Bứt tốc giải ngân đầu tư công – Bài 2: Giải pháp mạnh trong bối cảnh đặc biệt
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt cho cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, trong đó lĩnh vực xây dựng và vật liệu kèm theo đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nhiều công trình đình trệ, vốn giải ngân đạt thấp, nhiều công nhân, lao động trong lĩnh vực này lao đao vì không có việc làm.
Tình huống đặc biệt đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp tương ứng, linh hoạt để có thể giúp các dự án đầu tư công tại Thủ đô không bị kéo dài thời gian ngưng trệ, dẫn tới đóng băng nguồn tiền-vốn được coi là động lực của phát triển kinh tế.
Khi nguồn vốn phải “đắp chiếu”!
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được xây thêm một làn, song song với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (ảnh). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Có thể thấy, chưa có năm nào ngành xây dựng Thủ đô chật vật đến như vậy, đặc biệt là phần lớn các công trình có vốn đầu tư công trên địa bàn phải “đắp chiếu” nghỉ gần 60 ngày đêm giãn cách toàn xã hội để thành phố tập trung cho phòng, chống dịch.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn thành phố đạt chưa đầy 50% kế hoạch năm 2021. Đây là con số mà UBND thành phố Hà Nội đánh giá ở mức giải ngân thấp, không đạt theo yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố và UBND thành phố đề ra. Như vậy, với kết quả này, thành phố sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Chính phủ là đến hết quý III, tỷ lệ giải ngân của toàn thành phố đạt 60% kế hoạch vốn năm 2021.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, trước tình hình khó khăn, quận đã cố gắng nỗ lực bằng mọi hình thức, đẩy nhanh làm việc trực tuyến, mọi công đoạn của khâu chuẩn bị đầu tư như thiết kế, duyệt thiết kế, thẩm định, họp hội đồng giải phóng mặt bằng… đều qua online. Quận gửi hồ sơ phương án giải phóng mặt bằng công khai đến từng gia đình, đồng thời niêm yết những vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư cho người dân được biết. Vậy nhưng vẫn gặp rất nhiều trở ngại, do các công trình phải nghỉ vì dịch bệnh, vật liệu xây dựng chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh ngoài về cũng khó khăn, giải phóng mặt bằng cũng phải dừng vì không thể đi điều tra khảo sát thực tế, không gặp gỡ được với người dân…. Mặc dù vậy, toàn quận đã giải ngân đạt 49% theo kế hoạch và nỗ lực phấn đấu những tháng cuối năm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 100% kế hoạch, với số vốn 308 tỷ đồng.
Hà Đông là quận đang phát triển mạnh, tập trung rất nhiều dự án, công trình xây dựng lớn, có nhiều tòa nhà, khu đô thị mới. Đợt giãn cách xã hội vừa qua các công trình tạm dừng thi công, hàng chục nghìn lao động nghỉ việc; trong đó, có 13.000 lao động tỉnh ngoài mắc kẹt tại địa bàn. Bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, quận luôn tranh thủ thời gian trống để bố trí thi công hợp lý nhất. Tính đến cuối tháng 9 này, quận Hà Đông giải ngân vốn đầu tư công ngân sách quận gần 298 tỷ đồng, đạt 77,7% so với dự toán thành phố giao và đạt 48,1% so với dự toán quận giao.
Còn tại huyện Ba Vì, là “vùng xanh” của thành phố, thời gian qua cũng tăng cường nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công và đã đạt được 54,5% kế hoạch thành phố giao. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, huyện đã rất chủ động thẩm định, phê duyệt phương án lao động, sản xuất của 62 dự án trên địa bàn để chờ hết giãn cách xã hội là bắt tay vào thi công ngay.
Dịp này, doanh nghiệp xây dựng công trình đầu tư công gặp khó khăn. Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 hiện đang là nhà thầu thi công và liên danh thi công tại một số dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Tại Hà Nội, công ty đang triển khai Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3…
Trong thời gian qua, việc đảm bảo tiến độ thi công an toàn và nhanh chóng luôn được đơn vị này đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân mà các dự án đang thi công bị ảnh hưởng. Đại diện Công ty Cienco 4 cho biết, dịch bệnh đã khiến việc vận chuyển vật liệu xây dựng, thiết bị xây lắp gặp nhiều khó khăn. Do quy định không thống nhất giữa các địa phương về các biện pháp giãn cách xã hội đã hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Các đơn đặt hàng vật liệu, thiết bị từ các địa phương khác chuyển vào vùng dịch, giãn cách xã hội trong thời điểm này bị chậm tiến độ đề ra. Điều này đã làm nhiều công trình gặp tình trạng thiếu vật tư, thiết bị cần thiết để thi công.
“Vào thời điểm này, nguyên vật liệu xây dựng đầu vào, đặc biệt là giá thép có xu hướng tăng giảm thất thường. Có thời điểm giá thép tăng giá mạnh khiến chúng tôi gặp khó trong nhập vật liệu cho các công trình”, đại diện Cienco 4 cho biết.
Trước những khó khăn này, Cienco 4 đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo các dự án đầu tư công được thi công đúng tiến độ. Công ty đã đề xuất với chính quyền nơi thực hiện dự án có thêm cơ chế, chính sách để các xe vận chuyển vật liệu được vào thành phố nhanh hơn, giao đủ vật liệu để tiếp tục hoàn thành dự án; kiến nghị các bộ, ngành xem xét các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng, không để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu cần thiết. Bên cạnh đó, công ty chỉ đạo hoàn thiện các hạng mục công trình có thể chủ động trong nguồn vật liệu xây dựng sẵn có và dễ mua trong thời gian chờ nguồn vật liệu khác, duy trì nguồn nhân lực đầy đủ sẵn sàng thực hiện các mũi thi công công trình, không để công trình bị dừng lại.
Giải pháp mạnh trong bối cảnh đặc biệt
Trước tình hình cấp bách trong giải ngân vốn đầu tư công, UBND thành phố Hà Nội đang tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND thành phố đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài.
Video đang HOT
UBND thành phố Hà Nội tiếp tục kiên định đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021; trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các dự án có sử dụng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 cần khẩn trương, tích cực triển khai đúng tiến độ, tránh tình trạng hủy dự toán vốn 2020 kéo dài.
Thành phố chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Hà Nội tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 trước khi giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đối với dự án có cả kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch năm 2020 kéo dài.
UBND thành phố Hà Nội xác định việc thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. UBND thành phố đã có nhiều giải pháp về điều hành nguồn vốn của cấp thành phố đối vớỉ nguồn vốn ODA cấp phát, ODA vay lại. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, các chủ đầu tư gồm Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường thành phố; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, dự kiến khả năng thực hiện kế hoạch năm 2021 trên tinh thần nỗ lực triển khai ở mức cao nhất các dự án sử dụng vốn ODA cấp phát và ODA vay lại.
Trên cơ sở đó, thành phố đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát, vay lại trong trường hợp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021.
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thủ tục đầu tư để đủ điều kiện bố trí vốn năm 2021. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND thành phố thực hiện thủ tục phân bổ kế hoạch vốn đối với các dự án ngay sau khi đảm bảo đủ điều kiện bố trí vốn. |
UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá kỹ, dự kiến khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2021 của từng dự án trên tinh thần nỗ lực ở mức cao nhất; các đơn vị tiếp tục đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 như điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và phải nêu rõ lý do. Trên cơ sở đó, các đơn vị đề xuất điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đối với các dự án có khả năng giải ngân tốt, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để hoàn thành trong năm 2021, các dự án mới có đủ thủ tục và đảm bảo điều kiện đấu thầu, thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao bổ sung. Các dự án đề xuất bổ sung vốn phải đảm bảo có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung.
Thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ thực hiện dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với địa phương bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia, thành phố và bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã khi đề xuất bổ sung vốn cho dự án mới phải rà soát kỹ, đảm bảo dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, chủ trương đầu tư, dự án đầu tư… đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu, khởi công trong năm 2021 ngay sau khi được thành phố bố trí vốn hỗ trợ bổ sung năm 2021.
Đối với ngân sách cấp huyện, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 rà soát, đánh giá khả năng thu ngân sách theo dự toán đã giao; trường hợp dự toán thu không đảm bảo, báo cáo xem xét điều chỉnh giảm dự toán chi tương ứng nhưng phải đảm bảo cân đối đủ nguồn lực cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội.
Bứt tốc giải ngân đầu tư công - Bài 1: Đưa nguồn vốn 'mồi' vào nền kinh tế
Năm 2021 là năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công được thực hiện trong bối cảnh khu vực và thế giới có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn, phức tạp hơn so với dự báo bởi tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên toàn cầu.
Điều này đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh bị đình trệ. Vì vậy, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất mục tiêu kế hoạch cả năm được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021. Năm 2021 cũng đánh dấu là năm Chính phủ đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách yêu cầu từ cấp Trung ương đến địa phương "xắn tay" vào cuộc với tinh thần bứt tốc để thúc đẩy ngân vốn đầu tư đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch năm.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu loạt bài Bứt tốc giải ngân đầu tư công ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong năm chịu ảnh hưởng đặc biệt của dịch COVID-19, những tồn tại cố hữu và các giải pháp mạnh từ Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhằm kịp thời đưa nguồn vốn "mồi" vào nền kinh tế.
Thi công dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 57 với tổng chiều dài toàn tuyến 39,19 km, có tổng mức đầu tư toàn dự án 875 tỉ đồng. Ảnh minh họa: Công Trí/TTXVN
Bài 1: Đưa nguồn vốn "mồi" vào nền kinh tế
Đánh giá nguồn vốn đầu tư công khoảng 250.000 tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân, sáng ngày 28/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội trị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là việc cấp thiết để thúc đẩy tổng cầu cho nền kinh tế. Hội nghị cũng là diễn đàn phân tích những việc làm được, những việc chưa làm được để có giải pháp cho những tháng cuối năm và là kinh nghiệm cho cả giai đoạn 2021-2025.
Rà soát, tháo gỡ vướng mắc
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế trong những năm qua có chuyển biến tích cực nhưng đóng góp vào tăng trưởng của yếu tố vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác. Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Vốn đầu tư công có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với nền kinh tế và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng, đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 đang gây ngưng trệ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng thực tế, năm 2021 tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không như mong đợi.
Cụ thể, đến hết tháng 5 năm 2021, giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước mới đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm. Mức này tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2019.
Với kết quả này, để tiếp thêm nguồn lực vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh vốn đang bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 liên tiếp quay trở lại, ngày 29/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP (Nghị quyết 63) về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Nghị quyết này khẳng định thêm quyết tâm chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư tiếp theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo đó, Nghị quyết xác định rõ mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 phải đạt từ 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm; trong đó, đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, đến ngày 30/9/2021, các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao sẽ điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng...
Không dừng lại ở đó, ngày 16/7/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1242/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng; Tổ phó thường trực Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đảm nhiệm.
Đích thân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng phân loại và có hướng xử lý cụ thể theo đúng thẩm quyền các dự án giải ngân chậm. Những quy định mới của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cụ thể để áp dụng thống nhất trên cả nước. Từng bộ, ngành, địa phương phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên dưới tác động lây lan của dịch COVID-19, dự kiến đến ngày 30/9/2021 ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71%; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 60,88%; vốn nước ngoài đạt 12,69%; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 21,65%.
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, không thuộc trường hợp điều chỉnh theo quy định Nghị quyết 63/NQ-CP.
Chỉ rõ về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với năm 2020 mặc dù cả 2 năm cùng chịu tác động bởi dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm nay có sự khác biệt rõ rệt. Đó là tỷ lệ các địa phương thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ nhiều hơn so với năm 2020, do đó việc thi công công trình ở các địa bàn có dịch gặp khó khăn, thậm chí phải dừng thi công. Tiếp đến là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công do sự đứt gẫy chuỗi cung ứng và vận chuyển khó khăn cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ. Thêm vào đó, các địa phương có dịch, gần như ưu tiên cả về thời gian, nguồn lực con người, vật chất dành cho chống dịch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.
Đối với địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lại gặp những khúc mắc về thủ tục. Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù, địa phương đã rất nỗ lực triển khai đồng loạt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng các vướng mắc về quy định pháp luật đã cản trở dòng vốn đổ vào các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án trọng điểm, có quy mô lớn, tác động lan tỏa tới nền kinh tế.
Với thành phố Hà Nội, vướng mắc nằm ở điều chỉnh chủ trương đầu tư. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, Luật Đầu tư công chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm A (trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư). Sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì được giao thẩm quyền xuống Hội đồng nhân dân, nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn điều khoản chuyển tiếp.
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chậm còn do các nguyên nhân cố hữu từ những năm trước như vướng mắc giải phóng mặt bằng, trình độ thẩm định, phê duyệt dự án, năng lực nhà thầu. Việc chuẩn bị dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài không kỹ, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện hay cơ chế quản lý, giám sát của nhà tài trợ...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm suy giảm các động lực tăng trưởng từ các nguồn vốn khác, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
Bởi vậy, nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trực tiếp và gián tiếp, khách quan và chủ quan, tồn tại cố hữu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công... là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết để đảm bảo thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kích thích tổng cầu, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.
Giải pháp cho dài hạn
Dự án Nhà văn hóa thôn Trương Xá, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang được các đơn vị tích cực triển khai thi công. Ảnh minh họa: Thái Hùng/TXTVN
Với những tồn tại đã chỉ ra và để tháo gỡ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang kiến nghị Chính phủ sửa nhiều Luật; trong đó, có cả Luật Đầu tư công trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất; phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động rút ngắn thời gian thực hiện nhanh nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra trách nhiệm của người đứng đầu là phải quyết tâm và năng động hơn nữa trong chỉ đạo; đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, về phía tỉnh sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu thi công nếu không thực hiện giải ngân hết vốn đã giao.
Ông Đỗ Thành Trung, Vụ Kinh tế tổng hợp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, tránh dàn trải, các địa phương cần tiếp tục rà soát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng để tập trung vốn đầu tư có trọng điểm, trọng tâm.
Ông Trung cũng khẳng định, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nếu dịch bệnh được kiểm soát và các địa phương thực hiện tốt việc lập kế hoạch, bố trí vốn, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 sẽ đạt trên 90-95%. Đây sẽ là nguồn vốn quan trọng, "cứu cánh" cho tăng trưởng và phát triển sau gần 3 tháng các địa phương không thể triển khai dự án vì dịch COVID-19.
Tuy nhiên, một giải pháp mang tính dài hơi và căn cơ cho sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đó là việc Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn "mồi" để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành địa phương phải kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; trong đó phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới, kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đến nay các bộ ngành, địa phương đã công bố danh mục cắt giảm đầu tư hơn 1.000 dự án. Như vậy, cùng với sự thay đổi về thể chế, pháp luật, dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tiếp tục giảm xuống 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020; trong đó, có 2.236 dự án khởi công mới.
Dự kiến tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Số vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Theo đó, nguồn vốn Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng, trọng điểm, có ý nghĩa lớn, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... đồng thời khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã đề ra và nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương như hiện nay, hy vọng cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Và nguồn vốn này sẽ trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường.
Rà soát các dự án đầu tư công giải ngân dưới 60% để điều chỉnh vốn Để đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động rà soát các dự án đến 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn cho các dự án khác...