Bỏ việc lương cao để du học, kỹ sư suýt bị GS Hàn ‘đuổi’ khỏi lab
Mặc dù đã có kinh nghiệm hơn 5 năm làm việc tại Samsung Việt Nam, Lê Xuân Lực vẫn quyết tâm bỏ lại tất cả để theo đuổi giấc mơ du học ấp ủ từ thời sinh viên.
Lê Xuân Lực (sinh năm 1990) là cựu sinh viên Cơ khí (chương trình Kỹ sư) và ngành Cơ điện tử (bậc Thạc sĩ) của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện nay, Lực là tiến sĩ nghiên cứu tại khoa Nano IT Fusion Engineering, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul (SeoulTech), theo đuổi hướng nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực Vi Cơ điện tử và đóng gói bán dẫn.
Trong thời gian đi du học, Lê Xuân Lực đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu theo đặt hàng của Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.
Cú sốc vì ’suýt’ bị đuổi khỏi Lab
Sinh ra ở vùng quê nghèo của Thanh Hóa, dù ấp ủ ước mơ du học từ rất sớm, nhưng sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Lê Xuân Lực quyết định đi làm để trang trải cuộc sống.
Hơn 5 năm làm việc tại Samsung Việt Nam, Lực từng làm phó phòng Nghiên cứu và Phát triển, với mức thu nhập khá so với mặt bằng chung vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, mong muốn được đi du học chưa bao giờ vơi bớt trong tâm trí của Lực.
Đồng thời, khi đi làm, Lực cũng nhận thấy sinh viên Việt Nam rất giỏi nhưng khi vào công ty thường lại phải đào tạo lại từ đầu. Trong đầu anh xuất hiện câu hỏi: “Đi làm 5 năm trong 1 công ty nước ngoài rồi, tại sao mình không thử đi du học để tìm hiểu xem các trường, các công ty nước ngoài họ đào tạo, phát triển công nghệ ra sao?
Cuối cùng, Lực quyết định bỏ lại tất cả, bỏ việc và xin học bổng đi Hàn Quốc.
Với kinh nghiệm 5 năm làm việc tại một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới của người Hàn, khi đặt chân đến sân bay, Lực rất tự tin với quyết định của mình.
Mặc dù vậy, chàng kỹ sư 9X nhanh chóng nhận cú sốc trời giáng.
“Làm việc với giáo sư Hàn Quốc luôn bị áp lực tiền bạc và phải trả về kết quả. Ngay tuần đầu tiên, tôi đã bị giáo sư yêu cầu rời khỏi lab, nói gay gắt một chút là ‘đuổi thẳng’ vì không có khả năng làm việc” – Lực nhớ lại.
Theo Lực, khi thấy chàng trai người Việt chưa thể tìm kiếm tài liệu, viết lách…ngay như mình mong muốn, vị giáo sư đã vô cùng tức giận.
“Sau đó là những chuỗi ngày kinh hoàng khi giáo sư liên tục nổi nóng, chê mình không có khả năng nghiên cứu, viết báo, trình bày và nói rất nặng lời là hãy quay về đi”.
Một số đồng hương của Lực ở Hàn Quốc nhớ lại, thời điểm đó luôn gặp Lực trong trạng thái căng thẳng và mệt mỏi. Thậm chí, theo lời kể của một nghiên cứu sinh, Lực đã nhiều lần áp lực đến phát khóc. Cũng ở phòng lab nơi Lực làm việc, chỉ trong 1,5 năm, đã có 10 nghiên cứu sinh Hàn Quốc và 2 nghiên cứu sinh Việt Nam lần lượt rời đi.
Dù bế tắc, Lực xin gặp để nói chuyện thẳng thắn với vị giáo sư. Sau khi chia sẻ những vướng mắc, chàng trai 9X đề nghị giáo sư cho anh cơ hội để chứng minh năng lực của mình.
“Hãy cho tôi 1 khoảng thời gian và tôi có thể làm tốt hơn tất cả các sinh viên Hàn”, Lực đề nghị và xin thử thách trong 2 tháng.
Video đang HOT
Được chấp thuận, những ngày sau đó, Lực ăn ngủ trên phòng lab và làm việc liên tục. Anh chia sẻ: “Một ngày mình chỉ ngủ 3-4 tiếng. Mình lên lab từ 8,9h sáng và 6h sáng hôm sau mình mới về nơi ở”.
Dần dần, mọi việc có vẻ ổn hơn theo nhận định của Lực. Dù bất lợi về khả năng đọc, viết báo, nhưng Lực tận dụng thế mạnh của mình về kinh nghiệm làm việc, kỹ năng hoạch định nghiên cứu để cải thiện hiệu quả của dự án.
“Làm việc tại lab nghiên cứu ứng dụng giống như làm việc tại 1 công ty thu nhỏ vậy” – Lực cho rằng, những lợi thế của 5 năm đi làm đã giúp mình không nhỏ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngoài ra, việc học tốt kiến thức nền tảng ở bậc đại học, theo Lực là một thế mạnh của du học sinh Việt khi ra nước ngoài.
Công sức bỏ ra của Lực cuối cùng cũng được đền đáp khi anh đã tham gia 4 dự án liên tiếp trong vòng 6 tháng, có kết quả báo cáo rất tốt. Anh cho biết giáo sư cũng dần thay đổi cách nhìn và giao rất nhiều nhiệm vụ trong lab cho mình.
“Thử thách luôn rất đẹp”
Mặc dù công việc đã dần suôn sẻ hơn, nhưng những khó khăn với Lực vẫn tiếp tục.
Từng mất 4,5 năm để hoàn thành chương trình Kỹ sư tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và 1,5 năm để hoàn thành chương trình Thạc sĩ, các dự án và báo cáo đều được đánh giá tốt, nhưng anh đã bị giáo sư đánh trượt ⅔ môn thi tốt nghiệp.
Khi thắc mắc với giáo sư, Lực nhận được câu trả lời: “Thử thách luôn rất đẹp”.
Lực đã nghiền ngẫm lại và nhận ra vị giáo sư luôn đặt 1 quy chuẩn để đánh giá nghiên cứu sinh và mình phải vượt qua thì mới được công nhận.
Sau nhiều nỗ lực, dù trải qua những khó khăn ‘chưa từng có’ trên con đường học hành, Lực bảo vệ sớm và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Nano IT Fusion chỉ trong 2,5 năm. Như vậy, Lực đã tốt nghiệp sớm ở cả 3 bậc học mà mình trải qua.
“Dù từng có rất nhiều khúc mắc với giáo sư nhưng tôi nhận ra mình đã nhận được thành quả xứng đáng. Tôi biết ơn vị giáo sư hướng dẫn mình, bởi nhờ những áp lực đó, tôi mới có bước tiến như hiện tại. Giờ giữa chúng tôi như 2 người bạn, song hành làm việc với nhau, trao đổi rất thẳng thắn. Nhờ sự hỗ trợ của ông, tôi có nhiều kết quả mới, có nhiều dữ liệu để viết báo và các báo cáo cũng được đánh giá rất tốt”, Lực chia sẻ.
Vì thế, Lực cho rằng, những nghiên cứu sinh sang Hàn theo hình thức ‘học bổng giáo sư’ cần tìm hiểu thật kỹ hướng nghiên cứu của lab cũng như của vị giáo sư hướng dẫn.
Cuối cùng, phải luôn vững vàng và nỗ lực hết sức.
“Các giáo sư người Hàn nhận hỗ trợ của Chính phủ, của doanh nghiệp… để nuôi sống lab, bản thân họ cũng vô cùng áp lực. Vì thế, phải xác định có một tinh thần thép mới có thể trụ vững”.
Nói về hướng đi sắp tới, Lực cho biết đang là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội và sẽ sớm quay trở về.
Theo đánh giá của Lực, nhu cầu về chip hiện rất cao. Hiện Việt Nam chưa có những công ty, doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chip. Trong khi đó, các công ty lớn trên thế giới đang tiến hành khai thác thị trường tiềm năng này.
Với đặc thù ngành Vi cơ điện tử và đóng gói bán dẫn của mình, anh mong rằng sẽ có thể góp phần phát triển lĩnh vực này ở trong nước.
“Mình sẽ học tập, tích lũy kinh nghiệm thêm 1 thời gian nữa rồi quay trở về Việt Nam”, Lực khẳng định.
Từ chàng kỹ sư suýt thất nghiệp đến hơn 50 công bố quốc tế
Tan vỡ giấc mơ trở thành chàng kỹ sư đóng tàu thủy ở quê nhà, Mai Thế Vũ tình cờ gặp cơ hội du học rồi trở thành một nhà nghiên cứu chuyên về các phương tiện không người lái.
Trước khi trở thành Giáo sư trợ lý tại Khoa Kỹ thuật Cơ điện tử thông minh, Đại học Sejong (Hàn Quốc), Mai Thế Vũ từng giành học bổng toàn phần và tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Hàng hải Quốc gia Hàn Quốc (KMOU). Vũ cũng nhiều năm liền đạt học bổng dành cho sinh viên nước ngoài của Viện Khoa học Kỹ thuật và Hàng hải Hàn Quốc (Korea Institute of Ocean Science and Technology -KIOST).
Dù vậy, ít ai ngờ hướng nghiên cứu hiện tại của anh khác hẳn với chuyên ngành được đào tạo khi còn theo học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là chuyên ngành Tàu thủy, Khoa Kỹ thuật giao thông.
Mai Thế Vũ (sinh năm 1990) là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Bước ngoặt của 9X giành học bổng trái ngành
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vào năm 2013, đúng vào thời điểm các công ty đóng tàu đang gặp nhiều khó khăn, chàng kỹ sư quê Vũng Tàu vẫn cố gắng tìm kiếm cho mình một công việc theo đúng chuyên ngành.
Dù vậy, mọi cố gắng của anh ở thời điểm đó vẫn không mang lại kết quả như mong đợi.
"Việc thì nhiều nhưng cái chính là mình vẫn muốn theo đuổi đúng chuyên ngành được học", Vũ nhớ lại.
Giữa lúc đang cảm thấy hoang mang và nản lòng, tình cờ, Vũ được thầy giáo chủ nhiệm lớp đại học giới thiệu về cơ hội đi du học tại Đại học Hàng hải Quốc gia Hàn Quốc. Không do dự quá lâu, anh quyết định "đánh liều" chọn con đường theo đuổi ngành Cơ điện tử theo dạng học bổng của giáo sư, dù là học trái ngành.
"Trước đó, tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến chuyện đi du học. Bởi lẽ, tôi cho rằng, những người đi du học thường học rất giỏi hoặc gia đình phải có điều kiện. Nhưng ở thời điểm đó, tôi vẫn muốn thử cho mình một cơ hội", Thế Vũ nói.
May mắn, hồ sơ của anh sau đó đã được chấp nhận. Nhưng khi sang Hàn Quốc, anh tiếp tục gặp phải không ít khó khăn.
"Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải chính là phải học cách thích nghi và tự trau dồi kiến thức cho bản thân, nhất là khi chuyển từ ngành Tàu thủy sang Cơ điện tử. Hơn nữa, một rào cản khác là ngôn ngữ. Kể cả khi còn ở Việt Nam, mình có thể là một người khá về tiếng Anh, nhưng khi sang nước bạn, giáo sư chủ yếu vẫn giao tiếp và giảng dạy bằng tiếng Hàn. Do đó, mình vẫn phải học cách để trao đổi, chia sẻ".
Còn một khó khăn nữa, khi làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, 80% thời gian trong ngày phải dành cho việc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Với cường độ và khối lượng công việc lớn như vậy, chuyện thường xuyên phải ở lại phòng thí nghiệm sau 12h đêm không còn là chuyện hiếm.
"Giáo sư Hàn Quốc chỉ quan tâm đến kết quả. Mỗi tuần một lần, mình cần phải có số liệu để báo cáo, do đó gần như tôi phải làm việc liên tục tất cả các ngày trong tuần", anh Vũ nói.
Dù vất vả hơn so với những du học sinh đi học bằng học bổng Chính phủ, nhưng với chàng trai người Việt, đây cũng là cơ hội.
"Giáo sư tại Hàn Quốc thường nhận khá nhiều dự án về cho lab của mình. Vì thế, các thành viên tham gia có thể nắm được quá trình triển khai dự án cũng như các bước thực hiện. Dù mỗi thành viên có thể sẽ phải làm nhiều công việc một lúc, nhưng đây cũng chính là cơ hội giúp mỗi người được học hỏi thêm nhiều điều hơn".
Ngoài ra, theo Vũ, có một điều may mắn là đã được dạy kiến thức nền và các môn đại cương rất tốt khi học đại học ở Việt Nam. Vì vậy, khi chuyển hướng, Vũ vẫn có thể cố gắng đáp ứng được yêu cầu của giáo sư.
"Gia tài" trên 50 công bố quốc tế
Trong những năm đầu tiên ở Hàn, nghiên cứu của anh Vũ tập trung về robot xây dựng dưới nước. Đây cũng là nội dung được anh trình bày trong bài báo khoa học đầu tiên của mình.
"Với robot xây dựng dưới nước, con người có thể điều khiển để đào rãnh, chôn cáp hay đường ống dưới đáy biển. Trong bài báo này, tôi đã tính toán lực, kết cấu,... để có thể điều khiển robot thực hiện các nhiệm vụ được lập trình sẵn".
Để hoàn thành bài báo đầu tiên, Vũ đã phải mất đến gần 1 năm trời. Theo Vũ, khó khăn lớn nhất chính là việc lên ý tưởng và tìm kiếm tài liệu. Do đặc thù là ngành nghiên cứu hẹp nên tài liệu tham khảo không nhiều. Vì thế, quá trình nghiên cứu cũng gặp phải không ít khó khăn.
Một vấn đề khác nằm ở khả năng viết lách. Giai đoạn đầu tiên, khi kinh nghiệm viết báo còn ít ỏi, 9X không thể viết được một bài báo khoa học với ngôn ngữ chuẩn. Chính vì vậy, anh đã phải liên tục trao đổi với giáo sư mỗi ngày để xin ý kiến. Sau 1 tháng miệt mài viết, sửa, bài báo đầu tiên đã hoàn thiện, sau đó được chấp thuận đăng trên một tạp chí uy tín.
Chỉ trong vòng vài năm tại Hàn Quốc, anh Vũ đã có hơn 50 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Trong đó, có 11 bài báo thuộc danh mục Q1 (7 bài là tác giả chính), 10 bài báo thuộc danh mục Q2 (5 bài là tác giả chính). Ngoài ra, là tác giả chính của 4 giải thưởng bài thuyết trình xuất sắc (best presentation) các hội nghị khoa học tại Hàn Quốc năm 2017, 2018, 2019.
Theo anh, điều quan trọng nhất với một nhà khoa học là phải xây dựng cho mình được một mạng lưới riêng.
"Nhà khoa học không thể đi đơn độc. Thông qua mạng lưới này, các nhà khoa học có thể học hỏi, trao đổi lẫn nhau về các mối quan tâm chung, từ đó sẽ giúp họ nảy ra nhiều ý tưởng thiết thực", anh Vũ nói.
Bản thân anh hiện cũng đã xây dựng cho mình một mạng lưới các nhà nghiên cứu trong ngành đến từ Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan...
Sau 8 năm sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, hiện tại, anh vẫn đang tiếp tục theo đuổi con đường phát triển công nghệ robot dưới nước, phục vụ các nhiệm vụ như thăm dò khoáng sản, tìm kiếm các vật thể mất tích dưới biển, đặc biệt là ứng dụng trong quân sự khi có thể phát hiện những vật thể lạ xâm nhập vào chủ quyền dưới nước.
Vũ cùng vợ ở Hàn Quốc
Dù đã có những bước tiến "không ngờ tới", nhưng Mai Thế Vũ cho rằng, ở thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa thể quay trở lại Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng đây là một mảng chuyên sâu, trong khi kiến thức của mình chưa đủ để có thể đứng độc lập nghiên cứu. Hơn nữa, lĩnh vực robot dưới nước tại Việt Nam cũng chưa được phát triển mạnh.
Tôi cũng đã tìm hiểu và biết, có một số nhà khoa học dù theo đuổi mảng này tại Hàn, nhưng sau khi trở về Việt Nam vẫn khó tiếp tục bám mảng vì chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu".
Do đó, 9X Việt mong muốn có thể tiếp tục ở lại Hàn trau dồi, học tập và mở rộng mạng lưới các nhà nghiên cứu.
"Trong tương lai, tôi hy vọng mình sẽ sớm được quay trở về Việt Nam, sau đó có thể tiếp tục ứng dụng nghiên cứu của mình vào trong việc giải quyết các bài toán liên quan đến kỹ thuật dưới nước", Mai Thế Vũ nói.
Người trẻ than phiền bằng cấp du học ngày càng 'mất giá' Khi các trường đại học tại Trung Quốc ngày càng thăng hạng trên các bảng xếp hạng thế giới thì bằng cấp phương Tây giờ không còn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao như trước đây. Nhiều du học sinh cho biết, nhà tuyển dụng quen thuộc hơn với các trường đại học ưu tú của Trung Quốc. Khi bằng cấp...