Bộ Giáo dục hướng dẫn các địa phương xếp hạng giáo viên theo thông tư mới
Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu ở từng hạng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải, ngày 2/2/2021, Bộ đã ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Việc ban hành các Thông tư nêu trên nhằm triển khai thực hiện Luật Viên chức và cập nhật các yêu cầu mới của Luật Giáo dục 2019, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.
Sau khi các Thông tư được ban hành, một số địa phương đã tích cực chuẩn bị triển khai việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo quy định mới.
Ảnh minh họa: Thùy Linh
Để thực hiện các Thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh để phối hợp với Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân huyện/thành phố xây dựng phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tăng cường truyền thông, phổ biến, tập huấn để các đơn vị, cá nhân có liên quan nắm vững và thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; triển khai hướng dẫn thực hiện các nội dung trong phương án bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương để giáo viên yên tâm, không tạo ra tâm lý lo lắng khi chưa được bổ nhiệm và xếp lương theo quy định mới; giải đáp kịp thời các thắc mắc của giáo viên (nếu có);
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp số lượng giáo viên cần phải bổ sung các tiêu chuẩn còn thiếu của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp); hướng dẫn và đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện tiêu chuẩn còn thiếu (nên ưu tiên bố trí những giáo viên còn ít năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tham gia trước).
Một số lưu ý
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng.
Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III áp dụng đối với: giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư số 01,02 có hiệu lực thi hành và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới; giáo viên trung học cơ sở, trung học phỏ thông được tuyển dụng sau ngày Thông tư 03,04 có hiệu lực thi hành.
Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định.
Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có giá trị thay thế trong trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thay đổi chức danh nghề nghiệp ở cùng hạng (giáo viên ở cấp học này chuyển sang cấp học khác cùng hạng chức danh nghề nghiệp).
Theo quy định tại các Thông tư số 01,02,03,04, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng III quy định tại các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23 được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng tương ứng quy định tại các Thông tư số 01,02,03,04.
Do đó, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này, đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.
Video đang HOT
Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện theo quy định; còn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I giáo viên đã có sẽ được sử dụng để đăng kí dự thi/xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.
Bỏ chứng chỉ chức danh, Bộ Giáo dục cần có chính kiến rõ ràng với Bộ Nội vụ?
Chỉ một loại chứng chỉ mà hình như cả hai Bộ... lấn cấn, đẩy trách nhiệm cho nhau thì giáo viên biết kêu ai, hỏi ai bây giờ?
Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập và nó lập tức trở thành tâm điểm của dư luận.
Đội ngũ giáo viên đều mong muốn các cơ quan chức năng bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho đỡ lãng phí thời gian, tiền bạc vì nội dung trùng lặp, không thiết thực.
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì nói chưa thể bỏ được vì vướng Luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ.
Đại diện của Bộ Nội vụ thì cho rằng: "Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và lý do của việc bỏ hay giữ là gì".
Vì thế, giáo viên dưới cơ sở chẳng biết kêu ai, hỏi ai nên có người thì bỏ tiền đi học, người thì chờ đợi hướng dẫn mới...!
Văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Rối bời chuyện chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
Có lẽ chưa bao giờ giáo viên dưới cơ sở lại quan tâm, bàn tán nhiều như khi Bộ ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT. Bởi, theo hướng dẫn của các Thông tư này thì giáo viên hạng III đến hạng I của các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương đương với hạng của mình.
Sau khi Bộ ban hành các Thông tư này thì hàng loạt các trường đại học, cao đẳng gửi email về các địa phương thông báo chiêu sinh các lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Lãnh đạo một số Sở, Phòng cũng sốt sắng chuyển email này về các trường và yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường thông báo, lập danh sách giáo viên tham gia học lớp bồi dưỡng. Một số Sở Giáo dục thì khuyến cáo giáo viên cần thận trọng khi tham gia học chứng chỉ...
Trong ma trận thông tin như vậy thì giáo viên chẳng biết đâu mà lần bởi mỗi người hiểu một cách, mỗi địa phương, trường học hiểu một đàng và có những hướng dẫn khác nhau.
Lúc này, giáo viên rất cần những thông tin định hướng là tất cả giáo viên có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay không thì mỗi cơ quan trả lời một cách khác nhau.
Bộ Giáo dục đề xuất thay đổi hình thức bồi dưỡng...
Trước những bất cập của chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên thì ngày 29/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Trong văn bản này, đã đề cập một số vấn đề như sau:
" Hiện nay, theo đặc thù của ngành Giáo dục, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã được ban hành (theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019) bao gồm các nội dung chi tiết tương ứng với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp.
Căn cứ vào đó, hàng năm giáo viên đều được bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được cấp chứng chỉ nếu đạt yêu cầu.
Vì vậy, việc quy định bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên dẫn đến sự trùng lắp, lãng phí, gây áp lực cho đội ngũ giáo viên...
Vì các bất cập nêu trên, đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Nội vụ đang đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101 theo hướng:
Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp)....
Để phù hợp với bối cảnh hiện nay, cần bổ sung thêm hình thức bồi dưỡng "qua mạng" trong danh mục các loại hình tổ chức bồi dưỡng ". [1]
Như vậy, chúng ta đã thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản "đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức".
Với những đề xuất tại văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, có thể thấy rõ Bộ Giáo dục cũng đã nhìn thấy bất cập, muốn bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên và đề xuất phương án thay chứng chỉ này bằng chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên.
Chúng tôi không biết Bộ Nội vụ phản hồi văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào, nhưng kết quả là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT vẫn giữ nguyên yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên không biết Bộ nào đang níu giữ yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Mới đây, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã trả lời về việc chưa thể bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vì vướng một số văn bản như sau:
"Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33);
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).
Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ".[2]
Cách trả lời của vị đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) theo như cách hiểu của chúng tôi, thì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc với viên chức, trong đó có giáo viên, không thay đổi được.
Đã biết trước luật định như thế, sao không giải thích thẳng cho giáo viên cả nước từ đầu mà để các nhà giáo hy vọng sẽ bỏ được gánh nặng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sau văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Bộ Nội vụ, rồi cuối cùng lại thất vọng khi đọc các thông tư mới?
Ngày 9/3/2021, trên Báo Vietnamnet có bài viết: "Bộ Nội vụ nói về đề xuất bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên" đề cập việc bỏ hay không bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức- Viên chức (Bộ Nội vụ) đã nêu quan điểm như sau: " Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được xây dựng căn cứ vào tiêu chuẩn của từng hạng chức danh nghề nghiệp đó. Tiêu chuẩn thì phải căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí việc làm và thể hiện năng lực, trình độ tương ứng với vị trí việc làm "...
... " Chúng ta cũng đừng nên có suy nghĩ "cứ chứng chỉ là không tốt". Nếu chứng chỉ phục vụ cho đúng yêu cầu của quản lý nhà nước, đáp ứng đúng yêu cầu của đội ngũ viên chức xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ thì "chứng chỉ không có tội tình gì cả", không việc gì phải bỏ đi cả ".
Trước câu hỏi: " Nhiều ý kiến đề nghị bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên. Ông nghĩ thế nào về điều này? " thì ông Nguyễn Tư Long đã trả lời như sau:
" Bỏ hay không bỏ chứng chỉ này thì Bộ Nội vụ không khẳng định được. Việc này phải lấy ý kiến rộng rãi của những người trực tiếp chịu tác động.
Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì hơn ai hết Bộ phải rà soát lại và phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ, có cần hay không cần chứng chỉ này và lý do của việc bỏ hay giữ là gì.
Vấn đề nếu bỏ đi thì cũng phải xác định rất rõ phương thức quản lý sẽ như thế nào? ". [3]
Như vậy, nếu thông tin trên đúng là lời ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) đã chia sẻ với Vietnamnet thì phải chăng chính Bộ Nội vụ chưa muốn bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà các trường đại học đang bồi dưỡng cho giáo viên?
Đồng thời, với chia sẻ này thì phải chăng trước áp lực dư luận giáo giới về việc bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, 1 vị Phó vụ trưởng của Bộ Nội vụ lại đã "chuyền bóng" sang chân cho Bộ Giáo dục và Đào tạo? Ông Nguyễn Tư Long có biết đến "chính kiến" của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ? Bộ Nội vụ đã trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo các vấn đề nêu ra trong văn bản này chưa?
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nói rõ "chính kiến" của mình về những phát biểu được cho là của ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức, Bộ Nội vụ trên Vietnamnet. Nếu không, hai Bộ đá qua đá lại như vậy, giáo viên chúng tôi biết hỏi ai bây giờ?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-muon-thay-chung-chi-boi-duong-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-post211210.gd
[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-tra-loi-chua-the-bo-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-post215876.gd
[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-bo-noi-vu-noi-gi-718012.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bảng lương chi tiết giáo viên trung học cơ sở theo thông tư mới hiệu lực từ 20/3 Có rất nhiều giáo viên quan tâm, thắc mắc nhất là giáo viên bậc trung học cơ sở trong thời gian sẽ được chuyển xếp lương với hạng và hệ số lương như thế nào? Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương...