Buổi họp phụ huynh cuối năm lạ lùng
Đó là buổi họp phụ huynh của Trường THPT Việt Nhật (TP.HCM).
Cuối tuần qua, tôi có dịp được dự buổi họp phụ huynh của Trường THPT Việt Nhật tại TP.HCM.
Là một phụ huynh nhưng con còn nhỏ, vì vậy với cuộc họp này, tôi là người ngoại đạo. Tôi tới bởi muốn biết cuộc họp phụ huynh cuối năm ở các trường như thế nào, khi lâu nay câu chuyện “đầu năm đóng góp, cuối năm chốt tiền” đã trở nên quen thuộc.
Mặt khác, tôi cũng tò mò khi cuộc họp phụ huynh được diễn ra dưới sự chủ trì của vị hiệu trưởng từng là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – ông Phạm Ngọc Thanh.
Cuộc họp phụ huynh dưới sự chủ trì của hiệu trưởng Phạm Ngọc Thanh, từng là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Mở đầu cuộc họp, khác với những gì tôi hình dung, hiệu trưởng nhà trường dành lời tri ân cho phụ huynh.
“Trước hết, tôi xin thay mặt nhà trường hoan nghênh các phụ huynh đã tới đúng giờ. Điều này chứng tỏ quý vị phụ huynh rất quan tâm đến việc chăm sóc, dạy dỗ con em mình nên người, điều này giúp nhà trường chúng tôi cảm thấy rất được an ủi. Phụ huynh ai cũng thương con, nhưng không phải ai cũng chăm lo cho con đúng đắn vì những tất bật cuộc sống, đến khi con xảy ra chuyện thì những hành động của phụ huynh không ápđặt được để giúp con phát triển đúng. Vậy nên sự có mặt của quý vị ngày hôm nay chúng tôi rất hoan nghênh”.
Ông nói cuộc họp hôm nay sẽ là những chia sẻ mà ông tâm đắc nhất.
Rồi thầy hiệu trưởng nói về những tệ nạn xã hội gần đây, trong đó có cả việc mua điểm và chạy điểm. Ông bảo những tệ nạn đặt ra cho người thầy cũng như các phụ huynh một bài toán đáng phải suy nghĩ.
“Điều đầu tiên nhà trường muốn dạy cho học sinh là học có kiến thức để biết đúng – sai, học để có năng lực sinh tồn, và học để lòng nhân ái yêu thương, vị tha lớn hơn vị kỷ”
“Do việc chạy theo thành tích của nhà trường và phụ huynh đã tạo áp lực cho học sinh. Chúng ta không nên như vậy mà phải chấp nhận cho trẻ thất bại để từ đó đi lên. Không nên khoe khoang là con mình học thế này thế kia để khi trẻ thất bại sẽ bị áp lực rất lớn. Đến lúc đó, gia đình lại lo lót điểm để con được vào các trường tốt”.
Ông chỉ ra thông thường, mong muốn của phụ huynh là con có địa vị xã hội và có nhiều tiền. “Nhưng chúng ta nên nhớ rằng nếu nhấn mạnh việc đó quá, về lâu về dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Vì tiền nên tạo ra sự gian dối, thủ đoạn. Cuộc đời sẽ không bền vững nếu chúng ta nuôi dưỡng sự gian dối, không trung thực”…
Video đang HOT
Chú ý quan sát, tôi thấy có vị phụ huynh trầm trồ tán thưởng, có phụ huynh ngồi im lặng chăm chú nghe.
Tiếp tục cuộc họp, vị hiệu trưởng chỉ ra 4 vòng tròn đào tạo. Ông nói vòng tròn đầu tiên là kiến thức – đây là cái không phải ngày một ngày hai mà gần như suốt cả cuộc đời sẽ phải học. Thứ hai là vòng tròn kỹ năng – hiện tại doanh nghiệp rất ưa chuộng, nhưng phụ huynh phải hiểu kỹ năng là biết sử dụng kiến thức đã học để làm việc. Thứ ba là vòng tròn xu hướng, tính cách – đó là mỗi người có thể giỏi mặt này hoặc mặt kia. Và vòng tròn cốt lõi là phải biết áp dụng những vòng tròn trên vào cuộc sống.
Ông bảo ở trường này, điều đầu tiên nhà trường muốn dạy cho học sinh là học có kiến thức để biết đúng – sai, học để có năng lực sinh tồn, và học để lòng nhân ái yêu thương vị tha lớn hơn vị kỷ. Bởi vì một đứa trẻ muốn phát triển phải được rèn luyện và chia sẻ. Một học sinh giỏi không hề vi phạm quy định vì đã được dạy dỗ, có cái nền nhưng khi em cũng không hề dạy lại cho các bạn và để đó giành thành tích riêng là đã tạo ra mầm mống của sự ích kỷ, sau này sẽ không muốn làm việc nhóm và có thủ đoạn để vươn lên trên người khác.
Ông dặn phụ huynh không nên so sánh giữa các học sinh. Hiện nay, điều nhà trường lo lắng là chính là “con nhà người ta”.
Phụ huynh dự họp
“Tôi nói với các giáo viên là dạy để đủ đậu, riêng các em có năng khiếu thì hỗ trợ khơi gợi cho các em niềm đam mê và khả năng tự học, sẽ tạo kiến thức bền vững. Khẩu hiệu của chúng tôi là sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm”.
“Chúng tôi sẽ tập cho học sinh nở nụ cười vào sáng thứ hai. Tôi cũng yêu cầu giáo viên trong tuần phải có một câu chuyện giáo dục đạo đức để các em biết yêu thương, thấu hiểu nhau, biết đối mặt với thất bại của chính mình, tập chấp nhận những điều không thể thay đổi…”.
Cuối buổi họp, vị hiệu trưởng cam kết sẽ thường xuyên liên lạc với phụ huynh để gặp mặt, trao đổi. Trao đổi ở đây không có nghĩa là mắng vốn mà là sự báo cáo về việc học của các em, có sự tiếp xúc qua lại giữa nhà trường và gia đình.
Ông Phạm Ngọc Thanh cũng mong muốn phụ huynh tâm sự nhiều hơn với các con. “Phụ huynh hãy hỏi rằng con cảm thấy mình đã tiến bộ những gì trong năm vừa qua, không chỉ là môn học mà còn trong cuộc sống, và vì sao con lại cảm thấy như vậy. Hãy hỏi cháu về bạn bè trong lớp và thêm nhiều điều khác. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu hơn về con mình. Phụ huynh cũng nên tổ chức ăn mừng về những việc cháu đã làm được trong năm học vừa qua. Ăn mừng ở đây có rất nhiều cách, để tuyên dương và giúp các em phát triển hơn trong năm tiếp theo…” – ông dặn dò và kết thúc buổi họp.
“Tôi rất là tâm đắc vì nhà trường đã có buổi họp phụ huynh bổ ích như vậy, để chia sẻ thêm những kinh nghiệm nuôi dạy con. Nhưng nếu chỉ sinh hoạt như thế này thì hơi đơn điệu mà nên xen kẽ với những hoạt động giúp phụ huynh và con mình gắn kết hơn, sẽ đem lại lợi ích thiết thực hơn” – một phụ huynh chia sẻ.
“Tôi thấy thầy hiệu trưởng rất tâm huyết và có những chia sẻ chân tình. Tôi nghĩ một tuần hoặc một tháng nên có những buổi sinh hoạt như thế này để sự kết hợp giữa phụ huynh với nhà trường ngày càng chặt chẽ. Những cái tốt nhất nên được nêu ra để giúp học sinh học tốt và giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc giữa nhà trường và các em” – phụ huynh Bùi Công Thành, bố của học sinh Bùi Quang Huy.
“Buổi họp phụ huynh hôm nay rất có ích, ngoài giúp chúng tôi biết cách giáo dục con cái thì nhà trường cũng thông tin những vấn đề học sinh đang được học. Các phụ huynh cũng như bản thân tôi học thêm được một bài học làm người. Dù đi họp cho con nhưng tôi có cảm giảm là mình đang được đi học” – phụ huynh Hà Thế Sự, bố của học sinh Hà Đình Thạch, lớp 12A.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Tôi đã xin lỗi trong buổi họp phụ huynh khi cô giáo rơi nước mắt
Tôi kể câu chuyện này mong cô - trò - phụ huynh bớt "cái tôi" để biết lắng nghe, để bớt các vụ bạo lực học đường, giáo viên cũng không phải rơi lệ vì những hành động nóng nảy không nên có.
Ảnh minh họa
"Lớp con lại đổi giáo viên", "Lớp con nóng nhưng không được bật điều hòa" "Lớp con bạn A, bạn B bị cô mắng..." - trước những điệp khúc sau mỗi buổi học về của con, tôi lại tìm cách "xoa dịu", có phần đứng về phía nhà trường để con không có suy nghĩ lệch lạc. Vì đơn giản con đang học trong mô hình trường học được cho là ưu tú của thành phố.
Nhưng con kể nhiều chuyện cũng làm người mẹ là tôi xao động, đặt vô số câu hỏi. Tôi chọn cách trao đổi với ban phụ huynh. Rất vui là mọi phản ánh đều được ban phụ huynh tiếp nhận, kết nối tới ban giám hiệu nhà trường.
Thay đổi như thế nào sau đó? Theo lời con kể thì lớp được hôm bật điều hòa, hôm lại không. Thầy cô lên lớp trò vừa kịp mến vì hợp cách dạy thì nhà trường lại "điều chuyển" sang lớp khác.
Việc điều chuyển này chẳng có gì đáng nói, nếu cô không có những lời lẽ "áp đặt" khiến học sinh phản ứng như: "Lớp dốt nhất khối, trò nghịch"...
Những bức xúc, chán nản không nhỏ từ phía học trò ở tuổi bắt đầu có chính kiến...cứ thế dội đến phụ huynh. Trưởng ban phụ huynh nói rằng đã trao đổi với ban giám hiệu những hiện tượng đó.
3 năm THCS, lớp con đổi 3 giáo viên chủ nhiệm, chưa kể giáo viên các môn toán, văn.... Trong số đó, có cô chuyển đi nơi khác.
Một số phụ huynh buộc phải tính đến việc chuyển cho con sang lớp khác (chắc do nghĩ lớp học có vấn đề). Những đứa trẻ đang thân nhau bỗng chuyển lớp trong tiếc nuối của các bạn ở lại. Chưa kể, lại có bạn ở trường khác "nhập cư" về.
Chuyện nhỏ đã thành chuyện không nhỏ diễn ra ở buổi họp phụ huynh.
Cô giáo chủ nhiệm điều hành khiến những người tham dự có cảm giác như cô bị "ép" nhận lớp chứ chẳng hào hứng gì. Cô nói trước buổi họp gồm cả những người ít tuổi hay lớn tuổi hơn mình bằng những lẽ thiếu mô phạm, không đúng với tên gọi "chất lượng cao" của trường học.
Ban phụ huynh nhìn nhau, khó chịu không tả được. Người này ủn người kia. Cuối cùng, tôi xin phép góp ý kiến.
"Xin phép được góp ý kiến nhỏ để cô hiểu trò hơn. Các cháu đang ở độ tuổi nhạy cảm, mọi lời lẽ của người lớn nếu không đúng sẽ khiến các cháu rơi vào mặc cảm. Học trò học ở đây nên được đối xử công bằng. Có thể một số thầy cô măc định lớp này dốt hơn lớp kia nhưng tôi nghĩ các thầy cô không nên nói ra quá nhiều. Cô này nhắc rồi, thì cô khác nên có cách nói khác. Các cháu học tốt là công các cô phần lớn, còn các cháu chưa tốt mong các cô có kèm cặp thêm...".
Vừa nói đến đó, cô giáo bỗng bật khóc. Tự dưng tôi bị cảm giác có lỗi. Những điều tôi nói không sai, mà đó là chưa nói hết những gì học trò, và các phụ huynh khác tâm tư nữa.
Tôi đứng nghe cô phân trần "Phụ huynh nói thế là phụ công các cô...". Rồi cô giải thích dài dòng.
Bỗng nhiên, tôi có cảm giác nếu cứ căng lên hơn thua với cô, không khí sẽ nặng nề hơn với các con khi lên lớp.
Nghĩ vậy, tôi chủ động nói lời xin lỗi cô và xin rút lại những gì đã nói trước cuộc họp.
Lúc đó, tôi cũng thoáng thất vọng vì nghĩ rằng cô không biết lắng nghe.
Cũng may mà buổi họp có cô giáo chủ nhiệm cũ dự để bàn giao. Cô cũng nêu ý kiến khiến cho không khí căng thẳng giảm xuống.
Sau cuộc họp, phụ huynh như được giải tỏa điều khó nói. Ít ra là đã có người nói hộ những điều mình không dám bày tỏ.
Nhưng có một kết quả khả quan hơn cả chính là cô chủ nhiệm. Dù bị ban giám hiệu nhắc nhở nhưng cô đã không để bụng.
Trong quãng thời gian sau đó, những lời đẹp về cô của con tôi và các bạn đã dần thế chỗ cho sự phàn nàn.
Tôi hiểu là cô đã lắng nghe và tự điều chỉnh mình sau đó.
Quan trọng hơn, cô đã đồng hành với trò hết 2 năm. Và trong kỳ thi vào lớp 10, học sinh của lớp đỗ vào trường luôn trong top 3 của thành phố với tỉ lệ cao.
Tôi kể câu chuyện trên để mong cô - trò - phụ huynh bớt "cái tôi" mà lắng nghe, để bớt các vụ bạo lực học đường, giáo viên cũng không phải rơi lệ vì những hành động nóng nảy và lời nói thiếu sư phạm, xúc phạm tới học sinh không nên có của chính mình.
Nam Anh
Theo vietnamnet
Cảm xúc từ buổi họp phụ huynh Đối lập với những "lùm xùm" trong ngành giáo dục: Bạo lực học đường, lạm thu học phí đến tiêu cực trong thi cử...là môi trường sư phạm mẫu mực, học sinh tiến bộ được nhiều phụ huynh hài lòng tại Trường tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình (Hà Nội). Đến dự một buổi họp phụ huynh của Trường tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình...