Canh chua gà lá giang: Sự phối hợp đầy tinh tế, nghe qua là thèm
Sự phối hợp, gia giảm hương vị tuyệt vời trong món canh chua lá giang đã tạo nên hương vị vừa đặc trưng, vừa kích thích vị giác của người thưởng thức.
Nhắc đến canh chua Nam Bộ là người ta liên tưởng ngay đến các loại cá sông, cá đồng phối âm cùng khóm, giá, bạc hà, ngò ai, húng quế… tạo nên những làn điệu ẩm thực đất phương Nam ngọt ngào, đằm thắm.
Tuy nhiên, nếu có dịp về vùng đất đỏ bazan miền Đông, du khách không nên bỏ lỡ dịp để thưởng thức món canh chua gà nấu lá giang trứ danh. Có lẽ do được nuôi trong môi trường thoáng đãng, tha hồ chạy nhảy giữa bao la đồi dốc nên gà ở đây thịt săn chắc, ngọt lịm. Do đặc thù địa lý, cá sông ở vùng này hơi hiếm nên một nồi canh chua thịt gà cũng là một gợi ý thú vị.
Nguyên liệu làm món canh gà lá giang. Ảnh minh họa: IT
Tôi có anh bạn nhà ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM). Thời ấy, cơ sở hạ tầng ở vùng này chưa phát triển, ngay cả nước nấu ăn vào mua khô phải đi hàng cây số chở về bằng can nhựa. Tên ấp là Bến Mương nhưng tôi nhìn quanh chả phát hiện ra cái mương nào. Chỉ có những vườn điều bạt ngàn nhưng còi cọc, đất đai phơi mình khô rang dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt.
Bạn đưa cho tôi một chai nhựa cỡ 1,5 lít đựng nước, bảo tôi rửa mặt rồi nằm võng nghỉ ngơi cho khỏe. Anh nháy mắt: “Để tôi bảo vợ bắt con gà mái dầu, nấu canh chua lá giang, lát nữa tụi mình lai rai hén? Lâu lắm rồi, tụi mình không có dịp hàn huyên”.
Nghe chồng nói vậy, cô vợ đứng gần đó mau miệng góp lời: “Để em đi chợ mua thêm mớ lươn, canh chua gà phải ăn chung với lươn xào sả ớt mới đúng điệu mấy anh ơi”. Trời ạ! Dân miền Tây quen ăn canh chua lươn với gà xào sả ớt thì ở xứ này gà, lươn hoán đổi vị trí cho nhau. Âu đây cũng là dịp để trải nghiệm thói quen ăn uống, phong cách ẩm thực vùng miền tuyệt vời.
Vị chua thanh của lá giang hòa quyện cùng vị ngọt của thịt gà khiến nhiều người mê món ăn này. Ảnh minh họa: IT
Theo cô vợ của anh bạn tôi, gà dùng để nấu canh chua lá giang phải là gà mái dầu nặng từ 1,5 kg trở lên sau khi đẻ lứa đầu tiên. Sau khi làm sạch, gà phải xử lý bằng gừng hoặc dấm ăn để khử mùi hôi. Khâu này rất quan trọng, nếu không khéo, sót mùi hôi của gà thì nồi canh chua lá giang khó mà tròn vị.
Gà chặt thành từng miếng vừa ăn rồi ướp: muối, đường, bột ngọt, hạt tiêu, củ hành tím băm nhuyễn…để khoảng 15 phút cho gà thấm đều gia vị. Sau đó, người ta bắc nồi lên bếp với một ít dầu ăn, xào sơ cho thịt gà săn mặt lại, đổ thêm nước vào (liều lượng nước tùy thích) rồi nấu sôi lên. Đến khi thịt gà chín mềm thì nêm nếm gia vị, cho nắm lá giang đã vò nát vào nồi rồi tắt lửa ngay. Rắc thêm tí hành lá, ngò rí vào nồi canh bốc khói, thơm lừng là người ta có ngay món đưa cay tuyệt hảo mà ăn cơm cũng rất ngon.
Video đang HOT
Nếu một cô gái miền Đông về làm dâu miền Tây, quen tay nấu nồi canh chua cá lóc theo kiểu canh chua thịt gà, lá giang thì chắc chắn bà mẹ chồng, dù dễ tính nhất cũng phải thốt lên: “Con vợ thằng Hai nấu ăn kiểu chi mà lạ lùng vậy? Canh chua mà bây nêm củ hành lại còn thêm hạt tiêu thì… ra thể loại gì hả con?”.
Món canh gà lá giang thơm lừng, vị chua ngọt vừa miệng kết hợp với thịt gà mềm ngọt vô cùng hấp dẫn. Ảnh minh họa: IT
Tuy nhiên, nếu có dịp thưởng thức canh chua thịt gà lá giang, bạn mới hiểu sự tinh tế trong việc phối hợp, gia giảm hương vị trong món ăn này. Củ hành băm nhuyễn làm phông nền cho vị thịt gà ngọt lịm, hạt tiêu xanh ấm nồng có tác dụng khử mùi gà còn sót lại, lá giang chua chua, bùi bùi…Tất cả hòa quyện lại, tạo nên giai điệu rất riêng cho một trong những món ăn đặc trưng của vùng đất “gian lao mà anh dũng” này.
Câu chuyện trên đã xảy ra cách nay trên 20 năm. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món canh chua gà nấu lá giang, lại do chính bàn tay một người phụ nữ vùng đất thép Củ Chi nấu. Sau này, tôi có nhiều dịp dùng lại món này nhưng lần đầu tiên bao giờ cũng ngon nhất, ấn tượng nhất.
Cũng chính anh bạn này, sau trở thành một đại gia bất động sản. Trong một lần về miền Tây, tôi mời bạn nồi canh chua cá dứa nấu bần. Anh khen ngon nhưng thắc mắc: “Cá tra sao ông lại gọi là cá dứa?”. Tôi bật cười, bảo anh gọi nó là cá tra cũng không sai. Vì loại cá này còn có tên gọi khác là cá tra bần, sống tập trung tại các cửa sông.
Tuy là một trong 12 loại cá tra nhưng cá dứa lại có một số đặc điểm riêng để nhận dạng: Thân cá thon dài chứ không mập ú như các loài cá tra khác, lưng cá có sợi chỉ đen chạy dọc theo và đặc biệt đuôi cá màu vàng cam, ửng sắc hồng phơn phớt. Do đặc tính sống ở các cửa sông, nước chảy xiết nên cá thịt cá dứa rất dai, săn chắc .
Thế mới biết, không chỉ đơn thuần là các món ăn mà ẩm thực vùng miền còn là lĩnh vực thể hiện rõ nét tập tục và cả đặc thù địa lý của vùng đất ấy.
Những đặc sản thơm ngon của Sóc Trăng nên mua về làm quà
Không chỉ nổi tiếng với những ngôi chùa cổ kính và khung cảnh thiên nhiên yên bình, Sóc Trăng còn là vùng đất có nền ẩm thực văn hóa vô cùng độc đáo.
Nếu đã đến đây du lịch, đừng quên xách những món đặc sản thơm ngon sau về làm qua cho người thân nhé.
Bánh pía Sóc Trăng
Đặc sản Sóc Trăng làm quà số 1 trong danh sách phải mua của du khách chính là bánh pía. Hương vị ngọt ngào của bánh Pía Sóc Trăng nổi tiếng khắp mọi miền và cả xuất khẩu. Ảnh minh họa: IT
Bánh pía Sóc Trăng đặc sắc với vị ngọt thanh và hương thơm nguyên chất của trái sầu riêng - loại quả đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ. Thưởng thức miếng bánh pía, du khách cảm nhận ngay được độ mềm, dẻo của lớp vỏ bánh; vị bùi bùi của khoai môn hay đậu xanh, vị ngọt thơm của hương sầu riêng, vị mặn và chút béo ngậy của trứng muối...
Bánh pía Sóc Trăng thưởng thức cùng tách trà nóng là hoàn hảo. Cắn một miếng bánh, hớp một ngụm trà, bạn sẽ cảm thấy độ ngọt của bánh hòa cùng vị đắng của trà tan ra nơi đầu lưỡi.
Khô trâu Thạnh Trị
Khô trâu Thạnh Trị ở Sóc Trăng khi ăn rất mềm, thơm và không bị quá khô, làm quà cho người thân, bạn bè đều rất thích. Ảnh: IT
Khô trâu Thạnh Trị là đặc sản Sóc Trăng làm quà ngon mà bạn không nên bỏ qua. Thịt trâu được tẩm ướp các loại gia vị giúp thịt dậy mùi như tỏi, ớt, tiêu, muối,... rồi đem phơi khô để tạo thành khô trâu.
Món ăn này có vị ngon ngọt của thịt trâu nguyên chất, hấp dẫn du khách bốn phương ăn một lần nhớ mãi hương vị đặc trưng này.
Mắm bò hốc
Mắm bò hốc Sóc Trăng. Ảnh minh họa: IT.
Loại mắm đặc trưng này của Sóc Trăng được làm từ cá trê chứ không phải... thịt bò. Prôchôc ôp - đọc là bò hóc, tiếng Khmer có nghĩa là con cá trê vàng nên người ta lấy làm tên cho loại mắm này.
Theo người dân địa phương, mắm càng để lâu thì mùi và vị càng nồng càng ngon. Thịt heo đùi hoặc ba rọi luộc thái mỏng được cuốn với rau bằng bánh tráng và chấm mắm bò hóc là món ăn rất được ưa chuộng tại Sóc Trăng.
Ngày nay người ta còn làm loại mắm này bằng tép mồng hoặc cá lòng tong. Cách làm mắm bò hóc rất công phu nên giá hơi cao. Người Khmer xem đây là đặc sản dùng để đãi khách quý và làm nguyên liệu làm món bún nước lèo có mùi vị rất đặc biệt không giống với bún nước lèo ở những vùng khác.
Bánh ống
Bánh ống - Đặc sản Sóc Trăng rất thích hợp để làm quà. Ảnh minh họa: IT
Bánh ống là món ăn khá phổ biến và nổi tiếng của người Khmer ở Sóc Trăng. Bánh thơm nức mũi với mùi lá dứa được xay nhuyễn, ngọt lịm của đường và độ béo ngậy trong nước cốt dừa. Những chiếc bánh có hình ống với kích thước vừa cầm có màu xanh rất hấp dẫn.
Ngày nay, đặc sản bánh ống Sóc Trăng này đã phổ biến đến nhiều nơi khác. Những chiếc xe di động bán bánh ống trên những con đường ở Sóc Trăng đã trở tình hình ảnh quen thuộc của người dân nơi đây.
Vậy nên, rất dễ bắt gặp để mua mang về làm quà cho người thân. Khi mua người bán sẽ gói rất cẩn thận, thường sẽ bỏ vào hộp đóng gói với mẫu mã rất đẹp mắt, để khách du lịch có thể thuận tiện xách tay hoặc bỏ vào balo.
Vú sữa tím Đại Tâm Sóc Trăng
Vú sữa tím Đại Tâm Sóc Trăng trông rất bắt mắt. Ảnh: IT
Đây là loại vú sữa nổi tiếng bậc nhất tại Sóc Trăng, được trồng ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Đến Đại Tâm, bạn có thể sẽ cảm thấy ngỡ ngàng; bởi toàn xã có đến hàng nghìn cây vú sữa được trồng trải dài qua các ấp. Nơi đây còn được người dân ưu ái gọi là "thủ phủ" vú sữa đầu tiên ở Sóc Trăng.
Khác với nhiều tỉnh thành miền Tây, vú sữa Đại Tâm có vị ngọt thanh, hạt nhỏ và vỏ mỏng. Đặc biệt, khi chín quả có màu tím than và căng mọng trông rất đẹp mắt. Để tránh việc mua lầm bạn có thể ghé thăm và mua trực tiếp tại các vườn vú sữa ở đây. Loại trái cây đặc sản Sóc Trăng này là món quà thú vị cho gia đình và bạn bè.
Khoai lang miệt vườn miền Tây: Khởi điểm của vô vàn món ngon Khoai lang là món ăn đã gắn bó lâu đời với người dân vùng Tây Nam Bộ. Chỉ với nguyên liệu quen thuộc này, người dân nơi đây có thể biến tấu thành rất nhiều món ngon. Miền đất miền Cửu Long được ví như vựa trái cây lớn nhất Việt Nam bởi chất phù sa màu mỡ được mẹ thiên nhiên ban...