Buổi sáng đi ăn bún mọc gà quen mà lạ
Không phải bún mọc với thịt chân giò và dọc mùng thường thấy, món ăn sáng ở quán nhỏ phố Nguyễn Chế Nghĩa rất đáng để bạn thử.
Bún mọc là loại bún có nguồn gốc xuất phát từ làng Mọc, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội và từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc với người dân thủ đô. Nói đến bún mọc là nói đến các thành phần cơ bản như sườn non, thịt chân giò thái mỏng, móng giò, dọc mùng và tất nhiên không thể thiếu những viên mọc đặc trưng được làm từ thịt lợn xay nhuyễn kết hợp với mộc nhĩ và nấm hương. Thế nhưng, món bún mọc ở phố Nguyễn Chế Nghĩa (nằm giữa Trần Hưng Đạo và Hàm Long, Hà Nội) lại được biến tấu lạ hơn một chút.
Bát bún của quán gồm những viên mọc, giò sống, thịt gà và măng khô.
Không thuộc danh sách những địa điểm ăn uống nổi đình nổi đám nhưng khi liệt kê các quán bún mọc ngon ở Hà thành thì tuyệt nhiên không thể thiếu quán bún mọc măng gà này. Quán nằm trong con phố nhỏ yên tĩnh, vắng vẻ nhưng lúc nào cũng đông khách. Quán mở cửa đã lâu năm, ban đầu phục vụ cho phần lớn phụ huynh và học sinh trường Ngô Sĩ Liên ngay gần đó. Sau này, do được truyền tai nhau mà nhiều khách đã tìm đến đây để thưởng thức món bún mọc vừa quen vừa lạ.
Vẫn là những viên mọc thơm mùi nấm hương, giòn dai của mộc nhĩ và giò sống mềm nhuyễn nhưng món bún của quán lại được kết hợp với thịt gà thái mỏng và măng khô thay vì thịt chân giò hay dọc mùng quen thuộc. Thoạt nghe có thể nhiều người sẽ nghĩ món bún mọc mà chế biến như vậy thật chẳng hợp lý và đúng vị chút nào. Nhưng nếu đã có dịp thử, bạn sẽ thấy những thứ tưởng như chẳng hề liên quan tới nhau ấy lại hòa quyện khá ăn ý.
Món quẩy của quán được thực khách rất yêu thích.
Không giống như đa số các quán khác thường hay chế biến món ăn với măng tươi, quán này dùng măng khô, ăn ngon hơn và có vị ngọt hơn. Măng khô đắt tiền và chế biến mất công hơn măng tươi nữa. Nước dùng của quán cũng ghi điểm với thực khách vì được hầm từ xương có vị ngọt tự nhiên và vớt hết bọt cho thật trong nước.
Đặc biệt, món quẩy ăn kèm được coi là đặc sản của quán khiến nhiều thực khách mê mẩn. Những chiếc quẩy nhỏ nhỏ, được rán căng phồng, màu vàng đẹp mắt, có độ giòn, xôm xốp vừa phải và quan trọng là không hề bị ngấm mỡ, ăn với bún rất “vào”.
Quán chỉ mở cửa vào buổi sáng.
Bún mọc măng gà đầy đủ có giá 23.000 đồng/bát. Quán chỉ mở cửa vào buổi sáng, có những hôm đông khách quán còn hết hàng từ khá sớm.
Theo MNMN
Những món bún Bắc 'hợp gu' thời tiết Sài Gòn
Với đặc tính thanh mát, dễ ăn, ít ngán, bún chả, bún thang, bún mọc, bún riêu... không chỉ mê hoặc thực khách Sài thành mà còn trở thành món ăn mùa nào cũng hợp.
Bún thang
Bún thang "níu" thực khách với bức tranh lập thể hài hòa, vị cay thơm của tinh dầu cà cuống, vị giòn của củ cải muối.
Video đang HOT
Trong số các loại bún Bắc, bún thang được liệt vào loại khó nấu và cầu kỳ nhất. Chính vì thế, việc kiếm một quán bún thang ngon, đúng điệu tại Sài Gòn không dễ.
Để có một tô bún thang ngon phải trải qua một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến nấu với gần khoảng 20 nguyên liệu. Bên cạnh đó, tô bún phải là một bức tranh hài hòa giữa trứng tráng, giò thái chỉ, thịt gà băm với nấm hương, ruốc, tôm he, rau răm băm nhỏ, miếng trứng muối đỏ như hoa... đi cùng là nước dùng trong vắt nhưng thật ngọt. Hai vị không thể quên nữa của món bún này là cay đậm của mắm tôm cà cuống và vị giòn của củ cải ngâm.
Địa chỉ: 37/10 bis Đinh Công Tráng, P. Tân Định, Q. 1; mở cửa: từ 6h30 sáng đến 1h chiều. Giá: 35.000 đồng/tô.
Bún mọc
Bún mọc là sự thăng hoa của các loại chả làm từ giò sống và vị ngọt của sườn heo.
Thanh Mai, một trong những hàng bún mọc nổi tiếng Sài Gòn.
Là một trong những món ngon đặc trưng Hà thành, song bún mọc dường như đã trở thành một phần quen thuộc của ẩm thực Sài thành. Nó có mặt ở mọi ngóc ngách thành phố này, từ những con đường sầm uất cho đến những ngõ hẻm lao động với đủ khẩu vị và biến thể. Và thực khách có thể thưởng thức món ăn này bất kỳ lúc nào trong ngày, mùa nào trong năm đều thấy ngon và hợp vị.
Một tô bún mọc ngon là sự kết hợp hài hòa bún, mọc, sườn non, chả quế, nấm hương và hành. Nước dùng của món bún này được hầm từ xương heo, vớt bọt cho thật trong mà không cần phải nêm nếm quá nhiều. Nhưng cái cầu kỳ nhất của tô bún lại nằm ở phần "nhân", tức là các loại chả ăn kèm. Hầu hết các loại chả đều làm từ giò sống với từng cách chế biến khác nhau, từ nguyên liệu ấy trở thành hàng loạt món chả hấp dẫn như chả lụa, chả quế, chả chiên, chả lá. Còn nếu chút hành tiêu cùng nấm hương, vo viên rồi cho thẳng vào nồi nước dùng trước khi múc cho khách thì gọi là mọc (hay "mộc").
Địa chỉ:
Bún mọc Thanh Mai, 14 Trương Định, P. Bến Thành, Q. 1. Giá tô lớn: 40.000 đồng, tô nhỏ: 35.000 đồng.
Bún mọc Bảo Trâm, đầu hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đa Kao, Q. 1. Giá: 30.000 đồng/tô.
Bún Huyền Chi, 39 Nguyễn Văn Lạc, P. 21, Q. Bình Thạnh; S5-1, Hưng Vượng 2, P. Tân Phong, Q. 7 (Phú Mỹ Hưng).
Bún chả
Bún chả thuộc dòng món ăn nguội, thanh, dễ ăn và dễ chế biến.
Song bí quyết của nó là phần chả viên phải làm từ thịt nạc vai với độ mềm, dẻo nhất định.
Cùng những miếng thịt ba rọi thái mỏng, ướp tẩm gia vị cần thận và nướng đúng lửa.
Bún chả là món hiếm hoi vẫn giữ nguyên hương vị và cách chế biến khi du nhập vào Sài Gòn. Thành phần món ăn này luôn có 2 loại chả là chả viên và chả miếng. Thịt heo cho món chả viên phải là loại thịt nạc vai bằm nhuyễn nặn viên, ướp với tiêu, nước mắm, đường, hành khô băm nhuyễn và dầu thực vật. Chả miếng là loại thịt ba rọi thái mỏng và ướp gia vị tương tự chả viên.
Công đoạn nướng cả 2 loại chả này cũng khá công phu vì nướng phải khéo sao cho miếng chả bên ngoài se mặt mà bên trong vừa chín. Bún chả ngon ở sự tổng hợp của hai loại chả nướng thơm phức, đi kèm chén nước mắm có vị ngọt của đu đủ xanh, vị chua của cà rốt trộn dấm, kèm đó là vị cay nhẹ của rau thơm, húng láng, tía tô.
Địa chỉ:
Bún chả Hồ Gươm: 47 Trương Định, P. 6, Q. 3; 8B Trần Phú, P. 4, Q. 5; 177 Điện Biên Phủ, P. Đa Kao, Q. 1; 107 Nguyễn Thái Học, P. Cầu Ông Lãnh, Q.1.
Bún chả Hà Nội, 28/14 Lê Thánh Tôn, P. Bến Thành, Q. 1.
Bún chả Hồ Tây, 20 Trần Cao Vân, P. Đa Kao, Q. 1.
Bún riêu cua
Bún riêu cua miền Nam có khá nhiều biến tấu. Đôi lúc nó cầu kỳ với sự tham gia của hàng loạt nguyên liệu như đậu hũ, huyết (tiết).
Lúc lại đơn giản với riêu cua và cà chua.
Theo nhiều tài liệu thì món bún riêu truyền thống ở miền Bắc chỉ là nước và riêu cua đồng, ăn với bún, rau và mắm tôm. Còn món bún riêu miền Nam, bên cạnh vị ngọt của cua đồng, nước dùng còn được nấu với sườn non để tăng thêm độ ngọt đậm đà cho món ăn. Phần ăn kèm cũng no đủ hơn với giò heo, huyết (tiết), chả cây, chả Huế, đậu hũ chiên... và sinh động hơn với màu đỏ của cà chua xào và hạt điều.
Để thêm vị chua khi thưởng thức, thì ở phiên bản phía Bắc, thực khách cho thêm giấm bỗng có vị chua dịu mà thơm lừng, giúp át bớt mùi tanh của cua. Còn ở Sài Gòn, người ta cho nước cốt từ trái me, để riêng một cái hũ cho ai thích ăn chua thì tùy ý thêm vào.
Địa chỉ:
Bún riêu cua cổng Công viên Văn Lang - đường Hùng Vương (P.9, Q.5).
Bún ốc Thanh Hải, 14/12 đường Kỳ Đồng, P. 9, Q. 3.
Bún Bảo Trâm, đầu hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đa Kao, Q. 1.
Bún cá rô đồng
Du nhập vào Sài Gòn nhiều năm nhưng bún cá rô đồng vẫn là món lạ với nhiều thực khách. Lý do ít phổ biến của món bún cá rô đồng này là vì thành phần và cách thức chế biến khá công phu và cầu kỳ, nên để nấu ngon không phải dễ.
Bún cá rô đồng quyến rũ với nước dùng thuần túy nấu từ cá rô và phần ăn kèm gồm cá rô chiên giòn tan, chả cá rô, thịt cá vàng ươm thoảng mùi nghệ, khối trứng vàng ươm cùng các loại rau ăn kèm như bạc hà (dọc mùng), thì là, hành lá xắt nhuyễn nữa...
Địa chỉ: 263 Võ Văn Tần, P. 5, Q. 3.
Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm là cái tên được quan tâm nhất hiện nay của ẩm khách Sài thành và là món một tuần ăn vài lần vẫn không ngán.
Bún đậu mắm tôm khá đơn giản với bún lá, mắm tôm, đậu hũ chiên nhưng để "no đủ", người ta thường thêm lòng hay thịt heo luộc/rán. Nguyên liệu và cách chế biến đơn giản nhưng để có một "trẹt" (mâm) bún đậu mắm tôm ngon hôi tụ rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, mắm tôm chính hiệu để ăn với bún đậu phải được đặt từ những lò làm mắm gia truyền ở Thanh Hóa, bún Phú Đô, rau thơm làng Láng. Đậun rán ăn kèm cũng quan trọng không kém. Từng miếng béo ngậy với lớp vỏ được chiên khéo nhưng mềm mịn từ bên trong. Chả cốm chiên khi dầu thật sôi để lớp cốm nở bung. Thịt chân giò ngọt mềm phần thịt, giòn rụm phần da.
Địa chỉ:
Quán cô Khàn, 102/1B Cống Quỳnh, P. Phạm Ngũ Lão, Q. 1.
Quán A Vừng, 52 Lương Hữu Khánh.
Quán Đậu Homemade, 06 Hồng Hà, P. 2, Q. Tân Bình.
AN HUỲNH
Theo Infonet
Bún mọc Thanh Mai: Nét độc đáo của ẩm thực Hà thành Bún mọc, món ngon đặc trưng Hà thành dường như đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống ẩm thực Sài Gòn. Nó có mặt ở mọi ngóc ngách thành phố này, từ những con đường sầm uất cho đến những ngõ hẻm lao động với đủ khẩu vị và biến thể khác nhau. Tô bún mọc nổi tiếng Thanh Mai...