Cần hiểu đúng về học trước lớp 1
Trẻ cần phải được phát triển ngôn ngữ, kỹ năng trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc dạy trước sách lớp 1.
Không chỉ phụ huynh, nhiều giáo viên cũng cho rằng nếu không cho trẻ tiếp cận với chương trình lớp 1 thì trẻ sẽ vất vả.
Không học, con sẽ đuối
Chia sẻ trên group hội phụ huynh có con vào lớp 1 , nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn nếu không cho con học trước khi vào lớp 1 con sẽ không theo kịp được bạn bè vì hầu hết các gia đình khác đều đã cho con đi học.
“Rất nhiều người khuyên tôi không nên cho con học trước chương trình, sách giáo khoa lớp 1 nhưng khi con vào lớp, đa phần các bé trong lớp đều đã học trước chương trình nên hầu như biết đọc, biết viết hết. Con tôi thành thiểu số, không thể đuổi kịp các bạn. Lớp học thì đông, cô giáo phải bám cho kịp chương trình, không có thời gian kèm cặp con thành ra con khổ sở, vất vả. Tôi phải thuê gia sư về dạy thì hai tháng sau con tôi mới theo kịp” – chị T. có con vừa qua lớp 1 cho hay.
Một tiết học của các bé lớp l á Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Liên quan đến vấn đề này, cô TV, giáo viên một trường tiểu học tại quận 8, cho rằng để trẻ tự tin khi vào lớp 1 thì nên cho con “học trước” nhưng phụ huynh phải giám sát, theo dõi con, không bỏ mặc con cho giáo viên.
“Học ở đây không phải là biết quá nhiều, đọc trôi chảy mà trẻ chỉ cần nhận biết 29 chữ cái, làm quen với các nét cơ bản. Giai đoạn này đặc biệt quan trọng nên phụ huynh cũng cần phải quan tâm”- cô V. nói.
Cô TT, giáo viên dạy lớp 1 tại trường tiểu học ở quận 3, cho biết điều này tùy thuộc vào năng lực tiếp thu của các bé. Nếu khi học lớp lá, các bé nắm được các chữ cái thì vào lớp 1 sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong giai đoạn học lớp lá, nhiều phụ huynh không quan tâm, để ý xem con học gì nên khi bé bước vào lớp 1 sẽ khó khăn hơn. Do đó, nếu trẻ tiếp thu tốt chương trình lớp lá thì sẽ không cần học trước. “Điều quan trọng khi vào lớp 1, trẻ phải biết cầm bút đúng và viết đúng. Còn nếu trẻ viết sai, cầm sai sẽ rất khó sửa vì đã thành thói quen” – cô TT nhấn mạnh.
Chỉ cần con “biết vừa đủ”
Video đang HOT
Bà Phạm Thị Thanh Tú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành ĐH Sài Gòn kiêm Trưởng Khoa giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn, khẳng định: “Tôi vẫn luôn chia sẻ với phụ huynh là không nên cho con đi học trước chương trình lớp 1. Nếu trường hợp cháu quá chậm so với các bạn thì phụ huynh cần phải quan tâm, hỗ trợ con chứ không bỏ bê con cho giáo viên, nhà trường. Như cùng con luyện chữ, đọc sách để phát triển kỹ năng đọc của trẻ. Còn đối với những trẻ bình thường thì không nên học trước. Bởi nếu khi đã biết trước, trẻ sẽ có tâm lý chủ quan”.
Một phụ huynh từng không cho con học trước lớp 1 nhận xét: “Con vào lớp 1 không theo kịp chương trình sẽ đuối, nản, lý do không phải vì không học trước mà do cha mẹ tư duy “không học trước” là không cho con biết bảng chữ cái, bảng số, không đọc đồng dao, không giải thích từ… cho con. Họ để mặc con chơi, không dạy, kể cả vận động, khéo léo, màu sắc hay kỹ năng khác… Đây mới là vấn đề cốt lõi khiến đứa bé vào lớp 1 không theo nổi “việc học”, vì chơi quá chơi mà chơi không kèm học”.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết học sinh đến trường không phải chỉ để học chữ mà các em còn được học những thứ khác. Do đó, nếu phụ huynh can thiệp quá nhiều vào việc học của con sẽ làm cản trở quá trình trẻ tiếp thu những kỹ năng khác.
Thực tế, giáo viên lớp 1 thích dạy những đứa trẻ biết mặt chữ, biết nét cơ bản, biết chữ số, biết thực hiện nhiệm vụ giáo viên đưa ra, không nói chuyện riêng trong giờ học. Họ sợ một đứa trẻ không biết gì, không hợp tác và không nghe lời. Tuy nhiên, họ sợ nhất là những học sinh biết hết mọi thứ vì như vậy các con sẽ không nghe lời cô giảng, chủ quan trong giờ học.
Phải phát triển ngôn ngữ chứ không phải dạy trước SGK lớp 1
Hiện nay nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi mẫu giáo chuẩn bị vào tiểu học thường đánh đồng việc giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ với việc dạy trước sách lớp 1.
Mọi phương diện phát triển của trẻ đều thông qua lăng kính phát triển ngôn ngữ như tư duy, trí thông minh, hiểu biết, trí tưởng tượng, cảm xúc và cả những phẩm chất như trung thực, tập trung, kiên trì… Đấy là những năng lực, phẩm chất nền tảng cần xây dựng cho trẻ từ tuổi trước khi học lớp 1. Phát triển ngôn ngữ: Nghe, hiểu, nói, diễn đạt ý tưởng, cảm xúc…, nhận biết tương hợp âm chữ để nhận ra mặt chữ của từ ngữ để có thể đọc sách phù hợp với tuổi… là những điều trẻ cần được, có quyền được người lớn chuẩn bị…
Điều này nó trái ngược hoàn toàn với việc dạy trước bộ sách mà trẻ sẽ được học khi vào lớp 1. Điều này sẽ khiến trẻ không phát triển được những kỹ năng, phẩm chất được hình thành trong quá trình học. Điều này sẽ khiến trẻ có thể không đón nhận cơ hội trau dồi phát triển được những kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho việc học trong năm học đầu đời ở tiểu học, những kỹ năng – phẩm chất vốn được xem là nền móng của ngôi nhà học vấn phổ thông.
Do đó, tuyệt nhiên không được, không nên dạy trước bộ sách giáo khoa lớp 1 cho trẻ nhưng phải chuẩn bị cho trẻ những tiền đề để bước vào lớp 1. Và việc chuẩn bị phải đúng cách. Hãy phát triển ngôn ngữ cho trẻ, bởi ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của trẻ sau này.
PGS-TS HOÀNG THỊ TUYẾT , giảng viên Trường Đ H Mở TP.HCM
Việc phụ huynh cho con đi học trước vì họ lo giáo viên sẽ rầy la, trách mắng khi con không theo kịp. Điều này xuất phát từ việc giáo viên cũng phải chịu áp lực từ thành tích, từ sự tiến bộ của học trò. “Theo tôi được biết, hiện Bộ GD&ĐT vẫn đánh giá giáo viên dựa trên thành tích của học sinh. Do đó, giáo viên phải làm sao để học sinh học có kết quả tốt.
Tôi từng kiến nghị Bộ GD&ĐT nên thay đổi cách đánh giá giáo viên. Hãy đánh giá họ qua mức độ tiến bộ của học sinh về nhiều khía cạnh khác nhau, không riêng về kết quả học tập. Bộ GD&ĐT cũng phải là người tư vấn cho phụ huynh về vấn đề này để cho họ biết như thế nào là đủ, như thế nào là tốt cho trẻ” – TS Thu Hương nhấn mạnh.
Có nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1?
Nếu trẻ đi học chữ trước sẽ có tính ỷ lại, chủ quan, không còn tập trung chú ý khi trẻ đã biết rồi, trẻ không còn hứng thú với chương trình học.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới. Trước những khó khăn của phụ huynh lẫn học sinh khi tiếp cận chương trình, nhiều phụ huynh đang có con học lớp lá rất lo lắng.
Vội vã cho con ăn để đến lớp học thêm
Thời gian này dù chưa hết học kỳ 1 nhưng nhiều phụ huynh có con đang học lớp lá đã rủ nhau tìm hiểu các lớp dạy chữ lớp 1 để cho con theo học.
16 giờ chiều đón con trai học lớp lá về nhà, chị HT, sống tại quận Gò Vấp, vội vã cho con tắm rửa, ăn chiều để kịp giờ học thêm buổi tối dù tháng 9 năm sau cậu bé mới vào lớp 1.
Tiết học của các bé lớp lá Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Vừa giục con ăn, chị HT cho biết thấy chương trình mới nặng quá nên vợ chồng quyết định phải cho con đi học. Hiện các bạn trong lớp của con đã biết chữ hết rồi trong khi con chưa biết gì. Nếu con không học trước, sợ không theo kịp.
"Sau một thời gian đi học, giờ con đã biết chữ, biết đọc, viết cũng đẹp hơn. Tôi cũng mua bộ sách giáo khoa lớp 1 theo gợi ý của cô để cháu học trước. Hy vọng cháu sẽ tiếp thu tốt để sang năm vào học lớp 1 đỡ vất vả. Hầu như các trẻ học lớp lá ở khu này hiện nay đều đi học thêm tại nhà cô" - chị T. nói.
Trên group "Hội phụ huynh có con vào lớp 1", việc cho con học trước lớp 1 cũng được các phụ huynh đặc biệt quan tâm và bàn luận xôm tụ. Có phụ huynh bày tỏ: "Chị em biết cô giáo nào dạy rèn chữ cho các bé bắt đầu vào lớp 1 ở quận 8, TP.HCM giới thiệu em với".
Có chị lại băn khoăn: "Bé nhà em vừa tròn năm tuổi nhưng con ham chơi, không tập trung. Em đang tính cho con học trước, sợ năm sau vào lớp không theo kịp chương trình". Những dòng chia sẻ đều thu hút rất nhiều bình luận từ các phụ huynh và đa phần đều cho rằng cần phải cho con học trước, như thế con sẽ đỡ áp lực hơn.
Nắm bắt được nhu cầu của các bậc cha mẹ, hiện nay các lớp tiền tiểu học hay dự bị tiểu học nở rộ. Nhiều giáo viên đang dạy lớp 1 cũng mở lớp dạy kèm.
Trên fanpage của một chung cư, một giáo viên đang dạy lớp 1 chia sẻ: "Thời điểm ra tết, các bé năm tuổi sẽ dễ tiếp thu và dễ nhớ kiến thức. Quan trọng nhất là tay các bé đủ độ khéo để bắt đầu làm quen với các nét cơ bản. Do đó, mình sẽ mở lớp tại chung cư chuyên dạy cho các bé chuẩn bị vào lớp 1. Mỗi nhóm dạy tối đa sáu bé. Ngoài việc học chữ, các con sẽ được học toán theo phương pháp mới nhằm phát huy tối đa năng lực của các con". Dòng chia sẻ của cô giáo cũng được nhiều bà mẹ theo dõi và bình luận.
Không nên cho con học trước lớp 1
Cô Hồ Thị Tuyết Hoa, giáo viên Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, cho rằng việc cho trẻ lớp lá học thêm trước khi vào lớp 1 là sai lầm. Bởi ở giai đoạn năm tuổi, tâm lý trẻ mau quên và chóng chán. Nếu trẻ đi học chữ trước sẽ có tính ỷ lại, chủ quan, không còn tập trung chú ý khi trẻ đã biết rồi. Do đó, vào lớp 1 trẻ không còn hứng thú với chương trình học.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục mầm non về cơ bản đáp ứng đầy đủ những kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực phát triển ngôn ngữ cũng như các lĩnh vực khác để trẻ có tiền đề khi bước vào lớp 1. Nếu trẻ học xuyên suốt một năm tại trường, cơ bản sẽ đáp ứng đầy đủ kiến thức và sẽ có những nền tảng cơ bản bước vào lớp 1.
Ở giai đoạn đầu năm, trẻ được dạy cách đọc sách, lật mở sách, cách tô các nét cơ bản, từ đó trẻ sẽ có kỹ năng cầm bút đúng và cách cầm bút chắc, khi trẻ viết sẽ dễ dàng. Bên cạnh đó, trẻ cũng được nhận biết mặt chữ qua trò chơi như tô màu, tìm đường đi, tìm chữ cái giống nhau...
Học trước chỉ tạo sự yên tâm cho phụ huynh
Lớp 1 chính là quá trình của sự khám phá, tìm tòi. Vì thế khi bước vào lớp 1, nếu các em đã biết trước thì không còn gì thú vị. Cho con học trước sẽ khiến phụ huynh yên tâm nhưng đó không phải là giáo dục.
Vào lớp 1 có thể ban đầu các em học chưa được, nói đúng, nói sai nhưng đó là kiến thức trẻ tự tiếp thu.
Phụ huynh muốn cho con học để tránh sự bỡ ngỡ, thế nhưng một đứa bé bỡ ngỡ khi vào lớp 1 là đứa trẻ đang học, còn đứa bé biết rồi sẽ không còn học nữa vì nó không còn mới mẻ.
Ông LÊ NGỌC ĐIỆP , nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM
Cô Huỳnh Thị Thanh Huê, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9, cho biết phụ huynh không nên cho trẻ học trước khi vào lớp 1, hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên. Bởi chỉ có giáo viên trên lớp, trên trường mới đủ điều kiện cơ sở vật chất cho trẻ khám phá nhiều hoạt động để qua đó tiếp cận kiến thức. Hơn nữa, chương trình lớp 1 hiện nay theo hướng mở, phát triển theo năng lực và phẩm chất học sinh nên phụ huynh không nên quá lo lắng.
Liên quan đến chương trình lớp 1 hiện được cho là khá nặng nên phụ huynh mới cho con học trước, ông Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Đức, quận 8, lý giải: Chương trình năm 2000 được biên soạn dành cho học một buổi, còn chương trình mới dành cho học hai buổi nên lượng kiến thức nhiều hơn, đồng nghĩa thời gian học của các bé cũng nhiều. Tuy nhiên, các em sẽ làm quen kiến thức vào buổi sáng và được ôn tập vào buổi chiều. Sau một thời gian triển khai, hiện nay học sinh lớp 1 tiếp thu kiến thức khá ổn.
"Khó khăn" chương trình lớp 1 có khiến Bộ thay đổi quan điểm cấm dạy chữ trước? Bộ Giáo dục đã cấm học chữ trước lớp 1, sao lãnh đạo Bộ lại nói thực hiện chương trình lớp 1 năm nay khó khăn, một phần là do đầu ra mầm non chưa đảm bảo? Năm học 2020-2021 này là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 1 và đến...