Cá de tuy bé mà ngon
Cá de có “ngoại hình” gần giống cá cơm, thân ngắn, lớn bằng ngón tay, da cá màu xanh đậm, xương mềm, thịt ngọt. Cá de xuất hiện nhiều ở vùng cửa biển miền Trung từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Thịt cá de rất lành, hàm lượng đạm cao, chứa nhiều can xi, vitamin…
Cá de kho rim là món khá phổ biến. Để nguyên con cá, chỉ cần rửa qua nước sạch, ướp gia vị, cho vào chiếc om đã khử dầu, bắc lên bếp để lửa riu riu rồi thêm một ít nước. Món cá de kho rim hội tụ đủ các vị béo, ngọt, bùi chẳng khác gì món cá bống kho tộ.
Cá de chuẩn bị nấu canh dưa hường – Ảnh: Thanh Ly
Cũng không thể quên món mắm cá de. Cá còn tươi đem về làm sạch và tuyệt đối không được để vỡ nát. Rửa lại vài lần nước pha muối có độ mặn tương đương nước biển, hoặc trực tiếp rửa bằng nước biển. Đợi cá ráo nước, người ta muối cá theo công thức sáu phần cá, một phần muối hột, để chừng mười lăm phút đến nửa giờ cho cá thấm đều muối.
Video đang HOT
Sau đó cho vào lu vại, ém chặt xuống, dùng nẹp tre gài bên trên cho cá không trồi lên. Cứ thế, để qua mươi ngày là có thể ăn được. Đơn giản và nhanh nhất là chan nguyên một thìa mắm cá de lên chén cơm nóng trắng tinh, trộn đều ăn một miếng thì không thể không hít hà, xuýt xoa khen ngợi. Những hôm lỡ bữa chợ, chỉ cần vài bụi cải ngọt, rau dền cơm ngoài vườn hay ngon hơn một chút là những trái đậu ván luộc qua nước sôi chấm cùng mắm cá de là đã đủ ngon.
Đặc biệt với món bê thui xứ Quảng không thể thiếu mắm cá de. Trải miếng bánh tráng ra, đặt lên đó vài lát thịt bê, cuốn chung với rau, chấm vào chén mắm, cắn thêm một miếng ớt xanh nhai thật chậm, thật kỹ mới cảm nhận hết vị ngọt bùi của thịt, thơm nồng của rau và vị đậm đà của mắm.
Những món ngon từ cá de thì có nhiều. Người miền biển “hảo” nhất là cá de nấu dưa hường, một món canh giải nhiệt bao đời của dân chài. Dưa hường chọn trái to bằng trái cam, không quá già cũng không quá non bởi trái lớn có nhiều hạt, trái nhỏ quá thì không đủ vị ngọt. Cẩn thận rửa sạch sau đó mới gọt bỏ hết lớp vỏ xanh bên ngoài, rồi chẻ dọc trái dưa ra nhiều phần.
Đợi nước sôi, thả cá de đã rửa sạch vào nồi, rồi cho dưa hường vào. Đợi nước sôi bùng lên vài dạo thì tắt lửa, nếu để sôi lâu quá dưa bị nhão và cá sẽ nát. Cho thêm ít hành, ngò để tô canh vừa đẹp mắt lại có mùi thơm thoang thoảng. Canh có vị ngọt thanh của dưa và cá, nước canh không quá béo, không quá ngọt nên ăn mãi vẫn không thấy ngấy…
Phan Thị Thanh Ly
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
Ngày mưa thèm gỏi cà đắng cá cơm... Tây Nguyên
Nhiều người nói đùa, rằng đặc sản của người Tây Nguyên thường là "hương biển giữa rừng" cũng đúng. Gỏi là biến tấu giữa cà đắng đặc sản vùng núi rừng Tây Nguyên với khô cá cơm của biển và chỉ có lên núi, đặc biệt là đến Buôn Ma Thuột thực khách mới có thểm nếm được món ăn lạ miệng mà thú vị này.
Gỏi cà đắng cá cơm - Ảnh: Nguyên Trang
Chẳng biết ai là người đầu tiên nghĩ ra món ăn này. Chỉ thấy một ngày, người dân Buôn Ma Thuột ai cũng biết tiếng và tìm ăn thử. Và cứ người này truyền tai người kia, mỗi người lại chế ra một món gỏi phù hợp với khẩu vị của mình. Và trong thực đơn của mỗi nhà có thêm một món ăn mới để đổi vị những ngày ngán đồ béo hay thịt thà.
Người ta thường nói, có 2 thứ khó đánh giá ở trên đời là cái ngon và vẻ đẹp bởi mỗi người sẽ có ý kiến hay khẩu vị riêng. Cũng như cà đắng, người thích thì cho là ngon, người không thương thì cho là dở, có lẽ vì vậy, câu khen chung chung dành cho món gỏi cà đắng cá cơm được cho là món ăn vui miệng, làm để người ăn nhắm nháp chờ món chính. Ở nhà tôi, gỏi cà đắng cá cơm thường được mẹ làm để "chữa cháy" cho những ngày mưa dầm dề chẳng ai buồn đi chợ. Cà có ở góc vườn, vào mùa mưa các bà các mẹ cũng thủ sẵn trong chạn mấy bịch khô cá, tép khô hay vài hủ mắm để ăn dần. Cũng nhờ chế đủ kiểu nên đôi khi có dở cũng thành ngon.
Món gỏi có ngon hay không là do nước mắm rưới vào quyến định nữa - Ảnh: Nguyên Trang
Cách chế biến món gỏi này cực kỳ đơn giản: cà thái lát mỏng, ngâm trong nước pha tí chanh muối cho cà trắng và bớt chất chát (nếu thích ăn cà giòn giòn có thể cho vào thau nước với ít đá viên). Cá cơm khô thì loại nhí, ngâm trong nước cho sạch cát hay đất lẫn vào lúc làm khô. Đun nóng dầu, chiên giòn rồi tắt bếp. Cứ mỗi lần làm món này, kiểu gì cũng được nghe cách hướng dẫn pha nước chấm để trộn gỏi. Bởi món ăn có ngon hay không là do nước chấm rưới vào quyến định nữa. Nước cốt chanh trộn với tỏi, đường và ớt rồi mới cho nước mắm vào sau cùng. Chanh để lâu thường bị đắng, nên với những nhà muốn làm nước chấm dùng nguyên ngày thì tốt nhất nên thay chanh bằng giấm. Nguyên liệu cứ để riêng, lúc nào cần ăn thì cho tất cả vào âu rồi trộn đều, thêm một chút ngò gai nữa là đủ vị.
Sài Gòn không mưa dầm từ ngày này sang ngày khác như ở quê, nhưng cứ thấy mưa rơi thì những kẻ xa quê như chúng tôi biết ngay đó là dấu hiệu thông báo cho các cơn thèm cắc cớ. Thấy công thức làm món gỏi thì dễ lắm nhưng ở Sài Gòn, mỗi lần thèm nhâm nhi chẳng biết cà đắng bán ở đâu mà "lăn vào bếp"...
Nguyên Trang
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
[Chế biến] - Cá cơm chiên giòn Cá cơm ngoài việc chế biến các món ăn mặn thì bạn cũng có thể chế biến món ăn chơi không những ngon mà còn hấp dẫn đối với các bé biếng ăn. Vỏ bánh giòn tan càng ăn càng thích. Nguyên liệu: - 300 gr cá cơm loại nhỏ - 160 bột chiên giòn - 320 ml nước lạnh - 1/3 muỗng...