‘Cấm dạy thêm ở trường, tôi sẽ dạy thêm ở nhà’
Thạc sĩ Trương Phạm Hoài Chung – tốt nghiệp ĐH Harvard, Mỹ – cho rằng, nếu cấm dạy, học thêm ở trường mà không thay đổi chương trình, chế độ lương bổng, có thể dẫn đến biến tướng.
Tôi học bốn năm (lớp 9 đến 12) ở Singapore. Chương trình học cũng đặt nặng thi cử (kỳ thi tốt nghiệp mang tính chất quyết định gần như 100% việc trúng tuyển vào trường đại học hàng đầu ở Singapore). Tuy nhiên, tôi không học thêm một giờ nào mà vẫn đạt điểm A.
Ở Singapore, tôi đi học từ 7h sáng đến 14h, sau đó tham gia các hoạt động ngoại khóa bắt buộc và buổi tối tự học. Học sinh cả khối học ở một giảng đường lớn và giảng viên (lecturer) cung cấp kiến thức nền. Sau đó, khối sẽ chia thành nhiều lớp nhỏ, học với giáo viên của riêng lớp đó (tutor). Các lớp này tập trung xử lý câu hỏi của đề thi tốt nghiệp những năm trước và làm quen nhiều dạng đề mới.
Còn ở Việt Nam, trên lớp, thầy cô giảng bài, cung cấp kiến thức và vài ví dụ, bài tập mang tính căn bản. Thời gian học cho mỗi môn có hạn nên để tiếp cận kiến thức nâng cao và liên quan đề kiểm tra, thi cử, học sinh phải học thêm. Đây rõ ràng là nhu cầu bổ sung kiến thức thực tế và có lý do.
Tôi nhớ những năm học ở Việt Nam, đề kiểm tra thường phức tạp hơn. Học sinh, với lượng kiến thức căn bản ở lớp, không được trang bị kỹ năng xử lý vấn đề mới, thường nhận điểm thấp. Chỉ có học thêm, gặp những dạng đề và câu hỏi mới, cũng như mẹo xử lý bài tập, học sinh mới có khả năng hoàn thành bài thi tốt.
Thạc sĩ Chính sách và Quản lý Giáo dục Trương Phạm Hoài Chung. Ảnh: NVCC
So sánh hai bên để thấy có điểm khác nhau là thời lượng và số môn học. Ở Singapore, học sinh có thời gian học và luyện tập nhiều hơn nhưng số môn ít hơn (năm lớp 11-12 chỉ học 5 môn).
Singapore có dạy, học thêm không? Câu trả lời là có!
Giáo viên riêng thường dạy ở mức độ trung bình (trở lên) để dung hòa học sinh giỏi và yếu. Những bạn không theo được mức trung bình, phải học thêm. Cấp tiểu học và cấp hai gần như không có dạy thêm.
Học thêm ở Singapore đa phần diễn ra ở trung tâm hoặc mời gia sư (chủ yếu là sinh viên) đến nhà kèm cặp cho học sinh yếu. Một điểm nữa là giảng viên không tổ chức dạy thêm ở nhà và không dạy chính học sinh của mình. Một số giảng viên sẽ làm gia sư cho những gia đình thực sự khá giả với giá gấp đôi sinh viên là 120 đô la Singapore một giờ.
Giáo dục Singapore không có tiêu cực nặng nề nảy sinh từ dạy, học thêm. Còn ở Việt Nam, có hai vấn đề tồn tại, nếu so sánh với giáo dục nước bạn: Thi cử và xếp hạng.
Video đang HOT
Học sinh Singapore tập trung kỳ thi cuối cùng. Họ không có kiểm tra miệng, 15 phút hoặc một tiết với người ra đề là giáo viên. Ở đây, giáo viên không có “quyền lực” tự ra đề và chấm điểm cho học sinh (có thể dẫn đến tiêu cực).
Học sinh Singapore sẽ thi tập trung một đến hai kỳ mỗi năm và một hội đồng gồm nhiều giáo viên ra đề.
Vấn đề thứ hai là xếp hạng. Điểm trung bình ở Việt Nam khi chênh lệch từng số, phẩy cũng tạo sự khác biệt giữa hạng nhất và nhì. Còn ở Singapore, họ sử dụng thang đo A, B, C. Nếu bạn đạt điểm từ 75-100, thì đều là A.
Không bị nhiều sức ép về điểm số, giáo viên và học sinh không quá căng thẳng chuyện dạy, học thêm ở trường.
Cấm dạy, học thêm để đề phòng tiêu cực là đáng hoan nghênh. Nhưng nếu không triển khai đồng bộ những biện pháp khác như thay đổi chương trình học, giải quyết vấn đề thu nhập của giáo viên…, việc cấm dạy, học thêm ở nhà trường có thể biến tướng dạy thêm ở nhà. Những giáo viên đang có thu nhập từ dạy ở trường mất đi một nguồn thu ổn định, họ sẽ tổ chức dạy thêm ở nhà.
Theo Zing
Vì sao tôi dạy thêm?
"Những thầy cô giáo tại sao không được lao động lương thiện, kiếm đồng tiền bằng chính nghề của mình?", cô giáo Trần Minh Thương đặt câu hỏi khi đề cập vấn đề dạy thêm.
Dạy thêm, học thêm vừa là nhu cầu, mong muốn của học sinh và gia đình, đồng thời là cách giáo viên bổ sung kiến thức cho học trò. Ngoài ra, đó cũng là nguồn thu nhập thêm cho thầy, cô giáo.
Vài ngày nay, đọc nhiều bài báo, diễn đàn, tôi thấy đề cập nhiều chuyện dạy thêm, học thêm trong trường học mà không khỏi suy nghĩ. Những giờ dạy là công sức lao động, mồ hôi, chất xám của giáo viên bị gọi là "vấn nạn".
Nhu cầu học thêm của gia đình, học sinh rất lớn
Khi nghe thấy dạy thêm, nhiều người nghĩ ngay đến việc chúng tôi ép học sinh đi học, cha mẹ phải "oằn mình" trả tiền học đắt cắt cổ vì sợ con bị thầy cô phân biệt đối xử, bị "đì" ở trường.
Sự thật, gia đình có nhu cầu cho con đi học thêm với nhiều lý do: Con học yếu, muốn thi vào trường chất lượng cao... Thậm chí, có cha mẹ sợ con nhiều thời gian rảnh, nhờ thầy cô phụ đạo để trẻ bớt thời gian chơi điện tử, lêu lổng.
Đơn cử kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, 100% học sinh lớp tôi tham gia các "lò" luyện thi. Những em có lực học vừa phải sẽ tới lớp đại trà. Học sinh có nhu cầu đỗ trường chuyên phải đến đúng địa điểm ôn thi vào trường đó học.
Với lượng kiến thức trong sách vở hiện nay và số thời gian cho một tiết học, giáo viên khó ôn thi cho các em. Một tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, phần ghi nhớ có vài dòng, thêm câu hỏi gợi ý 4 tới 5 câu, cô và trò chỉ có 90 phút. Nhưng đến khi thi, đề sẽ hỏi những câu kiến thức cao, cần tư duy nhạy bén, khả năng viết văn chắc tay.
Ví dụ tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của tác giả Lê Minh Khuê, sách chỉ hỏi học sinh "phân tích nhân vật Phương Định", nhưng trong đề thi, các em phải trình bày "suy nghĩ về thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước".
Nếu chỉ cần vài dòng, tôi cam đoan học sinh làm được. Nhưng để viết được vài trang giấy, cô và trò cần nhiều giờ học về một tác phẩm, tìm hiểu lịch sử, cho các em tư liệu, luyện đề... Việc này chương trình học ở lớp không thể đáp ứng được.
Con gái tôi học lớp 11, với mong muốn du học sau khi tốt nghiệp THPT, cháu phải luyện thi IELTS, GMAT, TOEFL, cần nói tiếng Anh trôi chảy, nghe tốt tiếng Anh. Nếu việc học ở lớp đáp ứng được nhu cầu này, tôi cũng không cho con học thêm.
Ảnh minh họa: Người Lao Động.
Bất cứ cha mẹ nào khi nhìn vào cuốn sách giáo khoa và đề thi đều hiểu được rằng, không cho con đi học thêm, con không thể có kiến thức nâng cao, khả năng thi đỗ rất thấp.
Đó là với những học sinh giỏi, còn học sinh yếu, giờ học thêm là lúc giảng dạy kỹ kiến thức. Việc này mất nhiều thời gian và công sức của cả thầy lẫn trò.
Không những thế, có cha mẹ nào chọn gửi gắm con em cho những giáo viên không uy tín? Thầy cô không có tay nghề vững vàng, chuyên môn không giỏi, phụ huynh có đến xin cho con học, học sinh có muốn học tiếp?
Tháng 5/2012, Bộ GD&ĐT ra thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm. Theo đó, trường và giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan, không hiệu quả khiến nhiều người dân bức xúc.
Tháng 10/2015, tại buổi họp báo thường kỳ, đại diện Bộ thừa nhận chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn dạy thêm do vướng mắc nhiều vấn đề.
Thu nhập chính của giáo viên từ dạy thêm
Bạn bè, gia đình thường gọi vui những giờ dạy thêm của tôi là "tăng ca", cũng như những người công nhân làm việc tăng cường sau 8 tiếng ở công trường.
Những lúc ấy, tôi chỉ cười buồn, có ai học sư phạm, được cả xã hội gọi là "thầy" mà vẫn phải kiếm sống như một anh công nhân như chúng tôi?
Tôi và đồng nghiệp thường nói với nhau, giáo viên không chết đói được nhưng đói gần chết. Dạy học hơn chục năm, tính thêm cả phụ phí, lương của tôi là 5,4 triệu đồng một tháng. Với hai đứa con đang tuổi ăn học, thêm bố mẹ già hai bên, chắc chắn lương của tôi không đủ.
Đó là tôi còn dạy môn chính, những giáo viên dạy môn phụ, muốn kiếm thêm cũng khó.
Ai không dạy thêm được sẽ phải làm nghề tay trái như bán hàng online, buôn bán. Nếu ở vùng quê, thầy cô phải làm nông nghiệp. Tôi từng nghe có người nói: "Cô giáo mà còn đi bán hàng". Phải chăng chúng tôi không cần kiếm sống?
Bản chất dạy thêm, học thêm không xấu. Nhiều ngành khác được làm thêm để tự mưu sinh: Bác sĩ được hành nghề ngoài giờ, thậm chí một buổi tối khám cho 70-80 bệnh nhân. Công nhân có thể tăng ca, dạy thêm cũng là tăng ca.
Chúng tôi, những thầy giáo, tại sao không được lao động lương thiện, kiếm đồng tiền bằng chính nghề của mình?
Xã hội có sự phân công lao động, ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm của mình. Ngành giáo dục là một phần của xã hội, tốt hay xấu, xin hãy nhận xét công tâm.
Tôi khẳng định có nhiều giáo viên vì tiền, lợi dụng vị trí, ép học sinh học thêm. Nhưng những người thầy có tâm với nghề, mong được làm nghề chân chính là đa số.
Với suy nghĩ của tôi, hành động dạy thêm, học thêm không có lỗi gì. Bản thân tôi chưa từng làm những việc như ép đi học thêm, cho điểm kém nếu không đi học thêm.
Giáo viên, dù dạy chính hay dạy thêm, vẫn hoàn thành đúng nghĩa vụ của một người "thầy" đúng với những giá trị mà xã hội trân trọng bấy lâu nay.
Theo Zing
Dạy thêm, học thêm: Những con số 'biết nói' Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư Phạm TP HCM cho rằng, nhà trường quá chú trọng dạy, học thêm sẽ dẫn đến học sinh giảm khả năng tự học. - Làm việc ở Viện Nghiên cứu Giáo dục, ông đã có công trình nghiên cứu quy mô nào về dạy thêm học thêm (DTHT)? -Năm 2004, Viện...