Căn cứ quân sự hải ngoại Trung Quốc – cái gai trong mắt Mỹ, Ấn
Căn cứ Trung Quốc ở Djibouti có thể là tiền đồn để do thám hoạt động của Mỹ và phục vụ chiến lược bao vây Ấn Độ.
Tàu chở quân nhân Trung Quốc tới căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở nước ngoài đã rời cảng.
Một biên đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc hôm qua rời tỉnh Quảng Đông, lên đường tới vận hành căn cứ hậu cần tại Djibouti, quốc gia có vị trí chiến lược ở phía đông bắc châu Phi. Đây là căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của Trung Quốc, được đánh giá là dấu mốc trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh nhằm cạnh tranh với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới, theo Business Insider.
“Căn cứ này sẽ đảm bảo khả năng thực hiện các nhiệm vụ của Trung Quốc như hộ tống, gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo ở châu phi và Tây Á”, Xinhua khẳng định. “Căn cứ cũng giúp thực hiện các sứ mệnh ở nước ngoài như hợp tác quân sự, diễn tập chung, sơ tán và bảo vệ Hoa kiều, cứu nạn khẩn cấp cũng như tham gia bảo vệ an ninh của các tuyến hàng hải quốc tế chiến lược”.
Điều mà Xinhua không nhắc tới là căn cứ này nằm rất gần Trại Lemonnier, một tiền đồn lớn của Mỹ tại Djibouti, quốc gia nằm ngay trên eo biển Bab el-Mandeb, cửa ngõ dẫn tới kênh đào Suez và là một trong những tuyến đường vận tải hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Gần đó cũng có các căn cứ quân sự của Nhật, Pháp và Italy.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy một căn cứ của đối thủ lại nằm gần mình như thế”, tướng Thomas Waldhauser, chỉ huy Bộ tư lệnh AFRICOM của Mỹ, tuyên bố hồi tháng 3. “Có những mối lo ngại về an ninh tác chiến lớn, bởi tôi nghĩ căn cứ chúng tôi ở đó rất quan trọng đối với Mỹ”.
Video đang HOT
Trại Lemonnier còn là nơi vận hành của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ điều hành các hoạt động tác chiến ở Trung Đông, Bộ tư lệnh Các chiến dịch đặc biệt liên quân, cũng như Bộ tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ. Nhiều chiến dịch đặc biệt bí mật của quân đội Mỹ được triển khai từ Trại Lemonnier, nhưng tổ hợp này chỉ cách căn cứ quân sự của Trung Quốc khoảng 6,5 km.
Căn cứ Trung Quốc ở Djibouti nằm rất gần Trại Lemonnier của Mỹ. Đồ họa: NYTimes.
Các chuyên gia quân sự cho rằng những thiết bị trinh sát mà Bắc Kinh bố trí tại căn cứ này có thể dễ dàng theo dõi mọi di biến động tại Trại Lemonnier, phát hiện những bí mật hành quân, chiến thuật triển khai và tổ chức lực lượng, cũng như cách vận hành khí tài của căn cứ quân sự Mỹ.
Mỹ hiện triển khai khoảng 4.000 quân ở Trại Lemonnier. Việc Ngoại trưởng John Kerry dừng chân ở căn cứ này trong chuyến thăm châu Phi năm 2015 cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của tiền đồn này đối với các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Phi và Trung Đông.
Nhiều quan chức Mỹ và các nước trong khu vực đã bày tỏ nỗi lo ngại về những lợi thế mà Bắc Kinh được hưởng từ căn cứ mới ở Djibouti cũng như những gì mà nó có thể đem lại cho tham vọng của Trung Quốc ở nước ngoài.
“Cùng với những chuyến thăm của tàu chiến tới các cảng nước ngoài, căn cứ ở Djibouti phản ánh ảnh hưởng ngày càng lớn và tầm hoạt động ngày càng xa của quân đội Trung Quốc”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ tháng trước nhấn mạnh.
“Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lập thêm các căn cứ quân sự ở những nước mà họ có quan hệ hữu hảo lâu dài và cùng chung lợi ích chiến lược, chẳng hạn như Pakistan, cũng như những quốc gia có tiền lệ cho quân đội nước ngoài đồn trú”, báo cáo viết.
Căn cứ quân sự ở Djibouti không phải là thứ duy nhất Trung Quốc tạo ra để tạo dấu ấn tại quốc gia châu Phi này. Các ngân hàng Trung Quốc đã đầu tư cho ít nhất 14 dự án cơ sở hạ tầng ở Djibouti, trong đó có tuyến đường sắt nối liền Djibouti với Ethiopia trị giá 14,4 tỷ USD. Những dự án tỷ USD như vậy đã được Trung Quốc thực hiện ở nhiều nước châu Phi trong nhiều năm qua.
“Đây tất nhiên là căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên của quân đội Trung Quốc… Nó không phải là một điểm tiếp tế chỉ sử dụng cho mục đích thương mại”, Global Times, tờ báo có quan điểm cứng rắn của Trung Quốc, tuyên bố.
Chuỗi ngọc xiết quanh Ấn Độ
Nhiều quốc gia Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, rất lo ngại về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Djibouti, coi căn cứ quân sự này là viên ngọc đầu tiên trong “chuỗi ngọc” mà Bắc Kinh đang tạo ra bao quanh nước này, với các cơ sở và đồng minh ven bờ Ấn Độ Dương gồm Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.
“Căn cứ này làm gia tăng nỗi quan ngại của New Dehli rằng nó là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm bao vây Ấn Độ bằng loạt cơ sở và liên minh quân sự trong khu vực”, bài bình luận trên Times of India nhấn mạnh.
Các căn cứ, tổ hợp được ví như “chuỗi ngọc” vây quanh Ấn Độ của Trung Quốc. Đồ họa: TOI.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan, đối thủ “truyền kiếp” của Ấn Độ, cũng ngày càng trở nên khăng khít. Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư cho cảng Gwadar và xây dựng mạng lưới đường sá, nhà máy điện trong dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Những cảng biển Trung Quốc xây dựng ở Pakistan và Sri Lanka đều có thể tiếp nhận tàu chiến, làm dấy lên nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng chiến lược trong khu vực.
Ấn Độ coi căn cứ ở Djibouti như một cơ sở tiềm năng cho các hoạt động do thám của Trung Quốc và phản đối kế hoạch xây dựng mạng lưới giao thông của nước này với Pakistan, cho rằng chúng băng qua khu vực đang tranh chấp ở Kashmir.
Các chuyên gia phân tích nói rằng New Delhi cũng lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của tàu ngầm, tàu chiến, tàu dầu Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Ấn Độ bắt đầu phát hiện tàu ngầm Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương từ năm 2013 và một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015 xác nhận tàu ngầm tấn công và tàu ngầm tên lửa Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển này.
“Cái cớ cho sự hiện diện quân sự đó là tuần tra chống cướp biển ở vịnh Aden. Nhưng tàu ngầm có vai trò gì trong các hoạt động chống cướp biển cơ chứ?”, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ đặt câu hỏi.
Hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ vừa bắt đầu cuộc diễn tập Malabar 2017 tại vịnh Bengal với sự tham gia của ba tàu sân bay. Nhiều nhà quan sát coi cuộc diễn tập này là một nỗ lực nhằm kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích hoạt động diễn tập quân sự này và bác bỏ những ý kiến cho rằng họ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài. Trung Quốc cho rằng họ không “tìm cách xây dựng một khối cầu ảnh hưởng” và tuyên bố lực lượng quân sự của mình tại căn cứ ở Djibouti chỉ thực hiện các hoạt động diễn tập hải quân, gìn giữ hòa bình và tìm kiếm cứu nạn.
Tuyên bố này của Trung Quốc dường như không thuyết phục được giới quan sát. “Nếu là Ấn Độ, tôi sẽ rất lo lắng về những gì Trung Quốc đang làm ở Djibouti”, một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên bình luận.
Theo Trí Dũng (VnExpress)