Cấm dạy thêm: Giáo viên hãy đấu tranh, đừng than vãn
Theo cô Nguyễn Thị Lâm, giáo viên hãy đấu tranh để giải quyết từ gốc rễ là tăng lương, giảm chương trình học, thay đổi cách kiểm tra, đừng than là không đủ sống nữa.
Chia sẻ với Zing.vn, cô Nguyễn Thị Lâm – Giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM có góc nhìn bao quát về vấn đề dạy, học thêm:
Về chuyện cấm dạy thêm, học thêm, tôi vốn định không nói gì, vì vốn dĩ nó cũng chẳng ảnh hưởng tới tôi. Nhưng gần đây nghe và thấy nhiều ý kiến có vẻ “đao to búa lớn” hay kiểu như “đứng bên bờ của đói nghèo để lên tiếng”, hay thậm chí “thấy nhục với nghề”, tôi thấy không đồng tình.
Tôi chỉ muốn chia sẻ mang tính chất đơn giản hóa vấn đề dạy, học thêm mà thôi.
Ảnh minh họa: Q.N.
Nghĩ gì về học thêm?
Trước hết, hồi còn là học sinh, tôi thấy ghét việc học thêm. Học thêm gần như trở thành nỗi ám ảnh. Cứ vào học một thời gian, nghe bạn bè rủ nhau đi học thêm là tôi lo sốt vó.
Suốt 12 năm, tôi chưa từng đi học thêm, chỉ trừ một lần thầy mở lớp luyện đề thi đại học môn Vật lý, tập hợp tất cả học sinh giỏi của trường. Tôi ham hố đi theo, nhưng được vài bữa nhận ra đó không phải đam mê của mình, nên bỏ.
Còn đa số các bạn đi học thêm hồi đó đều học chính giáo viên đang đứng lớp mình nên luôn biết trước dạng đề kiểm tra (đôi khi chỉ thay số vào là xong), được thầy cô nhớ tên, nhớ mặt, được nâng niu hơn trên lớp, được ưu ái hơn trong điểm số hay cơ hội gỡ gạc.
Chuyện ấy gây ác cảm với tôi và với những bạn không đi học thêm. Tôi thấy rõ ràng sự thiên vị và nhìn giáo viên ấy với đôi mắt không mấy thiện cảm.
Những bạn học khá đành phải vác cặp đi học thêm để không thua mấy bạn trung bình nhờ đi học thêm mà thành khá. Còn lại vài đứa như tôi (do nhà nghèo không có tiền đi học thêm, hoặc phải dành thời gian đó đi phụ ba mẹ ngoài rẫy, hoặc dành riêng cho đam mê của mình như đọc sách hay viết lách… và cảm thấy việc học trên trường và tự học là đủ) không đi học thêm.
Chúng tôi đã phải liên kết lại, làm thân với vài bạn đi học thêm để hỏi dạng đề, biết những bài mở rộng chắc chắn sẽ có trong giờ kiểm tra, rồi hợp sức tự giải để đối phó.
Nhờ vậy, chúng tôi vượt qua những ngày tháng ấy, và biết cách tự học. Ngay kỳ thi đại học tôi cũng tự ôn chứ không đăng ký một khóa ôn nào. Tôi vẫn thừa 1 điểm để đậu (cũng có thể do tôi thi khối C nên không cần ôn chăng?).
Sau này, tôi hiểu hơn về chuyện học thêm. Tôi ủng hộ học thêm, nếu được đưa về đúng bản chất của nó.
Bản chất của học thêm là gì?
Video đang HOT
Theo tôi, bản chất của học thêm, là mấy dạng sau:
Học thêm để cho học sinh quá yếu lấy lại kiến thức căn bản, để có thể ra trường, rồi học nghề và tìm công việc phù hợp năng lực. Tại sao cứ đòi giỏi, đòi vào đại học rồi không tìm được việc làm, trong khi những nghề nghiệp bình thường, cần cho xã hội và có thể kiếm được bộn tiền như cắt tóc, trang điểm, may đồ, nấu ăn, kết hoa lá, hàn xì, sửa xe… lại đang thiếu người?
Bao giờ xã hội thay đổi quan niệm, suy nghĩ như Nguyễn Tuân, nghề nào cũng có cái đẹp, ai yêu nghề và hết lòng vì nghề cũng sẽ là nghệ sĩ tài hoa trong nghề của mình?
Học thêm là để bồi dưỡng học sinh giỏi, để các bạn thỏa được đam mê và có đủ năng lực để theo đuổi đam mê ấy. Học sinh bây giờ thường ít đam mê, hoặc ít khi chịu theo đuổi đam mê đến cùng. Đó là thiệt thòi cho chúng ta. Khi không có đam mê, chúng ta sẽ sống bình thường lắm, hời hợt lắm và dễ thỏa mãn lắm.
Và hiện nay, cần hơn cả là học thêm nhiều kỹ năng mềm để trở thành người khỏe mạnh và tử tế, để có thể sống sót trong những điều kiện khó khăn, để biết thích nghi với hoàn cảnh sống, để hợp tác tốt với mọi người, để biết đấu tranh và bảo vệ cho cái đúng… Thế giới thay đổi rồi, cần biết cái gì là quan trọng để hòa nhập và theo kịp nhân loại.
Nền giáo dục của mình đã quá chú trọng sự toàn diện, quá đề cao chuyện danh hiệu học sinh giỏi này nọ, để rồi cứ chạy theo học thêm để đạt thành tích giỏi toàn diện, mà không hiểu rằng, tìm cho mình một đam mê, phát triển năng lực riêng của bản thân và biết sống tự lập và tử tế trong cuộc đời này mới là điều quan trọng nhất.
Nghĩ về chuyện cấm dạy thêm, học thêm
Đơn giản thế này, hãy trả lời cho câu hỏi, việc học thêm và dạy thêm, cái nào có trước?
Nếu chuyện học thêm có trước, là do nhu cầu của phụ huynh, học sinh với những lý do nào đó mà tìm đến giáo viên, thì hãy để phụ huynh, học sinh lên tiếng. Đó là quyền lợi của họ, là nhu cầu của họ. Lệnh cấm làm ảnh hưởng nhu cầu chính đáng của họ, thì họ là người lên tiếng mới đúng chứ?
Tại sao giáo viên lại lên tiếng, mà lên tiếng gay gắt làm chi, khóc lóc làm chi, bi ai làm chi để cho có nhiều người gọi chúng ta là “biến học trò thành công cụ kiếm tiền”, nhìn chúng ta với ánh mắt không thiện cảm vì “chúng ta đang lên tiếng vì nồi cơm chén gạo”?
Nếu chuyện dạy thêm có trước, thì do đâu? Do đồng lương không đủ sống? Do chương trình quá nặng mà thời gian trong trường không đủ? Do thi cử nặng nề và giáo viên lo cho học sinh không đủ sức đạt yêu cầu?
Nếu vậy, thì phải giải quyết từ gốc rễ, tức là đấu tranh để tăng lương, giảm tải chương trình, thay đổi cách kiểm tra đánh giá. Như vậy, giáo viên vừa có đời sống ổn định, vừa yên tâm với nghề, vừa có thời gian mở rộng hiểu biết và nâng cao tay nghề, đưa tâm huyết vào từng bài giảng trên lớp, làm sao biến giờ học thành những giờ say mê dạy và học của thầy và trò chứ không phải là để đối phó. Nếu vậy thì đừng than là nhục, là chết đói, là triệt đường sống, là vân vân đủ kiểu cảm xúc bi ai nữa.
Tôi, một giáo viên dạy Văn, chưa từng thấy nhục vì nghề, chưa từng nản vì nghề. Tôi nhìn đơn giản vấn đề thôi. Đồng lương trả cho tôi vẫn là nguồn thu chính (phải chăng nhiều người đã xem thu nhập từ việc dạy thêm là chính nên lệnh cấm làm họ bức xúc đến vậy? Phải chăng vậy mà họ quên mất đi chuyện lương thấp, và khi lệnh cấm xảy ra thì họ cũng quên mất chuyện đấu tranh cho đồng lương nào?).
Và tôi luôn so sánh mình với các thầy cô dạy các môn bị xem là môn phụ, không bao giờ có học sinh như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân, Thể dục, Mỹ thuật… Họ vẫn luôn yêu nghề, vẫn miệt mài với những bài giảng đó thôi.
Vậy, nếu cần lên tiếng, tôi sẽ lên tiếng cho những điều chung nhất, là đồng lương, là chương trình học, là cách ra đề và kiểm tra, cách thi cử…
Còn chuyện dạy thêm, học thêm, tôi để cho học sinh và phụ huynh lên tiếng. Họ cần, chúng ta dạy. Họ không cần, chúng ta vẫn yêu nghề và vẫn sẽ say mê với những bài giảng trên lớp.
Theo Zing
Đuổi việc nếu dạy thêm: Giáo viên bị đánh đồng như tội phạm
Theo thầy Đức Trung, cấm tất cả giáo viên là đánh đồng giữa sai trái và lẽ phải, người lao động và tội phạm. Song giáo viên Quốc Anh lại ủng hộ việc TP HCM dùng biện pháp mạnh.
Mới đây, Sở GD&ĐT TP HCM cho biết sẽ kỷ luật ở mức cao nhất là đuổi việc, nếu giáo viên trên địa bàn thành phố vi phạm quy định cấm dạy thêm ở nhà trường, cũng như bên ngoài trong năm học 2016-2017. Một lần nữa, thông tin này gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Dạy thêm là quyền được lao động
Thầy Đức Trung - giáo viên tại quận 1, TP HCM - chia sẻ quan điểm: "Giống như việc học, việc dạy thêm cũng là quyền của con người, không thể cấm. Chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ, nhưng lại không được làm chủ, cụ thể ở đây là người giáo viên bị động trong lệnh cấm".
Theo nam giáo viên, trước một quyết định lớn và có tầm ảnh hưởng đến ngành Giáo dục thành phố, Sở GD&ĐT, Thành ủy TP HCM nên lấy ý kiến của người dân, ít nhất là những người trong cuộc như giáo viên, phụ huynh và học sinh. Nhưng hiện tại, chúng ta đang thiếu cuộc "đối thoại" này.
Học sinh ôn tập trước kỳ thi. Ảnh: Như Quỳnh.
Là người làm trong ngành Giáo dục, thầy Đức Trung nêu, thực tế có hiện tượng giáo viên ép học sinh đi học thêm bằng cách dùng điểm số, cắt xén chương trình. Vậy lệnh cấm hãy chỉ sử dụng cho những trường hợp trên.
Nếu cấm tất cả giáo viên, Sở GD&ĐT, Thành ủy TP HCM đang cào bằng việc làm sai trái và lẽ phải. Như vậy, một nghề cao quý như giáo viên lại bị coi như tội phạm.
Theo đánh giá của thầy Đức Trung, lệnh cấm dạy thêm, học thêm chỉ là cách giải quyết phần "ngọn", trong khi "gốc" của vấn đề chưa được đề cập. Vấn đề lương bổng, đãi ngộ của người giáo viên đang ở mức thấp. Họ không thể cân bằng thu nhập và sự phát triển của xã hội, nên việc dạy thêm là điều tất yếu.
Thầy Trung đề xuất, vấn đề lương bổng và chế độ cần được xem xét lại để không "cào bằng" giữa những người cống hiến ít và cống hiến nhiều.
Ngoài ra, hiện tại tất cả áp lực đều đổ dồn lên người giáo viên. Về áp lực thành tích, kết quả thi cử với các câu hỏi "Làm sao để đậu đại học?" vẫn được nêu ra từ các cấp quản lý đến phụ huynh, học sinh. Thêm nữa, ngành Giáo dục liên tục đổi mới qua mỗi năm, khiến giáo viên, phụ huynh và học sinh hoang mang.
"Với đề thi và chương trình học hiện tại, chúng ta tự hỏi, có bao nhiêu thí sinh không đi học thêm mà vẫn đỗ đại học với kết quả cao?" - thầy Trung thẳng thắn.
Giáo viên này cho rằng, việc ra đề thi, áp lực thi cử, chương trình sách giáo khoa cần được lồng ghép sao cho việc dạy và học nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Từ những thực tế trên, thầy giáo trẻ cho rằng, lệnh cấm dạy thêm, học thêm chỉ có tác dụng trong vài năm nữa:
"Đến một lúc nào đó sẽ không còn ai để cấm dạy thêm, học thêm, bởi lượng thí sinh thi vào ngành Sư phạm hay cống hiến cho giáo dục sẽ không còn nhiều. Học sinh cũng có thể lựa chọn một môi trường giáo dục thoải mái, dù tốn kém hơn, đó là việc đi du học".
Cần dùng biện pháp mạnh
Trong một quan điểm khác, thầy Trần Quốc Anh - giáo viên tại Hà Nội - cho rằng: Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM khẳng định, cơ quan quản lý không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình, dù dạy trong hay ngoài trường.
Như vậy, Sở GD&ĐT bản chất không phải "cấm dạy thêm", mà chỉ là "cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình, dưới mọi hình thức". Điều này hoàn toàn đúng.
Lớp học của thầy giáo Trần Quốc Anh. Ảnh: NVCC.
Thứ nhất, những câu chuyện như học sinh đi học thêm thầy cô ở lớp để nâng điểm, biết trước những bài kiểm tra định kỳ, không bị trù úm đã quá phổ biến, trở thành nỗi lo của số đông phụ huynh.
Thứ hai, việc cấm sẽ mang tới môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, thúc đẩy giáo viên nâng cao năng lực của mình. Để đào tạo ra những học sinh tốt, cần đội ngũ giáo viên giỏi và có tâm. Không thể "ép" học sinh ở lớp đi học thêm. Vậy muốn các em khác tới học, thầy cô sẽ cần nâng cao chuyên môn và cải tiến phương pháp truyền đạt.
"Tôi được biết, tại Hà Nội có rất nhiều trường ép học thêm bằng cách biến tướng theo kiểu cô giáo đọc sẵn mẫu đơn, bắt học sinh chép tay 'Đơn xin sinh hoạt câu lạc bộ', hay 'Đơn xin tự nguyện học thêm' để bố mẹ ký vào. Những vấn nạn này đã có nhiều biện pháp nhẹ nhàng nhưng không mang lại hiệu quả, đã đến lúc dùng phương án mạnh mẽ hơn", thầy giáo nêu quan điểm.
Phía sau lệnh cấm là một cuộc chiến
Cô Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM - lại quan tâm nhiều hơn đến việc ngành Giáo dục cần có nhiều thay đổi để đạt hiệu quả trong cách dạy và học khi thực hiện lệnh cấm này.
Trước tiên đó là khâu ra đề thi, không nên ra theo hướng "thách đấu tri thức" mà phải theo hướng phân loại, đánh giá năng lực của học sinh. Cách ra đề thi này có thể tham khảo theo đề Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo nữ giáo viên, phụ huynh và học sinh phải đồng lòng mới có thể thực hiện lệnh cấm dạy thêm, học thêm. Bởi một phần nhức nhối của vấn đề giáo dục cũng do những kỳ vọng của phụ huynh, học sinh vào nền giáo dục quá lớn, tạo nên những gánh nặng và áp lực lên chính các em.
Là giáo viên cấp 3, cô Huyền Thảo nhận định: Học sinh ngày nay còn nhiều hạn chế như khả năng tự học, khai thác và xử lý sách, biến kiến thức từ sách thành của mình, diễn đạt bằng ngôn ngữ của bản thân, khả năng tự xử lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến tri thức và kỹ năng.
Ông Đinh Thế Huynh - thường trực Ban Bí thư - nêu quan điểm: "Đối với việc phụ huynh, học sinh tự nguyện học thêm, không thể cấm được. Đó là quyền của con người. Không như thời chiến tranh, cấm cái rụp là cấm luôn. Bây giờ thời buổi dân chủ như thế này, chỉ cấm làm những việc trái pháp luật".
Theo Zing
'Giáo viên đòi dạy thêm là đấu tranh cho thu nhập cá nhân' Đó là quan điểm của Lê Nguyên, giáo viên tại Nam Định, sau việc một hiệu trưởng ở TP HCM bật khóc khi nói về dạy, học thêm. Mới đây, câu chuyện thầy Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (TP HCM) khóc khi nói về lệnh cấm dạy, học thêm nhận được sự...