Căn bệnh khiến người mắc khổ sở vì bị kỳ thị
Bạch biến ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh dù không lây nhiễm.
PGS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay bạch biến là một trong các bệnh da thường gặp, chiếm 0,5-1% dân số thế giới. Căn bệnh khiến làn da mất sắc tố melanin không rõ nguyên nhân.
Vết bạch biến thường xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, cơ quan sinh dục ngoài, quanh các lỗ thiên nhiên, niêm mạc, mặt duỗi bàn tay bàn chân. Bệnh có thể khu trú chỉ với một hoặc vài tổn thương hay chiếm đến 80% diện tích cơ thể. Do có tình trạng mất sắc tố melanin, vùng da bạch biến rất dễ bị bỏng nắng, bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư da.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhân bạch biến chiếu NB-UVB tại viện. Ảnh: HĐ.
Theo PGS Doanh, nghiên cứu một số đặc điểm của bệnh nhân bạch biến đến khám từ 2015-2018 tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng 2.300-3.000 bệnh nhân đến khám, tăng dần theo các năm. Độ tuổi mắc bệnh phổ biến nhất là 12-40, trong đó, nam cao hơn nữ. Năm 2018, số bệnh nhân bạch biến đến khám chiếm 1,06% tổng số bệnh nhân.
Bạch biến ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống bệnh nhân dù không lây nhiễm. Bệnh gây tâm lý tự ti bởi sự kỳ thị, soi mói của người xung quanh. Thậm chí, nhiều người bị trầm cảm, tìm tới cái chết.
Video đang HOT
Hiện tại, các phương pháp điều trị bệnh gồm dùng thuốc, laser, liệu pháp ánh sáng và phẫu thuật. Trung bình, mỗi ngày, khoảng 30 bệnh nhân bạch biến được chiếu NB-UVB tại viện.
Theo PGS Doanh, bệnh viện đang dự định triển khai ghép tế bào. Đây là phương pháp có thể chữa khỏi bạch biến đối với một số thể nhất định.
Các vấn đề về căn bệnh sẽ được chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực da liễu trên thế giới và Việt Nam trình bày tại hội nghị chuyên đề bạch biến và các bệnh da tăng sắc tố diễn ra vào ngày 24/6.
Theo PGS Doanh, các thông tin tại hội nghị sẽ giúp người mắc bạch biến và cộng đồng hiểu hơn về căn bệnh. “Hãy làm quen, học cách thích ứng với bạch biến và cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình, tự tin, yêu đời, tỏa sáng là những thông điệp chúng tôi muốn đem tới người bệnh”, ông cho hay.
Theo Zing
Những thuốc nên và không nên dùng trong mùa thi
Trên thị trường có quá nhiều loại thuốc được các bậc phụ huynh lựa chọn mua về dùng cho con như thuốc bổ não, thuốc tăng cường miễn dịch, các loại vitamin tổng hợp, nhân sâm... tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho con
Trong mùa thi do phải chịu áp lực thi cử căng thẳng, cộng thêm thời tiết nắng nóng, khiến nhiều sĩ tử cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, ăn không ngon, ngủ không yên, tâm lý lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi và lo lắng không biết mình sẽ vượt qua kỳ thi như thế nào...
Tất cả những điều này khiến cho các bậc cha mẹ muốn tìm mua các loại thuốc bổ về cho con dùng, tuy nhiên đa số họ không biết thuốc nào nên và không nên dùng cho con.
Hiện trên thị trường có quá nhiều loại thuốc được các bậc phụ huynh lựa chọn mua về dùng cho con như thuốc bổ não, thuốc tăng cường miễn dịch, các loại vitamin tổng hợp, nhân sâm... tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho con mặc dù chúng được coi là thuốc bổ.
Các thuốc có thể dùng
Có nhiều loại thuốc bổ đang được coi là có tác dụng trên hệ thần kinh. Phần nào các thuốc này giúp hệ thần kinh có thể đạt được sự minh mẫn và chúng được gọi là các thuốc bổ não. Sở dĩ như vậy vì người ta cho rằng chúng có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng khả năng nhận thức, củng cố trí thông minh, nhạy bén hóa khả năng tư duy. Tuy nhiên tất cả chúng đều là những thuốc không đặc hiệu.
Không phải thuốc bổ nào cũng tốt cho các sĩ tử.
Nhóm các thuốc làm thay đổi lưu lượng máu não và chuyển hóa các tế bào não bộ: Những thuốc này đặc biệt có tác dụng với những người bị chứng thoái hóa, xơ cứng mạch, người cao tuổi, bị nhồi máu, xuất huyết não. Vì chúng làm động mạch giãn ra đáng kể trong tình trạng đang bị hẹp do co thắt, bị chèn ép. Chúng cũng được coi là những thuốc bổ thần kinh như picamilon, gingko, vinpocetin (cavinton, enopocetin, vincaton), cinnarizin (stugeron, steron, vertizin), nhưng cũng chỉ dùng các thuốc thuộc nhóm này khi thật cần thiết và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhóm các chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B, omega 3, DHA cũng có tác dụng đối với các hoạt động của các tế bào thần kinh như: Vitamin nhóm B có tác dụng làm gia tăng quá trình methyl hóa, làm tăng khả năng hoạt hóa các synap thần kinh. Các vitamin nhóm B cũng được cho là có tác dụng làm giảm nồng độ homocystein, một chất làm cản trở quá trình ghi nhớ. Về mặt dinh dưỡng vitamin nhóm B như: B1, B2... tham gia vào chuyển hóa glucid nên làm tăng cảm giác ăn ngon miệng. Vitamin B làm tăng khả năng dẫn truyền thần kinh do tác động vào bao Schwan nên chúng có tác dụng trên khả năng tư duy. Song đó chỉ là tác dụng trên những đối tượng bị rối loạn thần kinh nặng như viêm đa dây thần kinh, tê phù. Còn đối với các sĩ tử thì lợi ích này không rõ ràng.
Omega 3 là một axit béo chưa no chuỗi dài có chủ yếu ở màng tế bào thần kinh, do đó là một chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ phát triển, nhất là đối với trẻ em. Nhóm thuốc này có tác dụng bổ sung các chất dinh dưỡng nên có thể dùng cho các sĩ tử trong mùa thi. Vì trong giai đoạn này trẻ rất cần bổ sung các dưỡng chất thiết yếu do trẻ phải học hành căng thẳng, mệt mỏi, ăn uống kém.
Và những thuốc không nên dùng
Đó là nhóm thuốc kích thích thần kinh (làm cho đầu óc tỉnh táo, không bị buồn ngủ). Những thuốc này có tác dụng làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh, tăng cường chức năng của các thụ cảm thể alpha trung ương, do đó là tăng khả năng tỉnh táo và giúp các bạn học sinh không bị buồn ngủ. Những thuốc này không trực tiếp tác động vào hoạt động tư duy mà chỉ tạo điều kiện cho hoạt động ấy diễn ra mà thôi. Đại diện nhóm này là atomoxetine, reboxetine, synephrine, arecoline, nicotine, caphein... nhưng nhìn chung các loại thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ vì vậy các bậc phụ huynh không nên dùng cho con.
Các thuốc thuộc nhóm racetam như piracetam, aniracetam, nebracetam, fasoracetam, imuracetam... Chúng có một số tác dụng chung là làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh như acetylcholin, tăng hoạt hóa thần kinh, tăng chuyển hóa trong tế bào thần kinh nên cải thiện hoạt động trí tuệ. Thực tế những thuốc này có ý nghĩa với những người bị các rối loạn thần kinh do mạch máu, bị tai biến mạch máu não... là chủ yếu, còn đối với các sĩ tử hiệu quả đối với học tập, thi cử không được các chuyên gia khuyến cáo. Hơn nữa, khi dùng liều cao piracetam có thể gây lo âu, mất ngủ, kích thích, đau đầu. Nếu dùng piracetam với các thức uống như trà, cà phê thì sẽ làm các tác dụng phụ của thuốc thêm nặng hơn.
Các bậc cha mẹ cần lưu ý các loại thuốc bổ như vitamin tổng hợp, thuốc tăng cường miễn dịch hay nhân sâm... chỉ dùng khi người mệt mỏi, ăn uống kém, hay ốm vặt nhưng cũng cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua các loại thuốc này về sử dụng vô tội vạ, không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ mà lợi bất cập hại, lại gây tốn kém về tiền bạc.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, thời gian ngủ, nghỉ và luôn tạo không gian vui vẻ cho con, đừng tạo áp lực cho trẻ. Như vậy sẽ tốt hơn sử dụng những viên thuốc bổ mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
ThS.BS. Lê Thị Hải
Nguồn: Sức khỏe đời sống
Trẻ đi bơi mùa hè, bác sĩ nhắc cẩn thận để không mắc 3 căn bệnh ngoài da thường gặp Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay bể bơi ở Hà Nội thường xuyên quá tải, do đó khó tránh khỏi nguy cơ trẻ bị mắc bệnh về da sau khi đi bơi. Những bể bơi ở thành phố vào mùa hè luôn thu hút đông đảo số lượng người đến bơi. Trong đó, trẻ nhỏ chiếm một lượng lớn đông đảo vì...