí khác vẫn phải có thì đành cắt hoàn toàn việc chi lương cho giáo viên. Hiện đã có 1/3 số giáo viên xin nghỉ việc hẳn. Một số đã đi kiếm việc làm khác, tuy chưa dứt khoát nhưng nhiều khả năng cũng nghỉ.
"Bây giờ thành phố có quyết định cho học sinh trở lại trường, có thể chúng tôi cũng phải cần thời gian mới có thể đón được trẻ vì quan trọng nhất vẫn là giáo viên. Nếu giáo viên cũ có công việc ổn định và bớt rủi ro hơn, họ sẽ không trở lại nghề này. Còn tuyển mới thì chỉ có thể trông đợi giáo viên mới ra trường, giáo viên ở tỉnh khác về. Mọi thứ có thể phải làm lại từ đầu".
Ngọc Thúy, một giáo viên mầm non đang ở trọ tại làng Triều Khúc (Hà Nội), cho biết trong mấy tháng qua cô đã phải làm cả chục công việc khác nhau, từ rửa chai cho một cơ sở nước đóng chai đến đi ship hàng, trông trẻ thuê.
Bà Hà Thị Nhàn - chủ một cơ sở mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) - cũng chia sẻ sợ nhất bây giờ là nghe giáo viên nói "muốn xin nghỉ việc". Vì trong tình huống hiện tại cũng không thể hứa hẹn, bảo đảm gì để giữ chân họ khi trường cũng có nguy cơ phải đóng cửa luôn do không có kinh phí duy trì.
Theo khảo sát của một số trường mầm non ở Hà Nội, nhu cầu gửi con của phụ huynh rất lớn. Mặc dù lo lắng về dịch nhưng nhiều phụ huynh vẫn muốn tìm những cơ sở an toàn để gửi con.
"Con học trường mầm non công lập nhưng có thể khi các cơ sở mầm non được mở lại, tôi lại muốn gửi con vào trường tư. Vì trường tư sĩ số trẻ/lớp ít, việc đảm bảo giãn cách, phòng dịch có thể yên tâm hơn" - một phụ huynh ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết.
VĨNH HÀ
Học sinh Cần Thơ được miễn giảm học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 Học sinh TP Cần Thơ được miễn giảm học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022. Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đang tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét miễn giảm luôn học phí học kỳ 2. Học sinh TP Cần Thơ được miễn giảm học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 - Ảnh: C.CÔNG Ngày 19-10, ông Nguyễn Phúc...