Cá niên nướng bên bếp lửa bập bùng
Tháng 4, nơi vùng cao Quảng Nam đã vơi đi cái lạnh, nước các con sông con suối bắt đầu ấm áp, rủ rê đám cá niên béo tròn tung tăng trên những đoạn chảy xiết, ghềnh đá hẹp.
Cá niên nướng Ảnh: Văn Hoàng
Không chỉ đi tìm mồi là những thảm rêu xanh mướt dưới hốc đá hay con hà bám trên gờ đá, thi thoảng chúng còn lao vun vút lội ngược dòng sông như đùa nghịch với dòng nước. Đây cũng là thời điểm cư dân sống hai bên bờ sông suối trên địa bàn các huyện Trà My, Tiên Phước, Nam Giang, Tây Giang… giăng lưới, thả câu đánh bắt cá niên.
Đồng bào vùng sơn cước Quảng Nam còn gọi cá niên là Jia-liếc, do cá niên khá giống với cá diếc. Thật ra cá niên “gợi mắt” hơn cá diếc bởi dáng hình thon thả, lớp vảy ngoài sáng bóng, đặc biệt thịt cá trắng, béo ngậy.
Ngày cá niên vào mùa rộ, người dân tha hồ thỏa thích với những món cá niên hấp, nướng, gỏi, nấu cháo, kho nghệ, kho mặn… Cá niên còn mang lại nguồn thu nhập khá lớn, không chỉ chủ những quán ăn, nhà hàng trên địa bàn các huyện thu mua phục vụ du khách gần xa mà nó còn vượt dốc đèo, theo chân thương lái xuống các thành phố trong và ngoài tỉnh như Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng…
Nhưng thú nhất vẫn là thưởng thức cá niên nướng bên bếp lửa bập bùng đượm mùi củi khô và lá cây oải mục.
Chọn những con cá niên không quá to, chiều ngang thân cỡ bằng 2 ngón tay là được. Có thể dùng cây nhọn, nhỏ để xiên cá hoặc đặt từng con ngay ngắn trên vỉ. Khi những cục than hồng vừa ánh rực lên, đưa cá vào nướng, chỉ vài phút thôi đã nghe tiếng xèo xèo lách tách từ nước cá tiết ra. Nướng cá phải cẩn thận chú ý, giữ sao cho da cá vàng xém thì đạt yêu cầu. Nếu lơ là một tí, cá bị cháy đen sẽ mất đi vị ngon vốn có.
Nướng cá xong, cứ thong dong, nhẩn nha mà thưởng thức. Đôi khi tỏ ra “cầu kỳ” bằng cách dùng tay gỡ thịt cá, nhẹ nhàng chấm vào chén muối ớt tiêu rừng, đưa lên hít hà rồi mới nhâm nhi. Món ăn dân dã khiến ta như lạc vào chốn đại ngàn…
Video đang HOT
Văn Hoàng
Cá bống suối nướng vùi ngon từ thịt ngọt từ xương
Cá nướng vùi thơm xênh xang và mềm ngọt nước, thực sự là món mang đậm hương miền rừng, nguyên vẹn vị ẩm thực quê bản, rất xứng đáng được nhắc đến chứ không chỉ riêng món cá nướng gập.
Món Pa pho
Đã có nhiều bài viết về món cá nướng của người Thái ở miền Tây Bắc, nhưng chủ yếu là về món cá nướng gập - pa pỉnh tộp, hiếm bài nhắc tới món cá nướng vùi - pa pho.
Món cá nướng gập nổi danh xưa nay tuy thật sự ngon bùi, thơm vị núi rừng nhưng ăn vẫn hơi khô, còn món cá nướng vùi thì thơm xênh xang và mềm ngọt nước.
Vậy nên với nhiều người sành thưởng thức thì cá nướng vùi mới thực sự là món mang đậm hương miền rừng, nguyên vẹn vị ẩm thực quê bản, rất xứng đáng được nhắc đến chứ không chỉ riêng món cá nướng gập.
Dân quê bản chế biến món cá nướng vùi không bao giờ lấy cá to mà chỉ chọn cá suối loại nhỏ như pa pắn, pa bú... gọi chung là bống suối. Cá bống nhỏ thì mới nhai mềm cả xương.
Song nếu muốn có món cá nướng vùi ngon thì nhớ đừng dùng pa pém. Loại cá này tuy cũng được xếp vào loại bống suối nhưng xương đầu cứng, nướng kỹ đến mấy thì cũng vẫn cứng, ăn mất hứng.
Cá bống suối
Chế biến món cá nướng vùi khá dễ dàng. Bống suối tươi sơ chế sạch; bột mák khén, húng quế, thì là, mùi tàu thái nhỏ, gia vị nêm vừa đủ, tất cả được tổng hòa trộn đều cùng nhau, sau đấy kiếm lá dong hoặc lá chuối tươi đùm kín lại.
Tro bếp lửa đang cháy được khơi ra rồi vùi đùm cá vào trong đó. Và... chỉ còn việc đợi cá chín rồi cời tro lấy ra.
Món cá nướng vùi để ăn nguội cũng vẫn ngon, song phải ăn ngay lúc nóng thì mới có thể cảm nhận hết được hương vị hấp dẫn của món.
Khi mở đùm cá ra thì mọi thứ đều còn phải đang nóng hôi hổi, có làn hơi mỏng bốc lên thoang thoảng ảo mờ như sương mai, mùi thơm sực nức tỏa ra thấm thấu vào người, nhìn đã thấy thích, hít hà đã thấy thèm và láu táu muốn nhón tay nhúp ăn thử ngay lập tức...
Và khi món ngon đã được bày biện ra rồi thì còn đợi chờ gì nữa, thực khách hưởng đi thôi. Chỉ xin đừng cắn cấu món bống nướng vùi theo kiểu ngấu nghiến, chậm rãi từ tốn nhai thì mới cảm được độ bùi, vị ngọt của món.
Ăn theo kiểu miếng vừa đưa qua miệng, nhai qua loa đã muốn ực trôi xuống họng thì sao biết món ngon hay dở. Vậy nên cứ thong dong, nhẩn nha mà thưởng thức mới lý thú.
Nhẹ nhàng lựa gắp cho đúng cách của kẻ biết hưởng thụ món ngon. Miếng nữa, miếng nữa, tiếp miếng nữa. Để rồi ngạc nhiên khen: Ờ hay, ngon thật đấy! Đương nhiên rồi! Cá bống suối có giá trị ngon riêng của cá bống suối chứ.
Không tin, cứ thử lấy thứ cá khác chế biến món nướng vùi mà xem, món ăn chưa hẳn thất bại nhưng sẽ chỉ là một bản sao đầy lỗi bởi lấy đâu ra được vị bùi mềm tan ngọt cả xương như bống suối.
Cá bống suối tẩm gia vị
Tan bữa ra ngồi bàn nước, hương vị món bống suối nướng vùi vẫn còn bám lấy làn môi như duyên nợ.
Thực khách lăn tăn không muốn uống ngay hụm trà tráng miệng bởi còn muốn giữ lại dư hương dư vị của món. Kể cũng thật buồn cười, người ta lãng mạn muốn lưu hương hoa, hương phấn son chứ mấy ai thích lưu dư vị thức ăn ở lại trên môi miệng.
Ừ mà, đã kể về món cá nướng vùi rồi thì cũng nên nói thêm. Xưa, người ta bắt bống suối bằng các cách câu, lùa, chặn dòng, đơm đó, quây chài mắt nhỏ. Nay, người ta dùng máy kích xung điện để tận bắt, khiến các loại bống suối dần bị tuyệt diệt.
Người ơi, cầu xin người đấy, đừng dùng máy kích xung điện nữa! Bống suối mà tuyệt tích, chẳng còn sinh đàn lượn quanh sỏi cuội nơi đáy nước thì người đời đâu còn được hưởng món ngon pa pho - cá bống suối nướng vùi.
Phong Hà
Ẩm thực Cà Mau với các món nướng Cà Mau là vùng đất rộng, người thưa, được khai phá muộn nhất ở phương Nam. Đây là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trên bước đường Nam tiến. Cá lóc nướng trui Ở nhiều nơi trên vùng đất này vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ của thời khai hoang, mở cõi. Điều này được phản ánh đa dạng...