Canh cánh nỗi lo giáo dục
Đã hết tháng đầu tiên của năm học mới mà xem ra cỗ máy vận hành giáo dục vẫn chưa được trơn tru, vẫn còn đó nỗi lo những thay đổi, chắp vá. Và như thế, làm sao có thể phấn khởi bước vào năm học mới sau lễ khai giảng tưng bừng, khí thế?
Hình minh họa
Mới đây nhất, một chỉ đạo phát ra từ Bộ Giáo dục khiến các thầy, cô choáng váng là việc giáo viên không được để học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa. Chưa đề cập đến quyền sử dụng tài sản riêng của các em mà chỉ nội việc “bắt” giáo viên phải giám sát, chịu trách nhiệm về việc này là bất khả thi khi sách giáo khoa chừa chỗ trống để các em viết, vẽ vào.
Vậy, giải quyết cái gốc là không cho xuất bản các loại sách đó nữa chứ không phải đổ trách nhiệm lên đầu giáo viên. Đơn giản, chỉ đạo này chỉ nhằm “ chữa cháy” trước sự phản ứng của dư luận nhắm vào sự lãng phí nghìn tỷ mỗi năm để mua sách giáo khoa mới.
Liên quan đến chuyện này, khi nhà xuất bản Giáo dục độc quyền sách giáo khoa than lỗ mỗi năm 40 tỷ khiến dư luận bức xúc và đòi hỏi phải thanh tra để làm rõ chuyện “lỗ” này, chiết khấu đến 10% mà vẫn lỗ, đó là sự không tưởng. Cũng như ngay lập tức, sách giáo khoa được “thị trường hóa”, tức là sẽ có 5 nhà xuất bản tham gia vào lĩnh vực nào cùng lúc với động thái chưa thay sách giáo khoa lớp 1 từ năm học tới như kế hoạch ban đầu.
Ngay đến cả đội ngũ giáo viên cũng không ổn định từ nhiều năm qua, nhưng không hề được khắc phục. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải quyết ngay biên chế giáo viên Tây Nguyên do Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo để bổ sung giáo viên thiếu, đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Trước đó, 2 bộ này từng “chạm trán” nhau trong phiên họp giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Theo đó, biên chế của Bộ Nội vụ cho thêm 13.000 người nhưng Bộ Giáo dục cho biết đề nghị từ các địa phương là cần đến thêm 75.000 người nữa. Rồi thừa cục bộ ở cấp phổ thông cơ sở giữa các môn học, giữa các cơ sở giáo dục, giữa các địa phương nhưng chẳng thể nào điều tiết được.
Video đang HOT
Việc thừa thiếu giáo viên và các hệ lụy từ việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên hợp đồng vẫn cứ nhùng nhằng, không thể giải quyết được, khiến một đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp này bức xúc: “Tôi muốn hỏi 2 bộ, tại sao có chính sách hợp đồng giáo viên như vậy? Chính sách đó có phù hợp với lại ngành Giáo dục không? Vì giáo dục học sinh phải có một quá trình, theo dõi tâm lý, chất lượng của học sinh để có biện pháp uốn nắn”. Các đại biểu dự họp đặt ra những câu hỏi tương tự về trách nhiệm của 2 bộ này. Tuy nhiên và tất nhiên, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Hơn bất cứ ngành nào, giáo dục cần một sự ổn định, lâu dài và xây nền móng vững chắc. Cứ biến động liên tục với các biện pháp mang tính nhất thời đối phó, thay đổi liên tục như vậy thì mối lo ngại còn thường trực cho tương lai tươi sáng của nước nhà!
Theo baophapluat
NXB Giáo dục liên tục bù lỗ hàng chục tỉ để in SGK?
Doanh thu từ SGK mỗi năm lên đến hàng nghìn tỉ nhưng NXB Giáo dục Việt Nam nói mỗi năm phải bù lỗ trên dưới 40 tỉ.
Chiều 21-9, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam thông tin về một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK).
"Mỗi năm lỗ trên dưới 40 tỉ"
Theo báo cáo được ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thông tin doanh thu từ SGK năm 2015 của NXB giáo dục là 656,6 tỉ đồng. Năm 2016 là 735,2 tỉ đồng. Doanh thu SGK năm 2017 là 703,9 tỉ đồng.
Báo cáo công bố thông tin 2017, tổng doanh thu trong ba năm này lần lượt là 1.041 tỉ, 1.147 tỉ và 1.203 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu từ SGK chiếm hơn 50% tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam.
Dù vậy, theo NXB Giáo dục Việt Nam, kết quả kinh doanh mảng SGK của đơn vị này liên tục lỗ hàng chục tỉ đồng. Cụ thể, năm 2015 lỗ 43,8 tỉ đồng. Năm 2016 lỗ 43,3 tỉ và năm 2017 lỗ 38,14 tỉ đồng.
Ông Bách chỉ rõ chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK đều biến động tăng, từ chi phí nguyên nhiên vật liệu, nhân công đến tiền công in trả nhà in, vận chuyển. Toàn bộ chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB phải tự hạch toán, cân đối, hoàn toàn không có trợ giá, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, SGK là mặt hàng được Bộ Tài chính quản lý giá. Từ năm 2011, giá bán không thay đổi và được công khai. Do chi phí đầu vào tăng cao, giá bán không đổi, doanh thu phát hành SGK vẫn không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản, phát hành SGK luôn lỗ.
Hàng năm, NXB phải sử dụng nguồn thu khác để bù lỗ cho hoạt động phát hành SGK trên 40 tỉ đồng. Điều này được cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế... kiểm tra và xác nhận.
Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thông tin với báo chí chiều 21-9
Hàng năm, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều lượt tặng sách cho thư viện trường học, các tủ sách dùng chung và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, NXB Giáo dục Việt Nam cũng hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo... nơi SGK được mua bằng nguồn vốn ngân sách để cung cấp cho học sinh vùng sâu, vùng xa.
"Lỗi viết vào sách là do giáo viên"
Về nội dung SGK thiết kế để viết vào hay không được báo chí quan tâm, ông Hoàng Lê Bách thông tin về cơ bản, SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách. Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển.
Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)...
"Đối với sách Toán dành cho học sinh tiểu học, đặc biệt là sách Toán 1, học sinh bắt đầu được làm quen với các số tự nhiên, các phép toán cộng trừ và các hình khối cơ bản. Với lứa tuổi này, học sinh chưa có kỹ năng viết, vẽ thành thạo. Bên cạnh đó, để có thể hiểu và khắc sâu kiến thức toán, cần đa dạng hóa các dạng bài tập và cách diễn đạt đề bài bắt buộc phải thiết kế các dạng "điền trống", "ghép cặp", "khoanh kết quả đúng",... để học sinh có thể dễ dàng thực hiện được trên vở ghi" - ông Bách phân tích.
Đáng chú ý, ông Bách cho biết các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989; sách Toán 1 xuất bản giai đoạn 1990 - 2002, đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên.
Tuy vậy, theo ông Bách, để tránh việc học sinh điền trực tiếp vào SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong các văn bản hướng dẫn giảng dạy.
Mặt khác, các tác giả đã có những khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên.
Về vấn đề sử dụng lại SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm. NXB Giáo dục Việt Nam không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.
Với cách trình bày như hiện nay, theo thống kê của NXB Giáo dục thì có hơn 35% học sinh đã sử dụng SGK cũ. Bởi theo lãnh đạo NXB này thì theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả các học sinh đều sử dụng SGK mới, số lượng SGK cần in là khoảng 170 triệu bản. Trong khi đó, năm 2018 số lượng SGK được NXB Giáo dục Việt Nam phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng SGK cũ, SGK mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung...
Theo plo.vn
Lãnh đạo NXB Giáo dục: "Chúng tôi không muốn độc quyền, làm sách giáo khoa là nhiệm vụ chính trị" Những vấn đề "độc quyền", "tận thu", "SGK dùng một lần", "lãng phí nghìn tỉ"... đến khoản lỗ 40 tỉ đồng mỗi năm vì làm SGK được ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục trao đổi chi tiết với PV báo Lao Động. Ban lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam trong cuộc gặp chia sẻ...