Cảnh giác tai biến do dùng thuốc phá thai
Người có tổn thương cũ ở tử cung như từng nạo phá thai, sinh mổ, tử cung có bất thường hoặc cơ địa mẫn cảm đều cần cảnh giác với phương pháp phá thai bằng thuốc.
Chưa kể, việc lạm dụng thuốc này gây khởi động chuyển dạ, có thể dẫn đến vỡ tử cung, suy thai…
Nhân viên y tế cần tư vấn kỹ cho người dùng thuốc những rủi ro có thể gặp phải – Ảnh: Thanh Đạm
Nhưng thực tế rất tiếc là đang có hiện tượng sử dụng thuốc tràn lan bất chấp tai biến.
Mua tự do!
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang (Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng), một trong những người đầu tiên tham gia nghiên cứu ứng dụng phương pháp phá thai nội khoa ở Hà Nội, mới đây đã nhận được điện thoại từ khách hàng là một phụ nữ trẻ, có thai lần đầu và đã tự phá thai bằng thuốc.
Video đang HOT
Theo thông tin từ khách hàng, cô này mua gấp đôi liều thuốc Cytotec (tên biệt dược của misoprostol, một trong hai thành phần sử dụng trong phá thai ngoại khoa) mà không biết rằng phương pháp này cần dùng đến hai loại thuốc, misoprostol chỉ là 1/2 yêu cầu. Vài giờ sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân gặp triệu chứng tăng co bóp tử cung, ra máu ồ ạt phải đi cấp cứu, trong khi mục đích phá thai lại không đạt.
Theo GS Đỗ Trọng Hiếu – nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), ngoài sử dụng trong phá thai nội khoa, giúp khởi động chuyển dạ, Cytotec còn có tác dụng trong điều trị các bệnh đau dạ dày do viêm loét. Đó cũng là căn nguyên khiến thuốc này có thể được mua dễ dàng ngoài thị trường cho mục tiêu phá thai, nhất là ở các bạn trẻ.
Trên nhiều diễn đàn mạng, có nhan nhản các chủ đề hỏi về cách dùng Cytotec để… phá thai và các hướng dẫn sử dụng kiểu “người đi trước hướng dẫn người đi sau”.
“Khi triển khai nghiên cứu tại hai bệnh viện ở TP.HCM và Hà Nội, với yêu cầu sau khi uống thuốc phải nằm lại cơ sở y tế để theo dõi, đã có những trường hợp bị chảy máu nhiều phải can thiệp, hoặc tăng co bóp tử cung quá mức phải sử dụng biện pháp khác. Đây không phải là biện pháp có thể tự làm tại nhà vì có rất nhiều nguy cơ, mọi người làm sao biết được mình có sẹo hay bất thường ở tử cung hay không để tránh tai biến?” – bác sĩ Giang chia sẻ.
Theo bác sĩ Giang, những người có sẹo ở tử cung như từng nạo hút hoặc sinh mổ, có thành cơ tử cung không chắc chắn, có chít hẹp ở cổ tử cung hoặc cơ địa mẫn cảm đều phải cảnh giác với biện pháp phá thai bằng thuốc.
Có thể gây nguy hiểm khi giúp chuyển dạ
Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) yêu cầu các bệnh viện tư vấn cho gia đình và sản phụ hiểu rõ thời gian phải theo dõi chuyển dạ, tác dụng phụ của thuốc…
Các sở y tế phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chuyên môn, đặc biệt là việc sử dụng các thuốc tăng co tử cung. Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc tăng co tử cung để gây chuyển dạ.
Trao đổi với báo giới, một đại diện của vụ này cho rằng khi sử dụng misoprostol, ngoài việc tuân thủ các điều kiện, chỉ định, chống chỉ định, đánh giá trước khi gây chuyển dạ, cần theo dõi sát cơn co tử cung, tim thai, các tác dụng phụ, tiến triển của cuộc chuyển dạ để đánh giá, xử trí kịp thời.
Tuy nhiên, thời gian qua đã có trường hợp lạm dụng misoprostol gây khởi động chuyển dạ, dẫn đến tai biến như vỡ tử cung, suy thai…
GS Đỗ Trọng Hiếu cho biết có nhiều trường hợp bị tai biến vỡ tử cung hoặc thai chết trong tử cung do vỡ tử cung, hoặc thúc nhanh chuyển dạ khi chuyển dạ nhân tạo bằng thuốc. Các tai biến này phần lớn do thiếu thông tin về thuốc Cytotec.
Theo GS Hiếu, Cytotec sử dụng vào mục đích phá thai bằng thuốc và các biện pháp được phép khác đều phải được tiến hành tại cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu. Khi đã xuất hiện cơn co tử cung, các bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ, tránh việc co tử cung mạnh mà cổ tử cung không mở.
Thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em cho thấy sáu tháng đầu năm 2012, cả nước có 88 tai biến làm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh hoặc tử vong cả mẹ và sơ sinh. Trong số này, 10 trường hợp tử vong tại nhà, 14 tử vong trên đường chuyển viện, số còn lại tử vong tại bệnh viện.
Qua theo dõi, có hiện tượng lạm dụng thuốc hoặc sử dụng chưa đúng thuốc gây chuyển dạ tại bệnh viện, dẫn đến cơn co mạnh, tai biến dọa vỡ và vỡ tử cung sản phụ.
Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em vừa có văn bản gửi các sở y tế, yêu cầu không sử dụng misoprostol gây chuyển dạ trên thai phụ đủ tháng và thai sống, vì nguy cơ gây vỡ tử cung và suy thai.
Theo LAN ANH (Tuổi trẻ)
Không lạm dụng thuốc kích thích chuyển dạ
Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở sản khoa tuyệt đối không được lạm dụng thuốc tăng co tử cung để gây chuyển dạ.
Bộ Y tế yêu cầu không sử dụng Misoprostol (Prostaglandin E1) gây chuyển dạ trên thai phụ đủ tháng và thai sống vì nguy cơ vỡ tử cung và suy thai.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, thuốc Prostaglandin sử dụng là một trong những phương pháp gây chuyển dạ. Thuốc thường được dùng hiện nay là Misoprostol (Prostaglandin E1) cũng có tác dụng rất tốt trong việc làm mềm, mở cổ tử cung và gây chuyển dạ, ngoài ra misoprostol còn có tác dụng kéo dài tới giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự cầm máu sau đẻ.
Để phòng tránh tai biến sản khoa và lạm dụng thuốc có thể xảy ra khi thực hiện gây chuyển dạ, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở sản khoa không sử dụng Misoprostol (biệt dược của Misoprostol được sử dụng thông dụng nhất hiện nay có tên là Cytotec) gây chuyển dạ trên thai phụ đủ tháng và thai sống.
Đối với các trường hợp khác, khi sử dụng Misoprostol, ngoài việc tuân thủ các điều kiện, chỉ định, chống chỉ định, đánh giá trước khi gây chuyển dạ, cần phải theo dõi sát cơn co tử cung, tim thai, các tác dụng phụ, tiến triển của cuộc chuyển dạ để đánh giá, tiên lượng và xử trí kịp thời.
Thu Trịnh
Theo Khampha
Nhau cài răng lược, biến chứng nguy hiểm ở sản phụ Nhau cài răng lược, biến chứng thai kỳ nguy hiểm gây chảy máu nhiều, nhiễm trùng, thủng hoặc vỡ tử cung đe dọa trực tiếp đến tính mạng của sản phụ và thai nhi. Số ca mắc nhau cài răng lược đang tăng theo tỷ lệ mổ lấy thai và tình trạng nạo phá thai. Nhau cài răng lược là sự bám bất...