Bố ‘đập’ iPhone, cho con nghỉ học online: Lỗi tại phụ huynh, tội nhà trường?
Nhiều ý kiến tán đồng quyết định cho cô con gái đang học lớp 10 tạm dừng học online của một gia đình ở Hà Nội, cũng như lo ngại trước nhiều dấu hiệu tâm lý bất thường khi con sử dụng các thiết bị điện tử một thời gian dài.
Hơn 1.000 ý kiến đã được gửi về chỉ vài giờ sau khi bài viết “Ông bố Hà Nội ‘đập nát’ iPhone, cho con nghỉ học online” được đăng tải. Câu chuyện khiến độc giả VietNamNet xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều.
Phụ huynh “đập” điện thoại… không hết lỗi?
Không ít độc giả cho biết từng rơi vào tình cảnh tương tự như trong bài viết.
“Tình cảnh này giống hệt nhà tôi, 7h30 con dậy ngồi máy tính học trực tuyến, bố làm bữa sáng, 9h con ra lấy vào vừa ăn vừa học. Bữa trưa gọi con vội vàng ăn xong lại vào ngồi máy liên tục đến khi đi ngủ chỉ dừng để ăn. Ngồi máy tính quá nhiều, bố can thiệp thì con lí do làm bài, và cần giải trí, nhắc nhở thì lí sự rất nhiều (một phần do tâm lý tuổi 15). Lên giường còn ôm theo laptop, nhắc nhở còn cãi láo, cơn giận bùng lên, laptop bị đập nát. Bây giờ tôi rất bế tắc, không dám nhắc nhở nhiều vì con sẵn sàng im lặng” – anh Nguyễn Văn Minh viết.
Nhiều người tán đồng việc cho con tạm dừng học online, nhưng cũng có người phản đối việc đập iPhone của anh Dương.
Độc giả Trần Phong khẳng định đây là lỗi của phụ huynh bởi: “Đây là các con lợi dụng việc học trực tuyến sử dụng điện thoại máy tính đến quá khuya để chát chít, Facebook, và các trang mạng xã hội thôi. Tóm lại bố mẹ cần quan tâm đến con cũng như thời gian học của con nhiều hơn”.
Độc giả Hai Nguyen thì cho rằng việc học online là bất khả kháng, thế nên không thể đổ lỗi cho ngành giáo dục. Theo anh, các thầy cô và các con cũng hoàn toàn bỡ ngỡ chứ không riêng gì phụ huynh: “Bạn có quyền lựa chọn thay đổi để đồng hành cùng con hoặc bạn có quyền bỏ cuộc”.
Không dừng ở đó, độc giả này cho rằng, nên chấp nhận sự thật là các thiết bị điện tử sẽ sớm chiếm thời gian của các bé. Chấp nhận là bước đầu tiên để có thể đồng hành với các con.
“Tôi có 2 con đang học online, tôi mừng vì các con được an toàn trước Covid và hoàn toàn hài lòng với chức năng quản lý screen time đối với trẻ em của Apple”.
Con trẻ ‘mụ người’ vì học online?
Bạn Long Hoàng cho rằng: “Nhà trường đang dồn ép quá nhiều cho các cháu. Bên cạnh đó, áp lực thi cử buộc các cháu lúc nào cũng kè kè điện thoại, máy tính. Đối với việc học online cũng cần có thời gian và số môn học phù hợp, tạo tâm lý thoải mái”.
Bạn Nhung chia sẻ: “Tôi vẫn suy nghĩ thà học chậm và muộn 1,2 năm còn hơn để các con bị ảnh hưởng nặng nề cả sức khỏe thể chất và tinh thần”.
Không ít phụ huynh lo lắng các con sẽ trở thành… game thủ sau thời gian dài học online. Bạn Langthang1102 cho biết: “Tôi nghĩ hãy thử làm một bài test các phụ huynh xem, học online xong nếu không dạy con có biết gì không? Tôi cá trên 50 % là không thu được gì từ việc học này”.
Tán đồng ý kiến này, bạn Bách Việt tâm sự: “Nhà em thật sự hết cách với các cháu do học online rồi; không chỉ thành game thủ mà tính cách các cháu cũng thay đổi tiêu cực, mắt cận, cáu bẳn”.
Còn câu chuyện của gia đình bạn Trọng Đạt cũng nghiêm trọng không kém: “Con tôi học lớp 9 cũng vậy, học online cả ngày lẫn đêm (học chính học thêm chát với bạn bè); vợ tôi phải mang cơm vào phòng học cho cháu vừa ăn vừa học, cả tháng không ra khỏi nhà vì học online; dạo này tâm lý của cháu trở lên cáu bẳn, cục tính, tôi thấy học online hiệu quả không cao”.
Nhiều độc giả đều bày tỏ sự lo lắng về cả tinh thần và thể chất của trẻ nhỏ khi học online kéo dài mà không có sự kiểm soát tốt.
“Tôi có cậu con trai năm nay học lớp 9, cháu cũng cắm mặt vào máy tính từ 7h45 sáng, trưa thấy bố mẹ đi làm về thì nghỉ một chút, chiều ngồi ôm máy đến 10h tối ăn cũng muốn ngồi ôm máy, bảo nghỉ thì con lý do này nọ, sinh gắt gảu. Tôi cũng sợ con bị ảnh hưởng tâm sinh lý và sức khoẻ” – độc giả Nguyễn Mạnh gửi về VietNamNet.
Còn độc giả Hoàng Thị Hiền thì viết: “Các con vừa học, vừa vào nhóm chát của lớp, của nhóm riêng. Bài tập thì hết trong SGK, đến bài nhóm, rồi cô còn giao thêm ở ngoài. Thậm chí văn cô còn bảo soạn trước các bài chứ không phải một bài….. Thật sự cảm thấy sợ và lo lắng”
“Học online nên có sự giảm tải về nội dung và thời gian”
Đó là ý kiến của nhiều phụ huynh, ví như bạn Anh Quân : “Học online nên có sự giảm tải về nội dung và thời gian. Học như hiện nay thì hoàn toàn không ổn. Bộ Giáo dục nên nghiên cứu và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Quá nhiều nội dung, không cần thiết…”.
Trong khi đó, độc giả haxim…@gmail.com cho hay đồng ý với quan điểm của phụ huynh trong bài viết.
“Học sinh vừa học vừa chat nhóm, vừa chơi game trên máy, giáo viên thì không thể kiểm soát được các học sinh của mình đang làm gì….. Hơn nữa nhờ có máy tính hoặc điện thoại được sở hữu một mình, phụ huynh thì đi làm, bận việc không thể ngồi giám sát suốt thời gian học của con, nên vì cũng ở lứa tuổi hiếu kỳ, các con đã xem và vào nhiều trang mạng nguy hại không phù hợp với lứa tuổi….. Rất nhiều vấn đề làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển tâm sinh lý cũng như mặt đạo đức của học sinh. Tôi mong rằng dù biết phải đối ứng khi dịch bệnh không thể đến trường, nhưng việc học online không nên chạy chương trình như khi đến trường. Việc học có thể kéo dài hơn so với mọi năm không có dịch. Thậm chí vào những tháng hè nếu không có dịch thì có thể cho học sinh đi học bình thường và coi như những tháng nghỉ dịch thay là nghỉ hè”.
Độc giả Nguyên Hải cũng đồng ý: “Mình kịch liệt phản đối cho con học online hai ca cả sáng và chiều. Như thế là quá tải với các con. Các con không thể nhìn máy tính, điện thoại liên tục như vậy”.
Độc giả Mimosa còn đưa thời khoá biểu chi tiết của con như minh chứng cho sự căng thẳng và quá tải khi học online: “Hiện tại con mình ngồi từ 7h25 -11h55 sáng, chiều từ 14h đến 16h30 thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Mỗi tiết cách nhau 5 phút, nên không kịp đứng dậy vì chào cô môn này xong, phải vào lớp tiếp theo không thì không kịp điểm danh. Ngoài ra còn bài tập trên máy, dự án trên máy, sách trên máy… Nhìn con thương quá! Thấy mắt con mỏi, nhìn mờ lại phải tranh thủ massage mắt cho con”.
Bạn Letudung phân tích và cả… động viên các phụ huynh: “Đã xác định là “Tình huống khẩn cấp” mới phải “dạy và học online” – nhưng tư duy là học online nhưng phương pháp là offline thì nó phải vậy thôi. Không bàn về thiết bị, công nghệ – vốn đã quá nhiều vấn đề; nhưng rõ ràng học online thì nội dung phải được giảm tải, thiết kế cho nó phù hợp. Học online thì người điều hành lớp học là các thầy cô giáo – nhưng rất xin lỗi vì nhiều thầy cô đâu có rành về công nghệ, phương pháp và tâm lý dạy online đã được trang bị đầy đủ đâu… Có vấn đề là lại đổ tại công nghệ, zoom… trong khi cái quan trọng nhất là phương pháp thực hiện thì ngành giáo dục vẫn lúng túng lắm”.
Trong khi đó, độc giả Lê Thu Hà – phụ huynh của một nữ sinh lớp 9 than phiền về chương trình học quá nặng, nhiều kiến thức không cần thiết.
“Con có xu hướng học tốt các môn xã hội như Văn, Anh, Sử. Tôi kèm thêm cho con Toán với mục đích thi tốt cấp 3. Tuy nhiên, cảm thấy thực sự sốt ruột vì suốt ngày nghe cô giáo nhắn tin báo kết quả học tập các môn Lý, Hóa. Vì vậy, bắt buộc tôi phải học lại kiến thức 2 môn này dạy cho con. Sau thời gian tìm hiểu, tôi đang thắc mắc tại sao chương trình học Lý, Hóa bây giờ nặng hơn rất nhiều so với kiến thức cách đây hơn 20 năm.
Có cần thiết cho các con học nặng thế không? Hơn nữa, bài tập ra rất nhiều. Vậy mục tiêu đào tạo là gì? Như tôi 1 học sinh khối khoa học tự nhiên đến khi đi làm không sử dụng bất kì kiến thức lý hóa gì thì nếu con gái theo khối khoa học xã hội sau này lại càng không. Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục phải có chiến lược đào tạo rõ ràng tránh tràn lan, dàn trải. Các con học online rất mệt mỏi mà các môn cũng quá nặng và nhiều bài tập nữa…”.
Lệch chuẩn trong môi trường giáo dục 4.0: Báo động xuống cấp văn hóa học đường
Một số sự việc vừa xảy ra trong các lớp học trực tuyến, phần nào cho thấy sự xuống cấp, lệch chuẩn về đạo đức của một số bộ phận thầy cô và học sinh trong môi trường giáo dục 4.0.
Lệch chuẩn trong môi trường giáo dục 4.0 gây bức xúc cho học sinh, nhà trường và dư luận xã hội. Ảnh minh họa: Dân trí.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp ứng xử chưa phù hợp trong môi trường giáo dục. Giáo viên xúc phạm chửi bới học sinh "quái thai về tâm hồn và thể xác", học sinh văng tục, đòi "solo" với thầy giáo.... Những sự việc trên xảy ra ngay trong các lớp học trực tuyến, phần nào cho thấy sự xuống cấp, lệch chuẩn về đạo đức của một số bộ phận thầy cô và học sinh trong môi trường giáo dục 4.0.
Cô mắng trò "quái thai về tâm hồn", trò "thách" thầy "solo"
Trung tuần tháng 9, mạng xã hội xôn xao trước clip có nội dung cô giáo miệt thị học sinh trong lớp học trực tuyến với những lời lẽ vô cùng nặng nề.
Theo đoạn clip hơn 6 phút nói trên, người giáo viên liên tục buông lời mắng chửi học sinh như: "quái thai về thể xác", "quái thai về tâm hồn", "rác rưởi của xã hội", "chết rấp dưới bùn đen của xã hội", "đồ mạt hạng", "đồ tiểu nhân"....
Ngay sau khi được chia sẻ, đoạn clip đã nhận được vô số ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Hầu hết đều cho rằng, dù chưa biết rõ nguyên nhân gì mà cô giáo lại xúc phạm học sinh nhưng trong hoàn cảnh như thế nào, cô giáo cũng không nên sử dụng những từ ngữ miệt thị như vậy để dạy dỗ học sinh.
Được biết, sự việc trên xảy ra tại một lớp học online của trường THPT Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Người giáo viên trong đoạn clip là cô Trần Thị Hải Y., giáo viên môn Văn, Trường THPT Cam Lộ.
Theo tường trình của cô giáo Y., khi đang giảng bài, cô Y. hỏi học sinh có hiểu bài hay không thì em G. ở vị trí số 11 trên lớp học trực tuyến (lúc đó đang tắt màn hình) nói: "Em không hiểu". Không những vậy, tại ví trí số 11 của em học sinh này còn phát ra những lời lẽ tục tĩu khiến cô bức xúc, không giữ được bình tĩnh nên đã phát ngôn thiếu chuẩn mực như clip phát tán trên mạng.
Sự việc tại trường THPT Cam Lộ không phải là trường hợp duy nhất. Chỉ cách đây vài ngày, vụ việc giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã có những lời lẽ không chuẩn mực, đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online chỉ vì xin giảng lại do tiếng mưa ồn, gây xôn xao dư luận.
Theo nội dung bản tường trình của giảng viên này, tại buổi học online diễn ra ngày 16/9, do đặc thù môn học khó nên giảng viên đã thống nhất từ đầu yêu cầu sinh viên tập trung nghe giảng, không hiểu phải phản hồi ngay.
Vì vậy, khi sinh viên xin giảng lại, giảng viên cho là sinh viên không tập trung nghe giảng và chưa thực hiện đúng các thống nhất ban đầu của lớp học và yêu cầu sinh viên ra khỏi lớp học online thời điểm đó.
Tuy nhiên, theo giảng viên, việc làm này chỉ để gây sự chú ý và để định hướng các sinh viên tập trung vào bài học, sau đó giảng viên đã để sinh viên quay lại lớp học để không mất bài.
Giảng viên nhận lỗi về việc sử dụng ngôn từ và phương pháp chưa phù hợp trong lớp học, vô tình gây xúc phạm đến sinh viên và người xem, đồng thời cam kết sẽ khắc phục.
Trong một diễn biến ngược lại, cũng có không ít các vụ học sinh vi phạm đạo đức như văng tục, chửi bậy, xúc phạm giáo viên tại các buổi học online.
Video: Học sinh văng tục, đòi "solo" với thầy giáo. Nguồn: Facebook
Trung tuần tháng 9/2021, chỉ vì bị giáo viên hỏi bài vở, tiến trình học tập mà một sinh viên của Trường cao đẳng FPT Polytechnic đã có những lời lẽ hỗn hào, vi phạm đạo đức, chuẩn mực.
Không những vậy, em này còn liên tục thách thức giảng viên của mình: "Em thích em nghỉ luôn. Bố m... sợ à? Lên phòng đào tạo solo luôn. Thích thì học, đ.. thích thì thôi nhé".
Trong đoạn clip dài hơn 3 phút lan truyền trên mạng xã hội về cuộc đối thoại nói trên, nhiều thành viên trong lớp học online ngỡ ngàng, bức xúc với thái độ và hành động của nam sinh viên này: "Bạn sai rồi", "Thầy quá hiền rồi"...
Lệch chuẩn về đạo đức trong môi trường giáo dục 4.0
Mặc dù một số sự việc cá biệt xảy ra trong môi trường học đường đã được nhà trường, ngành giáo dục địa phương xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính giáo dục, tính nhân văn nhưng những trường hợp như thế này vẫn tạo ra luồng bình luận không tốt, ảnh hưởng tới tâm lý và tình cảm của học sinh, đồng thời cũng gây tổn thương tới danh dự, tâm huyết nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.
Những sự việc trên xảy ra ngay trong các lớp học trực tuyến, phần nào cho thấy sự xuống cấp, lệch chuẩn về đạo đức của một số bộ phận thầy cô và học sinh trong môi trường giáo dục 4.0.
Trên thực tế, từ trước đến nay, việc đào tạo về đạo đức cho giáo sinh không được chú ý nhiều trong các chương trình đào tạo. Thậm chí, ngay cả đối với giáo viên đã ra trường, ngành giáo dục cũng chỉ chú ý đến việc đào tạo kiến thức, mà không có sự rèn luyện về đạo đức phẩm chất và hành vi ứng xử của giáo viên.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần tăng thời gian hội nhập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo giáo viên ở các trường, để các sinh viên ngành sư phạm có thể thực tập ngay khi ở kì 1 của năm thứ 2 nhằm làm quen với môi trường giáo dục và xử lý các tình huống thực. Vấn đề đào tạo về mặt đạo đức giáo dục không thể chỉ dạy trên lý thuyết, gói gọn trong những bài giảng giới hạn ở một vài tín chỉ mà việc này cần cả quá trình rèn luyện lâu dài.
Trong cả 4 năm đại học, sinh viên sư phạm cần những dự án dài hạn mang tính chất rèn luyện đạo đức phẩm chất mà giáo sinh cần vượt qua dựa trên các chỉ báo được xây dựng chi tiết. Theo đó, để có thể hoàn thành dự án này, nguồn đánh giá không chỉ dựa vào các giảng viên đại học mà còn từ đánh giá, nhận xét phía học sinh, giáo viên tại trường mà giáo sinh thực tập.
Về phía học sinh, áp lực học tập, sức ép từ phía gia đình, tâm lý còn chưa ổn định, chưa quen với cách thực học online,...dễ khiến các em bị căng thẳng, mệt mõi, dẫn đến những hành vi bột phát, xúc phạm danh dự giáo viên.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cha mẹ học sinh cần ý thức rằng, nếu muốn con trẻ học tập vui vẻ và hiệu quả thì phải tạo ra không khí vui vẻ cho giáo viên và học sinh. Việc học cùng con là để hỗ trợ con chứ không đặt áp lực lên cả thầy và trò.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tăng cường chỉ đạo, quán triệt tới Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh.
Khi lớp học là những ô vuông vô cảm Có những giờ học online, cả lớp (bao gồm cả giáo viên) tắt camera. Giao diện lớp học khi đó chỉ là những ô vuông đơn sắc vô cảm và chỉ còn tiếng giảng đều đều của giáo viên. Một buổi học online mà tất cả lớp, ngay cả thầy giáo, cũng tắt camera - Ảnh: ĐỖ DƯƠNG Con trai tôi đang học...