Cách làm bánh 9 tầng mây dẻo thơm cực đơn giản, người vụng mấy cũng làm được
Miếng bánh có tầng tầng lớp lớp màu sắc hài hòa , vị ngọt béo vừa phải sẽ làm hài lòng không chỉ trẻ con mà người lớn cũng thích mê. Cùng trổ tài tự làm bánh chín tầng mây dẻo thơm đãi cả nhà nhé.
I. Nguyên liệu:
- Bột năng: 2 lạng
- Bột gạo: 50gr
- Nước cốt dừa: 200ml
- Sữa tươi không đường: 600ml
- Đường: 250gr
- Màu thực phẩm hoặc rau củ, siro các màu mà bạn thích.
Video đang HOT
II. Cách làm:
- Bước 1: Cho bột năng gạo đường vào 1 âu to, từ từ cho sữa tươi và nước cốt dừa vào trộn đều đến khi bột tan mịn.
- Bước 2: Chia phần bột ra làm 3 hoặc 4, 5 phần tuỳ ý để mỗi phần bột cho 1 màu, bạn có thể làm bao nhiêu màu tùy thích (cũng có thể tạo màu bằng nước ép các loại rau củ tự nhiên như củ dền, cà rốt, khoai tím, lá dứa…). Khuấy đều mỗi phần bột cho màu được hòa đều vào nhau.
- Bước 3: Bắc 1 nồi cho xửng hấp lên, lấy khuôn nhôm hoặc inox quét một lớp dầu ăn vào khuôn để chống dính. Bắc nồi hấp lên bếp đun nước sôi.
- Bước 4: Đổ lớp bánh đầu tiên vào khuôn, dày khoảng 3-5 mm. Đặt khuôn vào nồi hấp, đậy khuôn nồi hấp lại trong khoảng 3-4 phút cho lớp bánh đầu tiên se mặt thì đổ tiếp lớp bánh thứ hai với màu bột khác với độ dày tương ứng.
- Bước 5: Lặp lại các bước trên tới khi hết chỗ bột thì hấp bánh thêm 15-20 phút nữa. Chờ bánh nguội rồi lấy bánh ra khỏi khuôn và cắt miếng nhỏ tùy thích.
Theo Danviet
Khoai tím món ngon mùa mưa Hội An
Những món ăn Hội An được chế biến từ khoai tím tuy giản dị nhưng lại có thể gây thương nhớ cho bất kì ai đã từng một lần nếm thử.
Trên khắp mọi miền đất nước ta có rất nhiều giống khoai như khoai lang, khoai tây, khoai sọ, củ từ... Khoai lang trồng ở những vùng đất cát ở Quảng Nam - như khoai Trà Đóa chẳng hạn, đã nhiều bột lại ngọt, bùi. Tháng chạp là lúc khoai lang ngon nhất trong năm. Khoai sọ, củ từ cũng vậy, đều chọn đúng tháng cuối năm để ngon. Không biết ở nơi khác thế nào chứ ở Hội An thì khoai lang ăn với hến là món ngon Hội An làm cho nhiều người nhung nhớ.
Khoai tím rất mực mộc mạc (Ảnh sưu tầm)
Nhưng nói đến những món ăn ở Hội An được chế biến từ khoai mà không nhắc đến khoai tím (hay khoai mỡ) thì đúng là một thiếu sót lớn. Giống khoai này chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung và miền Nam chứ không có mặt ở miền Bắc. Từ độ ra giêng, khoai tím trốn biệt ở đâu đó. Nhưng khi những cơn mưa báo hiệu mùa mưa hàng năm kéo đến là khoai tím chưa bao giờ lỗi hẹn. Người Hội An cứ thấy mưa chừng dăm bữa nửa tháng, lúc bước chân ra chợ là biết ngay sẽ có đặc sản Hội An khoai tím.
Khoai tím nấu tôm (Ảnh sưu tầm)
Những củ khoai tím thường tròn to cỡ một bàn tay xòe ra, lại có những củ dài chừng một gang tay. Tên chung là khoai tím như vậy, nhưng khi bổ ra ta mới biết ruột củ này chỉ có màu tím nhạt, củ kia lại tím đậm. Những bà nội trợ khéo léo của Hội An không biết bằng cách nào luôn chọn được những củ khoai ưng ý, còn gọi là khoai tím hương.
Những củ khoai tím hương này có màu tím rất đẹp mắt - hay tím rịm như cách nói của người Quảng. Hoặc để dễ hình dung, màu tím đó gợi cho ta nhớ đến một tà áo dài xứ Huế. Đã thế, sau khi được nấu thành món ăn thì khoai này tỏa ra một mùi thơm dịu dàng, quyến rũ tất thảy những người đang ở gần đó.
Trời mưa lạnh, người Hội An lại nhớ đến một nồi xôi khoai tím. Nếp thì dẻo mà trắng, khoai đã bở lại tím. Hương nếp mới, hương khoai quyện vào nhau gọi mời. Có biết bao loại xôi - xôi gà, xôi đậu, xôi vò, xôi xéo... đều có chung cội nguồn hạt gạo nếp. Mỗi loại xôi lại ngon một cách rất riêng nhưng để ngon, để dễ dàng thuyết phục mọi người được như món ngon Hội An xôi khoai tím thì có lẽ không có mấy loại.
Trong những bữa cơm mùa mưa, tô canh khoai tím thường chiếm được vị trí trung tâm, thu hút được sự chú ý của đôi mắt, kích thích sự thèm ăn của cái miệng. Cách thức chế biến canh khoai tím nấu xương heo hay canh khoai tím nấu tôm không có gì đơn giản hơn nhưng vị ngon thì tô canh ấy không thua loại canh cầu kì nào.
Canh khoai tím nấu sườn heo (Ảnh sưu tầm)
Về sự đẹp mắt thì tô canh khoai tím cũng không thua bất cứ món ăn nào. Mỗi lần ăn khoai tím nấu xương heo, người ăn nhận ra rằng nguyên liệu thực phẩm quyết định đến chất lượng món ăn. Một lần ăn canh khoai tím nấu tôm, người ăn hiểu ra rằng cách thức chế biến món ăn đơn giản nhất bao giờ cũng ngon nhất, giữ được hương vị tự nhiên nhiều nhất. Chẳng cần phải cầu kì công phu, phải chờ đợi lâu, chẳng đòi hỏi phải tẩm ướp, những miếng khoai tím tự nó đã hoàn hảo trong nghệ thuật ẩm thực đặc sản, trong một tô canh giản dị hết mực.
Một món ngon Hội An nữa được chế biến từ thứ nguyên liệu giản dị này chính là chè khoai tím. Khoai tím cắt miếng nhỏ, nấu chín bở rồi gia thêm đường cho thật vừa vặn, lúc ăn chan thêm nước cốt dừa béo ngậy, chỉ đơn giản vậy thôi mà ta đã có một món tráng miệng ngon lành, thơm thảo. Hay những chiều mưa buồn, có một chén chè khoai tím để lót dạ thì không còn gì hợp vị hơn.
Không dễ để tìm thấy khoai tím tại các địa điểm ăn uống Hội An bởi đây là thực phẩm chỉ phù hợp với những cách chế biến đơn giản nhất hay những món ăn trong bữa cơm hàng ngày. Nhưng nếu có quen biết một gia đình Hội An, được mời ăn một bữa cơm vào đúng mùa khoai tím, thực khách sẽ cảm nhận được rõ hương vị đồng bãi giản dị mà rất mực ngọt ngào của món ăn này.
Chè khoai tím nước cốt dừa (Ảnh sưu tầm)
Chẳng thế mà rất nhiều người con Hội An dù đã đi xa, nhưng mỗi khi mùa mưa đến, lại bâng khuâng nhớ về khoai tím và những món ngon Hội An giữa không khí ấm áp, quây quần của gia đình.
Theo Vntrip
4 cách nấu chè trôi nước "ngọt ngào" ngon khó cưỡng Chè trôi nước truyền thống của người Việt Nam có vỏ ngoài được nấu bằng bột nếp. Bên trong là lớp vỏ đậu xanh đã đãi vỏ. Đôi khi vài nơi nấu chè còn bỏ thêm gừng và hành để tăng khẩu vị thêm. Ăn chè trôi nước có vị dai, dẻo của bột nếp. Cắn vào bên trong có vị ngọt đậm...