Bộ trưởng Giáo dục nghiên cứu bỏ thi tốt nghiệp THPT
Bộ trưởng Bộ giáo dục Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Ngày 1/8, trả lời báo chí, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thông tin như vậy, đồng thời Bộ trưởng cũng chỉ định Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là người trực tiếp trả lời chi tiết vấn đề này với báo chí.
Phó chủ tịch nước: Bỏ kỳ thi này
Ngày 31/7, phát biểu về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: bây giờ không phải là lúc chúng ta nói chung chung, bây giờ là lúc đổi mới tư duy và xác định mục tiêu cụ thể từng cấp học.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thừa nhận chúng ta có lỗi rất nhiều trong nội dung và chương trình đào tạo, bà đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong Hội nghị 31/7.
Bà lập luận: “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 – 96%. Vậy Bộ có thắt chặt được không. Nếu thắt thì phải thắt khâu quản lý, thắt quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này”, bà Doan nói.
Theo bà Doan, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đầu tiên là phải có nhân cách. Bậc tiểu học là quãng thời gian quan trọng để hình thành, chi phối cả quá trình phát triển sau này.
“Nếu chúng ta xác định mục tiêu của các cấp học là số lượng, bằng cấp và nặng về lý thuyết thì chúng ta cứ giữ đào tạo như hiện nay, việc gì phải đổi mới” – bà nói.
Một vấn đề nữa, là các kỳ thi tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, lãng phí, tốn kém tiền của của xã hội.
“Chúng ta cần phải thay đổi sản phẩm giáo dục. Hiện nay sinh viên ra trường không làm được việc, phải đào tạo lại rất tốn kém. Phải xác định bắt đầu từ người thầy. Đào tạo cái người ta cần hay đào tạo bằng cái mình có. Chúng ta có lỗi rất nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo”, bà Doan kết luận.
Video đang HOT
GS Hoàng Tụy: Mù chữ không phải là người không biết học
Quan điểm không cần thi tốt nghiệp, bỏ thi tốt nghiệp THPT thực tế đã được các nhà khoa học, nhà giáo dục lên tiếng từ nhiều năm nay.
Từ năm 2008, GS Hoàng Tụy đã chỉ ra: “Không phải cứ thi nhiều thì mới bảo đảm chất lượng giáo dục. Trái lại, chính vì tập trung lo thi nhiều hơn lo học cho nên mới sinh ra xu hướng tiêu cực học chỉ cốt để thi, đặc trưng của một nền giáo dục hư học”.
“Mù chữ không phải là không biết học”.
GS Tụy phân tích, chương trình mỗi cấp học, phổ thông hay đại học, gồm nhiều môn, mỗi môn chia ra nhiều học trình sắp xếp theo một trình tự nhất định. Nếu từng phần của học trình đều có kiểm tra và khi kết thúc từng học trình đều có thi nghiêm túc, thì cuối cấp không cần kiểm tra hay thi lại một lần nữa.
Phải biết quên đi nhiều thứ đã học mà không cần lâu dài thì mới nhớ được thêm nhiều thứ cần thiết khác khi ra đời và làm việc thực tế. Nói như Alvin Toffler, mù chữ thời nay không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những ai không biết học (learn), biết giải học (unlearn, cởi bỏ cái đã học), và biết học lại (relearn)!
Vậy thi tốt nghiệp để làm gì? Mục đích thi là tổng kiểm tra kiến thức về toàn bộ các môn trong suốt cấp học, cho nên đòi hỏi thí sinh phải nhớ, phải thuộc mọi thứ đã học và đã từng được kiểm tra và thi rồi, kể cả nhiều điều không thật sự cơ bản mà như vừa nói, ai cũng có thể và nên quên bớt sau khi ra trường.
Lợi ích của một kỳ thi tốt nghiệp rất ít, nếu lại thi tập trung, quy mô, như thi THPT của ta thì càng tốn kém, căng thẳng mà về lâu dài có thể dẫn đến học vẹt, học chỉ để đi thi. Mấy năm trước, thi tốt nghiệp THPT loại ra 5-7% thí sinh, hai năm gần đây loại nhiều hơn do thi nghiêm túc, nhưng cũng chỉ khoảng 20%.
Đối với xã hội việc loại ra 20% này chẳng có tác dụng gì thiết thực mà đối với cá nhân là một sự tổn thương tinh thần lớn bất kể vì lý do gì, cho nên gần đây Bộ GD và ĐT có chủ trương số 20% này cũng được cấp chứng chỉ học hết THPT. Hóa ra, tốn nhiều tiền, huy động nhiều phương tiện, cuối cùng chỉ để phân biệt cái bằng tốt nghiệp với cái chứng chỉ, thật quá lãng phí.
Có người bảo phải có thi tốt nghiệp việc học mới nghiêm túc, đó chỉ là ngụy biện. Muốn việc học nghiêm túc, điều cần làm là kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc suốt từ dưới tới lớp cao nhất, chứ không phải cứ cho lên lớp bừa bãi, rồi đến cuối cấp tổng kiểm tra bằng một kỳ thi tốt nghiệp.
Dù sao kết quả học tập 12 năm trời không thể dồn lại được quyết định chỉ trong một kỳ thi năm ba ngày. Điều đó gây căng thẳng tâm lý không cần thiết lại mang nhiều yếu tố may rủi (thí sinh nào nhỡ ốm đau đúng vào dịp thi tốt nghiệp thì quá thiệt).
Vả lại, thi trắc nghiệm tuy đang được tích cực áp dụng vì có một số thuận tiện cho cơ quan quản lý, nhưng bản chất nó chỉ thích hợp để kiểm tra trình độ tối thiểu, còn muốn phân biệt giỏi dở thì đòi hỏi nhiều nghiên cứu công phu rất khó thực hiện tốt trong điều kiện VN (giàu có như Mỹ mới có khả năng tổ chức thi trắc nghiệm có hiệu quả, mà không phải mọi sự đã ổn).
Trong mọi trường hợp cần dứt khoát đoạn tuyệt với lối thi tốt nghiệp cổ lỗ, nặng nề và tốn kém không cần thiết. Hãy tập trung lo cho việc học cẩn thận, nghiêm túc từng khoá trình, từng năm học, đó mới là bảo đảm kết quả việc học một cách thiết thực và thực chất.
Loại bỏ hoàn toàn các kỳ thi tốt nghiệp
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nếu thi cử như hiện nay thì tốt nhất không nên tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia nặng nề, tốn kém và không cần thiết. Theo các chuyên gia, nên tập trung đánh giá chất lượng giáo dục bằng những cách hợp lý và thực chất hơn.
GS Nguyễn Lân Dũng thì chua xót gọi kết quả này là hài hước vì cho rằng với 6 môn thi, gần 100% học sinh đều vượt qua là điều không tưởng. Chính vì vậy, ông đề xuất nên bỏ thi tốt nghiệp nhưng phải dựa trên cơ sở xét học bạ.
GS Dũng phân tích: Các trường phải thường xuyên có bài kiểm tra dành cho học sinh qua các học kỳ. Điểm thi có như nào sẽ phải ghi thực chất vào học bạ. Còn tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm cứ 98-99%, vậy tỷ lệ đó có đúng với thực chất đào tạo không?
Nếu không đúng thì nên bỏ thi, vừa cắt bỏ được gánh nặng áp lực cho các em và gia đình, lại tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, ông Dũng nói.
Giáo sư Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội cựu giáo chức VN, nói: “Vấn đề là Bộ phải nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật đó, có như vậy dư luận, người dân mới tin. Còn nói đã làm rất tốt rồi, tỷ lệ tốt nghiệp 100% thì chắc chắn không ai tin cả. Tỷ lệ tốt nghiệp chỉ là kết quả cuối cùng thôi, còn trong quá trình thực hiện như thế nào thì chỉ những người thực hiện là hiểu rõ, có những chuyện họ sẽ không bao giờ công bố”.
Giáo sư Hạc phân tích: “Một kỳ thi quốc gia, hàng triệu thí sinh và hàng chục nghìn giám thị. Đội ngũ lớn như vậy là rất phức tạp, chỉ xảy ra 1% vi phạm đã là hàng chục nghìn người. Con số lớn như vậy cộng với tâm lý xuê xoa, muốn có tỷ lệ tốt nghiệp cao mà giữ được trọn vẹn thì khó lắm. Do vậy, nếu chỉ đòi hỏi học sinh trung bình tốt nghiệp, nên phân cấp và giao trách nhiệm cụ thể hơn đến từng sở GD-ĐT, từng trường họ sẽ có kết quả sát thực tế hơn”.
GS Trần Xuân Hoài cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần loại bỏ hoàn toàn các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và đề xuất mô hình mới cho hệ thống giáo dục trên cơ sở tham khảo mô hình giáo dục của Đức, Thụy Sĩ, Áo, …
Ông cho rằng, nguyên lý ở đây là khi hệ thống giáo dục PT được tổ chức tốt, học sinh đến trường học lấy kiến thức để ra đời làm việc chứ không nhằm ứng phó với các kỳ thi, thì cả người học và người dạy học sẽ không phải gian lận nữa.
Theo Baodatviet
Phó Chủ tịch nước đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Ngày 31/7, bà Nguyễn Thị Doan đã đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT do tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, tốn kém.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại hội nghị ngày 31/7.
Đề nghị này được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu lên tại hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay được Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội.
Lý do của đề nghị này, theo Phó Chủ tịch nước, là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%. "Chỉ duy nhất 1 năm khi thực hiện cuộc vận động "2 không" là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu "thắt" thì phải thắt khâu quản lý, "thắt" quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này" - Phó Chủ tịch nước.
Một lý do nữa cũng được nêu ra, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng cho thí sinh cũng như tốn kém tiền của xã hội. "Hai kỳ thi quá gần nhau vừa khổ cho gia đình vừa khổ cho nhà trường" - Phó Chủ tịch nước nhìn nhận.
PGS Văn Như Cương: Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay.
Quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục. PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng và giao về cho các sở. "Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay: thi cùng ngày, cùng đề, cùng biểu điểm" - PGS Văn Như Cương đặt vấn đề.
Theo PGS Văn Như Cương, thi cử lạc hậu là điều khiến học sinh, phụ huynh khổ sở vì không đánh giá được thực chất. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng học lệch học tủ, học thêm. "Không thể chấp nhận học ròng rã 12 năm trời lại chỉ được đánh giá bằng bài thi 3 tiếng, nên giảm tải kỳ thi" - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Theo NLD
Hai thủ khoa trong hẻm sâu, đường làng Mỗi người một hoàn cảnh nhưng cả hai gương mặt thủ khoa của ĐH Đà Nẵng năm nay đều là tấm gương đáng quý. Một thủ khoa vốn là học sinh của ngôi trường vùng ven thuộc dạng khó khăn bậc nhất Đà Nẵng. Còn thủ khoa kia lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh sống rất chật vật. Con trai...