Các nhà lãnh đạo GCC kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức tại Dải Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 5/12 đã cảnh báo về tình hình xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas, đồng thời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Xe quân sự Israel di chuyển sát biên giới với Dải Gaza ngày 5/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong Tuyên bố Doha được thông qua tại phiên họp thứ 44 của Hội đồng tối cao GCC ở Qatar, lãnh đạo các nước GCC cảnh báo về mối nguy hiểm của việc mở rộng đối đầu và xung đột lan rộng sang các khu vực khác ở Trung Đông.
GCC nhấn mạnh rằng khu vực Trung Đông đang phải đối mặt với những thách thức nguy hiểm do việc Israel ném bom vào Dải Gaza dẫn đến bạo lực leo thang. Tuyên bố cũng kêu gọi đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững, đồng thời đảm bảo việc đưa tất cả hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Lãnh đạo và đại diện của 6 nước GCC (gồm Qatar, Saudi Arabia, Bahrain, Oman, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất – UAE) cùng khách mời là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự hội nghị trên.
Theo Văn phòng truyền thông của Hamas, kể từ ngày 7/10 đến ngày 5/12, tổng cộng 16.248 người Palestine đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, trong đó có tới 70% là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, giới chức Israel cho biết khoảng 1.200 người tại Israel thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Ngoài ra, văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết hiện Hamas đang giữ 138 con tin.
Cũng trong ngày 5/12, Quốc vương Abdullah của Jordan cảnh báo rằng chiến dịch ném bom không ngừng của Israel đang khiến tình hình trở nên ngày càng “nguy hiểm”, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Video đang HOT
Quốc vương Jordan đưa ra phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Cyprus Nikos Christodoulides tại thủ đô Amman. Tại cuộc gặp, Quốc vương Abdullah và Tổng thống Nikos Christodoulides đã đề cập việc tăng cường các nỗ lực nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo và cứu trợ dân thường Palestine ở Dải Gaza.
Quốc vương Abdullah đã vận động các nhà lãnh đạo phương Tây gây áp lực đối với Israel để dòng viện trợ không bị gián đoạn và mở các cửa khẩu do chính quyền Tel Aviv kiểm soát để cung cấp đủ viện trợ cần thiết.
Hai bên cũng bày tỏ lo ngại bạo lực sẽ lan rộng ở vùng Bờ Tây giáp giới Jordan, khi người định cư Do Thái tấn công dân thường Palestine, tịch thu đất đai, trong bối cảnh các cuộc tấn công quân sự của Israel gia tăng.
Chuyến hòa giải chưa từng có đối với Qatar cứu vãn thỏa thuận ngừng bắn mong manh
Thỏa thuận dường như đang trên đà đổ vỡ. Trong khi phong trào Hồi giáo Hamas cáo buộc Israel không giữ đúng cam kết thì Israel đe dọa tiếp tục các cuộc tấn công chết người vào Dải Gaza.
Một tù nhân Palestine, được trả tự do theo thỏa thuận ngừng bắn, gặp lại người thân ở Ramallah, Bờ Tây ngày 26/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Đứng trước tình thế mong manh đó, ngày 25/11, chiếc máy bay chở theo các nhà đàm phán của Qatar hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ben-Gurion của Israel. Họ lao vào làm việc, tìm cách cứu vãn thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza trước khi thỏa thuận này tan vỡ sau nhiều tuần tranh cãi ngoại giao căng thẳng.
Chuyến thăm công khai đầu tiên của các quan chức Qatar tới Israel đã đánh dấu một thời khắc đặc biệt đối với hai nước vốn không có quan hệ ngoại giao chính thức. Nó cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiểu vương quốc nhỏ bé này trong việc thu hẹp sự khác biệt giữa hai bên đối đầu nhau.
Yoel Guzansky, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, nói về chuyến thăm của phái đoàn Qatar tới Israel: "Đây là điều chúng tôi chưa từng thấy trước đây. Đây là tác nhân bên ngoài duy nhất trên thế giới tác động nhiều như vậy đối với vấn đề Hamas trong nhiều năm qua".
Trong các cuộc đàm phán về con tin Israel-Hamas, các nhà hòa giải Qatar, cùng với các quan chức Ai Cập và Mỹ, phải đối mặt với nhiệm vụ khiến các bên tham chiến - với lòng tin ở mức dưới 0 - đặt niềm tin vào phương thức ngoại giao.
Cuối tuần trước, Hamas cáo buộc Israel đã vi phạm các điều khoản ngừng bắn và cho biết thỏa thuận đang bên bờ vực nguy hiểm. Theo cơ quan tị nạn Palestine của Liên hợp quốc, chỉ có 137 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo được cho phép vào lãnh thổ trong ngày đầu tiên của lệnh ngừng bắn, và 187 xe tải vào ngày thứ hai. Trong khi đó, Israel đã cam kết cho phép 200 xe lưu thông mỗi ngày.
Các quan chức Qatar đã phải gặp mặt trực tiếp các quan chức Israel để cố gắng cứu vãn thỏa thuận. Một vài giờ đàm phán giữa các quan chức Mossad ở Tel Aviv thực sự là một bước ngoặt. Bất chợt thỏa thuận được thực hiện trở lại. Hamas bàn giao nhóm con tin Israel thứ hai, các gia đình ở Bờ Tây vui mừng vì 39 phụ nữ và thanh thiếu niên được thả khỏi nhà tù.
Nhiệm vụ kéo dài thỏa thuận đã thành công và phần lớn thành viên trong phái đoàn đã lên máy bay về nhà. Tuy nhiên, một số nhà hòa giải Qatar vẫn tiếp tục ở lại để làm việc với các quan chức tình báo Israel nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn.
Những nỗ lực đó dường như đã được đền đáp, khi Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố Israel và Hamas đã đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn thêm hai ngày nữa, làm gia tăng triển vọng ngừng chiến lâu hơn.
Người dân Palestine sơ tán tránh xung đột xuống vùng ngoại ô phía Nam thành phố Gaza, ngày 26/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Bộ hợp tác quốc tế Qatar, Lolwah Al-Khater, trở thành quan chức nước ngoài đầu tiên đến thăm Dải Gaza vào ngày 26/11. Bà tận dụng khoảng thời gian tạm dừng giao tranh để khảo sát dòng viện trợ gây tranh cãi, gặp gỡ những người Palestine bị thương và nói chuyện với Wael al-Dahdouh, Giám đốc văn phòng Gaza của tờ Al Jazeera - người đã mất vợ, con trai và cháu trong một cuộc không kích của Israel.
Bất chấp những khác biệt, cả Israel và Hamas đều quan tâm đến việc kéo dài hòa bình. Ngay cả khi những câu hỏi lớn hơn đặt ra về điều gì sẽ xảy ra, một quan chức Qatar giấu tên cho biết đất nước của ông vẫn tập trung vào những khả năng, chẳng hạn như duy trì lệnh ngừng bắn và ngăn chặn chiến tranh khu vực.
Majed al-Ansari, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Qatar, nói với hãng tin AP ngày 27/11: "Không có xung đột nào bắt đầu và kết thúc trên chiến trường. Bây giờ, khi các con tin đã được thả và giao tranh đang tạm dừng, chúng tôi có thể tìm ra giải pháp".
Có mối quan hệ mật thiết với Mỹ, lại vừa thành lập kênh liên lạc với Israel từ năm 1995 và hỗ trợ cho Gaza theo ước tính là hơn 1 tỷ USD kể từ năm 2014, Qatar ở vị trí đặc biệt trong việc phá vỡ bế tắc của các cuộc đàm phán ngừng bắn, vốn có sự tham gia của Mỹ và Ai Cập.
"Chúng tôi cần Qatar. Qatar được coi là quốc gia duy nhất trong thế giới Arab có quan hệ khăng khít với người Palestine", ông Guzansky lưu ý các nước Arab khác ngày càng có lợi ích ở Israel và đang bình thường hóa quan hệ của họ.
Qatar đã thành lập một văn phòng chính trị Hamas ở nước ngoài kể từ năm 2012, cho phép Qatar có được một số ảnh hưởng đối với những người ra quyết định của nhóm chiến binh. Các quan chức hàng đầu của Hamas, bao gồm cả người đứng đầu văn phòng chính trị Hamas Khaled Mashaal, sống ở Qatar.
Theo nước này, văn phòng chính trị của Hamas ở thủ đô Doha được thành lập theo yêu cầu của các quan chức Mỹ muốn thiết lập một kênh liên lạc, giống như Doha đã tiếp đón các văn phòng của Taliban trong cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ ở Afghanistan.
Các quan chức Qatar cho biết họ mong muốn giảm xung đột, mặc dù mối quan hệ của họ với một loạt nhóm Hồi giáo, bao gồm Hamas, Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và Taliban đã vấp phải sự chỉ trích từ Israel, một số nhà lập pháp Mỹ và các chính phủ Arab láng giềng.
Xung đột Hamas - Israel: EU tiếp tục cấp viện trợ phát triển cho người Palestine Ngày 21/11, Liên minh châu Âu (EU) đã "bật đèn xanh" việc duy trì chính sách viện trợ phát triển cho người Palestine, sau khi không phát hiện bất kỳ quỹ nào rơi vào tay Phong trào Hồi giáo Hamas, song cảnh báo sẽ giám sát chặt hơn trong tương lai. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis phát biểu...