Cần bổ sung các biện pháp, xử lý “mạnh tay” hơn với thí sinh gian lận
PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính- Viễn thông xung quanh vụ bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Cho đến thời điểm hiện tại, vụ bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn tiếp tục làm nóng dư luận. Mặc dù phần lớn các thí sinh gian lận điểm đều đã bị buộc thôi học, bị trả về địa phương theo đúng quy định, song những hệ lụy mà vụ bê bối gian lận này để lại rất nhiều.
Thậm chí, từ vụ “gian lận lịch sử” này cũng đã đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục và các ngành chức năng liên quan cần tiếp tục có giải pháp xử lý phù hợp hơn với các đối tượng liên quan để tăng tính răn đe và trả lại sự khách quan, công bằng, trung thực cho kỳ thi. PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính- Viễn thông xung quanh vấn đề này.
PV: Sau khi điểm thi thật của các thí sinh tại Hòa Bình, Sơn La được cập nhật lại cũng là lúc “lộ diện” một số “thủ khoa” rởm với điểm số từ “đỉnh cao” bất ngờ tụt xuống “vực sâu”. Điều này gợi cho ông cảm xúc gì?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Là người nhiều năm tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước, khi nghe thông tin các thủ khoa rởm này đã được nâng điểm với mức độ khủng khiếp thì bản thân tôi cảm thấy rất “sốc” và buồn cho ngành Giáo dục, vì trong ngành đã tồn tại những con người bất chấp luật pháp, bất chấp luân thường đạo lý để thực hiện hành vi gian dối như vậy. Có lẽ từ năm 1970 là năm thi đại học đầu tiên đến nay thì đây là một vụ gian lận tồi tệ nhất trong lịch sử các kỳ thi của ngành Giáo dục nước ta.
PV: Hiện có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải công khai và xử lý nghiêm các phụ huynh “chạy điểm” vì chính họ – là động cơ để các bị can trong bê bối gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La phạm tội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan điều tra làm rõ những đối tượng trong đường dây gian lận này “nâng điểm” cho từng trường hợp xuất phát từ động cơ nào: Vì mối quan hệ, hay vì tiền? Đối tượng nhờ vả nâng điểm là ai, có phải trực tiếp là phụ huynh hay không? Hiện nay, vụ án đang trong quá trình điều tra.
Khi rõ được các vấn đề đó thì những người có liên quan cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí phải khởi tố những người hối lộ, chạy điểm và công khai việc xử lý đối với từng trường hợp. Có như vậy mới đủ sức răn đe, góp phần đảm bảo sự công bằng, nghiêm túc trong những kỳ thi tiếp theo.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông.
PV: Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các thí sinh liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia 2018 vẫn có thể được đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019. Theo ông, quy định này liệu có công bằng đối với các thí sinh vi phạm khác, như gian lận trong quá trình làm bài thi chẳng hạn?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Đây là lỗ hổng mà cơ quan quản lý chưa lường hết được. Trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2018 chưa đề cập đến vấn đề này. Do vậy, tôi nghĩ các thí sinh liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia 2018 vẫn có thể được đăng ký dự kỳ thi của năm 2019. Còn quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 cần điều chỉnh theo hướng thắt chặt hơn.
Video đang HOT
PV: Đến thời điểm này, Bộ Công an đã trả 53 thí sinh gian lận điểm thi tại Sơn La và Hòa Bình đã nhập học vào các trường Công an về các địa phương với quyết tâm xử lý nghiêm và không dung túng cho thí sinh gian lận.
Tuy vậy, tại một số trường đại học khác, xuất hiện tình trạng một số thí sinh tuy được nâng điểm nhưng khi trả về điểm thật vẫn đủ điểm trúng tuyển nên các trường vẫn tiếp tục để các sinh viên này theo học. Theo ông, việc nơi xử lý triệt để, nơi xử lý còn có phần “nhẹ tay” này liệu có tạo ra sự bất nhất và không đủ sức răn đe đối với các thí sinh gian lận?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Quan điểm của tôi là không đồng ý cho thí sinh liên quan đến sửa, nâng điểm thi mà đủ điểm trúng tuyển vẫn tiếp tục theo học. Vào học đại học thì đâu chỉ có kết quả là điểm thi, mà còn xét cả về mặt ý thức, phẩm chất đạo đức nữa. Biết kết quả đó không phải của mình (vì với thi trắc nghiệm, các em có thể biết được điểm thật), mà vẫn ung dung nhập học, thậm chí còn nhận thủ khoa, á khoa, thì đó chính là gian lận.
Đào tạo ra một con người tốt cần dựa trên nền tảng năng lực, cả ý thức đạo đức và trách nhiệm công dân. Do vậy, theo tôi tất cả những em trong danh sách gian lận điểm thi đều phải hủy kết quả xét tuyển vào đại học.
Việc này cũng đã thể hiện rõ trong quy chế đã quy định: để người khác thi thay, hay làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa thêm bớt vào bài… thì phải hủy bỏ kết quả thi. Các thí sinh này có thể được tham gia thi và xét tuyển lại vào đại học năm sau. 1 năm để nhìn nhận sai lầm của gia đình và cá nhân trong trường hợp này không phải là dài.
PV: Thực tế cho thấy, trong số các trường đại học, cao đẳng mà các thí sinh gian lận tại Sơn La, Hòa Bình “nhắm” đến, hầu như rất ít các trường thuộc khối ngành kỹ thuật. Theo ông, thực tế này nói lên điều gì?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Đối với các trường kỹ thuật, đặc biệt là các trường top đầu, với trình độ về kết quả học tập và khả năng học hành ở phổ thông của các em như vậy thì khó có thể theo học được hết chương trình và chắc chắn các em này sẽ bị đào thải trong quá trình học tập ở đại học.
PV: Có ý kiến cho rằng, từ bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cho thấy, đã đến lúc các trường đại học cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phòng chống gian lận thi bằng cách siết chặt quy trình, chất lượng đào tạo, tránh tình trạng “vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu” như hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Đúng vậy. Hiện nay, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục đại học Việt Nam của Chính phủ, các trường cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo. Tôi nghĩ là nhiều trường đại học có thương hiệu tốt mà các em mong muốn học ở đây cũng không còn tình trạng “vào bao nhiêu ra bấy nhiêu”. Sinh viên muốn tốt nghiệp ra trường phải đạt chuẩn chất lượng đầu ra theo quy định và thực tế là ở rất nhiều trường không phải các em cứ vào được trường là tốt nghiệp được.
PV: Để hạn chế gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có việc điều chỉnh quy trình coi thi, chấm thi bằng các giải pháp kỹ thuật. Theo ông, những điều chỉnh này liệu đã đủ cơ sở để mang lại một kỳ thi công bằng, khách quan và đáng tin cậy?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Khi có vấn đề phát sinh mới trong quá trình thi cử, thì việc điều chỉnh quy trình coi thi, chấm thi, điều chỉnh đối tượng tham gia chấm thi… là việc làm bắt buộc để mang lại một kỳ thi công bằng, khách quan. Những giải pháp kỹ thuật cho kỳ thi 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cho là kịp thời.
Tuy nhiên, cần bổ sung các biện pháp xử lý mạnh tay đối với các trường hợp gian lận điểm thi như năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang theo hướng: Tất cả các thí sinh có liên quan phải bị hủy kết quả thi, xóa tên trúng tuyển vào bất cứ trường đại học nào trong cả nước. Bên cạnh đó, các đối tượng tham gia vào quá trình gian lận đều phải xét xử công bằng trước pháp luật và công khai danh tính, có như vậy mới đảm bảo tính răn đe trong xã hội.
PV: Vậy để có được một kỳ thi “sạch”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo địa phương, các trường đại học cần phải làm gì, thưa ông?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Ngoài những quy chế, quy định được ban hành và tập huấn đầy đủ cho những cán bộ, giáo viên tham gia vào quá trình tổ chức kỳ thi, thì việc chọn lựa con người đảm nhiệm ở những vị trí dễ xảy ra tiêu cực cũng là điều mà các trường đại học và các sở giáo dục và đào tạo cần phải đặc biệt quan tâm. Thực ra, mọi quy định cũng không thể bao trùm hết được những lỗ hổng. Con người vẫn là yếu tố quyết định.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Huyền Thanh
Theo CAND
Vì sao Bộ GD lúng túng xử lý thí sinh gian lận thi cử?
Sau gần 1 tháng công bố số thí sinh vi phạm nhưng đến giờ Bộ GD-ĐT và các trường đại học đều lúng túng trong việc xử lý những thí sinh này.
Sai phạm vẫn đi học, đi thi... như thường!
Sau khi công bố có 44 thí sinh (TS) ở Sơn La, 64 TS ở Hòa Bình, 114 TS ở Hà Giang được nâng điểm tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 thì mới đây Bộ GD-ĐT lại công bố: "Các TS gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vẫn được đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm 2019". Thông tin này khiến dư luận bức xúc, bởi theo quy chế các kỳ thi tuyển sinh trước đây thì người có hành vi gian lận trong kỳ thi tuyển sinh sẽ bị tước quyền dự thi, tùy theo từng mức độ vi phạm. Dư luận cho rằng, Bộ khá lúng túng trong việc xử lý TS gian lận thi cử và cách xử lý cũng được đánh giá là quá nhẹ nhàng, không có tác dụng răn đe.
Lộ diện thủ khoa kép trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018 được nâng đến 14,85 điểm.
Theo chỉ đạo của Bộ về cách giải quyết hệ quả gian lận điểm thi của Sở GD-ĐT Hòa Bình và Sơn La thì tự từng trường đại học sẽ liên hệ với 2 đơn vị này. Các trường căn cứ vào công văn phúc đáp để giải quyết từng trường hợp cụ thể. Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo Học viện Tài chính chia sẻ những khó khăn của đơn vị mình trong quá trình lần mò thông tin: "Theo chỉ đạo của Bộ, chúng tôi gửi công văn cho Sở GD-ĐT Hòa Bình và Sơn La, nhưng hiện nay chỉ mới nhận được văn bản trả lời của Hòa Bình. Còn Sơn La thì mãi không thấy hồi âm, gọi điện không ai nghe máy. Bộ nói là cứ yên tâm, thế nào Sơn La cũng sẽ chủ động cung cấp thông tin. Vậy là chúng tôi lại chờ...".
Còn ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, về mặt công nghệ, Bộ GD-ĐT có thể xử lý để các trường và các địa phương liên thông với nhau trên nền tảng dữ liệu chung chứ không cần từng trường phải gửi công văn hỏi, sở gửi công văn trả lời từng trường như cách Bộ GD-ĐT đang yêu cầu. Ông Tớp băn khoăn: "Tôi không hiểu tại sao Bộ là nơi nắm hết dữ liệu mà phải đá quả bóng đi lung tung vậy? Một vấn đề có thể giải quyết theo một cách hết sức đơn giản, tại sao lại phải làm phức tạp hóa nó lên?".
"Để không lặp lại những gian lận tương tự, trong kỳ thi năm nay Bộ phải rà soát kỹ lại quy chế, những điểm nào chưa chặt thì phải bổ sung cho đầy đủ. Quy chế tuyển sinh của Bộ thay đổi không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn có những chỗ sơ hở... Bên cạnh đó, trong khâu tổ chức thi cần quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nếu không nguy cơ xảy ra tiêu cực vẫn còn"- TS Lê Viết Khuyến.
Đến khi nhận được danh sách TS gian lận thì một số trường lại lúng túng trong việc xử lý. Thậm chí có TS vi phạm nhưng do đủ điểm xét tuyển nên vẫn được tiếp tục đi học; TS chỉ có điểm gian lận khối bài khoa học tự nhiên, bài thi ở khối khoa học xã hội không thay đổi, vẫn đi học bình thường. Hay TS sau chấm thẩm định phát hiện được nâng khống đến 15, thậm chí 20 điểm chỉ bị cho thôi học, năm 2019 này vẫn tiếp tục tham gia thi...
Cụ thể, trường ĐH Y Hà Nội, sau khi nhận danh sách TS gian lận thi cử từ Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, đã đuổi học một sinh viên có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, một số còn lại thì đủ điểm trúng tuyển nhưng điểm thi môn khác (không phải tổ hợp xét tuyển vào trường) bị hạ 2 điểm. Trước tình huống này, nhà trường không có quy định, căn cứ nào để giải quyết nên phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng nhận được danh sách năm 5 TS ở Hòa Bình có điểm thi bị điều chỉnh, trong đó 2 sinh viên có điểm thấp hơn điểm chuẩn nên bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển, còn 3 SV có điểm cao hơn điểm chuẩn thì vẫn học bình thường.
Giải thích về những cách xử lý cho từng trường hợp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ với báo chí, nếu TS bị giảm điểm thi trong số các môn thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển thì các trường vẫn có thể để TS tiếp tục học tập. Về ý kiến, nếu đã bị giảm điểm môn trắc nghiệm thì cần hủy kết quả vì đã dính đến gian lận, bà Phụng cho rằng đây chỉ là quan điểm có thể chia sẻ ở góc độ suy đoán vi phạm vì cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi... Vì thế, Bộ sẽ tiếp tục trả lời từng trường nếu có lúng túng, thắc mắc...
"Mấy hôm nay đã lộ diện nhiều thủ khoa "rởm". Có những TS được nâng đến 18,7 điểm và trở thành thủ khoa trường quân đội. Điều này không chỉ mất công bằng cho các TS khác mà còn gây hệ lụy khôn lường cho xã hội. Vì thế khi đã có hành vi gian lận thi (trực tiếp hay gián tiếp) thì đều phải bị xử lý như nhau. Tất cả TS đều phải bị tước quyền vào học đại học và tốt nghiệp. Đó mới là sự công bằng, nghiêm minh và đủ sức răn đe đối với các hành vi gian lận tương tự"- Phụ huynh Nguyễn Thanh Mai (Hà Nội).
Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Sở dĩ TS vi phạm nhưng đủ điểm vẫn được học là do Bộ mới xử lý theo quy chế chấm phúc tra. Nghĩa là, nếu kết quả chấm phúc tra điểm không đạt yêu cầu mới bị buộc phải thôi học, còn nếu đủ điểm vẫn được công nhận đỗ. Hiện Bộ chưa xử lý theo quy chế thi tuyển sinh, nghĩa là khi có chứng cứ vi phạm (như: bắt quả tang tại phòng thi, mang tài liệu vào phòng...) thì sẽ bị xử lý, cụ thể với những trường hợp gian lận trên nếu có chứng lý việc TS liên quan chuyện chạy điểm sẽ xử lý được ở mức cao hơn được. "Muốn xử lý triệt để, nghiêm minh thì phải truy xét đúng bản chất của việc nâng điểm đó. Nếu không tìm đúng bản chất không thể xử lý rốt ráo, nghiêm minh được...".
Không "bịt lỗ hổng" quy chế, vi phạm sẽ tái diễn
Dư luận cho rằng đã có hành vi gian lận thi (trực tiếp hay gián tiếp) thì đều phải bị xử lý như nhau. Cụ thể vụ việc tại Sơn La và Hòa Bình, để cho những TS được nâng điểm, nhưng điểm thực vẫn đủ điểm trúng tuyển, theo học bình thường là lỗ hổng trong quy chế. Các sinh viên này cũng cần bị xử lý như những TS gian lận có điểm thực thấp hơn điểm trúng tuyển vào ĐH.
Khi được đặt câu hỏi về căn cứ đưa ra cách xử lý này, Bộ GD-ĐT thừa nhận rằng, việc xử lý TS vi phạm được quy định ở Điều 49 trong Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018. Nhưng tại điều này không có mục nào quy định xử lý TS gian lận điểm thi tại khâu chấm thi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều lúng túng khiến các trường ĐH và Bộ GD-ĐT phải hỏi ý kiến qua lại trước mỗi trường hợp vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần bổ sung vào quy chế tuyển sinh một quy định thật đầy đủ, thống nhất và thật nghiêm khắc để xử lý đối với những trường hợp gian lận thi cử trong khâu chấm thi năm 2019 và những năm tiếp theo./.
Theo VOV
Đổi mới thi 2019: Hạn chế tối đa lộ thông tin thí sinh ở bài thi trắc nghiệm Những gian lận thi cử năm 2018 được phát hiện đều xẩy ra tại khâu chấm thi. Số điểm được nâng nhiều tại ba địa phương Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đều xẩy ra đối với bài thi trắc nghiệm. Rút kinh nghiệm từ thực tế, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ...