Buồn vui việc teen làm báo tường
Hàng năm, cứ mỗi dịp ngày lễ, các trường trung học lại có truyền thống làm báo tường. Báo tường là sản phẩm đặc sắc của teen, nhưng chân thành mà nói, có không ít chuyện vui buồn đằng sau việc làm báo tường này.
Nếu teen hỏi bố mẹ mình về chuyện làm báo tường hồi xưa, chắc chắn sẽ được nghe nhiều điều thú vị. Ngày trước, một tờ báo tường được cả tập thể lớp, trường dồn sức nâng niu. Ai có bài “trên báo” là tự hào lắm lắm. Cũng mang tính chất bắt buộc nhưng ai cũng háo hức chờ đợi…
Còn nay, báo tường được duy trì như một truyền thống. Tờ báo nho nhỏ do teen làm ra, được thầy cô điểm qua, đánh giá, trao giải rồi… về phòng lưu niệm hoặc sẽ “trụ” lại trong kho của trường. Giữa thời buổi truyền thông ào ào phát triển, báo chí, internet 24/ 24, teen dần thờ ơ với báo tường. Tuy thế, mỗi trường vẫn duy trì truyền thống này. Mỗi dịp 20- 11, tết, 8-3… là một dịp cho báo tường sôi nổi trở lại. Mà sôi nổi theo kiểu… thi đua chào mừng. Khi nhà trường phát động phong trào làm báo tường, thì điều đó có nghĩa là lớp nào cũng phải làm chứ không hẳn là tự nguyện. Bởi lẽ tờ báo sẽ được tính vào điểm thi đua của từng lớp. Trao giải, chấm giải có thể là phụ, cái điểm thi đua và “bảng xếp hạng” các lớp cho cả một tháng học tập mới là điều cần lưu ý.
Video đang HOT
Vì những lý do như thế, teen mình làm báo tường với nhiều cung bậc cảm xúc. Một chút háo hức, một chút lo lắng và hơn một chút ai oán não nề(!!). Sao không não được khi tờ báo làm ra sẽ bị soi và “đánh vào thi đua?
Xung quanh chuyện làm báo tường của teen cũng có nhiều chuyện rắc rối. (Ảnh: Zing)
Những nhà nghệ sĩ bất đắc dĩ
“Lệnh trường” về lớp, cả lớp phải làm. Cán sự sẽ phân ra mỗi người một nhiệm vụ. Nhóm phụ trách thiết kế, trang trí. Nhóm phụ trách nội dung… Lớp học trở thành một “toà soạn” mini mà nhà báo chính là teen.
Tuy thế, làm báo chẳng dễ, mà báo tường thì hình như teen mình chẳng mặn mà gì. Khâu nguyên liệu, thiết kế trang trí còn tạm dễ thở. Vài nhân có hoa tay, có nhiệt tình “ra tay” là ổn thoả. Quan trọng là phần nội dung. Thơ- văn- xã luận- truyện…. đó là những thể loại phổ biến để teen mình “lấp đầy” trang báo tường.
Khổ nỗi, đâu phải ai cũng có khả năng sáng tác, nên teen phải trở thành những “nghệ sĩ” bất đắc dĩ. Không ít bạn cho ra đời những bài thơ mà đọc lên không khỏi cười thắt ruột. Có teen sau một hồi vò đầu bứt tai cũng cho ra đời những bài “tản mạn” về chủ đề của tờ báo. Mà dường như tản mạn là thể loại được nhiều teen chọn nhất. “Tản mạn” mà- cứ lan man, tản mạn là.. có bài”- Phan Hoài, teen girl trường L cười ỏn ẻn… Cô bạn thật thà tâm sự: “Lớp toàn dân khối A, viết báo đâu dễ dàng gì. Mỗi lần đối mặt với nhiệm vụ làm báo tường, lớp tớ lại lo lắng méo mặt. Họp nhóm, phân công hàng tuần mà rồi trang báo vẫn lem nhem.”
Một thể loại khác được teen sáng tác nhiều nhất cho báo tường là thơ và truyện cười. Nhưng tiêu chí về nội dung phải về thầy- trò, trường lớp… cấm copy paste đặt ra nên cũng không đơn giản. Teen đành “bê” một vài tình huống hài hước trong lớp mình lên báo. Nhưng đưa “sản phẩm” ra trước hội đồng lớp, lỡ có “đụng chạm” gì thì lại nổ ra tranh cãi… Bài viết có nhưng chưa chắc đã được chấp nhận.
Những nghệ sĩ bất đắc dĩ của lớp có khi cũng trở thành những “nhà sản xuất” các bài viết cho nhiều thành viên. Ai có khả năng nhất sẽ được các bạn chọn mặt gửi vàng, sáng tác thơ, viết truyện cho những “mem” khác. Bài viết na ná nhau, trùng lặp và nghe “quen quen” là dễ hiểu.
Vì “buộc” phải có bài để nộp, nên nhiều bạn đành làm báo kiểu chiếu lệ. Tác phẩm được “ra lò” đã ít nhiều mất đi ý nghĩa để chào mừng ban đầu…
“Giá như tờ báo tường bớt đi tính bắt buộc một chút. Giá như các thầy cô quan tâm đến việc làm báo của chúng tớ hơn. Chúng tớ sẽ ít nhiều được định hướng về những gì mình sẽ làm, sẽ sáng tác…” – Hoàn, THCS Tô Hoàng chia sẻ.
Quả thực, thiếu một chút quan tâm của thầy cô, thiếu một tinh thần cầu tiến, tự giác của teen, những trang báo tường rất dễ bị biến thành món quà khuyết ý nghĩa trong những dịp chào mừng do nhà trường phát động.