Các trung tâm đồ hiệu của thế giới thất thu vì Covid-19
Dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tác động tiêu cực tới nhiều ngành sản xuất.
Ngay cả các (khu mua sắm hàng hiệu tại Pháp, Mỹ, Italia cũng thất thu nặng vì không có khách, đặc biệt là khách Trung Quốc, những người được coi là tín đồ nghiện mua sắm hàng xa xỉ…
Những ngày buồn ở “kinh đô” hàng hiệu Paris
Galeries Lafayette là trung tâm thương mại sang trọng nhất Paris, tập trung tất cả những hàng quần áo, mỹ phẩm, túi xách, nữ trang hàng hiệu như Louis Vuitton, Chanel Dior. Khách hàng đến đây mua sắm có thể đi mua được các mác trong cùng một chỗ luôn, mà không phải đi rải rác các cửa hàng. Tại Galeries Lafayette có những discount (giảm giá) rất là tốt cho khách hàng, chính vì thế Galerie Lafayette thu hút được rất nhiều khách hàng đến mua sắm.
Hiếm khi chỉ có ít khách xếp hàng trước cửa hàng Louis Vuitton như thế này.
Một hình ảnh thường thấy ở Galeries Lafayette là đoàn khách xếp hàng trước các cửa hàng đồ hiệu; hầu như tất cả các cửa hàng đều quá tải về số lượng khách hàng, và khách phải xếp hàng rất đông ở các cửa hàng bên ngoài.
Galeries Lafayette thường mở cửa từ 9h30 sáng, nhưng thường khách xếp hàng vào mua có thể đến từ 8h30 – 9h. Họ đứng sẵn ngoài cửa, từ trước khi cửa hàng mở cửa. Khi cửa hàng mở cửa là họ ào vào luôn, và điểm thu hút lớn nhất là Louis Vuitton. Tất cả hầu như chạy ào vào đứng để làm sao xếp hàng mua được sớm nhất.
Theo Phòng Thương mại Paris, tại Paris, khách Trung Quốc trung bình chi khoảng 1.000 euro (1.099 USD) trong một chuyến đi, so với 640 euro cho du khách nói chung. Người Trung Quốc là một trong số khách chi tiêu lớn nhất ở Pháp, mua khoảng 4 tỷ euro/ năm. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thích mua túi Gucci ở Milan hoặc nước hoa Hermès ở Paris, nơi giá có xu hướng thấp hơn ở Trung Quốc.
Một số thương hiệu còn bán những sản phẩm chỉ có ở châu Âu mà không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Du khách Trung Quốc là nhóm khách chi tiêu mua sắm phóng tay bậc nhất khi du lịch tại Pháp. Tuần báo LExpress trích dẫn Ủy ban Du lịch vùng Paris, theo đó 26% số tiền khách Trung Quốc chi tiêu trong kỳ du lịch tại Pháp là để mua sắm.
Nhưng từ đầu cuối tháng 1/2020 đến nay, khách Trung Quốc bất ngờ “biến mất” tại các Grands Magasins. Do Trung Quốc hạn chế người dân đi du lịch nước ngoài theo nhóm nên Paris và vùng phụ cận, điểm đến vốn thu hút đến hơn 80% du khách Trung Quốc đến Pháp, đã bị mất nguồn khách quan trọng này khiến ngành du lịch nói chung và ngành hàng cao cấp bị ảnh hưởng.
Bà Corinne Menegaux, Giám đốc Cục Hội nghị và khách du lịch Paris, cho biết khách Trung Quốc thường đi theo đoàn, lựa chọn khách sạn và cửa hàng mua sắm nhất định, nên một số doanh nghiệp đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Tại một số cửa hàng miễn thuế và các doanh nghiệp khác, nơi khách Trung Quốc chiếm 80%, doanh số đã giảm mạnh. Giờ đây trước các cửa hàng đồ hiệu như Louis Vuitton chỉ có lác đác vài khác.
Chị Lan, một hướng dẫn viên du lịch đã 5 năm chuyên đưa khách Việt Nam đi mua sắm hàng hiệu ở những cửa hàng cao cấp ở Galeries Lafayette, nói rằng hậu quả của dịch COVID-19 đối với các cửa hàng đồ hiệu còn nghiêm trọng hơn cả tác động của các cuộc biểu tình và đình công trước đây.
Video đang HOT
Khi phong trào biểu tình Áo Vàng nổ ra thì người biểu tình chỉ làm ở một số khu phố nên khách du lịch vẫn có thể đến những trung tâm mua sắm như Galeries Lafayette, Le Printemps. Nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát khiến tình hình trở nên ảm đạm.
“Trước đây mọi người thường nói người châu Á nhiều tiền nên mới xếp hàng mua sắm hàng hiệu. Nhưng tìm hiểu ra thì thấy trước đây gần như 70% khách hàng xếp hàng trước các cửa hàng là người Trung Quốc, chứ không phải là người châu Á nói chung. Đến bây giờ thì gần như các cửa hàng không phải xếp hàng nữa, mọi người đến là có thể vào để mua được luôn.
Chính vì thế, tôi thấy là dịch bệnh do virus Corona đợt này ảnh hưởng khá lớn đến việc kinh doanh và doanh thu của tất cả các nhãn mác hàng hiệu, đặc biệt là Louis Vuitton. Louis Vuitton có lượng túi bán ra cho khách hàng có một sự hạn chế nhất định và giá cả nói chung so với Chanel, Dior thì Louis Vuitton là một hãng mác có thể nói là giá cả vừa phải nhất, chính vì vậy có thể thu hút được nhiều khách muốn có những cái túi hot.
Trước khi có dịch COVID-19, khách xếp hàng rất đông, thậm chí có người sẵn sang xếp hàng trước 3 tiếng đồng hồ để vào mua, nhưng mà bây giờ, nếu mà có xếp hàng thì cũng chỉ vài ba người. Còn thường mấy ngày gần đây tôi đi thì thấy không có khách xếp hàng ở đấy nữa”, chị Lan nói.
Những ngày này, không còn cảnh nườm nượp du khách Trung Quốc nhộn nhịp ra vào mua sắm, với những túi to, túi nhỏ đầy hàng hiệu trên tay. Cũng không còn cảnh khách hàng, đa phần là người Hoa, xếp hàng dài dằng dặc bên ngoài cửa hàng hiệu Louis Vuitton, Chanel, Dior … chờ đến lượt được mời vào mua hàng.
Trung tâm mua sắm chỉ lác đác khách, và cũng rất ít khách người châu Á. Một nhân viên bán hàng người Trung Quốc cho biết, trước đây mỗi ngày thường bán được khoảng 25 sản phẩm cho du khách Trung Quốc thì nay cả ngày nhiều lắm cũng chỉ bán được 1-2 sản phẩm.
Một cửa hàng Brooks Brothers, thương hiệu thời trang dành cho nam giới nổi tiếng ở Mỹ giờ cũng vắng khách.
“Doanh thu của chúng tôi giảm so với năm ngoái, bởi vì khách hàng chính của chúng tôi là người Trung Quốc. Bây giờ ngày càng ít khách Trung Quốc đến Pháp, nên doanh thu của chúng tôi sụt giảm. Cửa hàng nào cũng mất khách, chắc chắn là như vậy. Tôi nghĩ là doanh thu của Galeries Lafayette giảm nhiều, bởi vì trong những năm qua, nhờ du khách Trung Quốc, chúng tôi có doanh thu cao. Bây giờ thì chúng tôi chỉ nói về thời tiết, chẳng có ai đến mua sắm ở cửa hàng Galeries Lafayette nữa, buổi sáng, buổi tối, cả ngày đều như vậy”.
Bà Elisabeth Ponsolle des Portes, đại diện Hiệp hội Colbert, hiệp hội tập trung hơn 80 thương hiệu cao cấp của Pháp, nhận định hiện vẫn còn quá sớm để biết tác động đối với lĩnh vực hàng cao cấp. Tuy nhiên, bà cũng cho biết người Trung Quốc chiếm tới 25% khách hàng của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội.
Các “thủ phủ” hàng hiệu ở Mỹ, châu Âu thất thu vì mất khách Trung Quốc
Nhưng không chỉ ở Paris, khách Trung Quốc cũng vắng bóng tại các thủ phủ mua sắm lớn trên khắp nước Mỹ và châu Âu như New York, Milan. Estée Lauder, Capri Holdings, sở hữu thương hiệu Versace và Jimmy Choo, cảnh báo các nhà đầu tư trong tuần này rằng kết quả tài chính có thể bị ảnh hưởng do doanh số bán cho khách du lịch Trung Quốc thấp hơn.
Fabrizio Freda, CEO Estée Lauder, nhận định sẽ có sự suy giảm nghiêm trọng về khách Trung Quốc không đến Mỹ trong ít nhất 2, 3 tháng tới. “Rõ ràng, điều này sẽ tác động tiêu cực đến việc bán hàng cho du khách Trung Quốc”, Fabrizio Freda nói. Capri, bao gồm thương hiệu Michael Kors, cho biết việc hạn chế đi lại kéo dài có thể làm giảm lưu lượng khách của cửa hàng, gây áp lực lên hệ thống ở Trung Quốc và các nước thường xuyên có khách du lịch Trung Quốc.
Công ty dự đoán sự bùng phát của Covid-19 sẽ khiến doanh nghiệp mất khoảng 100 triệu USD doanh thu trong quý IV của năm tài chính này. Còn Tapestry, công ty sở hữu các thương hiệu như Coach và Kate Spade, cũng dự báo dịch bệnh sẽ khiến doanh số giảm khoảng 200 triệu đến 250 triệu USD trong nửa cuối năm tài chính hiện tại.
Tại Via Monte Napoleone ở Milan, hầu hết cửa hàng đều thuê một nhân viên bán hàng nói tiếng Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhưng hiện giờ, khách du lịch Trung Quốc gần như đã biến mất.
Ông Jac Cammaroto, người làm việc trong một cửa hàng Fendi trên phố mua sắm cao cấp nhất của Italy nói: “Nếu bạn nghĩ đã nhìn thấy một người mua sắm Trung Quốc những ngày này, thì có lẽ là đó một ảo ảnh. Nếu tuần trước vẫn thấy một nhóm đông người Trung Quốc đi qua, vài ngày qua, chỉ rải rác một hoặc hai người”.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, khách du lịch Trung Quốc quan trọng với các nhà bán lẻ hơn nhiều so với trước đây. Gần 170 triệu người Trung Quốc đã đi nước ngoài vào năm 2018, năm gần nhất có số liệu, đã chi khoảng 277 tỷ USD. So với một thập kỷ trước, lượng khách đã tăng 3 lần và số tiền chi tiêu đã tăng 5 lần.
Trên toàn cầu, năm 2019, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua hàng hóa xa xỉ trị giá gần 110 tỷ USD, bao gồm quần áo, đồ da, đồ trang sức và chủ yếu là mua ở bên ngoài Trung Quốc. Theo ước tính của công ty nghiên cứu Tourism Economics, nền kinh tế Mỹ nhìn chung có thể mất 10,3 tỷ USD chi tiêu của du khách Trung Quốc do dịch COVID-19.
Năm 2019, người Trung Quốc chiếm 7% lượt khách nước ngoài đến Mỹ. Họ đã chi khoảng 34 tỷ USD cho các dịch vụ du lịch và vận chuyển. Vì vậy việc vắng khách Trung Quốc khiến cho nhiều ngành dịch vụ và kinh doanh hàng xa xỉ thất thu nặng.
Theo Cảnh sát toàn cầu
Nhiều doanh nghiệp, ngành hàng có thể đóng cửa vì dịch Covid-19
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước "nguy cơ kép" khi nguồn cung cho sản xuất khan hiếm, lượng cầu suy giảm. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì đứt nguồn cung nguyên liệu có thể xảy ra trong thời gian tới... Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Công Thương, ngày 26/2.
Nguy cơ đóng cửa nhiều ngành hàng
Về đánh giá tác động của dịch bệnh đến các ngành sản xuất trong nước, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho hay, đánh giá của các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp đều cho thấy, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm 42%, từ Trung Quốc chiếm 34%. Đến nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến ngành dệt may, da giày và túi xách của Việt Nam đối mặt thách thức rất lớn. Đa số các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
"Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ, sợi; 12,69 tỷ USD vải các loại, và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,32 tỷ USD xơ sợi; 7,73 tỷ USD vải và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may. Da giày nhập 43,67%. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này thời gian tới phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn", ông Hoài cho hay.
Một ngành hàng chịu sức ép về thiếu nguồn cung nguyên liệu nữa, theo Cục Công nghiệp, là ngành sản xuất lắp ráp ô tô. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc.
Khó khăn chồng chất
Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu trong thời gian tới (do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc) - đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ trong nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Dự kiến trong cuối quý I/2020, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, ảnh hưởng của tình hình trên sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại và TV ở trong nước, khiến sản lượng suy giảm.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng điện tử lớn ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Như LG Việt Nam cho biết hãng đang phải đối mặt với việc không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, theo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang xem xét phương án nhập khẩu các lô hàng thiết bị điện tử qua đường hàng không hoặc đường biển, tuy nhiên việc này sẽ khó khăn hơn so với đường bộ do chi phí lớn và khó có thể đáp ứng sản lượng và tiến độ thời gian cho nhu cầu sản xuất. Trong trường hợp không giải quyết sớm tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động do dây chuyền sản xuất được thiết kế để vận hành liên tục nhằm giảm chi phí. Nếu buộc phải tạm ngừng sản xuất sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc vận hành trở lại cũng như sẽ gây sụt giảm lớn về doanh số năm 2020.
Thách thức tìm nguồn cung thay thế
Cục trưởng Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho hay, các ngành chế biến chế tạo phụ thuộc chuỗi cung ứng rất lớn. Việc ngay lập tức tìm nguồn cung cấp cũng khó khăn do các nguyên phụ liệu phụ tùng (như với ô tô) rất khó tìm được nhà cung cấp thay thế. Mỗi hãng có một nhà cung cấp và linh kiện được gia công công nghệ cao khác nhau nên không thể thay thế từ hãng này sang hãng khác.
Các sản phẩm như vải, thép cán nóng, vật liệu thô dùng để gia công dễ tìm nguồn cung thay thế hơn nhưng phải đối mặt với việc giá không hề rẻ, không cạnh tranh được với nguồn cung từ Trung Quốc. Ngay các thị trường thay thế như Hàn Quốc, Nhật Bản họ cũng nhập rất nhiều từ Trung Quốc. Với ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, việc cung ứng rất khó khăn.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đứng trước "nguy cơ kép" khi không chỉ nguồn cung mà cầu thế giới tại các thị trường lớn cũng sẽ ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. "Chúng ta không bi đát, không trầm trọng hoá vấn đề nhưng phải chủ động", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói và yêu cầu các cục, vụ thuộc bộ cần phải làm việc tiếp với các ngành hàng để làm rõ những ảnh hưởng đối với các DN sản xuất và tác động của chuỗi cung ứng.
Theo Bộ trưởng Công Thương, các cục, vụ trong ngành cần phải làm rõ các chính sách, cơ chế của Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN trong bối cảnh nguồn lực quốc gia cũng hạn chế. Đồng thời làm rõ những lĩnh vực nào, nhóm ngành nào cần ưu tiên hỗ trợ.
Cần gói kích cầu mua sắm trong nước Chia sẻ tại cuộc họp, Vụ trưởng Thị trường trong nước Trần Duy Đông đề nghị, cần theo dõi nếu đến quý 2 tình hình không có cải thiện thì kiến nghị Chính phủ có một gói kích cầu mua sắm lớn. Cũng cần tính tới, trong ngắn hạn, có thể áp dụng hàng rào thuế quan đối với một số hàng nông sản mà Việt Nam đang phải nhập khẩu. Gần 1,8 tỷ USD rau quả, 1 tỷ USD mặt hàng sữa và sản phẩm sữa. Đây là những mặt hàng trong nước có thể đáp ứng được.
Theo Phạm Tuyên/Tiền phong
2 điểm khó của các "ông lớn FDI" Samsung, LG, Toyota, Honda,... giữa dịch coronavirus Cả doanh nghiệp nội và ngoại liên quan đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng sẽ đều bị tác động bởi coronavirus. TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng nCoV tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở hai khía cạnh. Một là,...